VĂN HÓA

Imjingak - Nơi lưu giữ ký ức

Khuê Việt Trường • 16-05-2022 • Lượt xem: 754
Imjingak - Nơi lưu giữ ký ức

Chắc hẳn, bạn đã xem phim: “Hạ cánh nơi anh” của Hàn Quốc lấy đề tài biên giới Nam Bắc Triều Tiên khai thác. Tất nhiên, những cảnh trong phim và thực tế hoàn toàn không thể giống nhau, nhưng bộ phim đã phác họa một phần.

Sự hấp dẫn ở vỹ tuyến 38, nơi chia đôi ranh giới giữa Bắc Hàn và Nam Hàn luôn tạo cho ai đã từng đặt chân tới đây có một cảm giác mạnh. Sẽ khá bất ngờ bởi bạn sẽ gặp ở nơi này những cảm xúc khác biệt, không giống như khi bạn dạo chơi trên những con phố, vào các làng cổ hay vào thăm các vườn trái cây. Ranh giới ngăn đôi hai miền có vùng phi quân sự rộng 2 km. Cho nên từ bên này nhìn qua bên kia chỉ thấy mênh mông. Những hàng rào dây thép gai, những lời cầu nguyện muốn thống nhất đất nước là cảm xúc mãnh liệt cho người tìm tới.


Vùng đất phi quân sự

Năm 1953 theo Hiệp định đình chiến, bán đảo Triều Tiên tạm thời bị chia làm hai miền bằng đường ranh giới quân sự gồm trên cả đất liền, trên biển, trên không và nằm trong khu phi quân sự ở vĩ tuyến 38. Vùng khu phi quân sự (DMZ: Demilitarized zone) trải rộng 2km về hai phía tính từ đường ranh giới này. Công viên Imjingak nằm bên bờ sông Imjin, được xây dựng năm 1972 là một điểm đến du lịch, từ bên này lãnh thổ Hàn Quốc nhìn sang bên kia chỉ là những trụ cầu trơ móng, những cách đồng trơ cỏ, một cảm giác rất lạ. Imjingak nằm ở cực bắc của tỉnh Gyeonggi và chỉ cách Kaesong của Triều Tiên khoảng 22km.

Mọi người bảo, biên giới hai miền Nam - Bắc Triều Tiên là nơi câu chuyện lịch sữ bắt đầu. Quả thật, được đến Imjingak để tận gặp ở nơi mà những người dân Hàn Quốc luôn tìm đến, như ngóng về phương Bắc, ở đó có những người thân của họ mà mơ cuộc trùng phùng. Để thấy, dãi đất ấy chỉ cách ngăn 2 km mà sao xa vời vợi.


Hình nộm người ngồi đợi đoàn viên

Không chỉ là dây thép gai và những trạm canh, nơi đây đang kể những câu chuyện mà chúng tôi chỉ là người ghé qua thoáng chốc. Loay hoay tìm chỗ hút thuốc, tôi gặp một ki-ốt nhỏ dành cho người hút thuốc. Tôi khá bất ngờ khi một người đàn ông Hàn Quốc trạc 50 tuổi ra dấu xin một điếu thuốc. Anh ta bỏ điều thuốc xin được vào túi chứ không hút.

Những lời kêu gọi hòa bình được thể hiện nhiều nhất là các tấm vải đủ màu. Một hàng rào kẻm gai, phủ bên trên là con "sẹt-ti-na" gắn đầy những tấm vải viết lời cầu nguyện. Những lời cầu nguyện trên hàng rào kẻm gai cứ bay bay.


Những lời cầu nguyện ở cầu Tự Do

Imjingak không phải là nơi để vui chơi. Nơi đây có một không gian ký ức, một công viên với những cây lá phong đỏ lá vào mùa thu, có một nhà hàng tự phục vụ và một phòng triển lãm với những bức ảnh tài liệu về vùng giới tuyến. Tò mò hơn một chút là lên tầng 4, có những ống dòm để quan sát bên kia giới tuyến.


Cầu Tự Do

Thực ra chẳng cần nhìn ống dòm, từ bên này đã có thể nhìn sang bên kia. Đó là chiếc cầu sắt dỡ dang, bên này là chiếc cầu gỗ mang tên Tự Do. Ngay đầu chiếc cầu gỗ có hình nộm hai người lính Hàn Quốc đứng canh gác. Chỉ là chiếc cầu gỗ dài 83m và cuối cầu là một bức tường treo đầy lời cầu nguyện đủ mọi thứ có thể viết lên, có khi trên một chai nhựa. Tôi không đọc được những dòng chữ đó, nhưng chạnh lòng trong cơn mưa khi tôi tới. Cây cầu là nơi những người bên Bắc Triều Tiên chạy qua Nam Triều Tiên trong thời khắc chia đôi đất nước vào năm 1953, sau đó nó được ngăn lại thành ranh giời.


Đài tưởng niệm tên Mangbaedan

Có một đài tưởng niệm tên Mangbaedan là nơi những người Hàn Quốc có quê quán ở Triều Tiên hoặc người thân vẫn còn ở miền Bắc, thực hiện các nghi lễ tổ tiên và cúi lạy về hướng quê cũ trong dịp lễ năm mới và lễ trung thu bên cạnh cầu Tự Do. Đài màu xám, nhạc ai oán cứ vang lên trong không gian khiến cho người dừng lại mang một cảm xúc khó diễn tả.

Một đầu máy xe lửa chi chít vết đạn thành điểm tham quan và một đoạn đường sắt dỡ dang. Những vết đạn ấy như nhắc nhở con người phải thương yêu nhau. Bên cạnh đó là bản đồ Triều Tiên, một thùng thư giả định để cho người Hàn Quốc gởi thư cho thân nhân bên kia biên giới, hình tượng những con người đang chờ đợi.

Một dãy vạch sơn màu vàng tượng trưng cho ranh giới đôi bên. Người hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử. Đoàn khách bước qua ranh giới ấy, vào con tàu giả định. Con tàu giả định ấy với hình ảnh lướt qua cửa sổ, tạo cảm giác như bạn đang đi trên con tàu qua bên kia biên giới.

Tôi đã lên trên tầng trên của ranh giới, nhìn những hàng rào chia đôi, xa xa là những móng cầu của một chiếc cầu từng nối liền Nam - Bắc Triều Tiên. Xa lắm, ở bên kia biên giới như nhà ai đang nấu cơm, khỏi tỏa lên trời.

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường