Duyên Dáng Việt Nam

Khám phá 2 giếng cổ ‘khổng lồ’ tại Hà Nội

Ngọc Nga • 06-04-2020 • Lượt xem: 1424
Khám phá 2 giếng cổ ‘khổng lồ’ tại Hà Nội

Hai giếng làng Yên Lộ (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) vừa được tôn tạo lại trong năm 2019, là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây. Đặc biệt, giếng có kích thước rất lớn, được cho là có niên đại cả trăm năm.

Tin, bài liên quan:

Làng nghề ‘tỏa hương’ lâu đời nhất TP.HCM

Phát lộ tượng đài đá 7.000 năm tuổi

Giếng làng Yên Lộ nằm ven đê Yên Nghĩa, được cho là giếng thiêng, với rất nhiều câu chuyện huyền bí. Giếng có đường kính lên đến 30m, sâu khoảng 8m, diện tích mặt nước bao phủ 800m2. Ở phía sát chân đê có một lối xuống với hàng chục bậc thang.

Giếng khổng lồ nằm  ngay đường ven đê Yên Nghĩa

Trước kia, giếng này là nguồn cung cấp nước sạch cho cả làng Yên Lộ. Giếng có 3 hiện vật gồm: cối đá, tấm bia đá và cây đại. Chiếc cối đá chuyên dùng để giã gạo đồ xôi, nấu cơm làm lễ mỗi dịp quan trọng của làng như lễ hội, Tết Nguyên đán... Hiện tại, cây đại đã không còn, chiếc cối đá được đưa về bảo tồn ở đình làng.

Lối xuống giếng

Dân làng không ai nhớ giếng có từ khi nào, chỉ biết từ thời lập làng xây đình, giếng này đã tồn tại. Theo ông Trịnh Bá Chính, đời thứ 17 của dòng họ Trịnh làng Yên Lộ, đình làng có niên đại cả nghìn năm.
Sau khi tôn tạo, khu vực giếng có hàng rào bao quanh, cùng hàng chục ghế đá xung quanh để người dân có thể đến vui chơi, thư giãn giống như bến nước xưa. Giếng được lát bằng đá ong, xung quanh trồng dừa để có bóng mát, lại mang vẻ đẹp thanh bình. 

Bia đá được đặt cạnh giếng, còn cối đá đã chuyển về đình làng để bảo tồn

Cách giếng lớn một đoạn khá xa, là một giếng khác nằm ngay ven đường làng Yên Lộ cũng mới được xây sửa tôn tạo lại. Giếng này có quy mô tương đương nhưng miệng giếng nhỏ hơn, đường kính chỉ khoảng 25m và không được sử dụng vào việc làng.

Khung cảnh thanh bình ở giếng cổ làng Yên Lộ

Giếng nhỏ hơn nằm ở ven đường làng, được lát đá ong đã phủ rêu

Người dân cho biết làng Yên Lộ trước đây có 4 giếng nhưng nay chỉ còn 2. Đây đều là những bảo vật của dân làng Yên Lộ. Không chỉ mang ý nghĩa duy trì nguồn nước, sự sống cho người dân địa phương, giếng làng còn bảo tồn nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng của cha ông.

(Theo Dân Trí)