Hội họa

Khám phá mâm cỗ tất niên ba miền

Đàm Lê Anh t/h • 28-12-2017 • Lượt xem: 12474
Khám phá mâm cỗ tất niên ba miền

Tất niên đối với người Việt chính là một trong những ngày có ý nghĩa quan trọng. Là ngày cả nhà sum vầy bên nhau, gia đình đoàn viên, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của năm cũ và chào đón năm mới đầy hứa hẹn. Từ ngày xưa, việc sắp mâm cỗ ngày tất niên luôn được các gia đình chú trọng. Mâm cỗ mỗi nơi lại có những nét riêng, đặc trưng tùy vào văn hóa và sản vật của mỗi miền.

Miền Bắc

Mâm cỗ miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Trước đây, mâm cỗ miền bắc nói chung và mâm cỗ tất niên nói riêng bao giờ cũng đủ sáu bát (măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc) và tám đĩa (thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho).

Hiện nay, mâm cỗ miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Tất cả các đĩa bày dàn đều trên mâm cỗ để mâm nhìn đầy đặn hơn, thay lời ước muốn năm mới sung túc đủ đầy.

Sự sinh động và giàu màu sắc trên mâm cỗ được tin là sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ - Ảnh: Internet

Miền Trung

Vì là khu vực có khí hậu khá khắc nghiệt so với miền Bắc và miền Nam, nên người miền Trung thường có lối sống cần kiệm. Do đó, hai kiểu món ăn chính thường thấy trong mâm cổ miền Trung chính là các món cuốn, và các món “để dành”

Món cuốn: các món ăn Tết của người miền Trung hay xoay quanh các món cuốn với bánh tráng và rau. Vì vậy bữa ăn ngày Tết rất thường thấy thịt luộc, nem lụi, các món kho mặn hoặc món hấp.

Mâm cổ miền Trung thường đơn giản nhưng vẫn vô cùng hấp dẫn - Ảnh: Internet

Món để dành: Ngoài ra những món ăn của miền Trung còn chú trọng đến yếu tố lưu trữ, nên có lẽ không có vùng miền nào có “kho tàng” các món để dành ăn lâu đa dạng như miền Trung, tiêu biểu phải kể đến là thịt ngâm mắm, nem, tré, dưa món.. Ngoài ra, món bánh tét hay bánh chưng miền Trung cũng khác các vùng miền khác. Món bánh này thường được gói chặt hơn, nhân đậu xanh ít để giúp bánh bảo quản được lâu hơn.

Miền Nam

Mâm cỗ của người Miền Nam ít bị gò bó về nghi thức - Ảnh: Internet

Với khí hậu trái ngược với người miền Bắc, miền Nam đón Tết với thời tiết nóng ẩm, nhưng bù lại, miền Nam có nhiều đặc sản phong phú, trái cây đa dạng. Thêm vào đó, với tính cách phóng khoáng của mình, mâm cỗ của người Miền Nam ít bị gò bó về nghi thức hơn so với các mâm cỗ vùng khác. Món ăn được nhìn thấy nhiều nhất trong mâm cỗ và mâm cơm tất niên miền Nam là thịt kho nước dừa, hay canh khổ qua với câu cửa miệng vui tai của người miền Nam “ăn cho khổ nó qua”. Ngoài ra mâm cỗ Tết của Nam bộ cũng không thể thiếu các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô – củ kiệu, giò heo nhồi, phá lấu, nem, lạp xưởng tươi.

Canh khổ qua với niềm tin rằng sẽ giúp mọi khó khăn, đau khổ của năm cũ qua đi - Ảnh: Internet

Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều khó có bữa ăn đầy đủ các thành viên trong gia đình trong, vì thế những dịp đặc biệt như thế này, chúng ta nên cùng nhau ngồi lại và chia sẽ những câu chuyện, bên cạnh những món ăn truyền thống để mâm cỗ ngày Tết trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn.