VĂN HÓA

Khám phá nguồn gốc và bí mật đằng sau vẻ đẹp xứ Nẫu

Thiện Thuật • 08-08-2023 • Lượt xem: 1844
Khám phá nguồn gốc và bí mật đằng sau vẻ đẹp xứ Nẫu

Xứ Nẫu, một vùng đất nằm ở miền Trung Việt Nam, được biết với 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Điều thú vị nhất và để lòng người khi đặt chân đến xứ Nẫu chính là giọng nói của người dân nơi đây. Giọng địa phương mang một âm điệu dễ thương, gần gũi và ấm áp. Vùng đất này đã từ lâu ghi dấu trong lòng người dân và du khách với những bãi biển cát vàng tuyệt đẹp, món ăn đậm đà và tính cách hào sảng của người dân địa phương.

Tin bài khác:

Myanmar, cái nôi của lụa tơ sen – Nguyên liệu thời trang đắt đỏ trên thế giới

Bí mật đằng sau bát phở của nữ nghệ nhân khiến Blackpink phải mê mẩn

Nghề làm muối: Khi hạt muối không chỉ mặn

Ngược dòng lịch sử về thế kỷ thứ 16

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan với trọng trách đưa lưu dân nghèo đến vùng đất mới từ đèo nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (nay là tỉnh Phú Yên). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên. Vùng biên viễn có đặc điểm hoang hóa, dân cư thưa thớt nên tổ chức hành chính ở đây có những đặc thù riêng. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.

Các đơn vị hành chính nhỏ như Phường, Nậu đã thể hiện tính chất phân công công việc chuyên môn cho mỗi tổ chức nhỏ trong vùng. Phường là những làng nghề có quy mô lớn như làng Lụa và làng Sông Nhiễu. Còn Nậu là tổ chức quản lý nhóm nhỏ người cùng làm một nghề, với người đứng đầu gọi là đầu Nậu. Nậu nguồn chỉ nhóm người khai thác rừng, Nậu nại chỉ nhóm người làm muối, Nậu rổi chỉ nhóm người bán cá, Nậu rớ chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, Nậu cấy chỉ nhóm người đi cấy mướn, Nậu vựa chỉ nhóm người làm mắm...

Năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính, loại bỏ đơn vị hành chính như Thuộc và Nậu. Từ Nậu sau đó chỉ còn được sử dụng trong các tổ hợp danh ngữ để chỉ người đứng đầu trong một nhóm, và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.

Từ Nậu không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia

Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.

Đặc trưng cơ bản nhận diện xứ Nẫu

Từ chữ Nậu ban đầu, phương ngữ Phú Yên, Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Thay vì nói “ông ấy, bà ấy” người Nẫu thường nói “ổng, bả” hay “anh ấy, chị ấy” được thay bằng “ảnh, chỉ”. Và thế là Nậu được thay bằng Nẩu.

Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam) với mô, tề, răng, rứa, chừ, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới của Bình Định, Quảng Ngãi) được đổi thành đâu, kia, sao, vậy, giờ. Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, người dân vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi. Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, Nẩu hay được phát âm là Nẫu.

Khi hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy?” thay vì sử dụng ngôi thứ nhất là tôi hoặc ngôi thứ hai là bạn, người dân ở vùng này thường sử dụng ngôn ngữ địa phương và hỏi “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?”. Tương tự, khi nói “Cái nhà này là của họ”, người Nẫu thay đổi thành “Cái nhà này là của nẫu”.

Ngôn ngữ Nẫu không chỉ thể hiện ở cách sử dụng đại từ ngôi thứ ba mà còn trong những từ ngữ thông dụng khác. Thay vì nói “vào tận trong đó”, người Nẫu thường nói là “dô tuốt trỏng” hoặc khi hỏi “vậy hả”, họ sẽ hỏi là “dẫy na?” Thêm vào đó, các từ như “dẫy ngheng” (vậy nghen hay thế nhé), “dẫy á” (vậy đó), “chu cha wơi” (trời đất ơi) cũng là những cách diễn đạt độc đáo trong tiếng Nẫu.

Thanh âm xứ Nẫu trong đời sống

Thanh âm của xứ Nẫu trong đời sống cộng đồng phản ánh sự độc đáo và đậm chất văn hóa của vùng miền Trung Bình Định, Phú Yên. Từ nậu đã biến mất và thay thế bằng từ nẫu để trở thành đại từ nhân xưng ngôi thứ ba cả số ít và số nhiều. Vì vậy, người dân trong vùng thường gọi xứ này là xứ Nẫu.

Người dân xứ Nẫu tự hào tỏ ra với ngôn ngữ và văn hóa đặc trưng của họ, với cách nói “tôi đến từ xứ Nẫu”, “tôi dân Nẫu” và thậm chí gọi nhau là “Nẫu nè” hoặc “Nẫu ơi”.

Ngôn ngữ của người xứ Nẫu có đặc điểm là nói lớn tiếng, giọng nặng và các âm tiết thường bị biến dạng nặng hơn, tạo nên một ngôn ngữ khá khó phát âm và nổi bật so với các vùng miền khác. Điều này khiến người địa phương khác khó hiểu và cảm nhận được sự độc đáo của giọng điệu và ngữ điệu xứ Nẫu.

Cá tính con người xứ Nẫu

Dân Nẫu đi đến bất cứ đâu cũng mang trong mình nét dân quê, học hành đến mấy cũng không bao giờ trụ vững bước chân trên gốc Nẫu của mình. Người Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người miền Bắc, không dịu dàng, lịch lãm như người Huế, cũng không rộng rãi, vô tư như người miền Nam. Họ là Dân Nẫu, độc đáo và riêng biệt.

Người dân Nẫu không quan tâm ý kiến của người khác về họ, họ sống theo cách riêng và không để ý đến những lời đánh giá. Dù tốt hay xấu, họ luôn mặc kệ và thể hiện tính cách độc lập, kiên định của mình. Mặc dù khi làm ăn hay giao tiếp với người ngoài, họ thường gặp khó khăn và ít có bạn bè, nhưng nếu có một người bạn, họ sẽ tận tâm và hết lòng hỗ trợ bạn đến cùng.

Đó chính là những đặc điểm và tính cách độc đáo của dân Nẫu. Họ mang trong mình tình yêu và tự hào về quê hương xứ Nẫu, không sợ khó khăn và luôn kiên định với nguồn gốc và bản sắc dân tộc của mình. Xứ Nẫu không chỉ là một địa danh, mà còn là một biểu tượng của sự đoàn kết, chân thành và tình cảm của người dân đối với quê hương và văn hóa độc đáo của miền Trung Việt Nam.