Yêu là thoát tội (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Xuân Hồng) là vở kịch vừa được diễn trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 tại TP.HCM. Một vở bi kịch về nỗi cô đơn của từng phận người đang đứng trên thiên hạ mà ngả nghiêng vì vận nước và tình si.
Án oan và nỗi lòng nguyễn Nguyễn Trãi là cảm hứng của rất nhiều tác giả kịch bản. Khán giả yêu kịch đã được thưởng thức Bí mật vườn Lệ Chi cách đây nhiều năm, nay lại có dịp tiếp cận với câu chuyện của nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và văn học này ở một góc khác. Với kịch bản Yêu là thoát tội, Lê Chí Trung đã không tập trung vào oan khuất của Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi viên mà nói về nỗi cô đơn dằn vặt của ba nhân vật Nhà Vua, Thị Lan và Nguyễn Thái Úy. Tác giả vì sợ khai thác câu chuyện tình yêu sẽ bất kính với tiền nhân nên đã dùng những tên gọi khác cho các nhân vật mình muốn nói đến, dù rằng khán giả ngay lập tức thấy thấp thoáng bóng dáng của Nguyễn Trãi, vua Lê và Nguyễn Thị Lộ trong vở kịch. Một vở bi kịch tưởng nặng nề làm... mệt khán giả nhưng câu chuyện kịch và cách dàn dựng, diễn xuất hấp dẫn đã kéo người xem đến tận phút cuối. Xen giữa những cảnh bi tráng, nặng về tâm lý là những miếng hài được tung ra nhẹ nhàng, duyên dáng đã níu chân khán giả.
Nghệ sĩ Hoàng Yến (vai Thị Lan) và nghệ sĩ Trần Tường (vai Nguyễn Thái Úy) trong vở kịch
Bàng bạc trong vở diễn là nỗi cô đơn của các nhân vật, mỗi người một kiểu nặng trĩu trong lòng. Cái cô đơn càng kinh khủng hơn khi đó là những người đứng trên vạn người: một Nhà Vua, một quan Thái Úy và một bà Học Sĩ... mà vẫn không với được cái mình muốn. Các nhân vật trong kịch mang nỗi niềm chứ không mang tội lỗi, bởi tình yêu si mê thường được tha thứ.
Nguyễn Thái Úy tài hoa, cương trực, luôn nặng lòng vì việc nước lại gặp cảnh vừa dẹp được loạn binh đao ngoài chiến trận thì đối mặt với những rối ren trong cung, nịnh thần hoành hành, tranh giành đố kỵ, vua bảo thủ, hà khắc... Chiếu chỉ cho Nguyễn Thái Úy về Long Sơn dưỡng lão và triệu Thị Lan - vợ ông - vào cung làm Học Sĩ đã gây ra oan trái cho nhiều người. Quan Thái Úy tài giỏi, chính trực, không thỏa hiệp bất cứ điều gì làm hại dân, hại nước nên vô tình đánh bật những nịnh thần kém cỏi (mà thời nào kiểu người này cũng nhiều) ra khỏi mình. Do vậy, dù chẳng muốn nhưng ông cứ tựa Sao Khuê cô đơn từ trên cao chiếu sáng vời vợi, muốn có người chia sẻ nỗi niềm nhưng chẳng ai. Trong khi Thái Úy kiên định một đường, thì Vua lại quá nhiều nguồn tin xung quanh gây nhiễu loạn, trong khi ông chỉ có một người vợ là tri âm thì vua lại đoạt mất. Một mình nơi đất mẹ Long Sơn, quan Thái Úy càng ngẫm sự đời càng thấy cô đơn và nỗi cô đơn biến thành nỗi đau khi phu nhân ông trở về đã mang một hình dáng khác trong tim.
Thị Lan (Hoàng Yến) và Nhà Vua (Lê Hoàng Giang)
Thị Lan mang cái thanh xuân của một người đàn bà đẹp cùng với nỗi niềm u uất lặng sâu mà nhà vua không thể thấu hiểu bỗng trở thành một niềm hứng thú mới cho người đứng đầu thiên hạ. Vào cung, trở thành Học Sĩ, người khác gọi Lệnh bà nhưng có gì vui khi ngoài cung là người chồng vò võ một mình cùng với bao nhiêu cảm xúc đang nè nặng trong tim. Với chồng là tri âm, là tình nghĩa nhưng với vua là tuổi trẻ và xuân thì khó cưỡng lại, chọn về phía nào cũng dở nên thâm tâm bà bao nhiêu dằn xé ngổn ngang. Đêm khuya nghe lệnh vua triệu, ai biết bà đến vì cứu chồng khỏi liên lụy tội khi quân hay thật tâm là nỗi nhớ nhà vua? Chỉ có cái chết mới có thể giải tỏa cho bà lúc này.
Nhà Vua - người đứng trên thiên hạ - từ trên ngôi cao dễ gì nhẹ lòng. Việc nước rối ren chưa có cách xử, trung thần rời xa, mỹ nữ thì chán ngán, nay bỗng gặp một người đẹp với bao ưu tư khiến vua rung động. Cái rung động của vua là "rung động chết người" bởi một khi vua đã triệu thì khó bất tuân. Lòng người thật chẳng rõ, bao nhiêu mỹ nữ trong cung vậy mà khiến nhà vua chán ngán. Thị Lan xuất hiện, lộng lẫy và sâu sắc, càng khiến vua thấy những người đàn bà trong cung rỗng tuếch. Quen kiểu vẫy tay là có đàn bà, nay có người với hoài chẳng được khiến vua càng thêm thú vị. Tấm chân tình và nỗi si tình của vua đã khiến Thị Lan đôi phen "chới với" nhưng làm sao có được nàng. Một đằng là kính trọng, một đằng là si mê, của vua đối với vợ chồng quan Thái Úy.
Chuyện kịch xoay quanh 3 nhân vật nói trên nhưng các nhân vật khác: hoàng hậu - kẻ bị thất sủng, Nguyễn Hiền - hoạn quan không tình yêu... cũng mang nhiều nỗi niềm.
Vở kịch hấp dẫn bởi diễn xuất rất tốt của các diễn viên và ý đồ dàn dựng của đạo diễn. Cảnh trí sân khấu không có gì ngoài bậc tam cấp cao với lối ẩn dụ, khi thì ngai vàng, khi thì thư phòng, khi là triều đình, khi lại là nhà quan. Chính bậc tam cấp này cũng là "công cụ" để chia sân khấu thành nhiều không gian khác nhau: là dòng sông, là khu vườn... Sân khấu xoay của Nhà hát Thế Giới Trẻ đã được đạo diễn tận dụng triệt để tạo nên những dàn cảnh, di chuyển của các nhân vật rất đẹp đã đẩy cảm xúc của khán giả lên rất nhiều.
Cảnh Hoàng hậu căng thẳng với Thị Lan
Phục trang được nhà thiết kế Sỹ Hoàng thực hiện bằng một màu trắng, phân biệt giới tính và cấp bậc của nhân vật bằng những hình vẽ trên áo, nhưng lại tạo được bao nhiêu là màu sắc trong mỗi nhân vật.
Cảnh trí và phục trang đơn giản, cùng với sự "hỗ trợ" của ánh sáng khiến sân khấu giản dị mà sang trọng. Ánh sáng với hai màu chủ đạo mà màu xanh của vườn tược, núi rừng, sông suối và màu vàng của cung đình.
Vở kịch Yêu là thoát tội của Nhà hát Thế Giới Trẻ tham dự Liên hoan Kịch nói năm nay, với sự tham gia của các giảng viên của trường Sân khấu - Điện ảnh và các diễn viên nhiều kinh nghiệm: NSƯT Hoàng Yến (vai Thị Lan), NSƯT Trần Tường (Thái Úy), Lê Hoàng Giang (nhà vua), Phạm Huy Thục (nịnh thần Lê Đa), nhà thiết kế Sĩ Hoàng (thái giám Nguyễn Hiền)... Sau Liên hoan, Nhà hát Thế Giới Trẻ đang nỗ lực để vở diễn được có nhiều dịp đến với khán giả hơn nữa.