Duyên Dáng Việt Nam

Kraun Sinhapura, sông Thu Bồn xưa và tam giác châu thổ - Bút ký Đinh Bá Truyền

Đinh Bá Truyền • 25-11-2021 • Lượt xem: 2287
Kraun Sinhapura, sông Thu Bồn xưa và tam giác châu thổ  - Bút ký Đinh Bá Truyền

Thu Bồn là dòng sông gắn bó thâm tình với những người dân, lưu dân sinh trưởng và ra đi từ Quảng Nam Đà Nẵng. Có nhà thơ thao thức đến mức đã chọn tên sông làm bút hiệu của mình. Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Văn Xuân, Lâm Quang Thự, Albert Sallet (Pháp)... đều có những trang biên khảo về dòng sông. Thật thú vị khi DDVN vừa nhận được bài viết của nhà nghiên cứu trẻ Đinh Bá Truyền với những thông tin có giá trị chưa thấy trước đây. Trân trọng giới thiệu. 

Tin và bài liên quan:    

Sống đẹp: 'Con trai, Ba đang ở trên toa cuối'

Sáng tạo là con đường Thi sĩ - Tiểu luận phê bình Tâm Nhiên

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 3)

Thi phẩm 'Vỉa từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh: Những sáng tạo mới Thi ca

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Vào cái buổi bình minh ở thời kỳ lập quốc, các vị quân vương ban đầu của nhà nước Lâm Ấp cổ, những người đầu tiên ngự trị trên mảnh đất Amaravati (Quảng Nam ngày nay), đã kiến tạo quốc gia của mình với mô hình quy hoạch tâm linh - chính trị - kinh tế theo đường sông Kraun Sinhapura (sông Thu Bồn ngày nay).

Lưu vực sông Kraun Sinhapura cùng với toàn bộ vùng tam giác châu thổ của nó chính là cội rễ không gian sinh tồn (Lebensraum) của nhà nước Lâm Ấp cổ và vương quốc Champa thời kỳ hoàng kim sau này. Đầu nguồn, ở tận sâu trong một thung lũng dành cho những vị vua thánh bao quanh bởi núi rừng trùng điệp là khu đền tháp Srisana Bhadresvara (thánh địa Mỹ Sơn), nơi linh hồn của các Chiêm vương hướng tới cõi vĩnh hằng. Đỉnh của tam giác châu thổ sông Kraun Sinhapura là đô thành Sư tử Sinhapura (Trà Kiệu); trọng tâm của tam giác đó là thành Campapura (Thanh Chiêm), nơi mà từ thế kỷ thứ IV, trong cuốn sách Thủy Kinh Chú (水經注) của mình, Lịch Đạo Nguyên (酈道元, ?-527) đã gọi nó bằng cái tên Điển Xung; nằm trên khúc cuối về phía tả ngạn dòng sông trước khi đổ ra Đại Chiêm hải khẩu là Chiêm cảng (Hội An) và thêm một tiền cảng ngoài khơi là Pullociampello (Cù lao Chàm).


Hoa lau bên sông Thu. "Lô hoa thích thích phiên tình chử - Phất phơ lau lách nắng nghiêng" - (Ảnh: Nguyễn Đình Đắc Ý )

Từ thế kỷ XVI, các chúa Nguyễn, với tư cách là chủ nhân mới của vùng đất này, đã kế thừa một cách khôn ngoan và sáng tạo bản quy hoạch theo đường sông Thu Bồn từ các Chiêm vương. Sự khôn ngoan thể hiện ở việc phục hưng Chiêm cảng với tên gọi mới là Hội An và sự sáng tạo được thể hiện qua việc xây dựng dinh trấn Thanh Chiêm.

Nhờ vị trí đắc địa mà cảng thị Hội An (Chiêm cảng) trở thành một giang - hải cảng (cảng cửa sông - ven biển: riverino - maritime port) bởi nơi đây là ngã tư đường thủy, hợp lưu của ba con sông, sông Thu Bồn, sông Cổ Cò và sông Trường Giang trước khi đổ ra cửa Đại Chiêm. Thuyền buồm vượt đại dương có trọng tải lớn và những chiếc ghe bầu dùng để chuyên chở nhỏ đều dễ dàng cập bến. Xét theo cái nhìn địa - chính trị mức vĩ mô, Hội An là một ngã tư quốc tế khi nằm trên giao lộ của hải trình từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và ngược lại; hơn nữa Hội An còn là cái cửa mở lối vào nội địa cũng như từ nội địa ra đại dương. Thế kỷ XVII - XVIII là thời kỳ Đại thương mại (Grand Commerce), bước khởi nguyên của chủ nghĩa tư bản hiện đại, Hội An may mắn nằm trên tuyến đường buôn bán tơ lụa, gốm sứ và hương liệu tấp nập nhất thế giới nên đã từng đưa đón bao chuyến thương thuyền của người Tây phương, người Nhật và Trung Hoa ghé qua. Các đời chúa Nguyễn đều nhận thức rõ điều đó nên chỉ cần có thêm một chính sách ngoại thương thông thoáng thì Hội An trở thành bầu sữa nuôi sống cả vương triều Đàng Trong. Đó là lý do tại sao Hội An trở thành một thương cảng sầm uất không chỉ ở Đại Việt mà cả vùng Đông Nam Á trong hơn hai thế kỷ XVII và XVIII.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dùng cảng Chiêm xưa để lập cảng mới, vậy tai sao không dùng luôn đô thành Sư tử làm nơi đặt dinh trấn Quảng Nam mà lại dựng tại thành Campapura (Thanh Chiêm)? Tại sao Thanh Chiêm? Trả lời được câu hỏi này một cách chính xác, nào phải là các vị học giả uyên thâm, cũng không phải các bạn và tôi mà chính là dòng Thu Bồn đã và đang tưới mát đất Quảng Nam. Thu Bồn là danh xưng của dòng sông lớn nhất đất Quảng Nam. Tên gọi Thu Bồn xuất hiện lúc nào, đến nay vẫn chưa ai biết một cách chính xác, chỉ biết chí ít là nó đã có từ trước năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đậu thuyền tại đây và lưu lại cho hậu thế bài thơ "Thu Bồn Dạ Bạc" (Đêm đậu thuyền bến Thu Bồn).


Một nhánh sông Thu Bồn (Ảnh tư liệu) 

Nguyên tác chữ Hán:

秋 湓 夜 泊

遠 別 神 京 憶 去 年

湓 江 今 有 載 吟 船

芦 花 嘁 嘁 繙 晴 渚

樵 唱 低 低 隔 暮 煙

有 客 和 琴 調 素 月

何 人 把 酒 對方 筵

愁 來 偶 值 鳥 飛 咇

施 信 今 身 是 樂 天

Phiên âm Hán Việt:

THU BỒN DẠ BẠC

Viễn biệt thần kinh ức khứ niên

Bồn giang kim hữu tải ngâm thuyền

Lô hoa thích thích phiên tình chử

Tiều xướng đê đê cách mộ yên

Hữu khách huề cầm điều tố nguyệt

Hà nhân bả tửu đối phương diên?

Sầu lai ngẫu trị điểu phi tất

Thỉ tín kim thân thị Lạc Thiên (Bạch Cư Dị)

Lê Thánh Tôn

 

Dịch thơ:

ĐÊM ĐẬU THUYỀN BẾN THU BỒN

Kinh đô xa cách từ năm ngoái

Thuyền nhỏ sông Thu dạo bữa nay

Lau vẫy phất phơ bờ bãi lặn

Tiều ca văng vẳng khói chiều bay

Có ai đàn lẻ đêm trăng sáng

Đâu kẻ cùng nâng cốc rượu say?

Sầu đến mới hay chim vắng bóng

Lạc Thiên có phải chính thân này

Xuân 2010

Đinh Vũ Ngọc dịch (*)


Lưới cá trên dòng sông Thu (Ảnh tư liệu) 

ĐÊM ĐẬU THUYỀN BẾN THU BỒN

Một năm xa cách kinh đô

Thu Bồn nay đón khách thơ đậu thuyền

Phất phơ lau lách nắng nghiêng

Tiều phu vẳng khúc hát xuyên khói chiều

Trăng lên đàn gảy cô liêu

Đâu người nâng cốc đã nhiều tiệc hoa?

Chợt buồn cánh nhạn chao qua

Phải chăng giờ trẫm cũng là Lạc Thiên

Xuân 2010

Đinh Bá Truyền dịch

Sông Thu Bồn bắt nguồn từ núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum, chảy vào địa phận Quảng Nam, hợp lưu với dòng Vu Gia, băng qua Trà Kiệu. Đến làng Văn Ly, cực tây của Gò Nổi thì sông chia thành hai dòng nam (sông Cái) và bắc (sông Thu Bồn). Hai dòng tách ra ôm Gò Nổi vào lòng rồi nhập với nhau tại bến Câu Lâu (giang cảng của dinh trấn Thanh Chiêm). Từ đó dòng Thu Bồn xuôi về Hội An để đổ ra cửa Đại.


Nhà nghiên cứu Đinh Bá Truyển 

Vào thời Lâm Ấp (thế kỷ thứ IV), trong Thủy Kinh Chú, Lịch Đạo Nguyên đã gọi sông Thu Bồn là sông Hoài. Bởi thế người Nhật, người Hoa mới gọi Hội An là Hoài Phố, và người Tây phương chép thành Faifo. Sau đó, thời kỳ Champa, dòng sông ấy chảy qua đô thành Sư tử Trà Kiệu nên có tên là Kraun Sinhapura. Trong Chiêm ngữ, Kraun là sông, Sinhapura là Đô thành Sư tử nên Kraun Sinhapura nghĩa là sông Đô thành Sư tử. Danh xưng này được nhà Champa học lỗi lạc Louis Finot phát hiện lần đầu tiên vào năm 1903 khi ông đọc được trên một tấm bi ký của vua Jaya Harivarman I ở Mỹ Sơn (theo Louis Finot, Notes d'épigraphie : XI. Les inscriptions de Mĩ-Sơn, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient, Année 1904, Volume 4, Numéro 1, p. 915). Đến thời Nguyễn, các sách dư địa chí nhà Nguyễn đều ghi sông Thu Bồn là Sài Thị giang (柴 市 江) hay Sài giang (sông Chợ Củi) bởi nó chảy qua Chợ Củi ngay bến Câu Lâu, nơi có một khu chợ bán củi sầm uất nằm phía tây nam dinh trấn Thanh Chiêm. Phải chăng danh xưng Sài Gòn ngày nay vốn có nguồn gốc từ Sài giang ?

Sông Hoài, sông Đô thành Sư tử (Kraun Sinhapura) hay sông Chợ Củi (Sài Thị giang 柴 市 江) đều là những danh xưng trong quá khứ của một dòng sông Mẹ ở đất Quảng Nam: sông Thu Bồn!

------------


Sông Thu đoạn chảy qua phố Hội (Ảnh: Tư liệu) 

Chú thích:

(*) Vì chưa thấy ai dịch bài thơ "Thu Bồn Dạ Bạc", nên đầu xuân 2010, bác Đinh Vũ Ngọc và tôi bàn nhau dịch thử. Lúc đầu tôi định dịch theo thể Đường luật, nhưng chỉ độ 2 hôm sau, bác Ngọc đã dịch xong bài thơ theo thể Đường luật. Thấy không thể dịch hay bằng bác Ngọc, tôi bèn dịch theo thể lục bát. Kết quả là có hai bản dịch!

 

Đinh Bá Truyền