Hội họa

Kỳ 48: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 02-04-2019 • Lượt xem: 17523
Kỳ 48: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đó cũng là một kinh nghiệm cho tới khi trước đó cứ tưởng rằng “ghệ” nào cũng có bản tính dễ dãi như nhau cả vì chưa gặp phải trường hợp như với nàng Mai. Ái tình có một mãnh lực quả là mạnh bạo đã khiến San cũng như tôi trở thành hai anh học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành với một sự mong mỏi là được “mi” hai nàng một cách đúng nghĩa. Mọi sự trì trệ, khất lần bài vở không còn xảy ra. Chăm chỉ đến nỗi cô Lan cũng như bố tôi tỏ ra lo ngại cho sức khỏe của hai chúng tôi vì gần một tháng trước khi thi đêm nào cũng thức đến 4, 5 giờ sáng đến nỗi mặt mày tiều tụy, xuống sắc thấy rõ.

Trước kia, bà nội cũng như bố tôi đã từng khuyên bảo tôi học hành siêng năng rất nhiều, nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua, rồi đâu lại vào đó. Nay chỉ vì phần thưởng là đôi môi mọng và xinh xắn của Mai mà tôi nghe lời nàng răm rắp, thế mới biết tiếng nói của tình yêu nó có uy dễ sợ.

 

Kết quả là tôi đã được “uống mối em ngọt” sau kỳ thi đó. Và dĩ nhiên San cũng ở trong trường hợp tương tự với Hoa. Tin cậu cả Kỳ thi đậu đã khiến gia đình tôi vui như Tết. Nhất là bố tôi thở phào nhẹ nhõm khi ông quý tử của mình khỏi phải bước vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Cả một tuần lễ sau đó là “yến tiệc linh đình” và “thịt rượu ê hề”. Tình yêu giữa tôi và Mai cũng trở nên sâu đậm lạ thường sau khi lệnh bế môn tỏa cảng được bãi bỏ vào một buổi trưa ngay phía... sau bếp nhà nàng khi không có mặt ai ở nhà. “Uống môi em ngọt” ở trong bếp hẳn nào nó mặn mà và thơm tho làm sao. Lại còn thoang thoảng mùi ngũ vị hương, mắm tôm, nước mắm đầy tinh thần dân tộc. Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được chiếc hôn đậm đà, sướng đến lịm người như trong buổi trưa nóng như lửa hôm đó. Sau lần ra tay nghĩa hiệp với thằng em của nàng, sự đi lại với nhà Mai trở nên rất đều đặn và tự nhiên, tuy rằng trước mặt bá quan văn võ của gia đình nàng tôi luôn luôn phải đóng vai trò “đạo đức cách mạng” một cách tối đa. Chỉ rình rình khi nào không có ai là ôm nhẹ hay nắm lấy “bàn tay năm ngón” kiêu sa của nàng, khiến nàng phải lấm lét nhìn quanh sợ bị bắt gặp.

 

Đại học Luật - Sài Gòn xưa

 

Những lúc... ăn vụng như vậy thú vị lắm lắm, chẳng thế tôi luôn kiếm cách qua nhà nàng với những mục đích đầy chính nghĩa khi có ai hỏi, nhưng thật ra chỉ vì có ý đồ mùi mẫn với nàng chút đỉnh. Bố tôi cũng như cô Lan biết tỏng là hai đứa đã phải lòng” nhau, nhưng tỏ ra “tác thành cho đội trẻ” nên làm ngơ để tôi được tự nhiên và... vô tư! Bố tôi được cái... dễ chịu là trước đó ông chưa hề tỏ ra phản đối những chị đào nhí của tôi mà ông đã có dịp gặp. Chắc là ông muốn chứng tỏ cậu quý tử của ông cũng có số đào hoa như ông khi còn trẻ chăng? Cái tôi gọi là tình yêu với Mai dần dần lại cũng đã trở thành lợt lạt, nhất là sau khi được “bảng hổ đề danh”, tôi đã trở về nguyên quán ở đường Nhật Tảo (tức Da Bà Bầu trước kia) như cũ và tiếp tục tụ họp với đám bạn trên đường Trương Công Định như cũ sau nhiều tháng vắng bóng. Lại một lần nữa cái mà tôi nghĩ là tình yêu đích thực của tuổi trẻ chỉ là những “mini love” sau khi đến một lứa tuổi chín chắn và già dặn nào đó trong đời. Tuổi trẻ cũng dễ quên nên sự giảm sút mặn mà với Mai đối với tôi cũng rất bình thường. Nhưng phải công nhận thời gian đó cũng được tôi coi như một thời gian rất đẹp. Hơn nữa, cũng nhờ đó mà tôi đã thoát được cái ải quan trọng của cuộc đời học sinh trong thời chiến.

 

Đại học Luật - TP.HCM

 

Các hội viên của “Teenagers club” sau mùa thi cũng lại lũ lượt kéo về đây sau khi đã để yên cho “khứa lão” và “ghế mẫu” của tên Hải Heo một thời gian tịnh dưỡng tâm thần, khỏi phải nghe tiếng xe máy xình xịch lui tới suốt ngày, khỏi phải nghe thấy những tiếng lao nhao loạn xạ không lúc nào ngơi. Vấn đề được bàn cãi gay go nhất là sẽ ghi tên hay thi vào đại học nào. Thằng thì nhất định theo nghề “tu bíp” nên cương quyết thi vào Đại Học Y Khoa, đứa thì đòi vào Khoa Học, Kỹ Thuật Phú Thọ hay Văn Khoa. Một số khác sửa soạn lên đường du học, theo chân không ít những thằng bạn ở Taberd thuộc những gia đình con ông cháu cha” vọt qua Bỉ, qua Tây hay Thụy Sĩ từ trước. Đáng lẽ tôi cũng đã được gửi sang Đức học hai năm trước đó qua sự giới thiệu của ông cha Bác là linh mục Phạm Long Tiên (đã qua đời cách đây khá lâu) là một linh mục rất cấp tiến trong thời kỳ này. Ngài rất thân với bố tôi và đã từng đề nghị khi làm đám cưới cho tôi vào năm 74, sẽ mặc quần jean và áo thun cử hành lễ thành hôn tại nguyện đường trên đường Tú Xương cho hợp với một người được mệnh danh là “Vua Hippy”.

 

Thẻ sinh viên luật xưa

 

Tôi thấy đề nghị hay hay nên chịu liền, trong khi bố tôi cũng tỏ vẻ biểu đồng tình. Nhưng đâu có dễ gì được bà nội tôi bằng lòng. Bà đã nhảy dựng lên khi nghe cha Phạm Long Tiên đề nghị như vậy: “Giê Su Ma, lạy Chúa tôi! Ma quỷ! Ma quỷ! Đúng là ma quỷ? Không thể nào làm như vậy được. Làm như vậy để thiên hạ cười cho thối mặt, thối mũi ra hay sao? Giê Su Ma, Lạy Chúa tôi? Làm thì cứ làm, nhưng chắc chắn là không có mặt tôi tham dự đâu”. Trước sự phản đối rất ư là kịch liệt của bà nội tôi nên cha Tiên đã không có cơ hội mặc quần jean và áo thun cử hành lễ cưới cho “vua hippy”!

 

Riêng tôi, tôi chả cần lưỡng lự gì để chọn ngay Đại Học Luật Khoa để ghi tên theo học. Thứ nhất là muốn chiều lòng bố tôi là theo nghề luật để nối nghiệp của ông. Nhưng thật ra… ngành này rất phè và dễ có thì giờ sinh hoạt với anh em nhạc trẻ. Khoa Học và Kỹ Thuật thì xin chịu. Còn Văn Khoa thì nếu may mắn tốt nghiệp thì sẽ không biết phải làm gì. Viết văn thì chẳng lại ai, nhất là đã từng nghe phán “nhà văn An Nam ta khổ như chó” nên khiếp đảm, rụng rời. Sư Phạm cũng chẳng hấp dẫn tôi chút nào khi phải đóng vai một nhà mô phạm. Đã quen thói ăn mặc lè phè, tóc tai dài thoòng mà phải đóng bộ “sơ mi”, “mang xét”, tóc cắt ngắn gọn ghẽ, mặt mũi nghiêm nghị thì hãi quá. Nhất định là không có tôi. Tưởng tượng ra cảnh tôi đứng trước mặt học sinh với y phục và bộ mặt nghiêm nghị như thế tôi cũng phải phì cười. Chỉ có Luật là ăn chắc. Bố tôi đã rất vui khi tôi hăng hái ghi danh Luật Khoa, hy vọng rằng chỉ 4 năm sau cậu quý tử nhà mình sẽ trở thành một tay luật sư lỗi lạc, cãi cọ hăng hái như điên. Lúc đó thì cái tật cà lăm của tôi cũng đã biến mất từ lâu, do đó tôi tự nhủ nếu... chả may xong cái cử nhân luật, cũng sẽ cãi cọ hùng hổ như ai. Còn nếu không cũng chả nhằm nhò gì.

 

Chúng tôi còn vài tháng để rong chơi và tụ họp thỏa thích trước khi bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học, được coi như là một khúc quanh lớn với lứa tuổi thanh niên. Nhà của tên Hải Heo trên đường Trương Công Định trở nên rầm rộ hơn xưa rất nhiều, do sự chiêu mộ được rất nhiều nam thanh, nữ tú khác của nhạc trẻ cũng như những tay yêu thích nhạc trẻ. Họ coi địa điểm này như một trung tâm nên lui tới thường xuyên để làm quen hoặc nhìn tận mặt những tay đàn, giọng hát họ đã từng được thấy xuất hiện trên những đại hội Kích Đông Nhạc trước đó được tổ chức tại rạp Văn Hoa, trong hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm hoặc gần nhất là đại hội Nhạc Trẻ Taberd năm 65. Kẻ ra, người vào tấp nập như một cơ quan chính quyền. Suốt từ sáng đến tối, không lúc nào ngớt. Cũng trong dịp này tôi gặp Tùng Giang lần đầu tiên.

(còn nữa)