Hội họa

Kỳ 49: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 03-04-2019 • Lượt xem: 22757
Kỳ 49: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tôi còn nhớ rõ vào một buổi chiều, khi cả bọn đang tán phe trong nhà thì thấy một bóng dáng lấp ló trước cửa, như có vẻ muốn gặp chúng tôi. Tôi chạy ra thì thấy một anh chàng nhỏ người, tay cầm một xấp giấy và tự giới thiệu là Tùng Giang. Lúc đó tôi chỉ nghe đến tên Tùng Giang là một nhạc sĩ trong ban The Vibra. Đây là ban nhạc có hình dán ở bìa tờ báo Nhạc Trẻ quay ronéo. Đứng trước cửa nói chuyện với Giang và được anh cho biết là có người trong ban nhạc giới thiệu anh đến đây để gặp tôi.

Số là anh mới sáng tác được một nhạc phẩm, khi biết tôi đã thực hiện tờ báo Nhạc Trẻ nên muốn có dịp được phổ biến trên đó. Nhưng rất tiếc là tờ báo đã hoàn tất trước đó. Chỉ còn có một cách giúp Giang là đề nghị anh đi quay ronéo 300 bản nhạc của mình để nhét vào ruột tờ Nhạc Trẻ coi như là một phụ bản. Không có cách nào khác hơn, nên Tùng Giang bằng lòng để ngày hôm sau quay lại với một chồng bản nhạc của anh. Tôi không nhớ rõ tên bên nhạc là gì, nhưng được anh cho biết nội dung nói về tình yêu của anh đối với Yến Trang, là vợ anh sau đó không lâu và cũng là mẹ của các ca sĩ Giáng Ngọc, Yến Mai cũng như mẹ của Derek Phạm là chuyên viên thu thanh cho trung tâm Diễm Xưa hiện nay.

 

Ban nhạc The Strawberry: Đức Huy, Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Billy Shane

 

Tùng Giang trước khi bước vào làng nhạc trẻ cũng đã từng lăn lộn nhiều năm trời tại các dancing ở Sài Gòn sau khi từ Nha Trang, là nơi sinh quán của anh, theo chân bố là một nhân viên ngành hỏa xa vào cư ngụ trên đường Lê Lai. Không những thế anh cũng đã từng quen biết với nhiều nghệ sĩ trong giới cổ nhạc và kịch nghệ, trong số có hai vợ chồng kịch sĩ Túy Hoa và Anh Lân của ban Dân Nam (sau đó đối thành Tân Dân Nam). Cũng do đó, Tùng Giang đã trở nên thân thiết với ái nữ của cặp vợ chồng này là Túy Phượng, một thời được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc Twist” với một thân hình rất sexy, nấy lửa qua phần trình bầy những nhạc phẩm kích động. Tùng Giang, khi đó là một thanh niên đang hồi ham vui nên đã không tránh khỏi một sự “sa chước cám dỗ” với “Nữ Hoàng Twist” trong một buổi chiều “vừa gió lại vừa mưa” tại ngay phòng khách nhà Túy Phượng theo lời anh kế.

 

Trong những năm trời lăn lóc đó, Tùng Giang đã được tay trống Huỳnh Hiếu truyền nghề để trở thành một tay trống nổi tiếng sau này. Không những thế anh cũng đã từng theo chân các đoàn cải lương đi đó đây, cũng như có những giao du với giới nghệ sĩ nên thường xuyên có mặt tại hậu trường đại nhạc hội khoảng đầu thập niên 60, cũng là thời gian anh từng cộng tác với ban nhạc Rock Tigers, đã có vài lần xuất hiện trên sân khấu phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Tính tình Tùng Giang rất nóng nảy, chẳng thể có lần anh “nực gà” với một nam ca sĩ nọ, đã đu giây như Tarzan từ trong hậu trường, đạp văng chàng ca sĩ nọ rơi xuống sân khấu trước sự ngơ ngác, ngẩn tò te của khán giả để sau đó vỗ tay vang dội trước màn phụ diễn “Tarzan nổi giận” rất bất ngờ này! Ngoài ra Giang cũng hay có mặt tại các vũ trường trong thời kỳ này nên đã quen biết với Yến Trang là một vũ nữ, thường được dân chơi gọi là “ca ve”. Người ta - qua những nhận xét phiến diện – thường cho giới “ca ve” là giới phóng túng, chịu chơi và không được đàng hoàng lắm.

Chương trình nhạc trẻ Tùng Giang 2

 

Tuy nhiên nếu đi sâu vào cuộc sống của giới này, sẽ không thấy thiếu gì những tâm hồn đầy tình cảm, thẳng thắn và có nghĩa khí theo đúng điệu giang hồ. Do hoàn cảnh đưa đẩy hoặc vì lý do kinh tế đã phải xuôi theo cái nghề mà dưới mắt người đời không được đánh giá là đứng đắn khi phải ra chiều lả lơi với khách nhẩy đầm. Nhưng khi vũ trường đóng cửa, khách đã ra về sau những cuộc vui thâu đêm, những tình cảm của một con người bình thường mới có dịp xuất hiện. Yến Trang là một trong những vũ nữ có một nếp sống rất nhà lành không ai ngờ, là một thiếu nữ với đủ tài nội trợ, đảm đang nên đã được Tùng Giang để ý tới trong những lần lui tới vũ trường. Mà dù có nóng nẩy tới đâu, Giang cũng đã phải kiên nhẫn theo đuổi Yến Trang cho bằng được. Gặp phải sự ngăn cản tối đa của thân mẫu Yến Trang, Giang cũng nhất quyết để lì lợm đi tới cùng, cương quyết không bỏ cuộc để xây “lâu đài tình ái” với Yến Trang, khi đó đã tỏ ra rất cảm động trước những sự ưu ái của một anh nghệ sĩ với lối chơi rất hào sảng, tuy vẫn ở trong tình trạng rách như sơ mướp. Bao nhiêu lời đường mật, những lời dâng hiến tiền bạc của những tay giầu có, Yến Trang cũng coi như pha để dồn cả tình cảm cho Tùng Giang. Càng bị thân mẫu Tùng Giang ngăn cấm, Tùng Giang càng tỏ ra lì lợm và táo bạo hơn để cuối cùng đi đến thắng lợi vẻ vang để từ đó hai người lần lượt tung ra những sáng tác phẩm của mình là Giáng Ngọc, Derek Phạm, Yến Mai, từng có những đóng góp cho sinh hoạt ca nhạc hải ngoại.

 

Từ trái: Tùng Giang,Trường Kỳ, Jo Marc (l966)

 

Sau lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 66, tôi và Tùng Giang dần dần trở nên thân thiết, nhất là trong những hoạt động nhạc trẻ sau đó cho đến biến cố tháng Tư 75 là ngày Giang rời khỏi Việt Nam một mình sang Mỹ để đến 8, 9 năm sau mới được đoàn tụ với vợ con. Trong số 4 người hoạt động về nhạc trẻ thường được nhắc tới là Tùng Giang, Nam Lộc, Jo Marcel và tôi thì Tùng Giang là người tôi gặp gỡ sớm nhất. Một năm sau đó đến Jo Marcel, đề nghị với tôi về hợp tác với anh tại vũ trường “Chez Jo Marcel” (sau đó đổi thành “Đêm Mầu Hồng”) trên đường Nguyễn Huệ vào năm 67 trong những chương trình nhạc trẻ khi anh mới ngưng cộng tác VO vũ trường Baccara. Năm 68, Nam Lộc – lúc đó là chủ nhân Quán Gió trên đường Võ Tánh – tìm cách liên lạc với tôi khi anh đang có ý định thực hiện một băng nhạc cho Trịnh Công Sơn.

 

Tùng Giang (hàng sau, góc phải) cạnh Tuấn Ngọc (ở giữa)

 

Kể từ đó 4 tên tuổi “Trường Kỳ - Tùng Giang - Nam Lộc - Jo Marcel” đa dính liền với nhau trở thành một nhóm hoạt động trong làng nhạc  trẻ, sẽ được nhắc nhở đến với nhiều chi tiết trong những đoạn sau.Trong số 4 người, tôi nhỏ tuổi hơn cả, lớn tuổi nhất bọn là Jo Marcel, kế đó là Tùng Giang và Nam Lộc.

(còn tiếp)