Hội họa

Kỳ 50: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 04-04-2019 • Lượt xem: 17259
Kỳ 50: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tôi biết bố tôi rất vui trước quyết định ghi danh vào trường Luật của tôi. Ông đi khoe túi bụi với các bạn bè cũng như đàn anh trong ngành luật của ông, làm như cậu quý tử sắp làm thầy cãi tới nơi. Lại còn vẽ ra đủ thứ, như văn phòng sẽ đặt ở đâu hay cũng sẽ trên đường Gia Long, tủ sách sẽ bày biện ra sao, bộ salon cho thân chủ ngồi sẽ kê ra làm sao, ôi thôi trăm thứ bà dằn khiến cho tôi nghĩ đến cái viễn tượng khoác cái áo choàng đen ra ba tòa quan lớn mà thất kinh.

Một tiệm bánh trung thu ở Sài Gòn thời đó

 

Còn điều tiện lợi nữa là đã được người dùng trước gạch đít hay đánh dấu những hàng chữ hoặc những chương quan trọng. Nếu may mắn mua được sách của một anh học gạo, ghi chú và phụ đề tùm lum rất rõ ràng thì đỡ phí công uổng sức biết bao. Ta cứ thế mà “noi gương tiền nhân” cho ăn chắc vì chương trình chẳng có gì thay đổi bao nhiêu. Nhưng các giáo sư Luật cũng khôn ra phết, mỗi năm bỏ đi hoặc thêm thắt tí đỉnh một hai chương cho có vẻ mới, lâu lâu mới “update” một lần, tùy theo những hiến chương, đạo luật... được ban hành để tránh tình trạng mua sách cũ, khiến sách của các thầy thực hiện giảm đi số lượng tiêu thụ khá nhiều. Nhưng có một số sinh viên cũng ma mãnh không kém, hùn tiền nhau lại mua sách mới, chịu khó đánh máy những chương do thầy tăng cường, sau đó đi quay roneo và “phát hành”  ồ ạt với một giá rẻ rề. Số tiền lời trong sự cạnh tranh bất chính rất dễ bị ra tòa với thầy dĩ nhiên được phân phối đến những địa điểm du hí, nhậu nhẹt linh đình.

 

Chợ hoa Tết Nguyễn Huệ - 1966

 

Lại cũng phải thú thật thêm một niên khóa đầu tiên nơi trường Luật, tôi chỉ thấy mặt vài lần thầy Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Cao Hách, Bùi Tường Chiểu, Lê Chân hoặc Vũ Quốc Thông, Vũ Quốc Thúc... Giảng đường thênh thang, chật ních những người mà lại chuyên ngồi ở xóm nhà lá phía dưới để dễ bề lẻn ra ngoài đi tán phét thì khó lòng được chiêm ngưỡng các ngài! Những môn “Dân Luật”, “Hình Luật” “Quốc Tế Công Pháp”, “Kinh tế Học” lại cũng chẳng hấp dẫn tôi chút nào. Đụng đâu cũng thấy luật này, luật nọ; hiến chương nọ, hiến chương kia khô khan và chán phèo. Hơn nữa, tiếng thầy giáo qua “micro” cũng khó nghe rõ nổi bởi những tiếng ồn ào ở miệt dưới. Tuy học hành thì chán, nhưng được cái vui là có thêm vô số bạn bè mới cùng một khuynh hướng... ham vui! Thế là ngày ngày phóng xe Suzuki tới trường, sách Luật được nhét một đống nằm ngang giữa những sợi giây thắng ở “ghi-đông”. Sinh viên mà ôm cặp như học sinh đâu có ra vẻ. Sách phải để người ta thấy rõ tựa mới biết là sinh viên cho oai. Giữa chú học sinh lớp 12 và cậu sinh viên năm đầu đại học tuy chỉ cách có một năm, nhưng sao thấy cách biệt quá chừng chừng! Thế cho nên phải càng ra vẻ ta đây. Học thì ít mà giao du thì nhiều, nên chỉ một thời gian ngắn sau lũ chúng tôi đã quen biết với Ban Đại Diện Luật Khoa với ý đồ có được sự yểm trợ cho Teenager's Club trong việc tổ chức một buổi  tiệc phát giải thưởng cho các nam nữ ca sĩ Nhạc Trẻ xuất sắc và dễ thương nhất trong năm 67.

 

Chùa Xá Lợi 1964

 

 “Ông Hội Trưởng” lúc đó đang trong thời kỳ phất, nên tiếng tăm của ông cũng như Teenager's Club được biết đến khá nhiều. Các bạn ông cũng lấy đó là một sự nở mày, nở mặt với thiên hạ. Cả bọn, trong một lúc hứng tình đã nghĩ ra một cuộc bầu bán ca sĩ cho xôm tụ. Mỹ nó làm được, Tây nó cũng làm được, tại sao Mit ta chịu thua? Tự ái dân tộc nổi lên một cục to tướng, nổi cộm không chịu được. Thế là quẳng cha chồng sách Luật qua một bên, ngày đêm hí hoáy soạn thảo bản điều lệ bầu bán để đăng lên báo. Hẳn là sẽ được độc giả choai choai hoan nghênh kịch liệt. Mấy thằng ông mãnh lấy đó làm một sự khoái chí nên cũng tự ý hoãn đến trường cả tuần lễ để cùng nhau tham khảo ý kiến tại “trụ sở” đường Trương Công Định. Hết ý kiến này đến ý kiến nọ đưa ra nhao nhao và ỏm tỏi trong khi đua nhau đớp hít. Anh nào cũng cho ý kiến của mình là số dách, của thằng khác chỉ là đồ bỏ. Tranh cãi hăng tiết vịt riết rồi cũng xìu dần vì đồ ăn thức uống trên bàn đã được giải quyết một cách... cạn tầu ráo máng!

 

Đường phố Sài Gòn 1964

 

Cuối cùng “cử tọa đoàn” (nói cho ra vẻ Luật) đồng thanh quyết nghị sẽ tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý” để chọn 2 nam ca sĩ và 2 nữ ca sĩ xuất sắc và dễ thương nhất năm 67. Nhưng vấn đề nan giải được đặt ra là lấy gì làm giải thưởng cho những người trúng giải. Tối thiểu cũng phải có 4 giải chính thức dành cho 4 người đứng đầu từng hạng. “Hiện vật” thì dễ thôi, rẻ rề. Mỗi anh chị được trao cho một cái “trophy” còn gì sướng bằng. Ra đường Lê Thánh Tôn đặt một phát là xong ngay. Cũng mầu vàng chói lọi như “Oscar” hay “Grammy Arwards” đâu phải ba lăng nhăng. Nhưng hiện kim thì coi bộ khó. Muốn có “tính chất quốc tế” thì dĩ nhiên còn phải tổ chức tiệc phát giải cho bảnh. Chả lẽ phát giải thưởng suông với ly trà đá coi sao đặng. Tây và Mỹ nó cười cho thối mũi. Nhưng đào đầu ra “địa” bây giờ? Cả lũ dù dốc túi ra hùn hạp cũng chả thấm thía gì với một bữa tiệc đớp hít, rượu chè đầy đủ, dự định cho cả gần trăm mống. Mấy đứa bạn như tên Hùng “Con” có về tiệm nhà “chôm chĩa” mấy xấp vải quần tây “Dormeuil” hay “Tergal” mang đi “giải”, cậu Sáu Lùn có mánh mung được mấy cần xế bánh mì Chợ Cũ do nhà cậu sản xuất, cũng chẳng giải quyết được vấn đề.

 

Quầy bán vé Viet Nam Airlines, tháng 3 năm 1968

 

Coi bộ không xong nếu không vượt qua được trở ngại này. “Bần cùng tắc... thông”, tôi bèn nghĩ ngay đến Ban Đại Diện Luật Khoa, đến ông chủ nhiệm báo Kịch Ảnh và một vài nhân vật có thể đóng vai mạnh thường quân yểm trợ. Mạnh thường quân mà không yểm trợ nổi thì... yếu thấy mồ. Vậy là phe ta cử một “phái đoàn ngoại giao” đi xin xỏ viện trợ những nơi được chỉ định. Ban Đại Diện Luật Khoa nhận lời một cái rụp vì có “tay trong” là anh ruột một tên bạn trong nhóm, lúc đó là trưởng ban tên Trần Nguyên Ân. Ông chủ nhiệm Quốc Phong đã cười híp cả mắt vì khoái chí trước sáng kiến mới mẻ này nên đồng ý cho biết Kịch Ánh sẽ bơm thêm “chút cháo” cho Teenagers' Club. Lúc đó, ngài thi sĩ Viên Linh làm tổng thư ký cho Kịch Ảnh cũng rất lấy làm thích thú nên ra chiều khuyến khích hết ga.

 

(còn tiếp)