Hội họa

Kỳ 54: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 08-04-2019 • Lượt xem: 17743
Kỳ 54: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Loạt bài phóng sự “36 Kiểu Cua Đào” của tôi đăng trên Tạp Chí Thứ Tư có “ép phê” ra phết. Lối viết mang ảnh hưởng của đàn anh Hoàng Hải Thủy – tác giả của những “Sài Gòn Đèn Xanh, Đèn Đỏ”, “Ông Tây Bà Đầm”, “Nổ Như Tạc Đạn”... từng làm tôi mê mệt ngay từ đầu thập niên 60, được đáp ứng khá nhiều bởi những nữ độc giả của tạp chí này, và đã để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Một hôm tòa báo chuyển cho tôi lá thư của một nữ độc giả và cũng là người thường có những bài thơ tình đăng trên cùng một tạp chí, dưới tên Trần Thị G.M. ở Bình Dương. Trong thơ cô tự giới thiệu mình là một nữ sinh ở Bình Dương, rất thích thơ văn, muốn làm quen với những anh viết báo, viết truyện. Cô nhất định đòi gặp mặt tôi ở tòa báo bằng cách hẹn ngày hẹn giờ trước. Nhà “đại ký giả” nhóc con thấy có người ái mộ mình rất lấy làm sung sướng, hãnh diện để hồi hộp chờ đợi. Buổi sáng vào ngày hẹn, tôi đã quần áo bảnh bao ngồi trên lầu tòa báo chờ đợi, hít thuốc lá triền miên với nhịp đập tưng tưng của một con tim hồi hộp. Chợt có một cô bé trong chiếc áo dài trắng nữ sinh, tay ôm cặp bước vào. Tôi linh tính biết ngay đó là G.M. mặc dù chưa thấy hình ảnh cô bao giờ. Cô bé thật xinh với cặp mắt buồn và mái tóc dài đầy vẻ lãng mạn. Cô là tác giả của những bài thơ tình rất mùi mẫn thường được chọn đăng đều đặn trên Tạp Chí Thứ Tư cũng phải. Một cách rất “ga lăng”, nhà “đại ký giả” mời cô xuống uống nước một tiệm cà phê gần tòa báo, trước những cặp mắt tò mò của những người trong tòa soạn.

 

Hình minh họa

 

Cô bé rất hồn nhiên, cho biết cô thích làm thơ, viết văn và có một tâm hồn rất lãng mạn, tuy nhiên lại cũng rất khoái nhạc trẻ. Tiếc rằng ở Bình Dương cô không có cơ hội quen biết với những người trong giới này. Nay liên lạc được với tôi, cô rất thích nghe kể về những chuyện liên quan đến ban nhạc này, ca sĩ nọ mà cô đều biết đến tên tuổi khi theo dõi những tin tức trên những báo tôi phụ trách. Tôi không hiểu sao một tâm hồn có vẻ “tĩnh” với những bài thơ tình, lại khoái cái món nhạc trẻ rối “động” này. Đến chính cô cũng không giải thích nổi. Câu chuyện kéo dài đến gần 2 tiếng trong một bầu không khí dần dà đã trở nên rất thân thiện. Mấy ông nội trong tòa soạn lúc này cũng đã kéo nhau xuống quán xả hơi, nhìn chúng tôi với những cặp mắt soi mói và... thèm thuồng.

 

Trong khi đó, tôi sướng đến rên người trước những lời khen tặng của cô bé có lối nói chuyện thật duyên dáng với một giọng nói rất ngọt ngào và êm dịu. Tôi bắt đầu thấy cảm tình đối với cô tăng lên vùn vụt như xe lửa cao tốc, nên tạm thời quên nàng đào nhí mà tôi đã thề sống, thề chết sẽ yêu nàng đến  hơi thở cuối cùng. Chỉ có nàng mà thôi. Only You! Tạm thời quên chút xíu đâu có chết chóc. Chuyện nhỏ! Nhưng kính thưa quý vị độc giả thân mến, tôi đã xém té xỉu khi được cô bé cho biết quyết định sẽ theo tôi đến chân trời góc biến, cóc thèm trở về xứ Bình Dương của cô. Một lần nữa, hình ảnh của cái Tòa Án – lần này thì hết còn là Tòa Án Thiếu Nhi mà là tòa án thứ thiệt, vì mới bước qua tuổi 21, hiện ra chình ình trước mặt với tội dụ dỗ gái vị thành niên. Không! Trăm lần không, vạn lần không. “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa, em ơi!”. Hơ, hơ, em đưa tôi vào ngõ bí thế này thì biết làm sao bây giờ. Một anh ký giả rách mướp như tôi sao có thể đưa em tới chân trời góc biển cho đặng. Tiền đổ xăng cho chiếc Suzuki nhiều khi cũng phải vay mượn, sao có thể đưa em đi xa tít như thế nổi. Chắc cô bé đã vẽ ra trong đầu hình ảnh của tôi là một anh ký giả phong trần, giang hồ quái khách ghê lắm qua những phóng sự về giới choai choai, nên việc cô nhất định như thế cũng là bình thường. Cô đâu biết nhà đại ký giả non choẹt ngồi phì phèo thuốc lá trước mặt cô vẫn sợ bà nội một phép và vẫn sợ bị ma quỷ nó lôi xuống hỏa ngục!

 

Hình minh họa

 

Tôi hoảng kinh thật sự, không biết cách nào khác là lên mặt thầy đời, đổi qua vẻ nghiêm trang, đạo mạo nói chuyện phải trái cho cô bé mới 17, 18 tuổi mà gan cùng mình này. Lý do cô bé nêu ra rất giản dị: gia đình không ai hiểu cô, tối ngày la mắng về tội làm thơ, làm thần. Cô buồn, cô khóc và tưởng tượng ra mọi cuộc tình éo le, ngang trái, phũ phàng để sáng tác những bài thơ rất ư lãng mạn. Mặt khác, cô cho là ở miệt vườn hổng có được vui, tối ngày đi tới đi lui, bó chân bó cẳng thấy mồ. Cô nhất định làm một cuộc cách mạng để gia đình phải nhận ra cô đã trở thành một người lớn, có đủ bản lĩnh đối phó với đời. Tôi lên mặt đạo đức khuyên răn cách mấy cô cũng khẳng khăng không chịu thay đổi ý kiến. Phải thú nhận là tôi đã dành cho G.M. rất nhiều cảm tình, sau đó được pha trộn với một sự thương hại trước quyết định bồng bột của cô. Một lần nữa bần cùng lại tắc... thông, khi tôi nghĩ ra một cách tương đối có thể giải quyết tình trạng bế tắc này. Tôi làm bộ xuôi theo ý cô để sau đó chở cô bằng chiếc Suzuki, lúc này đã cà rịch cà tang về nhà một tên bạn trong Chợ Lớn. Tên này thuộc loại con nhà giàu, được bố mẹ tậu cho một căn nhà có hai, ba phòng rộng rãi, nên đưa cô bé về đây là tiện nhất, trước khi thi hành kế hoạch là sáng hôm sau sẽ nhờ hắn chở xuống Bình Dương thông báo cho gia đình cô biết để giải giao cô về nguyên quán cho tiện việc sổ sách, khỏe mình khỏe mẩy.

 

Nghe tôi kể lại trường hợp của cô, thằng bạn bèn chửi tôi là... ngu, bắt được “bò lạc” mà không biết hưởng, biết khai thác lại còn dụ dỗ tôi tổ chức “bề hội đồng” mới khiếp. Điều này để cô ở đây một mình, trong khi định chạy về nhà xin phép được đi “ngủ lang” một đêm như thỉnh thoảng vẫn làm, không khác gì “trao duyên lầm tướng cướp”. Do đó tôi quyết định chẳng cần về nhà xin phép tắc gì, cứ ở lại cùng với cô chung một căn phòng để canh chừng thằng bạn phải gió, rón rén bước những bước chân âm thầm qua lại suốt đêm trước cánh cửa đóng chặt. Thỉnh thoảng lại thấy bước chân dừng lại êm ru trước cửa phòng, bảo đảm là không gì khác hơn là hắn đang lui cui nhòm lỗ khóa! Tôi phải long trọng tuyên bố là cái đêm hôm đó không hề xẩy ra một cái chuyện gì như quí vị đang tưởng tượng tâm bậy tầm bạ ra hết sốt cả. Và một lần nữa tôi lại bị thằng bạn phải gió chửi là... ngu, là đần, là... bất lực, bị bệnh “teo chim Okinawa” khi thấy “mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” để hắn không được thấy những cảnh mà hắn rất thèm thấy, xẩy ra trong bóng tối mờ mờ ảo ảo.

 

Mẹ kiếp, hắn đâu có biết rằng cái “mặt trận miền Tây” đêm hôm đó đã bùng nổ dữ dội giữa ông thánh và con quỉ nơi tôi. Cũng may phước, tôi có tới hai ông thánh làm quan thầy phò trợ nên hai ông ấy đánh một con quỷ thì bảo đảm nó không bị chột cũng bị què. Khi đã chột, đã què đương nhiên hết đường làm ăn! Vì thế cả đêm hôm đó tôi trở thành quan sát viên thường trực của Liên Hiệp Quốc để theo dõi tình hình chiến sự giữa hai ông thánh và con quỉ, nên thoát khỏi cảnh... quỉ ám để làm cái việc rất dễ bị thưa ra ba tòa quan lớn.

(còn tiếp)

 

 

Những mẫu quảng cáo vui trên báo ngày xưa:

 

-Quán hủ tiếu Ngã Sanh ở ngã tư Cai Lậy (Tiền Giang)

 “Trên đời có người ăn để sống, có kẻ sống để ăn, còn tôi xin các người ăn để tôi sống”.

 

-Nhà thuốc Võ Đình Dần:

 “Nhân dịp đại kỷ niệm thập ngũ chu niên của bản dược phòng và khánh thành chung hết thảy các phân cục trong cõi Đông Dương, nhà thuốc Võ Đình Dần nhất định kể từ 11 Novembre đến hết 31 Décembre 1935 để riêng 10 vạn hộp thuốc Cửu Long hoàn giá mỗi hộp 1$10 là 11 vạn bạc biếu không cho hết thảy các quý khách có lòng chiếu cố dùng thuốc của bản hiệu… Hễ mua một đồng thuốc lại được biếu một hộp”.

 

- Tờ Phong Hóa số 2/1932 đăng quảng cáo về sinh đẻ:

 “Nhà đẻ Nguyễn Thị Doan... mở đã lâu năm, bà đỡ có bằng tốt nghiệp trường thuốc Đông Dương, đã làm việc hơn 10 năm ở các nhà thương nhớn Bắc kỳ”.

- Đặc biệt, số báo ra ngày 14.7.1932 đăng quảng cáo một loại đèn “đa năng” rất lạ: “Đèn Phoebus. Vừa là đèn thắp sáng tới 300 bougies, vừa là đèn để đun nấu. Lại có thể chế thành đèn sưởi được. Thắp bằng dầu hỏa (Petrole), nếu thiếu dầu hỏa dùng toàn dầu săng (Essence) càng hay. Đến cả dùng dầu hỏa và dầu săng pha với nhau cũng được”.

- Đến năm 1936, lần đầu tiên xuất hiện quảng cáo đèn manchon:

“Đèn manchon kiểu mới rất tối tân. Giòng giõi chế tại Đức quốc, đốt bằng dầu lửa và dầu săng. Rất tinh xão, rất lịch sự, rất bền bỉ. Ngọn lửa sáng sanh, chịu đặng ngoài mưa gió. Sài đèn Petromax rất được tiện tặn, ít hao dầu (một lít dầu hôi đốt đặng 26 giờ). Cách đốt rất dễ dàng, không sợ chúc chắc điều gì, ai cũng có thể đốt được... Đèn Petromax có bảo kiết luôn luôn”.

- Quảng cáo về rượu:

“Bắc kỳ Nam tửu công ty/Đặt lò Văn Điển cũng vì lợi chung/Quản chi tốn của hao công/Thương trường mở lối mong cùng bước lên/Một lò thanh khí xây lên/Hương xưa nồng đậm, cúc sen mặn mà/Hơi men pha vị sơn hà/Tỉnh say trong nước non nhà có nhau/Bán buôn nào phải xa đâu/Anh em kẻ trước người sau đồng lần/Buổi đời kinh tế khó khăn/Lợi quyền chớ để chuyên phần cho ai/Yêu nhau giúp đỡ một hai/Có công chất đá nữa rồi lên non/Còn trời, còn nước, còn non/Còn ty Văn Điển ta còn say sưa”.

-Mua thuốc trị bệnh có khuyến mãi:

“Kính mời các ông, các bà, nhà quê, kẻ chợ. Tất cả lại mua thuốc tại hiệu Pharmacie Chassagne Hà Nội. Nhân dịp tết bản hiệu có nhiều quà rất quý để biếu các quý khách mua thuốc của bản hiệu từ một đồng trở lên. Từ đĩa hát, ví da, nước hoa, đồng hồ, túi tiền, đồ chơi cho trẻ con, bút máy...”.