Hội họa

Kỳ 55: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 09-04-2019 • Lượt xem: 23471
Kỳ 55: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sáng hôm sau tôi nhờ tên bạn tức tốc chở xe Vespa đưa lên Bình Dương, trong khi nói dối G.M là lên tòa soạn có việc. Trước khi đi cũng không quên nhờ tên bạn chạy ra xe bánh mì đầu đường mua cho cô ổ bánh mì thịt dằn bụng. Nhờ địa chỉ trong thư, chúng tôi đã tìm được nhà cô cái một, phía trước có vài cây “hoa sứ nhà nàng” thật đẹp.

Theo lời kể, bố cô làm tại toà tỉnh trưởng Bình Dương nên tôi chắc giờ này ông không có nhà. Nhưng vừa trước cửa, nhìn vào trong đã thấy ông via có đó, mặt mày đang đằng đằng sát khí, la lối ỏm tỏi trong khi mẹ cô ngồi khóc. Chắc chắn là sự ra đi của G.M đã đưa đến tình trạng này. Hai ông bà cùng một lúc vụt chạy ra khi thấy hai thằng tôi lấp ló trước cửa. Tôi vừa nhắc đến tên cô là cả hai đã hỏi han xối xả, khiến chúng tôi không kịp trả lời. Mọi sự việc sau đó đã được trình bày rõ ràng với một sự đề nghị ông bố cô lên Sài Gòn để giải giao cô về với gia đình. Trước hai bộ mặt làm vẻ nghiêm và buồn, rất mộc mạc và chất phác của 2 đứa chúng tôi, hai ông bà cám ơn rối rít trước hảo ý này vì con gái của hai người vẫn an toàn trên xa lộ, bình an vô sự. Sau khi cùng hai ông bà bàn tính kế hoạch, chúng tôi ra về thơ thới hân hoan.

 

Thật ra tên bạn tôi vẫn còn ấm ức vì trước khi ra đi hắn vẫn nói tôi là một thằng “quân tử tầu”, mỡ tới miệng mèo còn làm bộ chê ỏng, chê eo. Hắn nói sao cũng thấy kệ, miễn trong lòng cảm thấy như đã làm được một điều tốt đẹp.

 

Như đã hoạch định, chiều hôm đó tôi rủ G.M. lên đường Phạm Ngũ Lão nói là phải lên tòa báo có việc, trong khi dặn cô chờ ở trong quán cà phê hôm trước. Cô bé hồn nhiên, tin tưởng nghe theo lời tôi mà đâu biết rằng giờ giấc đã được ấn định với ông bố của cô, sẽ “a-lát-sô” vào quán để lôi cô về. Trước đó tôi đã năn nỉ với bố cô, chỉ nên dùng lời ngon ngọt khuyên can chứ không nên dùng tay chân. Nhưng từ tòa báo bước xuống khoảng một giờ sau tôi đã được báo cáo ngay là cô đã bị ông nện cho một trận dữ dội ngay trong quán, sau đó lôi tóc cô kéo lên xe xềnh xệch. Lúc đó tôi cảm thấy có gì cay cay trong mắt.

 

Chỉ hơn một tuần sau tôi nhận được một lá thư thật dài của G.M, đại ý cô kể lại những gì đã xảy ra khi tôi ở trên tòa báo. Cô ngây thơ cho rằng vì thường gửi bài đăng trên Tạp Chí Thứ Tư và thấy cô ham viết lách nên ông bố nghi ngờ lên khu báo chí hỏi thăm, khi đi ngang qua quán cà phê, thấy cô ngồi trong đó nên đã xông vào, lôi cô trở về. Cô cũng mừng cho tôi đã không gặp ông, nếu không khó thoát tội dụ dỗ gái vị thành niên. Nhưng điều làm tôi đau xót hơn cả khi cô cho biết đã tự tử ngay sau khi về đến nhà đế phải đưa vào bệnh viên Bình Dương cứu cấp. Tôi còn nhớ đoạn G.M viết như sau: “Khi tỉnh dậy, em không biết là mình ở đâu  khi chỉ thấy chung quanh 4 bức tường trắng xóa. Em nhớ anh, em nhớ anh vô cùng. Không biết định mệnh đưa đẩy ra sao mà em gặp phải tình huống này. Em chỉ muốn chết, em chỉ muốn thoát ra khỏi cuộc đời này...”. Tôi đã không trả lời bức thư của G.M. Và từ đó đến nay đã trên 30 năm tôi không còn biết được tin tức gì về cô. Những bài thơ tình của G.M sau đó cũng đã không còn xuất hiện trên Tạp Chí Thứ Tư. Viết những dòng này tôi không sao tránh khỏi những ngậm ngùi...

 

Ban Blue Stars

 

Do nhu cầu đòi hỏi bởi số quân nhân Mỹ đến Việt Nam càng ngày càng gia tăng, cho nên đối với câu lạc bộ dành cho các chú GI Hoa Kỳ, vấn đề “audition” trở nên rất dễ dàng, tạo cơ hội cho nhiều ban nhạc và ca sĩ nhạc trẻ Việt Nam có đất dụng võ, mặc dù tài nghệ nhiều khi còn ở dưới mức trung bình. Nhưng thây kệ, với các GI trẻ măng xa quê hương, gia đình thì đại khái cũng được rồi. Miễn sao tìm thấy được chút không khí quen thuộc để quên nỗi nhớ nhà, nhớ đào địch bên cạnh những lon bia “Budweiser” hay những chai whisky “Seven Crown” là đủ thấy ấm áp. Cũng vì vậy đã có nhiều thành phần ban nhạc được những ông bầu chắp vá tùm lum, miễn sao khẩy đờn, uýnh trống đại khái cùng nhau tập dượt một vài buổi một số nhạc phẩm “tủ” là “a lê hấp” đã có thể đi làm tại các club dành cho những anh chàng binh nhì Huê Kỳ.

 

Có một số bập bẹ được chút xíu tiếng Mỹ, nhất là đối với phái nữ có được khuôn mặt và dáng dấp dễ coi  cũng nhẩy ra làm ca sĩ mặc dù chẳng biết chút nốt nhạc nào. Kiếm “cháo” dễ dàng quá nên chuyện đó không quan hệ, cố gắng tập dượt để “vào” hoặc “ra” một bản nhạc cho suôn sẻ rồi cũng xong. Lời ca không hiểu thì ta hát theo kiểu... “phiên âm”, nhập nhằng một tí cũng chẳng chết thằng Mỹ say nào ráo trọi. Miễn là người anh em có bàn tay lông lá nghe được những chữ “I love you, baby”, “honey”, “my sweet heart”, “my darling”, “my dream comes true", "I love you with all my heart”... đại loại như thế là vui rồi. Say sưa, hò hét loạn xạ cả lên thì hơi đâu mà để ý phát âm đúng hay sai, ngọng nghịu một chút nhưng nghe quen quen và dễ thương là được quá đi rồi, không cần đòi hỏi gì thêm.

 

Ban Black Caps

 

Nhưng đối với các Clubs sĩ quan thì tiêu chuẩn bắt buộc phải cao hơn, vì những vị lông lá đầy mình này dù sao cũng có trình độ thưởng thức khá. Ngọng nghịu mà vào hát ở đây hay khẩy đờn, uýnh trống sai nhịp thì dễ có đường bị “lay off”. Trong suốt thời gian có sự hiện diện của Mỹ và quân đội đồng minh tại Việt Nam vào thời kỳ chiến tranh, hầu hết những ban nhạc Việt Nam đều đã từng đi làm tại các club Mỹ, trong số đó cũng có những ban nhạc mà thành phần là những ca nhạc sĩ chuyên nghiệp trình diễn tại các vũ trường, được mời chơi cho các club sĩ quan qua loại nhạc Swing, Blues hay Jazz hoặc những ca khúc nổi tiếng của thập niên 50.

 

Trong số này, những giọng ca nổi bật hơn cả phải là Ngọc Mỹ, Pat Lam là hai ca sĩ mang trong người dòng máu Trung Hoa, rất vững vàng về nhạc lý cùng lối phát âm tiếng Mỹ rất chuẩn, đã làm ngạc nhiên khán giả tại khắp các nơi họ được mời trình diễn. Về mặt thuần túy nhạc trẻ, ban nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam là The Blue Stars cũng đã một thời tung hoành tại các câu lạc bộ Hoa Kỳ. Hai ông bà bầu của ban nhạc này là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc và Huyền Nga (hiện cư ngụ tại Las Vegas) đã ra công tập luyện cho ban nhạc nữ này để nối gót theo ban nhạc đàn anh là The Black Caps, từng nổi tiếng nhiều năm trước đó. Con gái của hai ông bà là Trang (thường được gọi là “Câu”) giữ vai trò quan trọng nhất trong The Blue Stars là thủ cây “lead guitar”, trong khi đó người con trai là anh cả trong gia đình tên Ngọc Tùng đảm nhiệm vai trò chính yếu cho The Black Caps.

 

Thành phần nữ ca sĩ của The Blue Stars từng có nhiều thay đổi, nhưng hợp tác lâu năm nhất với ban nhạc này là Hồng Loan (em gái Jo Marcel, hiện cư ngụ tại San Jose) và Kim Thoa. Ngoài ra còn có Christiane Marbec (một thời gian sau kết hôn với Lê Trí của ban nhạc The Flowers tức The Family Love sau đó) cũng đã có một thời gian hát cho ban nhạc này, cũng như Bạch La (con gái nhạc sĩ Hoàng Trọng) từng hợp tác với The Blue Stars tại các Clubs Mỹ. Thành phần nhạc sĩ nồng cốt của The Blue Stars luôn luôn là: Trang (lead), Tường Vân (trống), Ngọc Phượng (bass) và Tường Nga (em Tường Vân, rythm guitar). Tất cả những nữ ca nhạc sĩ của the Blue Stars đều đã rời khỏi Việt Nam và không còn hoạt động gì về ca nhạc.

(còn tiếp)