Hội họa

Kỳ 56: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 10-04-2019 • Lượt xem: 17783
Kỳ 56: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Trong khi từ năm 67, những ban nhạc như The Spotlights, The Top Five, The Hard Stones, The Rising Sun, The Sunshine, The Flowers (đổi thành The Family Love sau đó), The Mavericks, Les Penitents... là những ban nhạc thường xuyên cộng tác với các Clubs Mỹ tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam. Tôi đã có dịp theo những ban nhạc này đi đây đi đó nhiều lần, từ những USOM, USAID, USO ở Sài Gòn hay đến những căn cứ quân sự tại Biên Hòa, Cam Ranh, Đà Nẵng, Lai Khê. Nhờ đó tôi đã may mắn được thấy tận mắt một số danh ca Mỹ thường được mời sang giúp vui tại những nơi này như James Brown, Chuck Berry, Glenn Campbell, Nancy Sinatra...

Một lần khác tôi không biết có thể cho là may mắn được không khi có dịp được... nhẩy đầm với nữ minh tinh Jayne Mansfield. Chắc quý vị yêu “xi la ma” thừa biết nữ tài tử này có một bộ ngực đồ sộ và vĩ đại như thế nào, từng thủ vai chính trong nhiều phim chiếu tại Việt Nam vào cuối thập niên 50 dưới những tựa đề tiếng Pháp như “La Blonde Et Moi” (tức “The Girl Can't Help It"), “La Blonde Et Le Sheriff” (“The Sheriff Of Fractured Jaw”) hay “La Blonde Explosive” (“Will Success Spoil Rock Hunter”).

Ban nhạc CBC

 

Vào khoảng năm 67, 68 tôi không nhớ rõ tại sao mình lại cùng với mấy tên bạn lọt được vào một buổi tiếp tân do những “bàn tay lông lá” tổ chức tại tầng dưới khách sạn Continental (hình như sau khi đã ngà ngà hơi men ở phía ngoài vườn hotel, kế đó đã lẻn vào mấy cửa hông bên cạnh xem thiên hạ  nhẩy nhót. Lúc đó đã khuya, gần vãn tuồng nên sự kiểm soát có vẻ lơ là). Cả bọn đã nhận ra cô đào Jayne Mansfield trong số khách tham dự với dáng người rất “cốt sì tô”, cùng bộ ngực nẩy lửa. Thấy tôi... lùn nhất trong đám, mấy thằng ông mãnh chếnh choáng hơi men đố tôi dám mời Jayne Mansfield nhẩy đầm! Bố khỉ! Vốn liếng nhảy nhót đâu có là bao, nhẩy với đào địch chỉ biết có mỗi “slow” và “twist”, bây giờ lại còn bày đặt mời đại minh tinh nhẩy đầm thì chỉ có chết. Bố bảo cũng chả dám. Nhưng nghe bạn bè “độc” và “khích” quá xá nên đâm ra lưỡng lự, phân vân. “Ông hội trưởng” mà nhát như cáy thì chúng cười cho thối mũi. Cuối cùng phải vận dụng “nội công”, thu hết can đảm và nhờ sự hỗ trợ của mấy chai bia trước đó nên đã hăng hái nhận lời mặc dù trong bụng cũng hơi... nhờn nhợn. Một cách rất cởi mở, cô đào Jayne Mansfield đã nhận lời ngay khi tôi mới lí nhí tỏ ý mời cô một bổn “sì lô”. Lúc ra đến sàn mới biết là mình dại, mình ngu trong khi mấy thằng bạn ông mãnh ôm bụng cười ngả nghiêng trước cảnh... “thằn lằn leo cột đình”.

 

Cô đào này vạm vỡ và cao lớn quá sức. Tôi chỉ đứng cao tới đúng... bộ ngực dềnh dàng của cô, lắc qua lắc lại làm xém rớt cặp kính của tôi mấy lần. Sau cái màn “chơi trèo” này, tôi tự thề thốt chẳng bao giờ hung hăng con bọ xít để nghe lời xúi dại, nhất là sau khi đã sẵn sỉn hơi men. Nhưng dù sao đó cũng là một kỷ niệm đáng ghi nhớ của một thuở ham vui. Mấy năm sau đó tôi còn thỉnh thoảng lò mò đến những “sờ nách ba” có ban nhạc sống trình diễn cho khán giả là những quân nhân Mỹ trên đường Nguyễn Văn Thoại, được coi như trung tâm “Sở Nách Ba” ở Sài Gòn. Nơi đây là cả một thế giới quá ư ồn ào và náo nhiệt, dễ xây xẩm mặt mày với những ai không chịu đựng nổi những tia chớp lập loè của đèn “strobe light”, ánh sáng màu tím của đèn “black light” làm nổi bật những gì mầu trắng, tối kỵ với những anh chị mang... răng giả!

 

 

Lại còn âm thanh vang rền điếc cả lỗ nhĩ, mùi khói thuốc lá pha lẫn mùi cần sa cùng những mùi bia rượu nồng nặc. Các chị em bán bar thì chạy tới, chạy lui, kề vai bá cổ những anh Mỹ đen, Mỹ trắng ngất ngưởng vì hơi men, trong khi ban nhạc và ca sĩ cùng các nữ vũ công “à gogo” la hét và uốn éo loạn xạ trên sân khấu. Sau khi “vãn tuồng”, đèn đóm được bật lên sáng trưng mới thấy quang cảnh chiến trường thật là rùng rợn: sàn nhà nhớp nhúa, tàn  thuốc lá văng vãi tứ tung, bàn ghế ngổn ngang. Trên sân khấu thì ca sĩ cũng như nhạc sĩ lo cuốn giây, cuốn nhợ chằng chịt hoặc hì hà hì hục xếp trống xếp đàn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Trong khi đó thì tiếng chị em bán bar chửi thề như giặc hay cười sặc, cười sụa vì chếnh choáng hơi men trong lớp phấn son nhòe nhoẹt, tóc tai bù xù. Đó là những cảnh tượng rất quen thuộc mà một thời gian nhạc trẻ Việt Nam có nhiều liên quan ngoài cái không khí nhộn nhạo tại các Clubs Mỹ đã được nhắc tới, đến từ hoàn cảnh một đất nước trong thời kỳ chiến tranh.

 

 

Nhưng cũng chính nhờ vậy mà những nghệ sĩ nhạc trẻ có cơ hội phát triển tài năng để thi thố trước khán giả càng ngày càng trở nên hâm mộ loại nhạc thích hợp với tâm hồn họ, đang cần có một sự thay đổi mới lạ với một nhịp sống luôn biến chuyển. Những Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd vào những năm 65, 66 và 67 khi còn được tổ chức trong thính đường của trường với số khán giả tham dự kỷ lục đã là một minh chứng rõ rệt cho sự kiện này. Cũng từ đó trở đi, Nhạc Trẻ với những màn trình diễn sống động đã không thể không có mặt trên những sân khấu đại nhạc hội, xen kẽ với những tiết mục tân nhạc, thoại kịch, vũ... Nhờ tinh thần cầu tiến và sự háo thắng, trong đó có sự háo danh của tuổi trẻ, các tay đàn, giọng hát càng ngày càng cố gắng trau dồi tài nghê để những năm sau nhiều tên tuổi mới đã trở thành nổi bật với giọng hát hay nhạc khí sử dụng chuyên môn.

 

 

Với cây “lead gui tar”, trước đó đã có những Jules Tambicanou, Thụy Ái, Văn Thái, Ngọc Tùng, Phước “Già”, Thanh Bình, Văn Trỗ (hai tay đàn sau thuộc làng tân nhạc, nhưng qua đến nhạc trẻ cũng đã tỏ ra có một “nội công thâm hậu”) sau này đã có thêm những Tùng Linh, Trung Nghĩa, Trinh “The Beats”, Dũng, Jimmy Long... Về trống, những tay trẻ tuổi được biết đến nhiều phải là Tùng Vân (CBC), Philippe (The Blue Jets)... Ngoài những ca sĩ của thời kỳ đầu tiên của nhạc trẻ như Elvis Phương, Paolo, Helena, Billy Shane, Công Thành, Tuấn Ngọc, Kim Dung, Francoise Hằng, Johnny Sơn, Vy Vân... những năm sau đó là sự xuất hiện ồ ạt của những Robert “Tarzan”, Mỹ Hùng, Duy Quang, Candy Xuân, Thúy Anh, Khánh Hà, Anh Tú, Cathy Huệ, Prosper Thắng, Kasim, Paul, Thanh Tuyền (con gái cố tài tử Đoàn Châu Mậu), Đức Vượng, Lê Toàn, Quang Minh, Hoàng Trạo, Tuyết Dung, Marie Louise, Ngọc Bích, Ngọc Quý... đó là chưa kể đến hai chị em Bích Liêu và Bích Loan đã từng biết đến trước đó với bạn kích động nhạc nhi đồng CBC, sau đó trở thành nổi tiếng từ khi ban nhạc này chính thức bước vào làng nhạc trẻ.

(còn tiếp)