VĂN HÓA

Kỳ 6: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 18-02-2019 • Lượt xem: 10216
Kỳ 6: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Những năm đầu của thập niên 60 đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong giới trẻ về mặt thưởng thức ca nhạc cũng như lối sống và tư tưởng. Và dĩ nhiên tôi cũng không tránh khỏi được sự lôi cuốn này trong niềm hăng say của lứa tuổi 16, 17. Từ đó, qua việc hình thành càng ngày càng đông đảo những Fan Clubs dành cho những giọng ca hay ban nhạc được ái mộ tại khắp nơi, tôi đã tụ họp được một số bạn bè thành lập một club trẻ lấy tên là Teenager’s Club, cùng một lúc gửi một mẫu nhỏ đăng trên mục tìm bạn thư tín yêu nhạc trên tạp chí “Salut Les Copains”.

Tôi không ngờ đã nhận được một số thư từ nhiều đến như vậy, khiến gia đình lại một lần nữa lo lắng cho việc học hành của tôi. Gần như mỗi ngày, tôi nhận được hàng chục lá thư từ của các bạn trẻ tại Âu Châu gửi về như từ Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ và nhất là Pháp. Nhờ sự kết bạn thư tín này tôi đã nhận được nhiều tạp chí về ca nhạc đủ loại, đĩa nhạc, hình ảnh hoặc poster nghệ sĩ để tạo được một số “vốn liếng” về những sinh hoạt ca nhạc quốc tế mới mẻ nhất. Trong khi những món này vào những năm 63, 64 khó tìm thấy được tại Việt Nam ngoài một số tạp chí Pháp được bán tại nhà sách Albert Portail (Xuân Thu) trên đường Catinat (Tự Do) và một, hai nơi khác.

Trường Kỳ và các bạn gái Teenagenr's Club

Nhưng ngược lại tôi cũng “hao tài” không ít khi phải xuất tiền dành dụm mua quà tặng lại, gọi là “trao đổi văn hóa” với những bè bạn bốn phương. Sau gần một năm, chịu không thấu với những khoản tiền chi, tôi lần lượt cắt đứt liên lạc với rất nhiều người để chỉ còn thư qua, thư lại với 6, 7 người ở Paris, Toulouse, Bordeaux và Lyon bên Pháp; London (Anh) và Bruxelles (Bỉ) là những nơi tôi cho là “văn minh” hơn những nơi khác ở Âu Châu. Teenager's Club của tôi được một số bạn bè trong lớp hưởng ứng cùng với sự gia nhập của một số “hội viên” các trường khác, tổng cộng cũng được khoảng 20 mống. Lập Club để... đua đòi chơi cho vui, thật ra chẳng biết hoạt động ra sao, mặc dù cũng bày đặt vẽ vời ra được một bản nội quy với đủ danh từ đao to búa lớn - học lóm từ những bản nội qui khác cho đàng hoàng. Và dĩ nhiên Club cũng bắt hội viên đóng “membership” như ai. Chỉ một, hai tuần họp nhau một lần để... tán phét về nhạc, về thời trang đủ thứ hay bàn bạc tổ chức “bùm” là đã xôm trò lắm. Ngoài ra chẳng còn biết làm cái thống chế gì.

Thấy như vậy, tôi bèn tìm cách “bành trướng” thêm tên tuổi của Club bằng cách viết thư yêu cầu tuần báo Kịch Ảnh của ông Quốc Phong qua “chị” Ngân Trang (sau này mới biết chỉ là một cái tên “dởm” của một ngài đực rựa) phụ trách mục “Trả Lời Thư Tín” để được thực hiện một trang lấy tên là “Trang Teenager's” trên tuần báo này. "Chị” Ngân Trang OK “tút suýt”.

Nhà sách Albert Portail - Nhà sách Xuân Thu

Thế là 'Trang Teenager`s” bắt đầu xuất hiện trên Kịch Ảnh vào khoảng giữa năm 63, trong thời kỳ này tại Sài Gòn đã có rất nhiều Club được thành lập. Nào là Sylvie Vartan Club, Johnny Hallyday Club, Flashlight Club, Smiling Club (một club gồm toàn phái nữ)... không kể trước đó đã có những CIub như Pat Boone Fan Club, Elvis Presley Fan Club... Nhự trăm hoa đua nở, club này, club nọ thi nhau mọc lên như nấm. Nghe thì rất xôm, nhưng trên thực tế chỉ là sự tập họp của một số bè bạn lập thành một club cho oai. Không những thế, thậm chí có club chỉ trần xì một cậu hay một cô hội trưởng kiêm luôn cả... hội viên. Cũng phải lấy một cái tên cho hách với đời, chả thiệt hại gì đến ai. Hơn nữa phải là phải tên Tây, tên Mỹ: mới gồ ghề. Do sự ham vui, tôi cũng chọn một cái tên... ngoại quốc cho hách xì xằng, Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi lại chọn ngay cái tên Johnny đặt trước tên cúng cơm của mình: Johnny Kỳ. Bây giờ nghĩ lại thấy... kỳ thấy bà, sợ nổi cả da gà, da vịt “Trang Teenager's” (thật ra chỉ chiếm khiêm nhượng khoảng hai cột báo!) do Johnny Kỳ phụ trách cùng với Sheila Hồng, Danny Báu, Tiến Dũng, sau đó có thêm Tú Lan Vy, Việt Loan... phụ trách gây được chú ý ngay, mặc dù mỗi tuần chỉ đăng vỏn vẹn lời ca của 2, 3 bài hát ngoại quốc, ngoài ra chẳng có gì! Thế cũng là quí hóa lắm, vì đối với đa số, có được lời ca Pháp hay Mỹ cũng rất trần ai!

Trường Kỳ - Tác giả Một thời nhạc trẻ đang biểu diễn trước công chúng

Những tên tuổi “phụ trách” trang này được đăng lên cũng chỉ là một cách “phô trương lực lượng” để các "đối thủ” nể mặt, thật ra chỉ ngồi chơi xơi nước. Cũng nhờ cái vốn liếng thu thập được qua sự “trao đổi văn hóa” với những bạn bè ở Âu Châu nên tôi nhờ chép được những lời ca mới nhất để đăng báo... hù thiên hạ. Không ngờ cái trang báo khiêm nhượng này lại ăn khứa dễ sợ. Thư từ gửi về tòa soạn tới tấp đề nghị tòa soạn mở rộng thêm phần đất để sau đó phần tin tức về một số ban nhạc trẻ Việt Nam được thêm vào cho rậm rạp. Nói là tin tức, nhưng thật ra chỉ quanh đi quẩn lại những mẩu tin ngắn như ban nhạc nào mới được thành lập, thành phần gồm những ai, sử dụng gì. Nào là tay nhạc sĩ tên X mới ra khỏi ban, ai là người thay thế. Chấm hết, ngắn gọn và không hề có nhận xét hay bàn luận gì hết trơn. Vớ vẩn thế mà được độc giả theo dõi rất là kỹ lưỡng.

Nhắc đến tên Tú Lan Vy ở đoạn trên, tôi nhớ đến một kỷ niệm với Elvis Phương trong thời kỳ tôi và anh chưa từng quen biết nhau, nhưng đã “kên” nhau vì một cô bé rất xinh tên Tú Lan Vy, lúc đó khoảng 15, 16 tuổi. Phương khi đó thường đi chiếc VéloSolex xám vẫn thường lượn qua lượn lại trước cửa nhà “nàng” vào mỗi buổi chiều. Còn tôi được tay trống của ban Les Tridents là Tony Cẩm chở xe Lambretta cũng vòng tới, vòng lui trước cứa nhà em. Đôi lần đụng độ như vậy, hai bên đã tới tình trạng “nghênh chiến” và nếu kéo dài chắc có cơ chiến tranh bùng nổ. Nhưng sau khi nghe tin “nàng” bị ông “via" tẩn cho một trận nhừ tử chẳng biết nguyên do ra sao, nên tôi và tên bạn cũng không dám bén mảng tới vì được biết rằng ông “via” nàng là một tay rất "dữ đòn” nên chẳng còn dám ham vui. Có lần Phương bị “sút” ra khỏi trường Jean Jacques Rousseau và đã xin vào Taberd, là "giang sơn” của tôi trong một thời gian rất ngắn. Hình như sợ kỷ luật khắt khe của “thầy dòng” không cho phép anh được ăn mặc “à la mode”, không được chải đầu kiểu Elvis và không được hát ca nhạc Rock nên Phương đã rời khỏi trường này sau chừng hơn một tuần lạc lõng nơi trường lạ.

Tôi đã ngạc nhiên khi thấy Elvis Phương ngồi ủ rũ trên bực thềm dẫn xuống sân trường vào một buổi sáng trước giờ vào lớp. Quên đi việc đã từng “kên” nhau trước cửa nhà “nàng”, tôi đến gợi chuyện Phương và kể từ đó chúng tôi quen nhau. Sau này mỗi lần nhắc về chuyện nàng Tú Lan Vy, chúng tôi coi như một kỷ niệm của một thời kỳ ham vui, trong lứa tuổi nhóc tì nhưng khoái làm người lớn, thích đóng vai dân chơi anh hùng mã thượng.

(còn nữa)