Khám phá

Lạm dụng lối sống 'cú đêm' nghĩa là bạn đang tàn hại sức khỏe mỗi ngày

Bơ • 23-09-2020 • Lượt xem: 2708
Lạm dụng lối sống 'cú đêm' nghĩa là bạn đang tàn hại sức khỏe mỗi ngày

Việc thức khuya có mặt lợi ích mà người trẻ rất thích. Có thể làm tất cả những việc mình thích làm mà không bị làm phiền, có thể là chơi trò chơi điện tử, nhắn tin cho bạn bè, “cày phim” hay đọc truyện. Tuy nhiên, trong thời điểm căng thẳng của học kì, việc thức khuya chỉ khiến chúng ta thêm stress, dễ cáu kỉnh và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc trong ngày hôm sau.

Tin, bài liên quan:

Ba kẻ thù gây ung thư âm thầm trong bếp nhà ai cũng có
Hai cách ăn gây tổn thương dạ dày hầu hết người Việt đều mắc phải

Chưa nói tới việc “cú đêm” khiến chúng ta sẽ trông như một “xác chết vô hồn” vào buổi sáng, nó còn gây ra biết bao tác hại, hệ lụy cho sức khỏe và cả ngoại hình. Có thể kể sơ qua như béo phì, cận thị, gây các bệnh về hệ tiêu hóa, thần kinh, thậm chí dẫn tới đột tử… Chính vì vậy, dù có đam mê “cày phim xuyên màn đêm” hay “chạy deadline quên thời gian”, bạn nên áp dụng những cách sau để bỏ ngay lối sống nguy hiểm này ngay.

Chăm sóc cho căn phòng của bạn

Có nghĩa là giữ cho nó ngăn nắp, gọn gàng và không có rác. Thông thường, khi sinh hoạt và bị cuốn theo các hoạt động hàng ngày, chúng ta dễ bỏ bê việc chăm sóc bản thân ví như không để ý đến tình trạng sức khỏe và tinh thần của mình. Dọn dẹp phòng theo thói quen không chỉ giúp loại bỏ rác ra khỏi căn phòng yêu thích của bạn mà còn giúp loại thải luôn “rác trong ý nghĩ” – những tư tưởng độc hại ra khỏi suy nghĩ cũng như giúp phát triển tư duy lành mạnh, lạc quan.

Làm rõ lý do tại sao bạn thức đêm

Biết được những gì bạn đang phải đối mặt giúp bạn tập trung vào hoàn thành việc đó cũng như chống lại việc thức khuya. Đôi khi đó là do mất tập trung nhưng phần lớn là do cách chúng ta nhận thức về bản thân. Nếu bạn nghĩ rằng việc thức khuya ổn đối với bạn bởi vì "đây là thói quen của mình" thì sẽ rất khó để xóa bỏ thói quen này.

Xác định mẫu người bạn muốn trở thành

Ngủ muộn thường không xảy ra mà không có lý do ẩn đằng sau đó. Nó có thể là vì chúng ta lo dành thời gian để nói chuyện với bạn bè của mình hay đọc xong một bộ truyện dài kì. Hãy ngồi xuống và xác định mẫu người mà bạn thực sự muốn trở thành, từ đó, bạn sẽ vạch ra các chiến lược, kế hoạch nhằm trở thành mẫu người lý tưởng của bạn. Việc này sẽ tạo thói quen dùng thời gian có ích cũng như ngăn chặn thói quen ngủ muộn.

Lập thời gian biểu

Tất cả chúng ta đều có những deadlines, những kì hạn hay các cuộc hẹn. Biết rõ đâu là điểm bắt đầu và điểm kết thúc của một ngày sẽ giúp bạn xác định được khi nào nên dừng lại những việc mình đang làm để đi ngủ. Hãy lên một kế hoạch rõ ràng và tuân thủ nó bởi bạn rất dễ bị “trượt” khỏi những quy tắc mình tự đưa ra.

Cắt giảm caffeine vào buổi trưa

Caffeine rất tốt cho việc giữ tỉnh táo và duy trì sự tập trung. Nhưng gần nửa cuối ngày, caffeine có thể ức chế cơn buồn ngủ của bạn. Mặc dù có thể khó xác định caffeine là thủ phạm khiến bạn thức khuya, nhưng loại bỏ nó có thể giúp bạn ngủ nhanh hơn và ngủ ngon hơn.

Lên kế hoạch cho mỗi buổi tối

Chúng ta lập ra các kế hoạch trong ngày như sắp xếp các cuộc hẹn, cuộc họp và công việc nhưng thường quên mất lập thời gian biểu cho buổi tối. Cho dù bạn đang bận rộn với công việc nhà hay có thời gian rảnh rỗi, việc có một kế hoạch chi tiết sẽ giúp đảm bảo bạn đi ngủ đúng giờ.

Tập một thói quen trước khi đi ngủ

Con người là những sinh vật hoạt động theo thói quen, và tạo lập thói quen đi ngủ đúng giờ có thể giúp bạn dễ dàng… đi ngủ đúng giờ hơn. Tạo và thực hiện một thói quen trước khi đi ngủ như đọc sách hay nghe radio sẽ không chỉ đảm bảo bạn nghỉ ngơi sớm hơn mà còn cho bạn cảm giác thỏa mãn khi một ngày kết thúc với kế hoạch được tuân thủ hoàn hảo.

Giữ vệ sinh cho phòng ngủ

Chúng không chỉ bao gồm việc đảm bảo điều kiện môi trường sạch sẽ, thơm mát mà còn là việc tuân theo một thói quen đi ngủ đã định. Phòng ngủ của bạn chỉ nên dùng để ngủ đồng thời, nên tránh làm việc hoặc các hoạt động giải trí có thể khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm trong phòng ngủ. Căn phòng này cũng phải luôn được giữ mát mẻ, tối và yên tĩnh để nâng cao chất lượng giấc ngủ mỗi đêm.

Đọc sách trước khi đi ngủ

Mặc dù đọc một cuốn sách hay có vẻ sẽ càng khiến bạn thức khuya, nhưng có những nghiên cứu cho thấy đọc sách là một trong những hoạt động hàng đầu để giảm mức độ căng thẳng. Bạn có thể đọc một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng hoặc phi hư cấu để thư giãn. Dù thế nào đi nữa, hãy để tâm trí thoát ra cuộc sống hàng ngày đắm chìm vào một thế giới thần tiên mộng tưởng trước khi chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Dành thời gian để “không làm gì cả”

Đơn giản chỉ là nằm xuống và không làm bất cứ điều gì cả. Một số người thích thiền trong khi những người khác lại thích suy ngẫm về bản thân, về cuộc đời. Trong thời gian này, điều quan trọng là dành cho bản thân một chút thời gian để bình tâm, xử lý những dòng suy nghĩ hỗn loạn trong đầu.

Tránh bữa ăn phụ trước khi đi ngủ

Khi chúng ta thức khuya thường có xu hướng nhấm nháp đồ ăn vặt hoặc ăn thêm bữa phụ. Mặc dù không có cách nào chắc chắn để tránh hoàn toàn việc ăn uống, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn ăn trước giờ đi ngủ dự định để đảm bảo bạn không ăn quá muộn. Ăn quá gần giờ đi ngủ có thể gây khó tiêu, khiến bạn khó ngủ hoặc đi ngủ với cảm giác cực kì khó chịu.

Ghi nhật ký trước khi đi ngủ

Bộ não của chúng ta rất tuyệt vời trong việc theo dõi mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống. Khi chúng ta có việc gì đó cần phải hoàn thành, bạn có thể nảy sinh những cảm hứng bất chợt khiến bạn thức khuya. Viết ra những gì mình đang nghĩ có thể giúp bạn xoa dịu tâm trí để có thể an tâm đi vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể dành thời gian này suy ngẫm và lập kế hoạch cho tuần tới để có thể chủ động trong mọi việc.

Vận động mỗi ngày

Cơ thể con người có thể làm được rất nhiều điều tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu cơ thể chúng ta không hoạt động vào ban ngày, thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ trở nên bồn chồn vào ban đêm. Có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ việc tập thể dục hàng ngày cũng như xác minh những tác dụng tuyệt vời của nó. Bạn có thể chọn học yoga, gym hay thậm chí chỉ cần tập một số động tác giãn cơ, thư giãn xương khớp.

Tránh làm những việc khác trong phòng ngủ

Làm bài tập về nhà, lướt Instagram và Facebook trên điện thoại khiến bạn ít có khả năng đi ngủ đúng giờ. Nếu bạn có thói quen kiểm tra điện thoại khi leo lên giường, thì bạn phải bắt đầu phá vỡ thói quen này ngay bây giờ. Phòng ngủ của bạn chỉ nên dành cho giấc ngủ và bất cứ hoạt động nào khác đều có thể được thực hiện ở ngoài nơi này.

Nhờ bạn bè “kiểm soát” mình

Nghe có vẻ trẻ con nhưng đôi khi chúng ta cần một người bạn để giúp chúng ta vượt qua những trở ngại của mình. Có một người để thảo luận các “chiến thuật” nhằm ngủ ngon hơn có thể là điều đáng được khuyến khích. Ngủ sớm có thể khó, nhưng với sự “quản lý” của người khác, điều đó có thể dễ dàng hơn.

Luôn chú ý thời gian đi ngủ

Mọi mẹo vừa được liệt kê trên có vẻ đơn giản và bạn có thể đã thực hiện nó trước đây. Nhưng nếu bạn vẫn thấy mình thức khuya, có thể bạn đã không thực hiện điều cơ bản nhất: Chú ý đồng hồ. Thật dễ dàng để thời gian trôi qua vèo vèo bằng việc “xem thêm một tập nữa thôi” hay “đọc nốt một chương này nữa”.

Không có một chiến lược hay chiến thuật nào là hoàn hảo và luôn có hiệu quả để ngăn bạn thức khuya. Và đôi khi chỉ cần quá đam mê vào một công việc hay mải suy ngẫm một ý tưởng gì đó, bạn lại thấy mình thức trắng vào ban đêm. Đó cũng là điều bình thường thôi bởi suy cho cùng thì chúng ta cũng chỉ là con người, chúng ta làm việc theo cảm tính. Điều quan trọng là nếu thực sự muốn thay đổi bản thân cũng như rèn luyện một lối sống lành mạnh, hãy cố gắng sửa những thói quen này mỗi ngày và dần dà, bạn sẽ tập được việc đi ngủ đúng giờ, xóa bỏ đời sống “cú đêm”.