VĂN HÓA

Làng nghề làm đồ thờ cúng nghìn năm tuổi của Hà Nội

Nguyễn Hậu • 18-01-2024 • Lượt xem: 1680
Làng nghề làm đồ thờ cúng nghìn năm tuổi của Hà Nội

Mỗi khi Tết đến xuân về người Việt lại sửa soạn lại ban thờ ông bà tổ tiên. Vì thế mà làng nghề làm đồ thờ cúng Sơn Đồng càng trở nên bận rộn hơn do số lượng đơn hàng tăng cao gấp nhiều lần.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía đông bắc, làng nghề Sơn Đồng thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức Hà Nội với lịch sử hơn 1000 năm nổi tiếng với nghề chế tác tượng phật, tượng mẫu, tượng thánh, tượng anh hùng, tượng tam tứ phủ… Và sản xuất đồ thờ cúng mỹ nghệ bằng gỗ như bàn thờ, bàn án gian, sập thờ, hoành phi - câu đối, cửa võng, chấp tải, các dụng cụ trên bàn thờ… Tất cả các sản phẩm đều được sơn son, thếp vàng, thếp bạc thủ công một cách tỉ mỉ và cầu kỳ. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hầu như ở các di tích đền, chùa, phủ... đều có sản phẩm của làng Sơn Đồng. Sản phẩm của Sơn Đồng chiếm 50-60% thị phần tượng phật, tượng mẫu, đồ thờ cúng trong nước và đã xuất khẩu ra nước ngoài. Nơi đây từng được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là làng nghề tạc tượng và đồ thờ lớn nhất Việt Nam.

Sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng

Đến với ngôi đền linh thiêng cổ kính của làng Sơn Đồng chúng ta sẽ được ngắm nhìn những nét văn hóa truyền thống thể hiện sự tài hoa, đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong làng. Bao nhiêu năm tháng qua đi bức hoành phi uy nghiêm, bộ cửa võng tinh xảo với những hoa văn được sơn son thếp vàng tỉ mỉ vẫn trường tồn và giữ nguyên giá trị.

Sản phẩm của làng Sơn Đồng

Hiện làng nghề có trên 400 hộ còn giữ nghề với hơn 4000 người chiếm 80% dân số của xã. Rất nhiều gia đình trong số đó đã trải qua biết bao thế hệ cha truyền con nối. Nhiều nghệ nhân của làng không biết mình là đời thứ bao nhiêu chỉ biết từ thuở bé đã thấy gia đình và làng xóm làm nghề này, nghề cứ thế thấm dần vào máu của họ. Hơn một nửa lao động làm nghề được công nhận là thợ giỏi và nhiều người được tôn vinh, được phong danh hiệu nghệ nhân. Điều này đủ để chứng minh tâm huyết của người Sơn Đồng trong việc bảo vệ nghề truyền thống cũng như sức sống của nghề cổ truyền này.

Người thợ đang tạc phác tượng Phật

Theo sự chia sẻ của nghệ nhân thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Cây gỗ phải là cây gỗ sống không được chết ngọn, không có sâu mục ở bên trong. Một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn chế tác từ sơ, dựng hình, tạc phác, sơn… Riêng công đoạn sơn phải trải qua hơn chục nước sơn. Theo truyền thống màu sơn đồ thờ ở đền, đình, chùa thì nền màu son hoa văn màu vàng còn ở gia tư thì nền màu đen hoa văn màu vàng. Hàng ngàn năm qua những người thợ Sơn Đồng vẫn truyền chú vào hai dòng sản phẩm truyền thống vì vậy đã tạo nên chất riêng của Sơn Đồng khiến danh tiếng ngày càng bay xa và trường tồn với thời gian.

Những người thợ trẻ Sơn Đồng miệt mài với nghề truyền thống

Ngày nay trong khi nhiều làng nghề đang đối mặt với tình trạng lao động trẻ không mặn mà với nghề truyền thống. Ngược lại lớp trẻ Sơn Đồng vẫn hăng hái nối nghiệp cha ông nỗ lực tìm tòi để làm sống lại giá trị cũ đẹp đẽ song song với việc sáng tạo, đổi mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Những ngày giáp Tết các xưởng sản xuất ở đây phải hoạt động hết công suất bởi lượng hàng phải trả cho khách tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Lễ hội làng nghề Sơn Đồng

Thành quả mà những người thợ Sơn Đồng thu được sau bao ngày đêm miệt mài trong xưởng gỗ là tiếng thơm vang danh khắp mọi miền tổ quốc, là đời sống vật chất sung túc và đời sống tinh thần phong phú. Cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm người Sơn Đồng lại hân hoan tổ chức hội làng để thể hiện sự tri ân đối với tổ nghề cũng như niềm tự hào đối với nghề truyền thống này. Do ít chịu ảnh hưởng bởi đời sống đương đại nên lễ hội Sơn Đồng vẫn giữ được nét độc đáo riêng biểu trưng được phần lớn nghi thức cổ truyền của người Việt. Phong tục thờ cúng của người Việt còn thì làng nghề Sơn Đồng vẫn sẽ được duy trì và phát triển mạnh mẽ.