VĂN HÓA

Lê Đình Nguyên: Họa sĩ xuất sắc của sân khấu thể nghiệm quốc tế

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 18-11-2019 • Lượt xem: 8957
Lê Đình Nguyên: Họa sĩ xuất sắc của sân khấu thể nghiệm quốc tế

Họa sĩ Lê Đình Nguyên là một gương mặt gây nhiều chú ý gần đây khi cùng lúc có nhiều tác phẩm khá độc đáo tạo hình từ thơ ca hay cảm hứng trác tuyệt từ nàng Thơ. Anh vừa đạt giải thưởng “Họa sĩ xuất sắc nhất” Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội. Họa sĩ Lê Đình Nguyên đã dành cho DDVN một cuộc trao đổi.

Tin, bài liên quan:

'Mây trắng' trĩu nặng vì tình yêu trong tưởng nhớ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

Điêu khắc gia Lê Công Thành: nhô lên một đỉnh của đột phá

'Ký ức quê nhà' của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

* Cảm nghĩ của anh khi đoạt giải thưởng Họa sĩ xuất sắc nhất trong Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế với những tác phẩm tạo hình rối cho vở diễn “Thân phận nàng Kiều” của đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng?

Họa sĩ Lê Đình Nguyên (Nguyên Trâu) trong một triển lãm cá nhân

Họa sĩ Lê Đình Nguyên: Thật tình, tôi cũng không ngờ mình được giải “Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất” trong Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần này. Vì lần này Ban giám khảo có tới 50% là các nghệ sĩ nước ngoài với 21 vở kịch sân khấu từ các nước gửi về tham gia.

Trước hết, từ góc độ làm nghề, tôi nghĩ phải làm hết mình. Các tác phẩm dự thi lần này tôi đeo đuổi ý tưởng thể hiện thức trắng đêm. Làm nhiều phác thảo, cái nào không ưng thì bỏ. Cứ làm lại đến khi nào ưng ý thì thôi! Tránh không nghĩ đến chuyện phải đoạt giải thưởng này kia. Mà thật, khi bạn sống hết mình cho tác phẩm thì không còn cảm hứng nào tuyệt hơn nữa! Làm xong, khi đưa lên sân khấu diễn rồi thì "quên" luôn để còn sáng tác những cái khác nữa! Có lẽ độ cháy hết mình đó khiến những tác phẩm tạo hình múa rối cho “Thân phận nàng Kiều” đã chinh phục được Ban giám khảo.

Chân dung Nguyên Trâu

* Nhiều ý tưởng đã tạo hình tác phẩm nhưng anh có thể kể một ví dụ tâm đắc nhất của mình khi tái hiện hay “tượng hình hóa” nhân vật nàng Kiều của Nguyễn Du?

Có thể thấy Thúy Kiều là một nhân vật rất tâm đắc của Nguyễn Du nên ông đã dành cho nàng rất nhiều tính sáng tạo bằng ngôn ngữ. Nếu chỉ chọn minh họa bằng thơ của cụ Nguyễn thôi thì chúng ta sẽ chóng mặt vì quá nhiều câu hay như "Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn” hoặc “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Độc đáo hơn nữa thì "Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"… Nhưng nếu chỉ đi hay bị dẫn dắt giữa hai bờ những câu thơ hay mà không có bản lĩnh thì người họa sĩ sẽ chỉ tạo ra một nàng Kiều minh họa hay đèm đẹp mà thôi!

Một tác phẩm Rối trong vở diễn “Thân phận nàng Kiều” của họa sĩ Lê Đình Nguyên

Riêng tôi thì sau rất nhiều suy nghĩ, trăn trở đã tìm được hay dừng lại hình tượng biến khuôn mặt Kiều thành hình bóng một cây đàn tỳ bà, có 2 sợi dây đàn bằng đồng căng suốt. Hai dây đàn đó còn thể hiện hai dòng nước mắt tuôn chảy.

* Giải thưởng “Họa sĩ xuất sắc” của anh từ cảm hứng “Truyện Kiều” một thi phẩm cận đại nổi tiếng của thi hào Nguyễn Du làm tôi nhớ đến một tác phẩm đương đại khác cũng của anh là “Bầu trời trong quả trứng” sáng tạo từ tác phẩm cùng tên của nhà thơ Xuân Quỳnh trong một triển lãm mới đây được rất nhiều bạn bè, khán giả, đồng nghiệp yêu thích?

Họa sĩ Lê Đình Nguyên và nhà quay phim Trần Hùng trong triển lãm

Cám ơn câu hỏi khá thú vị của anh vì cận đại và đương đại đã song song với nhau. Thực tế là tôi có nhận lời với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là sẽ tham gia cuộc triển lãm mỹ thuật cùng các họa sĩ nổi tiếng trong dự án kỷ niệm 2 nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ mang tên “Mây trắng vẫn bay về” tại trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tháng 8/2019. Song song thời gian đó, tôi cũng lao vào làm dự án cho vở rối “Thân phận nàng Kiều” của đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng như đã kể. Công việc cuốn tôi ngày đêm. Và tôi đã quên béng lời mời của Điệp khi ngày triển lãm cũng đang tới gần!....

*Vậy anh đã thực hiện hay “chia sẻ tâm hồn”sáng tạo mình như thế nào để chu toàn với những “mối duyên” thơ cũng như “tình thơ”?

Nguyên Trâu đã thành biệt hiệu bạn bè gọi họa sĩ Lê Đình Nguyên, vì anh thành công khi cách điệu con trâu trong nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Thành Chương nhận xét về "thế giới Trâu" trong nghệ thuật Lê Đình Nguyên để trờ thành "Nguyên Trâu".

- (Cười) Cho đến gần sát ngày triển lãm “Mây trắng bay về”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gọi điện giục, tôi mới ngớ ra. Lúc ấy tôi cũng đã xoay tít mù, cố làm cho xong dự án 30 nhân vật của vở Kiều. Khi vở diễn báo cáo tổng duyệt xong thì chỉ còn đúng 4 ngày để có thể thực hiện một tác phẩm “Điêu khắc động” chủ đề tôi ấp ủ từ tứ thơ nữ sĩ Xuân Quỳnh “Bầu trời trong quả trứng”. Ở tác phẩm này, tôi tạo hình một quả trứng khoét vỡ ra. Bên trong là hai chú gà con. Bên ngoài một chú luôn nhấp nhổm, chuyển động như chuẩn bị để nhảy về ngôi nhà chật hẹp 8m2 ấm áp của mẹ Xuân Quỳnh. Nữ sĩ Xuân Quỳnh như áng mây bay trong vòng quay tròn đều của quả trứng vỡ. Ý tưởng này dựa trên những câu thơ “Tôi kể với các bạn/ Một màu trời đã lâu/ Đó là một màu nâu/ Bầu trời trong quả trứng” và tiếp đó là ánh sáng của sự quẫy cựa: “Tôi đạp vỡ màu nâu/ Bỗng thấy nhiều nắng lộng/ Bỗng thấy nhiều gió reo/ Bỗng tôi thấy thương yêu/ Tôi biết là có mẹ…”. Nhưng cũng nhiều thử thách giông tố. Đó chính là sự huyền nhiệm của cuộc sống. “Bầu trời ở bên ngoài/ Sao mà xanh đến thế/ Trời xanh mà tôi nghĩ/ Trời xanh mà tôi yêu/ Trời xanh ấy mang theo/ Cả nỗi lo nỗi sợ…”.

Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) trả lời báo chí bên tác phẩm "Bầu trời trong quả trứng" của họa sĩ Nguyên Trâu hình thành từ cảm hứng bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh. Triển lãm "Mây trắng bay về", Hà Nội 25/8/2019.

Một người khách nước ngoài đang thích thú bên tượng "Bầu trời trong quả trứng" của Nguyên Trâu. Rất nhiều bạn trẻ háo hức chụp lại tác phẩm độc đáo này.

Hôm khai mạc, tác phẩm vẫn còn ướt, chưa khô. Còn tôi như kiệt sức luôn. Dự xong buổi ra mắt, về lăn ra ngủ bốn ngày mới lại. Những niềm vui sáng tạo mong manh và hạnh phúc như thế! Và thật kỳ lạ! Tôi có câu chuyện này giữ kín, chưa hề kể với ai. Bây giờ xin tiết lộ cùng với bạn đọc DDVN. Trong giấc ngủ vùi ấy, tôi đã mơ thấy khi tác phẩm kiến trúc động “Bầu trời trong quả trứng” đang thi công thì vợ chồng nữ sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng bé con Lưu Quỳnh Thơ hiện ra. Giấc mơ hay sự thật vẫn còn sống động trong tâm trí tôi.  

* Câu chuyện của anh thật cảm động! Tôi có cảm giác giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ tạo hình luôn luôn xung đột như bên tĩnh bên động, bên khối bên ký hiệu, bên tượng hình bên tạo nghĩa… Là hai thế giới, rất mâu thuẫn, rất khác nhau. Nhưng trong tác phẩm Lê Đình Nguyên tất cả đã hòa quyện, đã xóa bỏ được những ranh giới khoảng cách? Kéo gần lại ngôn ngữ biểu hiện?

Họa sĩ Lê Đình Nguyên (trái) cùng họa sĩ Lương Xuân Đoàn và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng

- Tôi nghĩ văn thơ, nhạc họa luôn đồng hành trong mỗi sáng tác của người nghệ sĩ. Tôi chưa thấy một nghệ sĩ tạo hình nào mà lại không yêu thơ ca cả!? Nếu một nghệ sĩ tạo hình bản lĩnh - họ sẽ không “minh họa” thơ ca. Vì nếu “minh họa” thuần túy thôi tác phẩm sẽ rất nhợt nhạt, vô vị và tầm thường. Họ phải sáng tạo lại từ cảm xúc thơ ca theo nhãn quan, lăng kính riêng, hay bay bổng nhịp thức của riêng mình. Qua đó họ sẽ cất cánh bay lên bằng hình tượng nghệ thuật tạo hình riêng để trở thành một tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc lập. Bài thơ của thi sĩ sẽ hiện ra trong tâm trí người xem với một hình tượng vừa lạ vừa quen…

Đó chính là sự thăng hoa thần bí của người Nghệ sĩ.

* Cảm ơn họa sĩ Lê Đình Nguyên đã dành cho DDVN cuộc trao đổi rất thú vị khi hội họa bay bổng cùng thi ca. Chúc anh có nhiều tác phẩm độc đáo và thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo nghệ thuật!