Duyên Dáng Việt Nam

Điêu khắc gia Lê Công Thành: nhô lên một đỉnh của đột phá

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 26-09-2019 • Lượt xem: 5088
Điêu khắc gia Lê Công Thành: nhô lên một đỉnh của đột phá

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa khai mạc triển lãm “Tranh và tượng Lê Công Thành” từ 24/9 đến hết ngày 9/10/2019. Đây cũng là lần đầu tiên có một trưng bày tương đối lớn, giới thiệu 45 tác phẩm điêu khắc và tranh của một cố điêu khắc gia nổi tiếng ở thành phố biển miền Trung, cũng là quê hương ông.

Tin, bài liên quan:

Duy Ninh, triển lãm ‘Một cõi người’

Bửu Chỉ, tranh là những nỗi niềm bí mật

Vĩnh Phối và hội họa trừu tượng

Thật khó để nói hết vẻ đẹp toàn bích trong tác phẩm Lê Công Thành, đặc biệt là tượng của nhà điêu khắc. Ông từng được giới phê bình mỹ thuật, công chúng cũng như bạn bè đánh giá là “vị thần cai quản vẻ đẹp đàn bà”. Điều đó còn có nghĩa Lê Công Thành đã tìm ra được tiếng nói riêng hay xác lập tư duy ngôn ngữ tạo hình của mình về cái đẹp và chuẩn cái đẹp. Điều này viết ra chỉ vài hàng đơn giản nhưng cực kỳ khó. Bởi vấn nạn chung của giới tạo hình Việt Nam là không tìm được ngôn ngữ riêng của điêu khắc. Tượng của họ phần lớn chỉ cố bày biện thô sơ hay kỹ lưỡng về các hình thái tĩnh hoặc động của đối tượng chứ chưa đạt tới ngôn ngữ riêng. Xóa bỏ tư duy sáng tạo, tìm kiếm, tượng chỉ còn mô tả hiện thực công nông binh xã hội chủ nghĩa. Và gần hết đó là sự chai lì, cô đơn mòn mỏi thiếu sức sống của điêu khắc tập thể chứ không phải đột phá của cá nhân.

Chân dung Điêu khắc gia Lê Công Thành

Và Lê Công Thành nhô lên như một đỉnh của đột phá.

Cái đẹp của người phụ nữ đầy thăng hoa và bí ẩn. Hình như kiếp người đã ghi nhận qua những phát hiện từ tượng của các nhà điêu khắc kiệt xuất và vĩ đại của thế giới. Mỗi thời, mỗi đời từ cổ đại đến hiện đại và hôm nay, tiền – hậu hiện đại có những phát hiện bổ sung, tiệm tiến và toàn bích. Hướng tới một cái đẹp toàn cảnh của một nửa nhân loại. Lướt qua, có thể kể là đóng góp quan trọng của các điêu khắc gia từ Praxiteles (sống vào thế kỷ thứ 4 TCN) đến Michelangelo (1475 - 1564) qua Gianlorenzo Bernini (1598 - 1680) về Auguste Rodin (1840 - 1917) và Henry Moore (1898 - 1986)… Tôi không có ý so sánh Lê Công Thành với những cái bóng khổng lồ quá lớn như thế nhưng tôi chủ ý muốn xếp ông vào những nghệ sĩ luôn tìm kiếm chính mình và tập bước qua chính mình. Các vĩ nhân, nghệ sĩ lớn của thế giới ở mọi ngành nghệ thuật đều tập bước qua như vậy và tác phẩm họ để lại như bằng chứng của ngọn lửa Promete.

Tượng "Mẹ Âu Cơ" của nhà điêu khắc Lê Công Thành dựng bên biển Đà Nẵng

Trở lại không gian tượng và ngôn ngữ điêu khắc của Lê Công Thành đang trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, người xem như chứng kiến vẻ đẹp của những sáng tạo sung sức nhất cả đời người tìm kiếm. Đó là những tác phẩm kết tinh từ vàng ròng của vốn sống, vốn hiểu biết lọc lõi chưng cất từ văn minh cái đẹp ngàn năm của nhân loại. Từ thế giới thu nhận vào tri kiến của mình và từ bản ngã của mình hòa điệu ra cùng nghệ thuật tạo hình điêu khắc thế giới.

Tượng đài chiến thắng Núi Thành - Điêu khắc gia Lê Công Thành

Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng nhận xét: “Tượng của Lê Công Thành mấy chục năm qua sáng tác tập trung chủ yếu vào vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ, hay nói đúng hơn, vẻ đẹp cao quý của thân thể người của phái đẹp. Đẹp ở mọi góc độ, mọi cách thưởng thức, mọi lối nhận định hay đánh giá. Tự nó vượt qua các định kiến về lý tưởng thẩm mỹ hay tôn giáo chủng tộc…”.

Có một điều tôi vừa phát hiện ra là nhà điêu khắc Lê Công Thành chưa bao giờ hài lòng với các tác phẩm của mình. Trong cuốn sách đã ra mắt khá đặc biệt của Lê Công Thành (in ít, lưu hành chủ yếu dành cho những người thực sự quan tâm đam mê thế giới ngôn ngữ tạo hình - nxb Mỹ thuật) do chính ông viết, ông luôn luôn nói rằng trên nghệ thuật của ông còn có một “đấng tối cao”, một “đấng vĩ đại” luôn theo dõi, nhắc nhở, thúc hối sự tìm kiếm nảy nở trong nghệ thuật ông. Những gì ông đã làm đều nằm trong sự mách bảo, kêu gọi, cột thu lôi thu phóng điện từ, năng lượng sáng tạo mới từ trái tim hướng ra thế giới vũ trụ bao la ấy!

Tranh của nhà điêu khắc Lê Công Thành

Còn gì tượng hình hơn nữa khi nói về thế giới sáng tạo. Có tạc tượng “Mẹ Âu Cơ vĩ đại” sinh trăm trứng thì cũng nằm trong bàn tay của tạo hóa, của vũ trụ.

Chúng ta chỉ là những hạt cát nhỏ bé, mềm mịn và lòng thành… Nghệ thuật là tiếng hát vi tế và kỳ diệu ấy…

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932 tại Đà Nẵng. Ông từng viết bài và vẽ minh họa cho báo Quân đội đến năm 1954, sau đó tập kết ra Bắc. Ông được cử tham gia khoá học Tô Ngọc Vân kéo dài từ năm 1955 đến 1957.

Ông theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Sau đó, ông được mời làm giảng viên trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (sau đổi là Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp). Ông cũng từng được cử đi thực tập điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moscow, Liên Xô) từ 1968-1970. Năm 1975, ông thôi việc dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật. 

Ông từng tham gia rất nhiều triển lãm quốc tế tại Latvia (1979), Hong Kong (1991), Pháp (1997, 2004)…

Ông mất vào 13h ngày 28/3/2019, hưởng thọ 87 tuổi. Những tác phẩm của ông để lại càng lúc càng thấy rõ những thông điệp, những giá trị.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa khai mạc triển lãm “Tranh và tượng Lê Công Thành” từ 24/9 đến hết ngày 9/10/2019.

Ảnh: Lập Phương