Duyên Dáng Việt Nam

Lì xì đầu năm - nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt

TD • 12-02-2021 • Lượt xem: 2083
Lì xì đầu năm - nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt

Mỗi người chúng ta chắc ai cũng đã quen với phong bao lì xì trong mỗi dịp Tết. Cho dù Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều khác biệt, tuy nhiên phong tục này vẫn được lưu truyền như một nét đẹp truyền thống, một phần của phong vị Tết dân tộc.

Tin, bài đọc thêm:
Những món ăn đem lại vận đỏ trong dịp Tết của các nước Châu Á
Thực đơn cho mâm tiệc ngày Tết thanh đạm mà vẫn ngon trọn vị

 

Phong tục lì xì ngày Tết
Cứ mỗi độ xuân về chính là lúc người thân quây quần bên nhau, cùng nhau đón một cái Tết trọn vẹn và đầm ấm. Theo truyền thống, sáng mùng một Tết từ người lớn đến trẻ em đều dậy sớm, diện những bộ quần áo đẹp chỉnh tề. Sau khi thắp nhang ông bà, tổ tiên lần lượt mọi người sẽ trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp và không thể nào thiếu những phong bao lì xì, có lẽ đây là điều mong đợi nhất.
Người già nhận lì xì với lời chúc sức khỏe, trường thọ, vui vầy với con cháu. Người trẻ tặng nhau bao lì xì với ý nghĩa thêm tài lộc cho năm mới. Trẻ nhỏ thì được nhận bao lì xì mừng tuổi với lời chúc mau ăn chóng lớn, thông minh, khỏe mạnh. Cứ thế, tục lì xì không biết đã xuất hiện từ khi nào nhưng đã được lưu truyền từ năm này qua năm khác và được gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Nguồn gốc của phong tục lì xì đầu năm mới
Có khá nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc của tục lì xì đầu năm mới. Có chuyện kể rằng, từ xa xưa, ở Đông Hải yêu ma quỷ quái rất lộng hành, chúng thường xuyên phá phách người dân, đặc biệt là trẻ con. Vào đêm giao thừa chúng hay xuất hiện xoa đầu những đứa trẻ đang ngon giấc khiến trẻ giật mình, khóc thét và sốt cao, vì vậy bố mẹ thường không dám ngủ, đốt đèn thức canh cho con trẻ. Đây cũng là câu chuyện giải thích cho tập tục thức qua đêm giao thừa.

Năm đó, có một gia đình hiếm muộn, ngoài 50 tuổi mới sinh được một cậu con trai kháu khỉnh nên rất thương yêu và cưng chiều. Tết đến, có tám vị tiên đi ngang qua nhà, biết cậu bé này sẽ bị ma quỷ trêu ghẹo. Nhận thấy cha mẹ cậu bé là người hiền lương nên các vị tiên quyết định cứu giúp bằng cách hóa thân thành tám đồng tiền, ngày đêm ở cạnh canh giữ cậu bé. Khi bé ngủ say, cha mẹ bé mang tám đồng tiền gói vào tờ giấy đỏ, đặt lên gối của con rồi mới đi ngủ. Đêm giao thừa, yêu quái đến giơ tay định xoa đầu cậu bé thì bị những ánh vàng hào quang phát ra từ tám đồng tiền làm giật mình, sợ hãi và bỏ chạy. Tiếng lành đồn xa, sau này mỗi dịp Tết đến, người lớn lại bỏ đồng xu vào phong bì đỏ đưa cho trẻ nhỏ để xua đuổi những điều xấu xa, cầu chúc cho trẻ lớn lên khỏe mạnh, an lành. Dần dần việc này trở thành thói quen và được lưu truyền đến tận bây giờ, mọi người gọi nó là lì xì đầu năm mới.

Tại sao lại gọi là “lì xì”?
Vốn dĩ lì xì có xuất xứ từ Trung Quốc, lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, nghĩa là được tiền, được lợi, được may mắn. Do đó gọi lì xì vì người nhận sẽ được đem lại may mắn, điều lành, điều tốt trong dịp đầu năm.

Sự quan trọng của phong tục lì xì không phải nằm ở số tiền nhiều hay ít mà là ở ý nghĩa tốt đẹp của hành động này. Mỗi phong bao lì xì mang trong mình một thông điệp riêng mà người biếu muốn gửi gắm đến người nhận khi tết đến xuân về.

Ý nghĩa của việc lì xì đầu năm mới
Tục lì xì  ngày Tết mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp, nó là nét đẹp văn hóa mang lời chúc may mắn, sung túc, an lành đến mọi người. Tùy theo mỗi nhà số tiền lì xì sẽ được chuẩn bị khác nhau, cho đi và nhận lại càng nhiều bao lì xì thì càng tốt vì đó là biểu hiện của sự sung túc, phát tài phát lộc. Tiền lì xì thường được để trong phong bao màu đỏ tượng trưng cho sự tế nhị, kín đáo và một phần để tránh sự đố kỵ so bì hơn thua dẫn đến những xích mích không đáng có trong ngày Tết. Cũng vì lí do này, người Việt Nam chúng ta thường không đưa trực tiếp tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng trong phong bao đỏ thắm, tinh tươm. Ngoài ra, màu đỏ của phong bao lì xì tượng trưng cho màu may mắn, vạn sự như ý. Người nhận được bao lì xì tin rằng những bao lì xì đỏ sẽ mang lại tài lộc cả năm cho mình.

Không phải chỉ người thân trong gia đình mới mừng tuổi nhau mà khi khách đến chúc tết cũng có thể lì xì cho gia chủ và ngược lại. Bất cứ ai nhận được những phong bao lì xì trong ngày Tết đều cảm thấy phấn khởi và hạnh phúc. Những chiếc bao lì xì giúp gắn kết mọi người với nhau hơn vì thế nên cho dù Tết nay đã thay đổi nhiều so với Tết xưa thì phong tục lì xì đầu năm vẫn là một nét đẹp truyền thống của dân tộc không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Cùng với cây mai, cây đào, bánh chưng và cặp dưa hấu, nếu như thiếu tục lì xì thì ngày Tết chắc hẳn buồn lắm và không thể nào trọn vẹn. Vì thế, nếu muốn cùng nhau san sẻ hạnh phúc, truyền tải những điều may mắn tốt đẹp đến mọi người ngoài những câu chúc thân tình thì những phong bao lì xì là một phần quan trọng không thể bỏ qua.