Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 diễn ra tại TP.HCM từ ngày 11.4 đến ngày 25.4, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phối hợp tổ chức.
Liên hoan sẽ có 22 đơn vị tham gia, 27 vở kịch được diễn tại Nhà hát Quân đội và nhiều sân khấu khác. Các đoàn kịch nói chủ yếu đến từ TP.HCM và Hà Nội, 1 đoàn ở Hải Phòng và 1 đoàn Nam Định. Mỗi đoàn sẽ có từ 1 đến 2 vở tham gia Liên hoan.
Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy - vở kịch sẽ tham dự Liên hoan
Khó khăn về thời gian quy định
Quy chế dành cho các vở diễn tham gia dự thi tương đối thoáng về đề tài và không lấy từ kịch bản nước ngoài, thời gian hoạt động của các đoàn kịch tham gia có tư cách pháp nhân và phải có hoạt động biểu diễn từ 12 tháng trở lên. Những quy chế này khiến cho Liên hoan "xôm tụ" khi có khá nhiều đơn vị công lập và ngoài công lập đăng ký tham gia. Ngoài 9 đoàn nhà nước, 13 đoàn ngoài công lập - từ những sân khấu xã hội hóa đã được thành lập từ lâu như Hồng Vân, Phước Sang đến những đơn vị mới thành lập như sân khấu Trịnh Kim Chi, Buffalo, Minh Nhí... - đều háo hức tham gia. Đây là dịp tốt để các nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực kịch nói trao đổi kinh nghiệm, tuy nhiên việc khống chế thời gian từ 90-120 phút cho mỗi vở diễn dự thi lại là một cản trở cho một số sân khấu như Hoàng Thái Thanh, IDECAF.
Vở Giấc mộng vàng son của sân khấu Hoàng Thái Thanh
TP.HCM là mảnh đất hoạt động kịch nói sôi nổi nhất nước và hầu hết các vở đều từ 2,5 đến 3 tiếng. Các sân khấu như Thế Giới Trẻ, 5B đều đã "làm gọn các vở kịch đem đến Liên hoan cho đúng khung giờ ban tổ chứ quy định. Trong khi đó, nghệ sĩ Ái Như cho rằng, sân khấu Hoàng Thái Thanh có nhiều vở diễn có thể tham dự Liên hoan, tuy nhiên, đó là những vở được dàn dựng để phục vụ công chúng và thời lượng thường là 3 tiếng đồng hồ nên đành "bỏ cuộc chơi" vì không thể chỉ để diễn Liên hoan mà "cắt tay cắt chân đứa con tinh thần của mình". Sân khấu IDECAF cũng không tham gia Liên hoan lần này. Sân khấu kịch Quốc Thảo rơi vào trường hợp muốn tham dự nhưng thời gian hoạt động chưa được 1 năm.
Huy chương vàng, huy chương bạc sẽ được Bộ VH, TT và DL trao cho vở diễn chất lượng tốt và cá nhân nghệ sĩ xuất sắc, đồng thời trao giải thưởng xuất sắc cho đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc nhất Liên hoan và giải cho đạo diễn trẻ (có tuổi đời không quá 35)
Các vở diễn được chờ đợi
27 vở kịch được diễn ra suốt Liên hoan là dịp tốt nhất để khán giả yêu kịch nói được "coi kịch thả ga". Liên hoan mở cửa tự do cho mọi khán giả, cần đến sớm để ban tổ chức sắp xếp ghế ngồi. Mỗi ngày sẽ có 2 suất diễn vào lúc 14 giờ và 20 giờ. Các đoàn phía Bắc như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, đoàn kịch nói Hải Phòng, đoàn kịch Quân đội... sẽ diễn tại Nhà hát Quân Đội (140 Cộng Hòa, P.4, Q.Tân Bình). Các đoàn phía Nam sẽ diễn tại sân khấu của mình.
Vở Đàn bà... mấy tay? của Sân khấu kịch Hồng Vân
Các đoàn Hoàng Thái Thanh, IDECAF không tham dự Liên hoan cũng là một thiệt thòi cho khán giả. Tuy nhiên, có rất nhiều vở diễn đã gây được tiếng vang từ trước Liên hoan nên được khán giả và giới làm nghề chờ đợi như vở Đàn bà... mấy tay? (sân khấu Hồng Vân), Hoa cúc xanh trên đầm lầy và Nhà Ô Sin (Nhà hát Tuổi Trẻ), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội), Tiếng vạc sành (sân khấu kịch Minh Nhí)...
Vở Tiếng vạc sành của Sân khấu kịch Minh Nhí
Liên hoan cũng là dịp để các đạo diễn, diễn viên thi tài và là dịp để khán giả có dịp xem kịch một cách có tập trung, tiện cho việc đánh giá, so sánh tài nghệ của các diễn viên. Rất nhiều đạo diễn, diễn viên được yêu thích sẽ có mặt tại Liên hoan như Lê Hùng, Anh Tú, Trần Ngọc Giàu, Hồng Vân, Lê Khanh, Trịnh Kim Chi, Hoài Linh, Ốc Thanh Vân, Minh Nhí, Thanh Thủy, Trung Dân, Lan Phương...