Duyên Dáng Việt Nam

Linh hồn nước mắm

Nhà báo Lê Hồng Minh • 14-09-2021 • Lượt xem: 454
Linh hồn nước mắm

Từ lâu, nước mắm đã trở thành món chấm không bao giờ thiếu trong các mâm cơm gia đình người Việt. Nhiều người mẹ đã luôn dạy các con của mình rằng, khi dọn mâm cơm để mọi người vào bữa ăn, là phải lấy chén nước mắm đầu tiên.

Tin và bài liên quan: 

Ăn tết 'Online'

Về Huế...thắp nhang - Tùy bút Lê Hồng Minh

Món ngon dân dã: Cơm chan nước mắm mỡ đông và bánh nậm xứ Huế

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Đặt chén nước mắm vào chính giữa cái mâm đã, sau đó mới xếp các món ăn khác xung quanh. Vì vậy, khi nhìn vào mâm cơm dù đạm bạc hay sang giàu, đều sẽ thấy các món ăn đối xứng nhau, cả mâm cơm có một điểm đồng tâm qua chén nước chấm.


Cũng không biết vô tình hay hữu ý, mà việc chén nước mắm được định vị ngay giữa mâm cơm dù với các món bình dân hay cao sang, thì quả thực "mẹo nhỏ" này đã làm cho mâm cơm trở nên đẹp đẽ hẳn lên. Nhiều người cứ theo lời mẹ, lời người lớn dặn làm theo mà không hề biết rằng cách sắp xếp đó không chỉ là thẩm mỹ, mà còn là cách giáo dục của người Việt trong mỗi bữa ăn: khách tới nhà dù được mời dùng bữa hay chỉ đứng ngoài quan sát, cũng đều nhìn vô chén nước chấm trong mâm cơm để đánh giá cách dạy nết ăn nết ở của cha mẹ đối với con cái trong gia đình. 

Giờ mới nhiều loại nước chấm khác nhau trong một mâm, chứ nào giờ thường chỉ có một chén nước mắm duy nhất trong cả mâm cơm. Từ vị trí tâm điểm này mà mọi người đều có thể với tay được để nhúng thức ăn qua chén nước chấm này, đó là lý do vì sao nó luôn ở giữa mâm. Đang bữa lỡ nước mắm có hết, thì không bao giờ lấy chén mắm khác thay vô, mà nó mặc định là luôn được "châm" thêm tiếp. 


Nhìn vô mâm cơm ai cũng dễ nhận ra chén nước mắm vì nó có cái màu đặc trưng, luôn sẫm hơn màu của các món ăn xung quanh, tạo nên sự nổi bật khá ấn tượng. Vì vậy, chính chén nước chấm mới là trung tâm của mâm cơm chứ không phải là thịt gà, thịt heo, giò chả hay những đồ ăn khác. Chén nước mắm tuy nhỏ vậy đó, nhưng lại là "địa chỉ" giao lưu của hầu hết các món ăn, và cũng là nơi trung hòa gia vị và hương vị cho từng món. 
Chén nước mắm nằm giữa mâm cơm, góc độ nào đó còn thể hiện tính cộng đồng và chuẩn mực trong mỗi bữa ăn. Bởi lẽ chén nước chấm đặt ở giữa mâm nên ai cũng phải dùng, do đó nó trở thành thước đo sự ý tứ và trình độ văn hóa của mỗi người.

Lê Hồng Minh