VĂN HÓA

Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu

Minh Minh • 03-07-2022 • Lượt xem: 881
Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022), NXB Trẻ xuất bản tập sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu với phần Lục Vân Tiên ca diễn bản có hiệu đính, phụ bản chữ Nôm và phần luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của các tác giả Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng.

Độc giả phổ thông có thể đọc cuốn sách này để ngâm ngợi và thưởng thức truyện thơ Lục Vân Tiên được trình bày đẹp, chỉn chu; những nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều chú thích dị bản về các từ ngữ trong các câu thơ, mở rộng vốn từ và nhiều cách hiểu thú vị về văn hóa một thời.

Lục Vân Tiên Ca Diễn

Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm có đời sống gắn liền không chỉ với lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ, mà các khái niệm trung hiếu, nhân nghĩa, thủy chung, hiếu học... thông qua tình tiết truyện và các nhân vật đã trở thành một phần cốt cách của cư dân xứ này. Giá trị nghệ thuật của Lục Vân Tiên tồn tại qua gần hai trăm năm cho thấy nhiều tầng ý nghĩa và nhiều phương diện tác dụng. Trong điều kiện thất lạc tài liệu gốc từ thủ bút tác giả, việc cố gắng tìm về một bản văn có độ tin cậy cao, được xem là “gần với bản gốc nhất”, là hành trình khó khăn nhưng cần thiết. Phần 1 Lục Vân Tiên Ca Diễn trong tập sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu chứa bản hiệu đính Lục Vân Tiên và phụ bản chữ Nôm được xem là “gần với bản gốc nhất” - gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm. NXB Trẻ in lại nguyên văn từ bản sách rất công phu Lục Vân Tiên – bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (thuộc Tủ sách Văn học – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa) ấn hành năm 1973 của Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (vốn được thành lập năm 1971 tại Sài Gòn) và chỉ sửa đôi chỗ chính tả cho hợp với quy tắc hiện hành.

Xuất phát từ thực tế là trong dân gian đang lưu hành “các bản Truyện Lục Vân Tiên khác nhau rất nhiều”, Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã hiệu đính quyển Lục Vân Tiên với ý tưởng “tái bản một quyển Lục Vân Tiên thật gần với nguyên tác” lại hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa, nhất là với giới học thuật. “Trên hành trình truyền bản của truyện Nôm Lục Vân Tiên (ra đời khoảng năm 1854 lúc Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi, bản Nôm khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được là do Quảng Thạnh nam phát thụ, Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in ở Quảng đông 1865), việc thành lập Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 và hiệu đính cho ra đời bản sách Lục Vân Tiên – bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm năm 1973 là sự kiện đáng kể” – trích từ lời giới thiệu in trong sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của NXB Trẻ.

Phần Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu

Bao gồm các công trình nghiên cứu và bài viết của năm tác giả: Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Vần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng cung cấp cái nhìn giá trị và độc đáo về tác phẩm và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, góp phần giúp bạn đọc ngày nay có thêm cái nhìn tham khảo.

Một số trích đoạn từ phần Luận đề:

*Trích từ bài “Bản chất của truyện Lục Vân Tiên” – Tác giả Thuần Phong (Trích Văn Đàn, số đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu số 37-38 từ 12 đến 25/7/1962):

 “Những từ ngữ và những thể cách hành văn địa phương đầy dẫy trong truyện, tạo cho văn chương Lục Vân Tiên một bổ chất đặc biệt, nôm na đến mức người ta thì là thật thà. Nhưng xét trên bình diện địa phương, một bổn truyện đạo đức đặt ra cho một xã hội có tiếng thật thà, mà đặt đúng mức thật thà, đó là một thành công. Thật vậy, ở xứ đồng rộng sông sâu này, người ta bảo “có văn có chất mới ra lịch người”.
Người ta quí trọng thực-chất:
Chớ ham nón tốt đột mưa
Chớ ham người tốt mà thưa việc làm.
(Ca dao)
Thực chất là phần cốt yếu:
Ôm bầu mang tiếng thị phi
Bầu không có rượu lấy gì mà say?
(Ca dao)
….

Tác giả ắt đã biết trước chủ trương bình dân của mình sẽ bị những kẻ chuộng hư văn hơn thực chất công kích, nên đã ngăn ngừa:
Nôm na dầu vụng hay hèn,
Cũng xin lượng biển, uy đèn thứ cho.
Mượn sắc thái của địa phương nối lần thân thế của cá nhơn tác giả, truyện Lục Vân Tiên mới phải là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội mới, phản ảnh trung thành hình bóng của con người Đồng Nai, mới soi rọi sáng tỏ thế thái nhơn tình của miền Lục tỉnh.”

*Trích từ bài “Lục Vân Tiên hay tấm lòng của cụ Đồ Chiểu” – Tác giả BÙI GIÁNG (Trích trong luận đề về Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương của NXB Tân Việt, Sài Gòn 1957):

“Thường chúng ta muốn nói rằng đem văn chương mà phụng sự đạo lý thì dễ không đạt được mục đích lắm. Và văn chương dễ bị chết khô. Tác giả khi thai nghén một tác phẩmvăn chương với cái dụng ý đó thì ta dám lo ngại trước rằngtác phẩm văn chương sẽ dễ mất giá trị văn chương và tâm lý.
Nhưng với cụ đồ Chiểu lại không thế. Trong tác phẩm cụ cái quan điểm luân lý hoàn toàn lấn át quan điểm nghệ thuật, có thể nói nếu không có luân lý thì không có Lục VânTiên thế mà tại sao tác phẩm của cụ lại là một tác phẩm văn chương có một sức rung cảm rất mạnh. Ta có thể lấy làm lạ.
Điều này cũng làm ta rất thắc mắc giống như cái khi ta lần giở đọc tập Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim. Trước sau cụ bàn chuyện đạo lý, mà tại sao đạo lý của vị thánh hiền xưa giãi bày qua lời văn thâm trầm của cụ Kim, đạo lý lại như nhuốm rất nhiều hương vị man mác của văn chương, tưởng không có văn chương nào sánh bì kịp hết. Tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu thật cũng có lạ như thế. Nói đạo lý rất nhiều, vẫn không làm tổn hại cho văn chương. Mà trái lại. Tác phẩm đã rung động, cảm kích tâm hồn chúng ta nhiều nhất…”

*Trích “Con người toàn diện của Nguyễn Đình Chiểu” - Bài nói chuyện của Thu Giang Nguyễn Duy Cần nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1971):

Khổng Tử có bảo: “Trung nhơn dĩ thượng, khả dĩ ngứ thượng dã; trung nhơn dĩ hạ, bất khả dĩ ngứ thượng dã”. Với hạng trung trở lên, có thể dùng lời nói cao mà nói được; với hạng trung trở xuống, không có thể dùng lời nói cao mà nói được nữa. Sở dĩ cụ kết thúc một cách giản lậu, thật thà, máy móc để cho NHÂN và QUẢ liền với nhau là để thỏa mãn óc giản dị và thật thà của nhóm người “Trung nhơn dĩ hạ” dễ bề lĩnh hội. Và cũng nhờ thế mà văn chương và tiểu thuyết của cụ đã được vào ngay lòng dân chúng. Cái luân lý đạo đức mà người ta chê là rất tầm thường, thực sự là một thứ chân lý hết sức thiết thực: không căn cứ vào nó thì tất cả mọi công trình văn hóa, giáo dục, tôn giáo hay tổ chức xã hội đổ nát cả. Tất cả mọi thứ vănhóa, giáo dục, tôn giáo hay tổ chức xã hội phải chăng đều tinnơi thuyết nhân Quả, cái mà nhà Phật gọi là “chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu”, nhà nho gọi là “thiện ác đáo đầu, chung hữu báo”? Luật người, ta còn có thể trốn tránhđược, chứ luật trời, hay nói đúng hơn, đối với luật tự nhiêncủa tạo hóa, không một ai thoát khỏi: “thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (lưới trời thưa mà chẳng lọt). Đó là thứ chân lý hay triết lý lạc quan đã được nêu lên trong kinh Dịch: quẻ Bỉ và quẻ Thái liền với nhau: “tiên bỉ hậu bỉ”.

*Tham khảo thêm từ sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu: Nguồn gốc đặc biệt của tập sách Lục Vân Tiên – bản hiệu đính năm 1973:

Năm 1971 tại Sài gòn có một sự kiện quan trọng liên quan đến Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên: Một Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được Phủ Văn hóa thành lập. Việc đầu tiên của Ủy ban này là hiệu đính quyển Lục Vân Tiên.

Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (sau đây gọi tắt là Ủy ban) đứng đầu là các ông: Lê Thọ Xuân (chủ tịch), Đỗ  Thiếu  Lăng  (Phó  chủ  tịch),  Tăng  Văn  Hỉ  (Tổng thư ký) cùng các thành viên đã làm được phần việc rất đáng ghi nhận. Với chủ trương “cố gắng đưa quyền Lục Vân Tiên về gần với nguyên tác”, trong bối cảnh số bản Lục Vân Tiên từng lưu hành (theo ghi nhận của nam Kỳ Tuần Báo từ hồi 1943) lên đến 27 bản bao gồm bản nôm, bản quốc ngữ Latin và bản dịch ra Pháp văn, bản Ủy ban đã chọn được mười bản Lục Vân Tiên (một bản nôm và chín bản quốc ngữ cả in và chép tay) để tiến hành công việc san định. Mười bản đó là: 1/ Bản Nôm của Duy Minh Thị do Bửu Hoa Các xuất bản tại Phật Sơn trước 1865; 2/ Bản Janneaux, [chữ quốc ngữ] chép tay cũ rách không rõ niên đại (vì theo Abel des Michels thì bản Janneaux xuất bản tại Sài Gòn năm 1867, còn theo Ngạc Xuyên thì bản này xuất bản tại Paris năm 1873); 3/ Bản Abel des Michels gồm bản Quốc ngữ có Pháp văn đối chiếu và nguyên tác chữ Nôm, xuất bản tại Paris năm 1883; 4/ Bản Trương Vĩnh Ký, chép tay quá cũ mất nhiều chữ, không rõ in năm 1889 hay 1897; 5/ Bản Solirène, tức bản nhà Thuốc Tây g. Renoux, Saigon, 1913; 6/ Bản Trần Phong Sắc, Saigon: imprimerie J. Viết. 1921; 7/ Bản Nghiêm Liễn, hanoi: Ed. Lê Văn Tân, 1927; 8/ Bản Dương Quảng Hàm, hanoi: Ed. A. De Rhodes, 1944; 9/ Bản Ngọc Hồ, Sài gòn: nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, 1956; 10/ Bản Tân Việt, Sài gòn: in lần thứ Tư, không để năm xuất bản, Kiểm duyệt ngày 1-8-1956, số 969/T.X.B.

Trong mười bản này, bản Lục Vân Tiên của Abel des Michels xuất bản tại Paris năm 1883 (với Lời nói đầu viết từ 15-9-1881) là một ấn phẩm quan trọng. Abel des Michels viết rõ khi làm quyển Lục Vân Tiên ký tên mình là người san định, ông có sẵn trong tay ba bản: một bản nôm khắc in, một bản nôm chép tay (có nhiều câu hơn bản khắc in), và bản Janneaux. Abel des Michels – là giáo sư Trường Sanh ngữ đông Phương tại Paris – đã từ ba bản Lục Vân Tiên này hiệu đính và chấm câu “cho đúng với lối hành văn đông Á”. Abel des Michels so sánh giữa ba bản ông có, và tiến hành thao tác ngược với Janneaux (phiên từ chữ Nôm ra Quốc ngữ) bằng cách phiên từ chữ Quốc ngữ ra chữ Nôm nhờ ông Trần Ngươn Hanh đảm nhiệm. Rồi từ bản Nôm ấy, phiên ngược lại chữ Quốc ngữ, sau cùng dịch bản Quốc ngữ ấy sang Pháp văn để dạy học trò.

Ủy ban xét thấy thao tác của Abel des Michels công phu và khoa học, nên chọn bản Lục Vân Tiên của Abel des Michels làm căn bản, với lý do là: “1/ Bản này gần với nguyên tác hơn hết, vì rặt lời nói miền nam, rất bình dị mộc mạc và rất giống với “Thơ Vân Tiên nói thuộc lòng” ở khắp lục tỉnh; 2/ A. des Michels đã điều chỉnh ba bản xưa nhứt, lại có đủ phần Quốc ngữ và phần Nôm để tiện việc kiểm điểm”.

Sau đó,  Ủy  ban  lại  chọn  năm  bản  “gần  nhứt  với  bản  A.  des Michels về văn từ để liệt kê những chỗ sai biệt, rồi lo việc hiệu đính. năm bản đó là:

1/ Bản Janneaux – ghi là bản J;

2/ Bản Trương Vĩnh Ký – K;

3/ Bản Ngọc Hồ – N;

4/ Bản Solirène – S;

5/ Bản Tân Việt – T.”

Ngoài ra, gặp những chỗ nghi ngờ về cách dùng “tiếng xưa”, Ủy ban đã tham khảo bản Trương Vĩnh Ký “vì bản nầy in ra gần với lúc quyển Lục Vân Tiên được tác giả Nguyễn Đình Chiểu sửa chữa – đôi chút lấy lệ – do viên tham biện Bến Tre là Ponchon thỉnh cầu vào tháng 11 năm 1881”.

Sách in đúng theo thể thức làm việc đã giới thiệu, gồm Phần đầu là bản Quốc ngữ có đánh dấu và ghi chú ở những chỗ sai biệt giữa bản A. des Michels với năm bản kể trên; và Phần sau là ảnh ấn bản nôm của sách Lục Vân Tiên ca Diễn do A. des Michles san định (thủ bút Nôm của Trần Ngươn Hanh).

Như vậy, trên hành trình truyền bản của truyện Nôm Lục Vân Tiên (ra đời khoảng năm 1854 lúc Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi, bản Nôm khắc in sớm nhất hiện ghi nhận được là do Quảng Thạnh nam phát thụ, Duy Minh Thị đính chính, Tôn Thọ Tường trông nom, in ở Quảng đông 1865), việc thành lập Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu năm 1971 và hiệu đính cho ra đời bản sách Lục Vân Tiên – bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm năm 1973 là sự kiện đáng kể.

Dẫn vào chú thích ở đây, ví như câu 293 – 294:

Chẳng hay danh tánh là chi,

Một mình mang gói mà đi chuyện gì?

Vị trí chữ “gói”, Bản Nôm viết: 䈫(níp) là rất đúng. – Níp là thứ rương, siểng (đan bằng
tre hay mây, thường dùng đựng sách vở, đi học, đi thi): mang rương
quảy níp, quảy níp theo thầy (thầy học)

Câu 1637 – 1639:

Cha con nghe nói mừng lòng,

Dọn nhà sắm sửa động phòng cho xuê.

Chiếu hoa gối sách bộn bề.

Ở đây Gối (lá) sách là loại gối dựa của người giàu sang. Theo Huình Tịnh Của, gối lá sách là gối may nhiều lớp, nhiều con.

Tag: