Hội họa

Miss World - Nơi lưu giữ vẻ đẹp trí tuệ và nhan sắc bền bỉ

Châu Anh • 15-11-2018 • Lượt xem: 15297
Miss World - Nơi lưu giữ vẻ đẹp trí tuệ và nhan sắc bền bỉ

Cuộc thi Miss World – Hoa hậu thế giới có một lịch sử lâu dài. Cuộc thi này đã mang đến cho thế giới nhiều nhan sắc và trí tuệ đáng được vinh danh. Những hoa hậu thế giới sau mỗi cuộc thi hiện nay vẫn được nhắc đến như một giá trị của cái đẹp bền bỉ.

Ban tổ chức cuộc thi đầu tiên

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức lần đầu tiên bởi Eric Morley ở Anh quốc vào năm 1951. Ban đầu, cuộc thi sắc đẹp này chỉ mang tính chất là cuộc thi Áo tắm với mục đích chính là quảng bá các mẫu áo tắm mới nhất lúc bấy giờ. Vậy nhưng cuộc thi đã có được sức hút và sự quan tâm ngoài sức tưởng tượng từ dư luận, truyền thông đã ưu ái gọi tên cuộc thi này là “Hoa hậu thế giới”. Đáng lẽ ra ông Morley chỉ định tổ chức cuộc thi này một lần duy nhất nhưng khi nghe được thông tin cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ sẽ được tổ chức tại Mỹ năm 1952, ông quyết định đưa Hoa hậu thế giới trở thành một cuộc thi sắc đẹp thường niên.

Cuộc thi đầu tiên năm 1951

Cuộc thi đầu tiên năm 1951 chỉ có 26 thí sinh tham gia và phần thắng thuộc về Hoa hậu Thuỵ Điển Kiki Hakansson và bà cũng là Hoa hậu duy nhất đăng quang trong bộ bikini hai mảnh. Sau đó, cuộc thi Hoa hậu thế giới chính thức ra đời với những “tiêu chuẩn khắt khe” gây nhiều tranh cãi. Ông Morley nói rằng các thí sinh lý tưởng “phải ở độ tuổi từ 17 đến 25, cao khoảng 1,73m, nặng 50 – 58kg, vòng eo 67-73cm, hông từ 106 – 109cm, không hơn, không kém”.

Lần đầu tiên Hoa hậu Thế giới được phát trên sóng truyền hình là năm 1959 bởi đài BBC. Cuộc thi này ra đời với mục tiêu ban đầu chỉ đơn thuần là quảng cáo thời trang áo tắm, sau đó là tôn vinh nhan sắc của phụ nữ, nhưng đến những năm 80 của thế kỷ trước cuộc thi đã quyết định thay đổi khẩu hiệu thành “Beauty with a purpose – sắc đẹp vì một mục tiêu”. Sự đánh giá thí sinh có những thay đổi rõ rệt, bên cạnh nhan sắc, các ứng viên tham gia cần phải “đẹp toàn diện” về cả nhân cách, trí tuệ. Điều này đã giúp cho Hoa hậu Thế giới không chỉ dừng lại ở một cuộc thi sắc đẹp đơn thuần mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong công cuộc tôn vinh phái đẹp. Tầm ảnh hưởng của cuộc thi dần vượt qua ranh giới của quốc gia, châu lục, đến khoảng những năm 1990 Hoa hậu Thế giới đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hơn 2 tỉ khán giả từ khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh danh hiệu cao nhất – Miss World, các cuộc thi bên lề còn được tổ chức để tìm ra các danh hiệu Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng và Hoa hậu Nhân ái.

Để giành được vương miện Hoa hậu Thế giới là một chặng đường dài và đầy khó khăn đối với mỗi thí sinh. Ứng viên tham dự phải là Hoa hậu chiến thắng ở cuộc thi sắc đẹp uy tín tại quê nhà. Đến với đấu trường Hoa hậu Thế giới, các thí sinh phải tham dự nhiều cuộc thi phụ, các gala, hoạt động bên lề cuộc thi và thông quá ban tổ chức sẽ chọn ra những gương mặt ưu tú. Miss World trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất hàng năm bởi nó không chỉ là một đấu trường nhan sắc mang tầm quốc tế mà còn vì chương trình luôn quyên góp hàng triệu bảng Anh cho các quỹ từ thiện lớn. Tính nhân văn chính là con thuyền đưa Hoa hậu Thế giới đến trái tim của người hâm mộ khắp nơi trên thế giới.