GIẢI TRÍ

Mùi Tết trong những hương vị xưa

DDVN • 08-02-2021 • Lượt xem: 413
Mùi Tết trong những hương vị xưa

Mùi Tết trong hương vị xưa với lá mùi già đun sôi sùng sục trên bếp vào ngày cuối năm cho cả nhà cùng tắm, sẵn sàng chào đón năm mới.

Những ngày giáp Tết… 

Những ngày cuối tháng Chạp - Giờ này mấy hồi nữa là ba mươi Tết, là Giao thừa, là mùng một Tết, người ta hay nói với nhau thế. Thế nên, bất kỳ buổi sáng nào của tháng cũng có thể bắt đầu bằng những điều rộn rã. Tỉ như sự rộn rã của sắc màu vàng, xanh, tím đỏ trên những chiếc xe bán đồ vàng mã của những người bán hàng rong…

Họ đi khắp phố, mang đến tận tay những bà nội trợ những bộ “mũ áo” để dâng cúng Gia tiên, Thần linh, ông Công, ông Táo… Hay như sự rực rỡ cũng vàng, xanh, trắng, tím của vô khối loại hoa củ, quả, rau, dưa bày la liệt ở các mẹt đồ, quầy hàng, vỉa hè chợ cóc. “Đói ngày Giỗ cha…”, người ta vẫn nói thế, cũng bởi, dù giàu, nghèo, no, đói, hễ cứ Tết là phải sắm, phải mua. Cứ phải vun vén một chút xíu hoa quả, bánh trái, một chút thịt cá, rau dưa, soạn sửa, tinh tươm một chút khăn mới, áo mới, ấy mới ấm long lên đường… vào Tết.


Những bông hoa cánh bướm rực rỡ sắc Xuân

Tết là vội vàng hẹn bạn, hẹn thầy, hẹn đồng nghiệp, hẹn đối tác, tất thảy những ai là thân thiết và nhiều lưu luyến, để ngồi với nhau, rốn một bữa ăn ngày cuối năm, bất kể bao chộn rộn đợi chờ bên cửa. Nếu không thì cũng phải đến tận nhà nhau, tặng gửi vào món quà, nói với nhau nốt những câu chuyện năm cũ đương dang dở. Nhất là những nhà có “bụi”, những người xung mệnh, khắc tuổi, những người gặp nhiều vận đen, vận buồn năm cũ lại càng vội vàng, gấp gáp. Bởi, năm mới sầm sập tới, không ai ngoảnh lại những dang dở, buồn bã, của ngày nảo ngày nao hồi năm cũ.

Thế rồi, trong câu chuyện vời nói với nhau, mạn bàn từ thế sự đến thời tiết, thể nào người ta cũng nhẩn nha bảo: Người Việt mà không có Tết thì không xong việc gì. Đến Tết người nợ lo trả nợ, người cho vay lo thu đòi, người thiếu đồ sắm đồ, người nhà cũ sơn sửa lại nhà…

Người ta cứ coi chưa qua lễ tiễn ông Công, ông Táo, chưa được coi là cận Tết, vậy mà chỉ nghe bằng ấy lại thấy xôn xao, bùi ngùi, dung dưng nhớ Tết, đến tha thiết, kỳ lạ, giữa những ngày giáp Tết. Đợi Tết thì chật vật, chộn rộn, bộn bề lo toan. Nhưng đón Tết, có khi lại giản dị, đơn sơ (mà vẫn vẹn nguyên ngọt ngào, ấm áp). Bởi, Tết là được về quê, ở nhà, bên những người thân, được thẩm nghiệm thương nhớ bằng tất thảy 6 giác quan. Nhớ Tết là nhớ từ cái ổ rơm của bà.

Mùi Tết...

Miền Bắc, vào mỗi dịp Tết là dịp rét đậm, rét hại. Mỗi lần Tết về quê là được nằm với bà. Để 12 giờ đêm, bà lịch kịch khua dậy lên chùa cúng sang canh. Buồn ngủ, lẽo đẽo theo bà ở cái ổ rơm bà quấn. Cái ổ được bao xung quanh bằng những búi rơm bện chắc nịch, ở giữa là những sợi rơm vàng ươm, sột soạt, phủ trên là cái chiếu cói, chui vào đó là đã thấy ấm sực lên rồi.


Thấy mùi già - là thấy Tết

Nhớ Tết là nhớ những bài kinh ngân nga trong đêm giao thừa, khi những đứa trẻ mắt nhắm mắt mở “bị” lôi ra khỏi ổ, lên chùa theo người lớn lễ tụng sang canh ( cho chóng ngoan, chóng lớn). Dù, vừa lên đến chùa là lũ trẻ đã tìm chỗ rúc vào để ngủ, ngay dưới chân ông Thiện, ông Ác mặc cho người lớn chầu trước Tam bảo sì sụp khấn vái, cầu mong. Khắp không gian, lẫn trong mùi nhang khói là tiếng ê a kinh kệ và cả thoang thoảng mùi hương của những loại hoa đêm như dạ hương, huệ…, cùng mùi lành lạnh của hơi xuân thập thò bên khung cửa.

Nhớ Tết thì không được làm đổ, vỡ chén bát, không được quét nhà, chả có đổ của đi. Nhớ những gánh nước của bố đêm giao thừa từ giếng làng mang về đổ tràn ra hiên nhà, những mong của cải được tràn trề như nước chảy. Nhà nào cũng gánh, cũng đổ, vậy mà thiếu thốn vẫn dai dẳng suốt những năm bao cấp, ngay cả tới thời mở cửa thì miếng cơm manh áo vẫn chật vật. Của nả của cha mẹ làm nên, tiêu đi còn lại chả được như một gáo nước chứ đừng nói là như hàng thùng nước bố cố sức gánh về… Ấy thế mà vẫn mơ, nhà nào nhà nấy vẫn cố múc, cố gánh, cố đổ cho ướt nhà ngay lúc sang canh, vẫn chúc tụng nhau râm ran.

Xuân là phải thế, là lệ làng là thói nước. Bao nhiêu người Việt làm thế, nhà nào cũng làm thế. Xuân là phải có mừng tuổi cho xôm tụ, người già được chúc thọ, lũ trẻ xếp hàng nhận lì xì. Xuân là phải có nắm lá mùi già, đun sôi sùng sục trên bếp vào ngày cuối năm cho cả nhà cùng tắm, cùng lau mặt, khỏa tay, khỏa chân xua đi mọi xui rủi, đen đủi năm cũ, sẵn sàng thơm tho chào đón năm mới.

Xuân là phải đi lễ chùa, xin lộc, cầu tài, khấn vái mong làm ăn hanh thông, thi cử thành đạt. Năm nào cũng như năm nào, như là một quy trình bất di bất dịch, không làm không được. Mùng một, mùng hai, mùng ba chỉ dành để đi họ hàng, phải ăn đủ 3 bữa cơm cúng nhà làm, không ăn không được đi đâu. Đó là lệ. Để sau này lập gia đình, ở chung hay ở riêng, vẫn sẽ quen cái nếp ấy, dù chả ai bắt.

Có những thứ nếp đã rèn thành nền, không bỏ được, nếu mà bỏ đi, chông chênh lắm, chới với lắm… Tết không chỉ là măng, nem, chả, bánh. Còn là sum vầy, quần tụ. Lên một nén nhang, khói hương ngào ngạt, tự dưng thấy mắt cay thế, thấy mũi đằng đặc, nghèn nghẹn. Hoá là nhớ bà, nhớ ông, nhớ cả người cậu vừa mất. Ấy, ngày này năm xưa, hễ cứ Tết là lại ngồi bằng tròn bên mâm cơm, đủ những khuôn mặt ấy, khoanh tay mời khắp lượt rồi mới được ăn.

Những bộn bề thường nhạt, bươm bả, tơi tả, không cách gì gặp lại được những người thân đã qua suối, sang sông ở bên kia cuộc đời. Chỉ có ngày Tết, ra tận mộ, mời vong linh ông bà về nhà đoàn tụ với con cháu có lẽ mới gặp được - dù chỉ là trong tâm tưởng nhưng ấy cũng là quý lắm rồi, thoả nỗi nhớ nhung, cách biệt âm dương lắm rồi. Qua nén nhang, như thấy cả người xưa. Người trần ngồi dưới này, người âm "ngồi trên ấy", lại ngâm nga, lại xuýt xoa, lại rì rầm trò chuyện… Người dương trò chuyện với người âm, chẳng cách biệt chi sất, nối tất tần tật nhau lại bằng những khói, những hương đang thơm ngan ngát khắp nhà kia…

Chính là Mùi Tết đấy... Cáithứ mùi gây thương nhớ, mỗi năm, vào những ngày cận kề như này. Tết là Tết, không gì thay được, là đoàn tụ, là tình yêu, là nỗi nhớ, là ký ức, là cầu nối âm và dương, là bao nhiêu da diết cả ngàn đời nay...

Ảnh: Trương Văn Vị
Theo Thu Nguyệt/1thegioi.vn