Hội họa

Mỹ nhân tàng kiếm

Thoại Vy • 08-02-2018 • Lượt xem: 11707
Mỹ nhân tàng kiếm

Bá tánh đàn ông vẫn cho rằng: người đẹp giấu kiếm nơi đuôi mắt sắc như dao cau. Nghĩ thế là nhầm. Nếu ít nhiều không sâu sắc như cơi đựng trầu, thì hẳn các đấng mày râu trì chí đều hiểu “mĩ nhân tàng kiếm” trong bụng. người đẹp nào “kiếm phát cầm thanh” thì chưa đủ mười thành hỏa hầu. Đạt đến “Lô hỏa thuần thanh” phải là vô chiêu vô ảnh vô thanh. Giai nhân giấu kiếm có hai kiểu:
1. Kiểu thứ nhất đại loại là những thiếu nữ, thiếu phụ nhan sắc hơn người, mặt hoa da phấn. Vẻ ngoài đúng như Thôi Hộ miêu tả “nhân diện đào hoa tương ánh hồng” nhưng nội tâm sắc lạnh như đao kiếm vô tình. Phiền nỗi, bụng mĩ nhận chứa đầy những thanh độc kiếm cong như lưỡi câu, móc đâu dính đấy. Vô số cao thủ giang hồ (thuộc hai phái hắc bạch) có kiếm thuật, kiếm khí đạt đến trình thượng thừa nhưng “kiếm ý” chưa luyện thành, lần lượt ngã gục dưới vô chiêu kiếm pháp của người đẹp. Bị đả thương thê thảm, có khi sắp gặp diêm vương thổ địa, nhưng rốt cuộc các ma đầu lẫn hiệp khách vẫn không hiểu mình đã bị trúng độc bởi hung khí gì. Đao kiếm không có mắt, nên thỉnh thoảng người đẹp đâm trật. Kiếm khách thoát nạn nhưng vẫn tự hào nội công thâm hậu. Số hảo hớn giang hồ khác, ngơ ngác tự hỏi: tại sao tâm hồn vốn dĩ thăm thẳm giếng khơi của người đẹp chỉ dài vừa bằng một thanh đơn đao, độc kiếm ?. Nếu không tìm được đáp án, thế nào đám cao thủ kia cũng lững thững rời rừng võ, sa vào một tửu điếm treo cờ xanh nào đó, đặng say sưa tìm vui bên những cốc Trúc Diệp Thanh tửu sóng sánh, được chưng cất lâu năm, như gã hiệp khách Lý Tầm Hoan nọ. Chả rõ có tầm hoan được không nhưng đa phần sau khi sà vào quán rượu phòng trà, đứng lên thấy hầu bao cạn sạch và đám ma nữ ngây thơ vừa mới lúc trước còn vây quanh, đã biến mất như có cây đũa thần gõ vào; phẫn chí như Thanh diện thú Dương Chí trong “Thủy hử truyện” bèn đem bảo đao ra chợ bán. Người kẻ chợ không mua vì bảo đao cùn, kiếm gãy. Những “đa tình kiếm khách” trên cứ ngỡ bụng dạ người đẹp chứa mật, hóa ra lại bọc kiếm. Cỡ như bảo đao Đồ Long hay Ỷ Thiên báu kiếm chạm vào cũng sứt mẻ, cong queo. Để đo độ dài tàng kiếm, văn học Anh xuất hiện nữ văn sĩ Agatha Christie chuyên viết truyện trinh thám. Vai chính sát thủ thường là một người đẹp lòng dạ sâu thẳm giấu kiếm. 
2. Kiểu thứ hai là người đẹp bụng chứa thanh bảo đao/ kiếm lưỡi thẳng. Không phải đoản kiếm bén ngót như Mã phu nhân trong “Thiên long bát bộ”. Chẳng hiệp nghĩa chính đạo như Kiều (Tiêu) Phong, lặng lẽ u uẩn “kiếm phát cầm trung” như Mạc Đại. Cũng không hẳn đường bay ngoại hạng như thanh tiểu Lý phí đao của đại hiệp Lý Tầm Hoan. Kiếm khí lẫn kiếm ý của những người đẹp giấu kiếm này có khi trong veo tội nghiệp như tiểu ni cô Nghi Lâm tương tư Lệnh Hồ Xung, man mác hoa rơi lá rụng như Tiểu Long Nữ khi ngọc nát châu chìm nơi cổ mộ; lúc tận tụy cao quý như A Châu lĩnh phát chưởng Hàng long oan nghiệt của Tiêu Phong, cuồn cuộn chân thành như mây bay nước chảy khi quận chúa Triệu Mẫn tự đâm mình để cứu Trương Vô Kỵ. Cũng có lúc những thanh đoản kiếm trên có hình trái tim bồ tát của nàng Sonia bạc mệnh trong tuyệt phẩm “Tội ác và trừng phạt” của văn hào Nga Dostoievski. Những thanh thiền đao đạo kiếm ấy khi rời khỏi vỏ, chẳng khác gì đường bay của loài thiên nga hấp hối trong vẻ đẹp tận cùng bi thiết. Những thanh báu kiếm này thường không biết đả thương người khác, có chăng vì ngay thẳng quá nên chỉ biết làm thương tổn người cầm kiếm. Những mĩ nhân tàng kiếm trên, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và Cổ Long nôm na gọi là nữ hiệp. Mà hầu hết điều gì gắn với chữ “hiệp” thì đâm ra ngớ ngẩn buồn cười như kiểu giải thích của nhân vật Lý thám hoa (Lý Tầm Hoan) “Hiệp nghĩa là chuyện biết không đáng làm nhưng không thể không làm”. Đất Nam Kỳ xưa nay nức tiếng về tinh thần nghĩa hiệp Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Hiện thực hơn là trường hợp một nam nhân tên Hiệp và cái BOT Cai Lậy đang gây bão dư luận suốt mấy tuần qua. 
Vô số cao thủ đài võ trường văn, dù là quán thế ma đầu hay xuất chúng hiệp khách từng lăn lóc giang hồ hiểm ác, trước khi thọ thương bởi người đẹp giấu kiếm, thường luôn miệng lẩm nhẩm. Người viết linh tinh là tui nhằm “mua chút niềm vui” cho bằng hữu nhân ngày cuối tuần, đành liều kê sát tai vào thì nghe họ thì thào: Giai nhân giấu kiếm ở đâu trong đáy lòng cạn cợt “như cơi đựng trầu” ấy?. Lão bà bà xấu như Thị Nở này quả thật không thể trả lời họ. Chỉ biết rằng, dù vừa xí vừa í ẹ như Thị Nở, xấu như Chung Vô Diệm, độc như Mã phu nhân hay tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều, trong trắng như nàng Desdemona, hoặc hồn hậu thủy chung như tiểu thư Juliet của kịch tác gia W. Shakespeare … ít nhiều đều cất trong bụng một thanh đoản đao hay trường kiếm, thẳng hoặc cong. 

 

Tag: