Hội họa

Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng: Sách về một cuộc đời thăng trầm

Nguyệt Minh • 31-01-2018 • Lượt xem: 13643
Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng: Sách về một cuộc đời thăng trầm

Sách mô tả nhiều về cuộc đời của hoàng hậu Nam Phương và những phút giây định mệnh khi gặp gỡ và chung sống với hoàng để Bảo Đại. Thăng trầm trong đời bà đã được tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang tái hiện trọn vẹn trong cuốn sách.

 

Tuổi thơ êm đềm

Đây là cuốn sách của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, tên thật là Phan Kim Thịnh, sinh năm 1936 tại Nhân Hưng - Lý Nhân - Hà Nam. Từ năm 1959 đến năm 1975, ông theo nghề báo và từng làm chủ nhiệm nhiều tờ báo và tạp chí như: Nhật báo Mới, Tạp chí Văn học, Tạp chí Bưu Hoa, Nguyệt san Nhân văn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia viết báo và viết sách, với nhiều tựa sách đã được xuất bản như: Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng; Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng; Trần Lệ Xuân - Giấc mộng chính trường; Nguyễn Cao Kỳ - Đứa con cầu tự; Thiệu - Kỳ: Một thời hãnh tiến, một thời suy vong; Sài Gòn vang bóng…

Trước khi thành hoàng hậu, bà Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái út của bà Lê Thị Bình và ông Nguyễn Hữu Hào. Ông Hào là một trong những đại điền chủ có học thức, biết cách kinh doanh đồn điền.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Hai chị em bà đến ở trong căn nhà của gia đình tại Sài Gòn, đường Nguyễn Du, để đi học. Sau khi đã học hành xong ở trong nước, năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp học trường nữ sinh Couvent des Oiseaux, Paris. Đây là ngôi trường do các nữ tu dòng Đức Bà điều hành, đào tạo học sinh hết sức nghiêm ngặt. Trong quá trình học tập ở đây, cô Thị Lan nhận được sự hậu thuẫn rất mạnh về tài chính từ người cậu Denis Lê Phát An.

Cuộc sống cứ êm đềm diễn ra như thế cho đến năm Thị Lan 18 tuổi, cô tốt nghiệp tú tài toàn phần và lên tàu để quay về Việt Nam.

Nam Phương Hoàng Hậu thời trẻ

 Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, nhiều tài liệu khẳng định, trên chiếc tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime đưa cô Nguyễn Hữu Thị Lan về nước có sự hiện diện của vị vua trẻ Bảo Đại, người cũng vừa kết thúc chương trình du học ở Pháp và quay lại Việt Nam để đảm nhận việc cai trị dưới sự bảo hộ của người Pháp. Nhưng hông ai dám khẳng định chắc chắn rằng liệu hai người có từng gặp nhau trên chuyến tàu này hay không.

Một số tài liệu khác cho rằng, hai người đã từng gặp nhau từ trước, khi còn đang du học. “Chuyện là tại Pháp, gia đình Denis Lê Phát An, cậu của Thị Lan, thường xuyên tổ chức những buổi tiệc sang trọng và mời nhiều quan khách danh giá đến tham dự, trong đó có vợ chồng toàn quyền Pasquier và vợ chồng cựu Khâm sứ Charles, cha mẹ nuôi của Bảo Đại. Có một vài lần, họ cũng đưa Bảo Đại đi cùng và nhiều khả năng là vị vua này đã gặp hoàng hậu tương lai của mình trong những dịp như vậy. Tuy nhiên, do được cha mẹ nuôi dặn dò phải giữ gìn tác phong của một vị vua, nên Bảo Đại chưa bao giờ dám tự do quá mức mà buông lời tán tỉnh cháu gái của gia chủ”, tác giả viết.

Đến khi về nước, cơ duyên đã khiến Bảo Đại có cơ hội được gặp lại cô gái miền Nam mang tên Nguyễn Hữu Thị Lan. Trong những tháng hè, Bảo Đại thường được vợ chồng cựu Khâm sứ Charles đưa lên Đà Lạt chơi, trong khi Thị Lan cũng nghỉ mát ở đây, trong những căn biệt thự sang trọng mà gia đình đã mua. Thỉnh thoảng, vợ chồng cựu Khâm sứ lại mời gia đình họ Lê cùng cháu gái đến chơi quần vợt. Nhờ đó mà Bảo Đại có dịp so tài với Thị Lan trên sân quần vợt. Gặp gỡ nhiều lần đã khiến cho con tim Bảo Đại rung động. Ngoài ra, hai người còn sánh bước bên nhau trong nhiều buổi dạ tiệc.

Dù có ý ngăn trở, tuy nhiên triều đình và bà Từ Cung lúc đó không còn cách nào khác là chấp thuận để Bảo Đại lấy Nguyễn Hữu Thị Lan. Lễ cưới diễn ra ngày 20-3-1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Trở thành vợ của vua một nước với danh hiệu Nam Phương Hoàng hậu, cuộc đời Nguyễn Hữu Thị Lan đã bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác, những tưởng là đầy danh vọng lẫn quyền lực nhưng hóa ra lại đau khổ và cô đơn cho đến tận những năm tháng cuối đời.

Người phụ nữ của công dung ngôn hạnh

Khai thác và tiết lộ nhiều chi tiết lịch sử thú vị về số phận, cuộc đời của một người phụ nữ xinh đẹp nhưng đa đoan đã mang đến cho cuốn sách nhiều trang viết thật hay. Cuộc hôn nhân với Vua Bảo Đại cũng khiến cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương phải trải qua mọi thăng trầm, từ những ngày hạnh phúc êm đềm cho đến những tháng năm chia ly và đau khổ khi Vua Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng. Suốt cuộc đời mình, bà đã sống đúng với bốn chữ công, dung, ngôn, hạnh - không chỉ xứng đáng là một người vợ, người mẹ hoàn hảo mà còn xứng là bậc mẫu nghi trong thiên hạ.

Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của bà. Đặc biệt, cuốn sách cũng hé mở cuộc sống của Hoàng hậu Nam Phương những ngày trên đất Pháp sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nếu lúc trẻ, bà Nam Phương trải qua cuộc sống thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng; thì cuối đời, bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở cái tuổi còn khá trẻ: bà mất năm 1963 khi vừa được 49 tuổi.

Sách được phát hành tại Nhà sách Saigon Books: 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh và các nhà sách trên toàn quốc.