VĂN HÓA

Nghệ nhân Bát Tràng chào tết Giáp Thìn 2024 với ấn ‘Hoàng đế chi bảo’

Ngân Nguyễn • 10-01-2024 • Lượt xem: 1717
Nghệ nhân Bát Tràng chào tết Giáp Thìn 2024 với ấn ‘Hoàng đế chi bảo’

Sản phẩm “Dấu ấn rồng thiên” lấy cảm hứng từ ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” với 5 người thợ thay phiên nhau làm các công đoạn để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. 

Tin bài khác:

‘Xóm Rồng đón Tết’ – Cuộc phiêu lưu của những chú rồng khám phá phong tục Tết

Câu chuyện của tình yêu quê hương, yêu Hà Nội với những điều thường nhật qua triển lãm ‘Mạch nguồn’

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, hầu hết các ngành nghề đều đang tất bật chuẩn bị, cho ra những mặt hàng để kịp chào Tết. Ở làng gốm Bát Tràng cũng như thế, các khu xưởng ở đây  trở nên bận rộn hơn bao giờ hết bởi các nghệ nhân đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm do khách đặt. Và các người thợ ở đây cũng tạo ra nhiều sản phẩm mang hình tượng rồng đặc sắc, đặc biệt nhất phải kể đến sản phẩm có tên "Dấu ấn rồng thiêng" - lấy cảm hứng từ ấn “Hoàng đế chi bảo” thời vua Minh Mạng và tạo hình lấy cảm hứng từ rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.

Ông Phạm Việt Khoa sinh ra và lớn lên tại Bát Tràng và cũng là người có hơn 40 năm làm gốm sứ cho biết 2024 theo lịch phương Đông là năm con rồng nên hầu hết các nghệ nhân đều chọn biểu tượng này để tạo ra sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu khách hàng. Ông Khoa cho biết với “Dấu ấn rồng thiêng”, 5 người thợ phải thay nhau đảm nhiệm các khâu khác nhau, từ phần tạo tác, lên khuôn, đến hoàn thiện phần thô, tráng men, nung rồi đến công đoạn vẽ vàng.

"Trung bình, mỗi người thợ sẽ phải mất từ 8 - 10 tiếng làm việc liên tục mới cho ra được 4 - 5 sản phẩm ấn vẽ vàng. Vì vậy, để kịp trả đơn hàng cho khách, chúng tôi phải làm tăng ca từ sáng tới đêm", ông Khoa chia sẻ. 

Trong các công đoạn làm ra sản phẩm “Dấu ấn rồng thiêng”, tạo hình từ đất sét là công đoạn rất quan trọng, làm sao để sản phẩm có hình dáng đúng mẫu thiết kế là 1 chuyện nhưng làm sao để hình rồng đậm chất Việt Nam, không bị nhầm lẫn với các nền văn hóa khác là một chuyện khác. Sau khi sản phẩm ra lò nung, người thợ thủ công sẽ sử dụng vàng pha dạng lỏng để đi đường nét trên sản phẩm rồng, sau đó sẽ tiếp tục nung từ 6 - 8 tiếng để có được độ nổi bật, sang trọng. 

Ông Nguyễn Văn Lực (chủ cơ sở sản xuất) cho biết sản phẩm “Dấu ấn rồng thiêng” có những yêu cầu đặc biệt. Điển hình như đất sét phải lấy từ đất ở vùng đất thiêng tại Quảng Ninh, hòa với nước của sông Hồng, nhào nặn khéo léo dưới bàn tay của nghệ nhân tuổi Thìn để tạo nên sự linh thiêng tuyệt đối cho tác phẩm.  

Bên cạnh đó, sản phẩm vẽ hoàn thiện đạt được độ sáng đều của vàng, không có vết cháy, các nét vẽ phải liền mạch, không ngắt quãng. Bởi lẽ các tác phẩm này xuất xứ từ làng Gốm Bát Tràng - nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam và là cái tên hiện hữu cho một làng nghề truyền thống nổi tiếng thì sản phẩm xuất xứ từ nó cũng phải đảm bảo được chất lượng xứng tầm. Hơn thế nữa, theo những người thợ lâu năm trong nghề, một sản phẩm hoàn hảo phải có lớp men sáng, đều, những đường vẽ vàng lấp lánh ánh kim. 

Nhìn vào sản phẩm “Dấu ấn rồng thiêng” được hoàn thiện có thể thấy rằng ba mặt trên ấn được điêu khắc 3 chữ An - Thuận - Phát tượng trưng cho sự an lành, thuận lợi và phát triển, mặt còn lại là hình ảnh Cá chép hóa rồng. Giá thành của các sản phẩm này được chào bán từ 6-9 triệu đồng tùy các phiên bản và màu sắc.