Hội họa

Nghề tổ Kinh Bắc giữa lòng Hà Nội

Lưu Lan Phương • 25-01-2018 • Lượt xem: 10294
Nghề tổ Kinh Bắc giữa lòng Hà Nội

Một buổi sớm mùa đông nắng vàng rực rỡ chúng tôi tìm đến Phố Hàng Mành, con phố Cổ hình thành hơn một trăm năm nằm trong quần thể ba mươi sáu phố phường của thủ đô Hà Nội. Phố Hàng Mành ra đời trên một trăm năm trước, do một số người dân làng Giới Tế (thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh) di cư đến lập nghiệp. Làng Giới Tế là một làng chuyên làm mành mành. Do vậy mà có tên gọi con phố là Hàng Mành.

Phố Hàng Mành nằm trong khu phố cổ bắt đầu từ Hàng Nón tới Hàng Bông. Con phố vẻn vẹn dài 152m, ở trên đất của hai thôn cũ Kim Cổ và Yên Thái. Nay phố thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, phố cổ có 46 số nhà, dãy chẵn có 24 số, dãy lẻ có 22 số.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Nguyễn Thị Hương ở số nhà 18. Một người đàn bà đằm thắm, tuy đã 54 tuổi nhưng vẫn giữ nét duyên dáng e ấp của người Kinh Bắc. Chị có chất giọng nằng nặng của người làng Lim đậm chất đồng bằng Bắc bộ. Khi biết chúng tôi là người Bắc Ninh chị niềm nở vô cùng, rót chén nước chè sánh đậm rồi chị kể:

- Các cụ đến lập nghiệp ở đây từ năm nào chị cũng không nhớ. Nghe bố là cụ Nguyễn Văn Quỳ kể lại ông đến đây cùng bố mẹ từ thuở nhỏ. Bản thân chị cũng sinh ra ở đây sau đó được gửi về ở với ông bà ngoại tại làng Lim (Tiên Du) đến năm mười bảy tuổi mới ra ở hẳn Hàng Mành. Bảo sao nghe giọng chị không thể lẫn với giọng vùng quê khác.

Mấy người cùng khu phố khi biết nhà chị có khách Bắc Ninh đều đến chơi góp chuyện và đón tiếp chúng tôi như người thân thiết.

May mắn cho chúng tôi hôm nay gặp được Nghệ nhân Ngô Văn Mỹ 72 tuổi về chơi. Ông là nghệ nhân cao tuổi nhất của phố Hàng Mành. Trước đây ông cũng làm mành nhưng nay tuổi già nên đã nghỉ và bán nhà chuyển đến phố Nguyễn Văn Tố. Tuy không còn làm mành nữa nhưng hàng tuần ông vẫn về hướng dẫn truyền dậy cho các con cháu cách vẽ mành cảnh và ngồi ở cửa hàng số 1 ngắm khách mua hàng hay giới thiệu với khách du lịch nước ngoài về công dụng của mỗi loại mành.

Trong phố này tập trung nhiều nhà làm mành mành nứa để che cửa vì họ là người làng Giới Tế (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nơi có nghề cổ truyền này; những nhà làm mành nứa ở đây đều có họ hàng với nhau như nhà Ông Nguyễn Văn Quỳ số 1 nay được chia đôi cho hai anh con trai là Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Hải (hiện nay vẫn còn làm nghề mành) với cửa hàng rất to.

Cụ Ngô Văn Mỹ kể ngày trước mua nứa ở phố Cầu Đất rồi chở xe bò về. Cưa nứa theo kích thước, pha nứa chẻ nan, phơi nan, vót nan rồi đan mành. Một trong những bí quyết của làng nghề là khâu ngâm tẩm để mành bền không bị mối mọt. Ông bảo làm mành không làm vội được vì luôn phải giữ chữ tín với người tiêu dùng. Mành mua về chưa dùng đã mối mọt thì sao con cháu chúng tôi vẫn sống được với nghề. Sau khâu làm nan kỹ lưỡng mới đan mành. Cách đan cũng đơn giản: Lấy hai cây nứa chống hai bên rồi lấy bu lông ốc tàu hỏa mỗi bên hai ba quả, người đan dùng dây vắt đan mành theo từng nan. Dây đan thường bằng móc hay dây dù rất dai và bền. Những nhà làm mành dùng cả trong nhà và vỉa hè để chẻ nứa và kê dàn đan mành; họ phần đông ở chỗ đầu phố từ ngã tư Yên Thái đến Hàng Nón.

Những năm 78-80 của thế kỷ trước, mành được dệt bằng máy. Mành dệt xong, được sơn xanh hoặc để mộc, bán rất chạy. Mặt hàng này dùng để che nắng ngoài hiên nhà, làm đăng chắn cá, mành lọc bông cho phố Hàng Bông, mành che ngăn các phòng riêng hoặc thay cánh cửa… Một dạo, mành trúc, mành bằng thân cây lau, tạo thành những bức tranh đủ màu sắc như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn rất đẹp, một thời được ưa chuộng, làm hàng không kịp bán.

Hiện nay phố cổ Hàng Mành chỉ còn vài gia đình giữ nghề tổ. Con phố chật chội không còn chỗ phơi nan đan mành thì họ vẫn cất buôn từ Tam Tảo, Lim, Hà Đông mang ra đây bán. Ngoài các loại mành vẫn phải làm thủ công như mành đan móc thì còn nhiều loại mành làm bằng máy đa dạng chủng loại. Bên cạnh những cuộn mành mộc còn có mành cảnh được các nghệ nhân vẽ sơn như mành vẽ rồng phượng dùng để che bàn thờ, những bức mành cảnh dùng khuôn đặt lên rồi sơn như Đền Ngọc Sơn, tranh thiếu nữ… mềm mại,  hài hòa và đẹp khiến du khách nước ngoài thích thú. Tôi cứ ngắm mãi những bức mành cảnh do cụ Ngô Văn Mỹ đưa mà không biết chán.

Cụ còn giới thiệu với tôi nghệ nhân Nguyễn Văn Thường là em ruột cụ Nguyễn Văn Qùy( số 1) chủ của hàng mành Phan Thanh ở số nhà 27. Đến số nhà này, tôi  không khỏi ngạc nhiên ngỡ ngàng trước ngôi nhà một tầng chật chội, biển hiệu trước cửa khá cũ kỹ nhưng hàng hóa thì nhiều vô kể và có mặt khắp Hà Nội và cả các tỉnh xa. Hôm nay cửa hàng của anh có khách tới mua buôn nên chúng tôi phải chờ một lúc mới gặp được. Hóa ra nghề mành vẫn còn được nhiều người ưa chuộng. Khi khách đã về anh tâm sự:

- Trước đây phố hàng Mành nhiều nhà làm nhưng bây giờ chỉ còn vài ba nhà giữ nghề. Nhiều nhà đã bán cho chủ mới xây khách sạn.  Nhà tôi không chỉ bán mành nứa cổ truyền mà còn bán thêm mành trúc, mành nhựa, mành sơn, mành gỗ… để theo kịp thị hiếu người tiêu dùng. Tuy lượng người mua không tấp nập như xưa nhưng tôi vẫn giữ nghề của cha ông, vẫn nhận vẽ mành theo yêu cầu của khách. Dù ngày nay nhiều loại có thể thay thế mành nhưng nhiều người cao tuổi vẫn ưa dùng mành nứa.

Ông Thường nói ở đây chỉ duy nhất một mình ông có xưởng sản xuất mành ở Yên Viên và kết hợp sản xuất gỗ dán. Loại mành chủ yếu sản xuất là mành tăm. Qui mô xưởng không to nên ông làm chỉ để phục vụ cửa hàng là chính.

Bước vào thời kỳ đổi mới, những chiếc mành không còn hấp dẫn nữa. Nằm trong khu phố cổ lại gần hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Mành nhanh chóng nhập cuộc vào thị trường du lịch. Nơi đây liên tiếp mọc lên những khách sạn sang trọng. Cả phố chỉ có 46 số nhà nhưng có tới 6 khách sạn, với kiến trúc thanh thoát, lịch sự như: Pan Hotel số 19, Phú Vinh Hotel số 12 thay cho cửa hàng mành ông Bằng trước đây. Holy Day Hotel số 24, An Huy Hotel số 11… Riêng Hồng Nga Hotel quy tụ một cụm dịch vụ khá hoàn chỉnh, chiếm trọn diện tích mặt bằng của 4 số nhà, từ số 32 đến 38.

Phố cổ Hàng Mành hôm nay chỉ còn vài ba nhà bán và vẽ mành. Ngoài ra, phố này còn có những cửa hàng nhỏ buôn bán vặt, hàng quà như bánh giò, phở. Đi qua con phố này, du khách sẽ thấy mấy bác nghệ nhân già trải rộng chiếc mành đang múa bút, dùng màu đỏ, vàng, trắng  trong những chiếc chậu sành nhỏ, vẽ rồng phượng và hoa văn lên nền nứa đan. Ngắm họ say sưa vẽ mành tôi biết phố cổ Hà Nội vẫn còn giữ nghề của cha ông để tên phố còn gắn với nghề với đúng cái tên gọi Phố Hàng Mành.