ĐỜI SỐNG

‘Nghỉ việc trong im lặng’ – một hiện trạng đáng suy ngẫm

Minh Trung • 10-11-2022 • Lượt xem: 783
‘Nghỉ việc trong im lặng’ – một hiện trạng đáng suy ngẫm

Hiện trạng "nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting) đang dần trở nên phổ biến ở châu Á, nhất là ở thế hệ của gen Y và gen Z. Không dừng lại chỉ ở hiện trạng, quiet quitting còn đang dần trở nên một trào lưu được nhiều người trẻ hưởng ứng. 

Bắt nguồn của “nghỉ việc trong im lặng” 

Được biết, Zaid Khan - một kĩ sư lập trình 24 tuổi tại New York là người đầu tiên đề cập đến khái niệm này trên TikTok vào tháng 7/2022. Theo kĩ sư trẻ này, vì sao chúng ta phải làm thêm ngoài giờ mà không được trả thêm lương, hay vì sao chúng ta phải cống hiến sức lao động của mình một cách quá mức để làm giàu cho người khác. Ngay lập tức, nhận định này của Zaid Khan đã được hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng mạng. 

Từ đó, hashtag #QuietQuitting đã được sử dụng hơn 17 triệu lần trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube trong các video hoặc bài đăng của người dùng. Cụ thể, “nghỉ việc trong im lặng” được hiểu là không trả lời email hay tin nhắn từ cấp trên ngoài giờ làm việc, không nhận thêm công việc ở công ty để làm thêm tại nhà, hay chỉ hoàn thành đúng công việc được giao trong tiến độ để không bị giao việc mới. 

Trào lưu này xuất phát từ Mỹ, nhưng ảnh hưởng của nó đang không ngừng lan rộng, nhất là các nước ở châu Á (như Hàn Quốc, Indonesia). Vậy đâu là nguyên nhân của hiện trạng này? 

Nguyên nhân dẫn đến “nghỉ việc trong im lặng” 

Thứ nhất, sau đại dịch Covid-19, hầu hết tất cả mọi người đều nhận ra rằng, chúng ta đã cống hiến quá nhiều cho công ty, nhưng ngoài mức lương đã bị trừ rất nhiều loại thuế, công ty không thể làm gì hơn để hỗ trợ cho gia đình. Ví dụ, trong Covid-19, nhiều người có cơ hội làm việc tại nhà. Họ nhận ra rằng, ngoài công việc thì gia đình rất quan trọng. Khi đó, một câu hỏi đặt ra rằng, liệu gia đình và công việc thì cái nào sẽ là sự lựa chọn của bản thân? Và nhiều người đã chọn gia đình vì họ đã chứng kiến rất nhiều sự ra đi của nhiều người trên thế giới. Điều đó khiến họ muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là chạy theo công việc. 

Thứ hai, sau Covid-19, nhiều người chọn nghỉ việc để khởi nghiệp, số khác lại hưởng ứng chiến dịch “Đại khủng hoảng nghỉ việc” (The great resignation) để phản đối về những chế độ của công ty. Từ đó dẫn đến nguồn nhân lực bị thiếu hụt trầm trọng. Do chưa tuyển được nhân sự để lấp vô những vị trí thiếu hụt, các công ty đành phải chia đều các công việc cho nhiều người để cùng gánh vác. Cùng một mức lương nhưng công việc nhiều hơn khiến người lao động cảm thấy bất công và đó cũng là nguyên nhân cho “nghỉ việc trong im lặng”.  

đại khủng hoảng nghỉ việc

Những hệ lụy từ trào lưu này 

Về phía người sử dụng lao động, các công ty sẽ không đạt hiệu suất như kì vọng. Đồng thời, nếu vẫn để hiện trạng này xảy ra, một bộ máy lỏng lẻo và những nhân sự xuất sắc sẽ tìm kiếm những cơ hội mới hơn vì không một cá nhân giỏi nào muốn cống hiến ở một công ty thiếu sức sống, nơi có các đồng nghiệp thiếu đi tính trách nhiệm. 

Về phía người lao động, nếu cấp trên không thấy được sự nỗ lực của cá nhân cấp dưới, họ sẽ dần thực hiện chiến lược “sa thải trong im lặng” (quiet firing). Đây là một trào lưu được áp dụng tại một số công ty có sử dụng hợp đồng lao động, nhưng không muốn bồi thường hợp đồng lao động khi sa thải nhân viên, hoặc một số công ty đang tìm nguồn nhân sự mới để thay thế. Một số dấu hiệu của việc này là: Sếp không thảo luận những vấn đề cùng bạn, không có một dự án mới hay thách thức cho bạn, không được tăng lương trong vòng ba năm, không được khen ngợi,… Và cuối cùng, bạn sẽ phải rời bỏ công ty vì chán nản hoặc không cảm thấy hứng thú với môi trường lẫn công việc từ doanh nghiệp. 

Sa thải trong im lặng

Nhìn chung, cả công ty và người lao động đều có những thiệt hại nhất định khi rơi vào tình thế “nghỉ việc trong im lặng” và “sa thải trong im lặng”. Do đó, cả hai cần để ý những dấu hiệu hay biểu hiện của nhau để cùng trao đổi và thống nhất một phương pháp làm việc hiệu quả cho cả đôi bên.