Có nhiều người cảm thấy bất lực với chính mình trong việc theo đuổi một thói quen mới, BJ Fogg - một nhà thiết kế hành vi của Đại học Stanford đã chia sẻ nhiều bài học thú vị trong việc thiết kế thói quen cũng như cách để vượt qua thất bại khi mục tiêu không trở thành hiện thực. Tất cả được gói gọn trong cuốn sách mang tên: Tiny Habits - Thói quen tí hon, tiềm năng khổng lồ.
Cuốn sách mở đầu với một cuộc khảo sát của tác giả, BJ Fogg thống kê rằng đa số mọi người đều mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp và tích cực hơn, một thân hình săn chắc, một sức khỏe tốt hay một tinh thần tích cực và luôn tràn đầy sức sống.
Thế nhưng hiện thực lại phản ánh kết quả hoàn toàn ngược lại. Tỷ lệ người bị béo phì, stress, các căn bệnh đang dần trẻ hóa gia tăng đến mức báo động trong cuộc sống.
Có một khoảng cách nhất định giữa mong muốn và hiện thực. Đa số cảm thấy bất lực, thất vọng hoặc chỉ trích bản thân vì sự thất bại của mình trong thiết kế hành vi và tạo nên một thói quen để phục vụ mục tiêu của mình.
BJ Fogg đã trấn an rằng: vấn đề không nằm ở bạn, mà ở cách bạn tiếp cận và lựa chọn để thực hiện hành vi.
Ví dụ: Bạn muốn giảm cân. Bạn thấy một người bạn của mình đang tập gym và họ đã giảm được khá nhiều ki-lô-gam trong quá trình luyện tập. Thế là bạn cũng sao chép toàn bộ từ lịch trình, cho đến phương pháp. Nhưng bạn lại thất bại. Vì sao lại như vậy? Hãy thử phân tích lý do khiến bạn thiết kế hành vi thất bại thông qua công thức sau đây:
Công thức B=MAP
Trước khi muốn theo đuổi một thói quen gì, hãy tìm xem:
1. Động lực của bạn là gì?
BJ Fogg ví động lực như một chú khỉ. Đó có thể là người bạn quẩy nhiệt tình cùng bạn trong một buổi tiệc vào tối hôm trước, nhưng không đáng tin cậy để bạn có thể nhờ họ đón bạn ở sân bay vào ngày hôm sau. Nếu bạn chỉ dựa vào động lực để thiết kế nên một hành vi (chạy bộ, dậy sớm, học một ngôn ngữ mới,...) thì kết quả sẽ rất dễ hiểu. Hôm nào bạn có nhiều động lực, bạn sẽ làm. Hôm nào ít động lực hơn, bạn sẽ làm việc đó một cách miễn cưỡng. Hôm nào không có động lực, bạn sẽ không làm. Cái bạn cần là tìm ra một lý do sâu sắc và thật sự thuyết phục, thay vì quyết định hành động dựa trên những cảm xúc nhất thời.
2. Bạn có Khả năng để thực hiện hành vi đó hay không?
Chuỗi khả năng bao gồm: Thời gian, tiền bạn, năng lực thể chất, năng lực tinh thần, lịch trình.
Bạn có thời gian để thực hiện hành vi đó hay không, hành vi đó liệu có vượt quá khả năng về tài chính, sức khỏe, tinh thần và có gây xung đột trong lịch trình hàng ngày của bạn. Đây là một trong những yếu tố bị rất nhiều người bỏ qua trong quá trình xây dựng thói quen. Và đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao ở cùng một gia đình, một ngôi trường, hoặc một công ty vì sao có người theo đuổi được thói quen chạy bộ, đọc sách, học hết ngôn ngữ này đến ngôn ngữ khác thì những người khác (dù có tham khảo về phương pháp và cách thức) nhưng vẫn không thể có được kết quả tương tự.
3. Bạn có những Lời nhắc để hành vi đó diễn ra hay không?
BJ Fogg cũng lý giải vì sao chúng ta dễ bị thu hút bởi những thông tin nóng hổi ở các trang mạng xã hội, vì những lời nhắc - thông báo xuất hiện trên màn hình điện thoại bạn liên tục với những màu sắc thu hút và từ khóa kích thích sự tò mò, từ đó tạo nên hành vi bạn ấn vào thông báo và bắt đầu "hòa mình" vào dòng chảy 7749 những gì đang diễn ra ở các trang mạng xã hội.
Khiến những mục tiêu đơn giản đến mức, dù hôm đó xảy ra việc gì, bạn vẫn có thể hoàn thành
Một trong những sai lầm khiến mọi người thất bại trong việc tạo nên một thói quen trong cuộc sống là do chúng ta chưa hiểu về cách thiết kế hành vi phù hợp với bản thân.
Chính vì chưa thấu hiểu nên mới gây ra những sai lầm không đáng có như cảm thấy tội lỗi, trách móc chính mình và khắt khe với bản thân.
Thực chất những cảm xúc tích cực mới là điều thúc đẩy khiến quá trình làm nên một hành vi và sau đó là một thói quen trở nên dễ dàng hơn. Và việc khiến những mục tiêu nhỏ bé, thú vị, đáp ứng được B=map không phải là một bài toán quá khó dành cho bạn.
BJ Fogg có chia sẻ câu chuyện về những thói quen tí hon của ông, rất hài hước nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Cá nhân mình thấy đây là một cuốn sách thú vị, phù hợp với những người đang có nhu cầu tìm hiểu về về chính mình, về quá trình thiết kế hành vi và tạo nên thói quen tích cực trong cuộc sống.
Hy vọng mọi người cũng sẽ đọc, nghiền ngẫm, ứng dụng và tìm ra được "hành vi vàng" của bản thân và trở thành một nhà khoa học sáng tạo hành vi của chính mình.