VĂN HÓA

Người chơi đàn: Bộ trống jazz ở Sài Gòn (Kỳ 4)

Huỳnh Hữu Thạnh • 30-09-2020 • Lượt xem: 5023
Người chơi đàn: Bộ trống jazz ở Sài Gòn (Kỳ 4)

Người nghe nhạc bình thường nhất cũng biết được vai trò của giàn trống trong ban nhạc là thế nào. Tuy nhiên, không mấy ai để ý và nếu có cũng không hình dung được cái trống và nghề chơi trống có từ bao giờ? Mời các bạn xem tiếp "Người chơi đàn" phần 4 của nhạc sĩ, guitarist Huỳnh Hữu Thạnh kể về câu chuyện này. 

 

Tin và bài liên quan:

Người chơi đàn: Tôi đến với cây đàn 'kỳ lạ' như thế nào? (Kỳ 1)

Người chơi đàn: Bài tập sự để học nhẫn nhục (Kỳ 2)

Người chơi đàn: Chơi bằng kỹ thuật và chơi bằng trái tim (Kỳ 3) 

Hồi nhỏ, đứa con nít nào từng chẳng nghe tiếng trống. Nước Việt, giống như các dân tộc ở Đông Nam Á từ lâu đời đã có nhiều loại trống trong giàn nhạc dân tộc như sau. Miền Bắc có trống chèo, trống đế, trống cơm. Miền Trung có trống chiến, trống hát bội, trống dân tộc. Miền Nam có trống nhạc lễ...

Tuy nhiên, bộ trống phương Tây thịnh hành đến nay mãi đến quá nửa thế kỷ 19 mới xuất hiện khi quân viễn chinh Pháp đến. Đó là khi dàn nhạc quân đội Pháp dùng tập duyệt binh hay hòa tấu trong các buổi chiêu đãi tiệc tùng nội bộ. Dàn trống này sử dụng caisse claire (snare) là chính, dùng nhịp 2/4 (marche). Kỹ thuật vê (roulément) được dùng nhiều.
Từ những người thầy vốn là lính chơi nhạc trong số đó, bộ gõ mới mẻ này đã lan dần ra các buổi hòa nhạc, khiêu vũ ngoài công chúng và được truyền lại cho những nhạc công người Việt bên ngoài. Trống trong dàn nhạc, thời này còn gọi là trống jazz (vì nhạc jazz lúc đó thịnh hành và được chơi rất nhiều tại miền Nam như twist, disco hay techno, hip hop bây giờ).

 

Bộ trống giữ nhịp cũng là điểm xuyết sự có hồn trên sân khấu lúc trình diễn. 

Hình thức và cấu tạo bộ trống jazz  gồm có một trống rè (Caisse claire hay snare), một trống cái (Grosse caisse hay kick), một Trống trung (Tom bass), một Trống nhỏ (Tom tom), một Chập chã đạp chân (hihat) và một Chập chã lớn (cymbal).
Sau này do yêu cầu về thể loại âm nhạc nên trống cái (kick) đôi khi dùng tới hai trống: trống trung (tom bass) hai cái, cymbal cũng dùng hai chiếc hai bên trống và trống nhỏ (tom tom) chơi từ bốn đến sáu cái. Khi chơi trống nhạc công phải vận dụng sự khéo léo của đôi tay phối hợp với sự nhịp nhàng của đôi chân trong các tiếu tấu cũng như thể loại âm nhạc đã qui định sẵn. Có những nhạc công chơi trống kết hợp với hát như tay trống Huỳnh Hiệp, Khắc Triệu, Tuấn Thăng. . .

Hai cha con nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (Huỳnh Háo) được mệnh danh là "Tay trống số 1 Đông Dương" và nhạc sĩ, guitarist Huỳnh Hữu Thạnh trước một buổi diễn năm 1990 - Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu

Bộ trống trong dàn nhạc, tiếng trong nghề là bộ trống jazz có lịch sử phát triển của nó dù thời gian không dài, nhưng khá phong phú và đã từng bắt kịp với thế giới. Trống jazz phát triển từ miền Bắc vào Nam từ những nhạc công học với thầy người Pháp hoặc thầy Philippines truyền lại (Người Phi đã đến Việt Nam chơi nhạc ở các vũ trường từ rất sớm, trước chiến tranh thế giới thứ II). Sau đó, những nhạc công này vào Sài Gòn sinh sống, nhiều nhất từ 1954. Họ vừa biểu diễn để sinh sống, đồng thời truyền nghề cho học trò ruột hoặc con cháu trong gia đình.

Nghề chơi trống chia ra hai trường phái rõ rệt: trường phái đầu khá độc đáo là không biết xem nhạc nhưng khả năng thiên phú tuyệt vời như gia đình tay trống Huỳnh Hiệp (em saxo Huỳnh Hoa), Huỳnh Hồng... Trường phái thứ hai là biết xem nốt nhạc (của trống), như gia đình ông Ích (con là tay trống Mạnh Tuấn trong ban nhạc The Interpriese của guitarist Trung Nghĩa thập niên 70 & đoàn Ca Múa Nhạc Bông sen thập niên 80), gia đình Chí Mìng (người Hoa, con là tay trống A Chúng - thần đồng về trống thập niên 70, A Ngũ, A Lục).

Trong trường phái thứ hai, gia đình Huỳnh Háo được xem là tổ sư nghề trống tại miền Nam, mệnh danh là tay trống số một Đông Dương, thầy của nhạc sỹ Tùng Giang, Mạnh Hà Vopco, Hữu Tín, Anh Be & Dũng râu... Có rất nhiều truyền nhân thế hệ thứ 2, 3, 4... của gia đình này như Khắc Triệu, Công Thanh, Nguyễn Phước, Thuận bụng lãi v.v. .
Ngoài ra còn tay trống lừng danh Huỳnh Anh (tác giả ca khúc Mưa rừng, là con nhạc sĩ cổ nhạc Sáu Tửng) và tay trống Phùng Trọng (ban nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng) cũng là những ngôi sao tỏa sáng trong giới chơi trống miền Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, còn nhiều tay trống tuy không thuộc thế hệ học trò của những gia đình trên cũng chơi trống rất hay và thành công trong những ban nhạc trẻ, nhạc vũ trường, nhạc đệm đại nhạc hội trong thời kỳ này như các tay trống của ban Peanut company (nay là Sao sáng - vẫn còn chơi nhạc tại Sài Gòn), Philip Tambicanou (lai Pháp, đệm nhạc cho ban Blue Jet của Thúy Hà Tú)... và nhiều nhiều những tay chơi trống vào thập niên 60 - 70, thập niên 80 có tay trống Hoàng Quân được xem là thần đồng với kỹ thuật biểu diễn vừa solo vừa tự đệm với một lọat bài tập đặc biệt do cha là tay trống Dũng râu nghĩ ra. Nhắm mắt lại ta nghe như hai người chơi trống một lượt.

Sau năm 1975, xã hội nhiều biến chuyển khiến đội ngũ này tản mác. Lớp di tản, lớp bỏ nghề, lớp vào các đoàn văn công nhà nước hay lưu diễn các tỉnh. Thời gian sau đó, keyboard cùng các hộp trống điện tử (drums machine) xuất hiện ngày càng nhiều. Với tính tiện lợi và đỡ chi phí nhạc công, cá phương tiện này khiến nghề trống gần như mất hẳn... Nhưng sau này, với sự đòi hỏi tinh tế của âm nhạc, nhất là nhạc jazz hay nhạc rock nên nghề chơi trống đã xuất hiện trở lại tuy hiếm hoi nhưng cũng có một số các bạn trẻ yêu nghề. Tiếng lụp cụp, lạc cạc quen thuộc của những tay trống thùng (Accoustic drums) bắt đầu xuất hiện trở lại trong các lò luyện trống, tư nhân cũng như các đoàn nghệ thuật và khoa trống nhạc viện thành phố dù chủ yếu chơi cho dàn nhạc giao hưởng vẫn có hẳn hoi vài bộ trống jazz để các sinh viên múa dùi...

Nhạc sĩ Huỳnh Hiếu độc tấu trống tại vũ trường Đại Nam, Sài Gòn Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu. 

Như vậy sau một giai đoạn thăng trầm ngỡ như biến mất, bộ trống jazz đã trở lại.

Từ thời Pháp thuộc cho đến thập niên 60, hiệu trống thường được dùng tại Việt Nam là ASBA do Pháp sản xuất. Lúc này da trống vẫn còn dùng bằng da thật, da bò hay da dê. Do vậy, trước khi biểu diễn hay đệm nhạc trong vũ trường các nhạc công thường cắm một bóng đèn điện tròn để mặt da được căng ra. Trường hợp nhạc công quên không cắm điện trước (thường là các học trò đến sớm lau trống và cắm bóng điện dùm thầy) thì tiếng trống sẽ phập phều nghe rất buồn cười. Tay trống Loulou của ban nhạc Đà Lạt vẫn còn giữ được tấm da dê dầy 12 ly do con của tay trống Huỳnh Háo tặng làm kỷ niệm về da trống giai đoạn này.

Đến thập niên 1970, mặt da trống đã thay đổi bằng chất liệu nilon căng được theo ý người chơi nhạc của hiệu Everplay rất bền, thậm chí bị vật nặng rớt lên trên, mặt trống lõm xuống mà vẫn chơi tiếp được, âm thanh vẫn giòn tan. Sau này có loại mặt da dầu, là kiểu da trống được thêm vào một lớp dầu nhờn giữa mặt da cho âm thanh ổn định hơn. Các hiệu trống hàng đầu bấy giờ là Roger - Ludwig (Mỹ), Premier - Slingerland (Anh), thi thoảng mới thấy hiệu Pearl. Năm 1974 xuất hiện ồ ạt hiệu trống Yamaha nhưng không được xem là trống chuyên nghiệp.  

 

Sàigòn lúc ấy có hai bộ trống Ludwig gây ấn tượng, Một bộ màu xám trong suốt của tay trống Philip mang từ Pháp về và bộ trống của ông Tám Lang (tay trống kỳ cựu, chủ vũ trường Đại Nam, nơi tay du đãng khét tiếng Đại Cathay “đóng đô”) mua sau 1975, có màu cam rất kiêu hãnh. Đặc điểm của hai bộ trống này là rất đẹp, màu sắc rất mướt mát, chất liệu bằng nhựa trong suốt và... to hơn kích thước bình thường của những bộ trống đang có mặt tại Việt Nam, còn âm thanh thì thật tuyệt. Bộ trống màu bạc đã mất tích nhưng bộ trống màu cam thì lưu lạc mãi tận Quảng Ngãi và được chủ nhân mới rất chăm chút. Đến nay, hai bộ này vẫn được xem như tuyệt tác vì không sản xuất nữa.


Ban nhạc Music Makers của Huỳnh Hiếu thường chơi tại các vũ trường Crystal Palace, Vân Cảnh năm 1972. Từ trái sang phải: Vương Minh, trống; Trần Vĩnh, saxo alto – được xem là thổi saxo hay nhất thời đó Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu.


Phong trào nhạc disco ra đời mở đầu cho kỷ nguyên âm nhạc điện tử hoàn toàn với những bộ trống bằng cao su của Roland hay của Đông Đức, Liên Xô. Bộ trống này chơi không cắm điện nhưng khuếch đại thì không dùng được vì phải thêm một hộp tiếng điều khiển đa phần là âm thanh điện tử theo thể loại âm nhạc dance của châu Âu đang thịnh hành. Thế là bộ trống cây cũng lặng lẽ biến mất trên sân khấu các đòan ca nhạc cả nước, nếu có xuất hiện thì cũng chỉ trong vài đám cưới miền tỉnh lẻ mà thôi!

Tuy nhiên, đến thập niên 90, những bộ trống gỗ đã trở lại ngạo nghễ trên các sân khấu lớn, những chương trình hoành tráng tại VN vì sự tinh tế của các thể loại âm nhạc lúc bấy giờ và nhất là các nhạc công đã chán tính chất âm thanh vô hồn của trống điện dù các nhãn hiệu đắt tiền củng có cảm ứng âm thanh khi đánh khẽ hay đánh mạnh vào mặt trống... Và thật ra cái đẹp của bộ trống gỗ so với hình thức bộ trống điện tử cũng giống như so sánh một cô gái mộc mạc, hấp dẫn và không hề đi mỹ viện với một cô gái diêm dúa với những phẫu thuật giả tạo. Tại Việt Nam đã thấy những bộ trống Nhật bản như Tama, Yamaha, Đài loan như Lazer. Những hiệu trống như Tama – Yamaha đã có chỗ đứng trên thương trường âm nhạc thế giới, còn hiệu Lazer cũng như keyboard Casio vẫn được coi như hàng đồ chơi trong thị phần âm nhạc.
Như trên đã dẫn, có rất nhiều hiệu trống nổi tiếng của các cường quốc được sản xuất và lưu hành toàn thế giới và mỗi hiệu trống đó không khó khăn khi sản xuất những bộ cymbal đi theo những bộ trống của hảng mình. Nhưng cho đến nay hầu hết những bộ trống nổi tiếng đều phải kèm theo bộ cymbal hiệu Zildjian Thổ Nhĩ Kỳ bởi âm thanh tuyệt vời được bảo chứng bằng một công nghệ đúc đồng gia truyền của hãng này mà không một hiệu cymbal nào có thể so sánh được. Có một thành viên trong gia đình Zildjian qua Mỹ lập hãng cymbal Zildjian U.S.A nhưng vẫn không thể nào hay bằng chính hảng Zildjian Turkey. Chắc chắn đây đã là niềm tự hào của nghệ thuật đúc cymbal của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập niên (hay hơn nữa) trôi qua. Gần đây trên thị trường nhạc cụ trên các tạp chí về nhạc cụ đã có quảng cáo bán cymbal Zildjian China! Và giá cũng không rẻ như hàng China bình thường khác .


Tay trống Huỳnh Háo có một người bạn thân vốn là thợ Ba Son rất khéo tay tên Năm Đúng. Thỉnh thoảng các bộ trống ASBA của Pháp bị mòn pedal hay chân hihat bị gãy đều nhờ ông ta sữa chữa. Thời gian trôi qua đủ để tay thợ Ba Son này quan sát và thực hiện bộ trống đầu tiên tại Việt Nam với đầy đủ chi tiết, thế là những bộ trống VN giá rẻ mang nhản hiệu Chi Lăng được sản xuất để phục vụ cho các em mới học nghề, các lớp dạy âm nhạc và các nhạc sĩ không đủ túi tiền để khuân bộ Roger hay Premier về nhà. Từ mặt da bò, da dê cho đến mặt da bằng nilon vinyl đều được gia đình ông Năm Đúng nghiên cứu và sản xuất thành công. Và tiệm làm trống Chi lăng tại khu Nancy (ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ) đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của dân chơi trống tại Sàigòn và những tỉnh thành lân cận. Sau này bongo, conga cũng được sản xuất theo yêu cầu của dân chơi trống chuyên nghiệp.
Sau năm 1975, hãng Chi Lăng của ông Năm Đúng đã sản xuất rất nhiều bộ trống theo yêu cầu của Sở Văn hóa thông tin thành phố. Những bộ trống nội địa của Chi Lăng cũng đã góp phần rất nhiều vào công tác văn hóa văn nghệ trong những thập niên 70 - 80. Một chuyện vui về ông Năm Đúng, tên là Đúng nhưng luôn luôn hẹn sai thời gian với khách hàng. Từ nhăn nhó đến cười xòa vì ai cũng biết tính ông là vậy, hứng mới làm và đã làm thì không chê vào đâu được. Ngày nay ông Năm Đúng vẫn còn sống, bảng hiệu tiệm trống Chi Lăng vẫn còn như một kỷ niệm của một thời trống thùng "Made in Viet Nam".
Còn một nghệ nhân làm trống nổi tiếng nữa là ông Tám Trống ở đường Mạc Đỉnh Chi - Nguyễn văn Thủ cũng rất giỏi nhưng sau này đã bỏ nghề.  


Tay trống Khắc Triệu đang biểu diễn 

Không như thập niên 60 - 70, sau sự xuất hiện của thể loại âm nhạc điện tử và tiện ích của những keyboard có khả năng sequencer (tự thu nhạc trong chính cây keyboard đó) nên các pianist hay organist có thể tự làm lấy phần trống của mình trong khi biểu diễn. Các máy đánh trống (drums machine) cũng đã làm choáng ngợp khán thính giả bằng những âm thanh cực kỳ sôi động và rõ ràng nên có thời gian nghề chơi trống không còn hấp dẫn các bạn yêu nhạc nữa. Thậm chí có người mới học trống cũng chỉ thích học sử dụng trống điện tử R5 hay R8 Alexis chứ không mất công ngồi tập kỹ thuật cơ bản như các bậc đàn anh ngày xưa. Suốt hai thập niên 80 - 90,  dân chơi trống tại Sài gòn chỉ đếm đầu ngón tay không đủ!

Sau này các rocker đã dễ dàng chứng tỏ trống điện tử không có chỗ trong ban nhạc rock và tiếng trống “Thạch Sanh” của máy đánh trống điện tử không thể thay thế được tính thẩm mỹ và sự điêu luyện của đôi bàn tay được điều khiển bằng trái tim của người nghệ sỹ - nhạc công chơi trống nên dần dà nghề học trống đã hồi sinh. Lâu nay, nó chưa hề chết nhưng sự ngắc ngoải trong suốt gần hai thập niên cũng khiến những người yêu bộ môn này ngần ngừ khi so sánh “học organ dễ kiếm tiền và nhẹ nhàng hơn”.

Tay trống khét tiếng trong làng nhạc Sài Gòn, Huỳnh Hiệp

 

Ngày nay với những tay trống giỏi như Khắc Triệu, Hoàng Mỹ, Kim Qui, Thanh Sơn, A Chúng, A Dìn, Công Thanh, Thanh Nhã, Tuấn Thăng... tại Sài gòn, nghệ thuật cầm dùi đã dần dần hồi sinh dù thế hệ sau này vẫn chưa có người thay thế được những drummers vừa kể trên. Nhưng niềm hy vọng về những nhạc công chơi trống giỏi đã le lói trong suy nghĩ của những ai đã và đang yêu mến nghề chơi trống tại thành phố HCM nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua. 

H.H.T