Hội họa

Người chơi đàn: Tôi đã đến với cây đàn 'kỳ lạ' như thế nào? (Kỳ 1)

Huỳnh Hữu Thạnh • 05-09-2020 • Lượt xem: 15528
Người chơi đàn: Tôi đã đến với cây đàn 'kỳ lạ' như thế nào? (Kỳ 1)

Nhạc sĩ, Guitarist Huỳnh Hữu Thạnh lớn lên trong gia đình nghệ thuật danh tiếng, nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Ông nội là soạn giả Tư Chơi, bà nội là nghệ sĩ Kim Thoa. Cha là nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu, thường gọi là Huỳnh Hiếu hay Huỳnh Háo. Được giới nghệ thuật và người hâm mộ đánh giá là tay trống số một Đông Dương. 

DDVN hân hạnh giới thiệu loạt bài viết "Người Chơi Đàn" với sự đồng ý của tác giả. Loạt bài có biên tập, chú thích của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh để người đọc dễ hiểu hơn...  
Tin, bài liên quan:

Trường Kỳ: Một thời nhạc trẻ 

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

'Âm nhạc VN, những chặng đường' gặp gỡ cuối năm

Lịch sử nghệ thuật một miền đất như Sài Gòn trầm tích dưới lòng của nó bao nhiêu câu chuyện. Nhưng trên hết vùng đất này yêu chuộng tự do, vì thế nó đã sản sinh ra những tài năng trong nhiều lĩnh vực. Trên mọi phương diện của 7 bộ môn nghệ thuật mà triết gia Hy Lạp cổ đại Platon đưa ra đều có những đại diện xuất chúng.

Theo Platon tri thức được phân làm hai loại: Tri thức hoàn toàn đúng đắn và tri thức mờ nhạt. Loại thứ nhất là tri thức ý niệm có được nhờ hồi tưởng. Loại thứ hai là tri thức nhận được nhờ vào nhận thức cảm tính, lẫn lộn đúng sai không có chân lý. Nhưng có một sự thật thời gian đang chồng cả hai khái niệm đó vào nhau và hiện chúng ta rất khó khăn khi phân loại. Nghệ thuật một thời đoạn bị chặt đứt, hiện tại không có quá khứ!

Việc tìm lại những giá trị đó là công việc nên làm của giới nghiên cứu các lĩnh vực và nghệ sĩ.

"Người Chơi Đàn" là loạt bài viết của nhạc sĩ, guitarist Huỳnh Hữu Thạnh. Anh lớn lên trong gia đình danh tiếng, nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Ông nội là soạn giả Tư Chơi, bà nội là nghệ sĩ Kim Thoa. Cha là nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu, thường gọi là Huỳnh Hiếu hay Huỳnh Háo. Được giới nghệ thuật và người hâm mộ đánh giá là tay trống số một Đông Dương.


Soạn giả Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), nghệ sĩ sân khấu cải lương Kim Thoa và con trai 10 tuổi Huỳnh Thủ Hiếu, sau này là nhạc sĩ Huỳnh Hiếu (còn gọi là Huỳnh Háo). Ảnh chụp năm 1939 (Ảnh tư liệu gia đình).

Tiếp xúc với môi trường âm nhạc thông qua tượng đài là cha mình, anh nhanh chóng nhận ra mình cũng thực sự yêu thích tiếng đàn, tiếng trống từ khi còn bé thơ... Và cuộc đời anh đã trải dài theo âm nhạc với những thịnh suy thăng trầm của xứ sở.

Việc tái hiện lại một giai đoạn âm nhạc với những danh thủ, tên tuổi một thời từ những tiếp xúc trực tiếp qua công việc, giao tiếp, ký ức... đã khiến anh ghi lại bằng những trang viết tự sự dưới đáy lòng mình thật sâu sắc và sinh động.

Những gương mặt âm nhạc nào từng có những đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật Sài Gòn? Số phận họ thế nào? Đi về đâu kiếp nhân sinh nổi trôi... hiện qua đầy nước mắt, niềm hy vọng và nhân văn.

Nhạc sĩ, guitarist Huỳnh Hữu Thạnh đã đồng ý cho DDVN khai thác và giới thiệu những trang viết này. Thật vui mừng!

Hy vọng cùng với DDVN, anh sẽ tiếp tục viết để hoàn thành cuốn sách rất xứng đáng được mong đợi về giới nghệ sĩ chơi nhạc nổi tiếng là Hòn Ngọc Viễn Đông một thời này...

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Sài Gòn, 6.8.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh

 

NGƯỜI CHƠI ĐÀN - HUỲNH HỮU THẠNH ( KỲ 1)


Nhạc sĩ, Guitarist Huỳnh Hữu Thạnh (trái) bên cạnh cha mình, nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (thường gọi là Huỳnh Hiếu hay Huỳnh Háo). Giới làm nghệ thuật một thời và người hâm mộ đánh giá Huỳnh Háo là tay trống số một Đông Dương. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Một người bạn có đề nghị tôi viết về 10 cuộn băng cassettes ảnh hưởng đến đời chơi nhạc của mình. Nghĩ mãi không ra vì hoàn cảnh tôi không giống ai, và nhạc sĩ guitar mà tôi nhớ đầu hầu hết là người Việt. Kể ra cho các huynh đệ nghe cho vui hén. 
Ngày xưa ba tôi đâu có cho tôi học đàn, dù ngày nào ban nhạc cũng tập ầm ầm với các ca nhạc sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Có một lần một người bạn trong xóm ghé chơi. Nó tên là Phú rất là khéo tay, chơi trò chơi gì cũng hay, biệt danh là Phú ghẻ. Nói chuyện chơi một lúc bỗng nó chỉ cái đàn đang treo trên tường và hỏi "Tui mượn được không ?". Dĩ nhiên là được rồi. Sau đó nó mân mê cây đàn một chút rồi dạo một câu nhạc rất quen thuộc và đánh một cái điệu cũng rất là dễ chịu. Sau này tôi mới biết đó là điệu Bolero. 
Tôi vô cùng kinh ngạc hỏi nó "sao hay vậy mậy?". Nó cười bảo "Tui thấy mấy anh ngồi đàn ở ngã tư Cây Sung! Đêm nào cũng chơi nên bắt chước, có biết mẹ gì đâu?". Nó tỏ vẻ kinh ngạc khi tôi nói tôi không biết chơi nhạc. Sáng hôm sau tôi xin ba tôi học nhạc, ông lắc đầu và tỏ ý muốn tôi trở thành luật sư. Nhưng những âm thanh dịu dàng của 6 nốt nhạc mở đầu điệu guitar hôm đó khiến tôi không thể nào quên được. Tôi mới bèn lén học lớp nhạc miễn phí của trường tư thục Chí Thiện là nơi tôi đang theo học chữ. Với sự hướng dẫn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đa. Sáu tháng sau tôi được thu một bài hòa tấu trong chương trình của trường tại đài truyền hình số 9 lúc đó. Cũng teo (*) lắm nhưng nghĩ ban đêm ba mình đâu có ở nhà, ông mắc làm ở vũ trường mà. Ai dè, ba tui bị đau phong thấp nặng nên có một đêm nghỉ ở nhà không đi làm, đêm đó lại chiếu chương trình thu hôm nọ, ba tôi xem xong im lặng không nói gì! Đêm đó tôi nằm ngủ mà lòng tê tái tưởng tượng đến trận đòn hôm sau...


Ban nhạc Đoàn Ca nhạc nhẹ do nhạc sĩ Hữu Thạnh (người ngồi thứ 2, từ trái qua) làm trưởng ban. (Ảnh nhân vật cung cấp)

***
Hôm sau, ăn sáng xong xuôi ba tôi mới thủng thẳng kêu tôi lại ngồi nói chuyện. Đại ý là ông bảo tôi: "Có lẽ đó là cái nghiệp không tránh khỏi! Vậy thì từ nay ba sẽ cho con học... đánh trống! Với điều kiện là phải học từ hạng nhất đến hạng mười mỗi tháng". 

Lúc đó tôi rất mừng vì chẳng những không bị đòn mà còn được học nên học gì cũng thích. Tôi dạ lia dạ lịa trong bụng mừng khắp khởi. (Dĩ nhiên tôi làm sao học hạng nhất được. Người học giỏi nhất nhà và luôn luôn được thưởng đó là chị hai tôi mà). 
Người thầy dạy trống của tôi lúc đó là cậu Ri, là người con của bà dì Bảy em bà ngoại tôi. Cũng là một nhạc sĩ chơi trống trong ban nhạc của ba tôi lúc đó. Từ đó tôi làm quen với tiết tấu, cách nhìn bài trống và miệt mài tập luyện sau khi học bài ở trường xong. Lớp nhạc ban đêm dĩ nhiên tôi vẫn theo đuổi và tiếp tục phừng phứng guitar tập thể ở trường trung học trong khuôn viên nhà thờ Chợ Quán. Ban nhạc của nhà trường lúc đó có một anh chơi guitar rất hay, tên là Hạnh. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ được bài solo của anh ấy, đó là bài WELLS (hay Well gì đó). anh Hạnh luôn chơi nhạc với một gương mặt rất trẻ trung và tươi cười. Có lẽ sau Phú ghẻ, anh Hạnh là người chơi guitar mà tôi luôn nhớ bởi nhịp nhàng chắc cú dấu nhấn rõ ràng nhưng vẫn nồng nàn... 
Về chơi trống tôi có một kỷ niệm rất thú vị với anh Trí Trung. Ngày xưa mỗi lần ban nhạc muốn đi diễn thì phải audition. Tập dượt một thời gian sau đó đợi đến ngày hẹn chơi thử cho một ban giám khảo toàn người Mỹ với đủ loại màu da nghe và xem. Nếu điểm cao hay được phê bình tốt thì nhiều show và lương cao. Ngược lại, chơi yếu một chút thì vẫn có show mà ít và lương thấp hơn một tí so với ban nhạc có điểm cao. 

Nhưng còn một tuần nữa đến ngày phúc khảo thì người chơi trống của ban nhạc lúc đó là nhạc sĩ Huỳnh Anh bận việc riêng nên không tiếp tục với ban nhạc nữa. Cậu tôi lúc đó thì đang trốn lính nên không thể đi làm. Thời gian cấp bách, ba tôi chợt nhớ có một người bạn cũng chơi trống ở quận 5 gần nhà hàng Đồng Khánh. Tìm đến hỏi thăm thì ông ta giới thiệu người con trai lớn, kỹ thuật rất tốt nhưng chưa từng đi làm. Lúc ban nhạc tập với anh đánh trống mới thì tôi thấy gương mặt của chú Chí Mìng rất vui khi nhìn thấy con trai cho mình chơi trống cùng với những nhạc sĩ nhất nhì Sài Gòn thời đó. 


Các nhạc sĩ, nghệ sĩ gặp nhau trong chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường". Từ trái qua: NS Nguyễn Quang & Chu Thị Hồng Anh, ca sĩ Phương Dung, nhà sưu tập Chánh Phương Hùng, các NS Bảo Thu, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Huỳnh Hữu Thạnh, Y Vũ, Bà quả phụ vợ ns Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Hữu Hồng Minh.
Ông ấy quay sang tôi hỏi, sao con không đi làm mà phải kêu A Chúng? Tôi thấy anh Trung chơi hay quá, mặc dầu không thuộc bài gì cả chỉ nhìn bài mà chơi. Tôi chỉ liên tục nghe ba tôi la lên "Xíu, xíu, xíu....". (Ông nhắc A Chúng vừa chơi vừa cười cho gương mặt tươi tắn). Chợt giật mình khi nghe chú ấy hỏi như thế, tôi đáp nhanh "Dạ, con không học đánh trống" thiệt xấu hổ! 
Chú ấy nhìn tôi và cười: "Kỳ vậy, con của cửu woong mà mụ biết tả cửu" (con của vua trống mà lại không biết đánh trống).

Và từ đó tôi không bao giờ nhắc đến nghề trống dù vẫn tập. 
Vì nghĩ biết bao giờ chơi được như anh Chúng (bây giờ là anh Trí Trung, một trong những tay trống hàng đầu hiện nay). Thế là tôi có cớ xin ba tôi được chính thức học guitar, và người thầy của tôi lúc đó là nhạc sĩ Đức Lưu. Mà... ông ấy là nhạc sĩ Violon và Saxo tenor!

(Còn tiếp)

H.H.T