Sài Gòn nửa đầu thập niên 70 luôn rộn ràng và sống động với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế miền Nam. Dù chiến tranh ầm ĩ vẫn không ngừng ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong đó âm nhạc là một trong những dòng chảy xiết với sự ra đời của nhiều phòng thâu âm và phát hành băng dĩa nhạc cùng nhạc bản...
Tin và bài liên quan:
Thái Thanh, huyền thoại đã mất
Người chơi đàn: Bài tập sự để học nhẫn nhục (Kỳ 2)
Người chơi đàn: Tôi đã đến với cây đàn 'kỳ lạ' như thế nào? (Kỳ 1)
Tôi nhớ nhất là trung tâm Khai Sáng với hàng loạt băng nhạc Việt Nam và ngoại quốc lời Việt. Một trong những bài tôi thích nhất lúc đó là "Tình cho không biếu không" của tác giả Enrico Macias và lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi mê bởi lúc đó đang học guitar và vì tiếng đàn ngọt ngào tươi vui của nghệ sĩ guitar Hoàng Liêm. Lúc đó có bán tờ nhạc "Tình cho không biếu không" và có viết nốt khá cẩn thận sạch sẽ câu intro guitar hấp dẫn của bài hát này, nhưng với tôi nếu không nghe thì không biết như thế nào ở những đoạn chạy nhiều nốt nhạc! Thế là tìm mua và mang về nghe suốt ngày câu guitar đó của chú Liêm chơi.
Nhạc sĩ, Guitarist Huỳnh Hữu Thạnh đang đệm đàn cho ca sĩ Ý Lan hát trong chương trình "Những tình khúc vượt thời gian"
Cảm giác rất tuyệt khi đàn xong bài đó trong vòng một tháng. Thế nên, dù lúc ấy chưa quen biết gặp gỡ người chơi đàn nhưng tôi cảm giác thân tình vì ngày nào cũng nghe tới nghe lui. Thấy tôi thích quá nên ba tôi bảo:
- Sau này ba chở con qua nhà chú Liêm chơi, ngay rạp Oscar thôi mà!
Nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh và nhạc sĩ Trần Vĩnh tại Paris (Ảnh tác giả cung cấp)
Năm đó tôi cũng được cậu Ri dẫn đi xem nhạc trẻ ở trường Lasan Tabert, ấn tượng về các ban nhạc trẻ lúc đó rất nhiều đủ viết vài bài ghi lại kỷ niệm. Nhưng tôi đi xem cốt yếu là để gặp chú Hoàng Liêm với hy vọng được nghe ổng chơi bài TCKBK trên sân khấu.
Buổi đó ban Shotguns lại chơi các bài hòa tấu của The Ventures và The Shadows. Nói thế nào nhỉ! Với một chương trình hầu hết là Psychedelic, Latin rock, Rock và một ít Pop (The Dreammer và Crepuscule chuyên style này) mà ban Shotguns xuất hiện với kiểu chơi khác hẳn - chơi nhạc thập niên 60's. Thời bấy giờ diễn tiến xã hội rất nhanh nên style âm nhạc - văn hóa - tóc tai trang phục trước đó 10 năm đều chóng quên lãng trong suy nghĩ hàng ngày của người dân thị thành, huống chi là âm nhạc. Thế mà cả sân trường đều vang lên những tiếng huýt sáo, nhiều âm thanh trầm trò khi ban Shotguns lại chơi nhạc xưa, ban nhạc là toàn người lớn so với các anh ban nhạc trẻ. Tôi dâng lên cảm xúc rất mạnh mẽ khi thấy sự tươi trẻ duyên dáng của nghệ sĩ Hoàng Liêm khi trình tấu những bài hòa tấu đó. Thật sự hút hồn khán thính giả hôm đó, trong ban Shotguns là chú Hoàng Liêm. Tôi nhớ ông cười rất tươi và hay lạng người trong mỗi câu guitar solo khiến thanh niên hippie đều ồ lên tán thưởng. Cái duyên sân khấu đó của nghệ sĩ Hoàng Liêm. Mãi sau này tôi vẫn nhớ nhưng tự hiểu: cái đó của riêng chú ấy, không ai có thể bắt chước được. Tháng 5 - 1975 tôi có đến kios chụp hình trước cửa sở thú hỏi thăm và được tráng cho một số hình ảnh của những buổi trình diễn Nhạc trẻ trong đó hầu như không thiếu ban nào. Cả những buổi ở trường Lasan Tabert họ cũng có phim lưu trữ luôn. Tiếc là không còn gì sau vài lần phải tự đốt hoặc giao nộp.
Ban nhạc trẻ của vũ trường Vân Cảnh 1974. Lúc này đã chơi hai ban nhạc trong đêm rồi, ban già và ban trẻ (Ảnh: Nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh cung cấp).
Năm 1973, chú Tùng Giang có phát hành một cuốn băng cối trích từ chương trình thu đài truyền hình của ban nhạc ba tôi. Thường đi làm ở vũ trường thì ba tôi chơi piano, làm show thì chơi guitar. Riêng trong chương trình truyền hình này thì ổng solo trống 10 phút cho đoạn mở đầu của chương trình (rất tiếc không biết ở đâu còn sót lại chương trình tivi show này!?). Tôi nhớ tata Mỹ Hằng của tôi có thu hình nhưng cũng không được xem lại, riêng tôi nhớ mãi 2 tiết mục hòa tấu bài "Love story" và "Hạ trắng".
Bài hát "Love Story" nổi tiếng trong giới chơi nhạc và người mộ điệu.
Thật ra không thể nhớ chi tiết hòa âm hay thâu âm thế nào vì lúc đó tôi còn quá nhỏ ! Nhưng trong lòng tôi chỉ luôn vương vấn tiếng solo guitar ngọt lịm của chú Jack mập, anh em trong nhà với chú Phong guitar và chú Tấn Quốc Saxo khi nghe chú ấy chơi melody bài "Love Story". Tôi chợt nhớ lời ba tôi hay nhắc mỗi khi tôi ôm guitar chạy vung vít mà chẳng hiểu mình đang làm gì và suy nghĩ về câu nhạc như thế nào! Chơi đàn bao nhiêu năm để có được tiếng đàn dày mượt và đầy tình cảm như chú Jack lúc đó cũng là điều tôi luôn suy nghĩ nhiều năm sau đó.
- "Chơi melody thật chính xác để hiểu tâm trạng tác giả lúc người ta sáng tác và sau đó mới hãy đàn theo suy nghĩ đó bằng kỹ thuật và trái tim con mách bảo. Nhớ đàn chậm khó hơn đàn nhanh...".
Về bài "hạ trắng" và tiếng alto độc nhất vô nhị của chú Trần Vĩnh trong chương trình tivi này thì tôi để dành một bài khác cùng các bạn bởi đây là một trong những nhạc sĩ hàng đầu và gây ấn tượng rất sâu sắc với dân chơi kèn tại Việt NM ... cho đến tận bây giờ.
(Còn tiếp)
H.H.T