VĂN HÓA

Thái Thanh, huyền thoại đã mất

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 18-03-2020 • Lượt xem: 3052
Thái Thanh, huyền thoại đã mất

Giới nghệ thuật, văn hóa, âm nhạc Việt trong, ngoài nước vô cùng thương tiếc với thông tin vào lúc vào lúc 11h50 ngày 17.03.2020 tại Oragne, Nam california Hoa Kỳ, nữ danh ca Thái Thanh đã từ trần, bà hưởng thọ 86 tuổi.

Tin, bài liên quan:

Một tiếng hát nhạc Trịnh Công Sơn mới

Hồ Trung Dũng da diết với tình ca của cố nhạc sĩ Phạm Duy

‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Cuộc ra đi của Danh ca không đến nỗi quá bất ngờ vì dù sao tuổi của bà cũng đã khá cao, nhưng lại làm cho mọi trái tim yêu âm nhạc đau xót vì chứng kiến giờ phút thêm một ngôi sao, một huyền thoại âm nhạc đã mất. Và cả một thế hệ tài hoa, bản lĩnh có thể xem là thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam đó như một bức tường rêu phong sụp đổ từng viên gạch cuối. Liệu có bao giờ hay vĩnh viễn không bao giờ thời hoàng kim đó trở lại?

Hai chị em ca sĩ Thái Hằng và Thái Thanh thời trẻ

Tôi muốn dùng ngay một nhận định của nhạc sĩ Phạm Duy để tổng kết về Thái Thanh, người mà tôi nghĩ có đủ quyền năng và tài năng để nói về “con chim họa mi” hát thêu những ca khúc của ông. Chỉ ông và riêng ông hơn hẳn chúng ta khi vạch ra phía sau tiếng hát để tìm một mùi vị, định danh của thanh âm:

“Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào!...”

“Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước…” (Hồi ký Phạm Duy)

Một bức tranh đặc biệt của họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ danh ca Thái Thanh. Ông chú thích: "Sài Gòn chơi nhà Phạm Đình Chương. Vẽ Thái Thanh ngày mới vào" (Tư liệu của Nhà sưu tập Lưu Quốc Bình)

Và một nhận xét của Georges Etienne Gauthier, nhà nghiên cứu về âm nhạc, ông này đặc biệt thân thiết với Phạm Duy và những người làm nghệ thuật trong gia đình họ Phạm. 

“Thái Thanh đã thấu hiểu bằng trực giác cái ý nghĩa sâu xa của nghệ thuật Phạm Duy, do đó các khúc điệu uyển chuyển và cao nhã của Phạm Duy đã hoàn toàn tự nhiên trở thành thứ môi trường lý tưởng cho giọng hát cũng uyển chuyển và cũng cao nhã của nàng...". (Georges Étienne Gauthier).

Và:  “Sau khi nghe nàng (tức Thái Thanh - NHHM) hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm "nhớ nhung cõi trời" - mà Beaudelaire đã nói - dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe... Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu…” (Nghĩ về nghệ thuật của Thái Thanh - Georges Etienne Gauthier).

Nhiều người nói đến tiếng hát Thái Thanh nhưng ít nghĩ đến sự liên quan giữa ca sĩ Thái Hằng. Trong hồi ký của Phạm Duy, có kể lại Thái Thanh ảnh hưởng Thái Hằng rất nhiều, thậm chí sau này khi đã nổi tiếng bà chọn nghệ danh Thái Thanh là do ý muốn làm sao thật “giống người chị Thái Hằng của mình”. Lưu ý là bà có tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai – Hà Nội. Và chị bà là Phạm Thị Quang Thái. Việc bà chọn tên cho thấy ảnh hưởng của người chị Thái Hằng vào phong cách sống, tiếng hát cũng như tình chị em tuyệt vời của họ là điều hiếm thấy trong lịch sử nghệ thuật.

Danh ca Thái Thanh, một tiếng hát huyền thoại, vừa từ trần lúc  11h50 ngày 17.03.2020. 

***

Có nhiều nghiên cứu nói rằng lối hát đặc biệt, mang tính chất opera của Thái Thanh (âm vực mezzo - soprano) hình như đã chịu nhiều ảnh hưởng của Chầu văn, quan họ, chèo… là những bộ môn nghệ thuật dân tộc đã được bà tự rèn luyện, học tập từ thuở nhỏ tại quê hương miền Bắc cùng với người chị Thái Hằng của mình. Nghiên cứu này dựa vào thực chứng là thời gian đó Việt Nam chưa có trường âm nhạc, và bà phải tự học nhạc bằng cách tự nghiên cứu, đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp từ Paris. 

Thái Thanh còn phát triển rất tốt thiên hướng nghệ thuật của mình do may mắn được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Ngoài người chị Thái Hằng, bà còn có anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương nổi tiếng. Sau đó là ông anh rể, chồng Thái Hằng là nhạc sĩ Phạm Duy.

Hồi ký Phạm Duy cũng như nhiều tư liệu có tổng thuật những nét chính như sau:

Năm 1951, bà Thái Thanh theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn lập nghiệp trong gánh hát Thăng Long của anh chị em trong gia đình. Lúc ấy bà 16 tuổi, được Phạm Duy huấn luyện, chỉ bảo tận tình về nhạc lý và kỹ thuật, đồng thời cũng tự luyện tập, trau dồi kỹ năng xướng âm của mình. Tại đây bà tiếp tục đi hát với các chủ đề về quê hương và tình cảm đôi lứa. Giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc xã hội, cho tới các bản trường ca đều được bà để lại một dấu ấn lớn. Bên cạnh đó, bà cũng là ca sĩ hát thành công rất nhiều ca khúc tiền chiến xưa, hay nhạc tình đương thời của các nhạc sĩ trẻ hơn.

Thái Thanh thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình bấy giờ. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm màu hồng.

Danh ca Thái Thanh trên một nhạc bướm vô cùng lộng lẫy và đẳng cấp (Ảnh tư liệu) 

***

Giọng ca Thái Thanh được giới nghiên cứu đánh giá cao. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bài viết về Thái Thanh. Theo ông, trường hợp của Thái Thanh là một "trường hợp hãn hữu", và "Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh."

Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng cho một biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng, bên nghệ danh của bà: Tiếng hát vượt thời gian.

Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà nghiên cứu âm nhạc Georges Etienne Gauthier từng có những nhận xét quan trọng về tiếng hát và sự nghiệp của Danh ca Thái Thanh. 

Còn tôi, một thế hệ sau, chỉ đứng ở hàng con cháu của danh ca Thái Thanh chỉ biết nghe, cúi đầu, xót xa, ngưỡng vọng. Tiếng hát cao nhất, bay lên trên những chiến tuyến,  nối hai bờ thế kỷ đã mất. Tôi nghĩ đến giọng hát liêu trai, tiếng hát Thiên Thai như nhạc sĩ Văn Cao từng viết “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng…”.

Tiếng hát của thần thoại, như huyền thoại!

Và chiều nay, nghiêng đầu kính tiễn biệt Danh ca Thái Thanh.

Một tiếng hát huyền thoại đã mất!

(Sài gòn, chiều 18.3.2020)

NHHM