Hội họa

Người dân thành phố đã làm nên linh hồn của đường sách

Minh Hương - Ảnh: Quang Định, Internet • 12-01-2018 • Lượt xem: 11261
Người dân thành phố đã làm nên linh hồn của đường sách

Sau 2 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM đã có những thành công không ngờ từ doanh thu đến hình ảnh văn hóa của thành phố. Tại đây bạn đọc có thể tìm được sách vừa mới phát hành, sách cũ và cả "sách độc". Được thành lập từ ngày 9.1.2016, đến nay Đường sách TP.HCM đã trở thành điểm hẹn thú vị của tác giả, độc giả, bạn bè và gia đình... Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, có được điều này là nhờ ý thức rất tốt của người dân.

Vừa qua, tại Hội nghị Sơ kết 2 năm hoạt động đường sách TP.HCM, do sở Thông tin - Truyền thông tổ chức, lãnh đạo thành phố, ban quản lý đường sách và các gian hàng đều vui mừng vì những thành công đã đạt được.Qua 2 năm hoạt động, đường sách đã đem về doanh thu khoảng 75 tỷ, trong đó năm 2016 doanh thu 26, 438 tỷ với gần 500 nghìn bản sách được bán ra và năm 2017  số doanh thu chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính tăng gấp đôi.

Bên cạnh việc bán sách, chính các hoạt động văn hóa tại đường sách và sự tham gia của người dân vào các hoạt động đó đã tạo nên nét đẹp của đường sách. Các hoạt động chuyên đề như: Ngày sách Việt Nam lần IV, Những ngày văn học châu Âu tai TP.HCM lần 2, Gia đình là mái ấm... , trưng bày triển lãm: Văn học lãng mạn Việt Nam đầu kết kỷ 20, Nghệ thuật đóng sách và đóng sách nghệ thuật, Về chốn thư hiên... và hàng trăm cuộc giao lưu, ký tặng sách mỗi năm diễn ra đều đặn mỗi tuần đều có sự tham gia nhiệt tình của bạn đọc.

Trong bài tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, GĐ NXB Trẻ, nhấn mạnh: "Chính người dân mới là linh hồn của đường sách, tạo nên nét đẹp văn hóa của thành phố. Mặc dù không có hình thức bảo vệ nào nhưng tất cả đều đến với đường sách rất trật tự, văn minh". Ông cũng kể một kỷ niệm mới nhất với gian hàng NXB Trẻ rằng khi chuẩn bị cho buổi ký tặng sách Cây chuối non đi giày xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bộ phận truyền thông đã thiết kế ngôi nhà tre và vài ụ rơm trước gian hàng khiến ông hồi hộp bởi vì chỉ cần 1 người vứt tàn thuốc vào là có thể gây cháy nổ. Nhưng, mọi thứ đã diễn ra trong trật tự dù buổi ký sách có đến cả hàng ngàn độc giả, xếp hàng dài từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Đúng như ông Nhựt nói, hàng nghìn hoạt động lớn nhỏ đã diễn ra ở đường sách nhưng chưa có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Bạn đọc luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh đường sách và lịch sự, văn minh trong cách ứng xử trong các cuộc giao lưu và ứng xử lẫn nhau. 

Từ ngày có đường sách này, độc giả và tác giả có nhiều dịp gặp gỡ nhau. Rất nhiều buổi giao lưu được đông đảo độc giả đón chờ như buổi của nhạc sĩ Vũ Thành An, Nguyễn Nhật Ánh hay tác giả trẻ Anh Khang cũng kéo một lượng hâm mộ khá lớn về đây. Trong đó, có khá nhiều cuộc giao lưu chất lượng như các buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Lê Văn Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, nhà khoa học Trịnh Xuân Thịnh, nhạc sĩ Vũ Thành An...

Trong hội nghị, đại diện của các NXB, công ty phát hành sách cũng chia sẻ về sự ngập ngừng trong những ngày đầu quyết định đăng ký gian hàng ở đây nhưng đến nay mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp hơn những gì họ đã nghĩ. Đại diện gian hàng sách Thái Hà cho biết, từ ngày đặt gian hàng tại đây, lượng khách hàng bán sỉ của công ty này đã tăng lên rất nhiều, điều này chứng tỏ đường sách đã "làm thương hiệu" khá tốt cho các công ty phát hành sách. NXB Trẻ thì trong những ngày đầu đặt gian hàng ở đây như một "trách nhiệm công dân" của thành phố nhưng đã đem về doanh thu 4 tỷ (năm 2016) và 7 tỷ (2017) là một con số ấn tượng. 

So sánh Đường sách TP.HCM với Phố sách Hà Nội (được thành lập hồi giữa năm 2017) đang vắng lặng và có dấu hiệu kêu cứu thì thấy chỉ khi có sự hưởng ứng của bạn đọc thì mới tạo sinh khí cho đường sách. Đường sách TP.HCM đã trở thành một không gian đọc, không gian văn hóa được tạo thành bởi sự trẻ trung và thâm trầm của bạn đọc. Người đến đó với nhu cầu đọc, người lặn lội từ các tỉnh đến đây để gặp tác giả mình yêu thích, người mượn không gian đẹp để chụp hình "check-in", người biến đây thành nơi hẹn hò của cả gia đình vì nó phù hợp với tất cả  mọi người... Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu trong một buổi giao lưu tại đường sách có nói: "Di sản không chỉ là những gì cha ông ta để lại mà còn là những gì chúng ta tạo dựng cho thế hệ sau". Hy vọng, đường sách sẽ trở thành một trong những di sản trong tương lai mà lãnh đạo và người dân thành phố hiện tại đã làm được, dù trải qua nhiều gian nan đường sách mới được hình thành.