VĂN HÓA

Người đẹp say ngủ

Nguyễn Thoại Vy • 01-11-2017 • Lượt xem: 19008
Người đẹp say ngủ

(Nhân ngắm bức “Giấc mơ” của danh họa Picasso và “Tháng sáu rực lửa” của họa gia Frederic Leighton)

Có phải là người đẹp thì làm gì cũng đẹp?. Như ca dao từng nói: “Em xinh em đứng một mình cũng xinh”?. Cả lúc ngủ cũng đẹp!. Hiền triết nào đó đã khẳng định: Phần lớn con người trông đẹp và thuần hậu nhất khi ngủ. Tác giả của tập thơ nổi tiếng “Nhật kí trong tù” cũng chung nhận định “Lúc ngủ, mọi người đều có vẻ lương thiện” (“Thụy thì đô tượng thuần lương hán” – Dạ bán).

Người xinh, say giấc lại càng đẹp. Lúc nhắm mắt chìm sâu vào giấc ngủ, người đẹp không cứng cỏi đứng như trúc đầu đình mà hoàn toàn thả lỏng ở trạng thái nằm: trên giường, trên ghế xô – pha, thậm chí trên bậc thềm …. Ví như bức họa lừng danh “Flaming June” (Tháng Sáu rực lửa – thế kỉ XIX) của Nam tước Anh – Frederic Leighton – phác họa chân dung mĩ miều của một thiếu phụ trẻ. Người đẹp lộng lẫy trong bộ váy màu cam, cuộn mình say ngủ trên bậc thềm đá hoa cương có trải chăn nệm, khiến mùa hè tháng sáu ở Địa Trung Hải càng thêm rực rỡ. Họa phẩm thu hút người xem ở chi tiết nào ? Có thể ở cách phối màu, bố cục, ở dáng nằm an lành tay co tay duỗi. Cũng có thể vẻ quyến rũ của bức tranh toát lên từ một phần bàn chân hé lộ màu vẻ thanh tân, dưới tấm áo ngủ nhẹ như mây. Hay toàn bộ bức tranh được bao bọc bởi quầng sáng bình thản của giai nhân trong giấc ngủ thanh lành?

Bức họa lừng danh “Flaming June”

Bức danh họa thứ hai là “Vệ nữ say ngủ” (Sleeping Venus – thế kỉ XVI) của danh họa Ý Giorgione. Kiệt tác vẽ người đẹp Vệ nữ nằm mộng trên giường.

Hai bức họa cách nhau hơn ba thế kỉ nhưng tư tưởng lớn thường gặp nhau, nên cả hai cùng tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ trong giấc ngủ vùi. Kiểu bố cục kinh điển của họa phẩm “Vệ nữ say ngủ” trở thành khởi điểm cho những bức tranh khắc họa cùng đề tài (Cánh tay làm gối, chân co chân duỗi khi nằm…). Bức sơn dầu “Giấc mơ trên phố” của danh họa Bùi Xuân Phái vẽ một thiếu nữ mơ màng ngủ trên những lô xô mái phố, với cùng tư thế nằm như Vệ nữ của Giorgione. Danh họa họ Bùi có nguyên một dòng tranh về phố cổ Hà Nội mà giới mộ điệu gọi chung là “Phố Phái”. Bản thân Bùi họa sĩ những năm cuối đời ít ngủ vì say mê phác họa những giấc mơ tài hoa về phố. Ông hối hả vẽ như thể sợ những giấc mơ phố – một góc hồn vía Hà Nội – sẽ vuột khỏi tầm tay. Không “mơ về nơi xa lắm”, tác phẩm “Giấc mơ” (Dream) của danh họa Picasso vẽ người đẹp ngả mình trên ghế, chìm trong giấc mộng “gần hơn, thiết thực hơn”, nên được bán với giá kỉ lục. Giá trị hiện kim của bức tranh khiến những kẻ suốt đời nghèo khó có nguy cơ lên cơn đau tim:155 triệu đôla (tương đương 3.400 tỷ đồng VN), theo tin cùa hãng truyền hình Mỹ Bloomberg.

Người xưa nghìn vàng đổi một trận cười của giai nhân. Người nay sẵn lòng đổ nghìn vàng vì những mộng mị của người đẹp. Biết bao họa gia miệt mài bên giá vẽ, lao tâm khổ tứ chỉ để hoàn thành những kiệt tác trong khoảnh khắc người đẹp đang mê mệt ngủ. Ví như bức họa danh tiếng của họa sư lỗi lạc người Nhật – Hokusai – “Giấc mơ của vợ ngư phủ”. Đây là bức danh họa thuộc dòng phù thế hội (hội họa thế tục – ukiyo-e), với kĩ thuật vẽ – khắc – in màu trên mộc bản nên còn gọi là tranh khắc gỗ. Sở dĩ người viết điểm qua bức họa có tính chất bản – năng – kì – bí này là do tầm ảnh hưởng của thể loại tranh mộc bản Nhật lên hầu hết các họa phẩm của Van Gogh (thí dụ: bức “Hoa diên vĩ”) và các họa sĩ phương Tây thuộc trường phái hậu ấn tượng, thế kỉ 19. Hay họa phẩm sơn dầu “La Perte de Pucelage” của họa sĩ Paul Gauguin (thế kỉ XIX) phác họa một cô gái thổ dân nằm thiêm thiếp mơ màng. Khiến người ngắm dường như cũng mơ mòng theo.

Trong văn học, người đẹp được các văn – thi nhân ưu ái ca tụng không thiếu. Bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” tả một cô thôn nữ đang say giấc điệp trong buổi trưa hè. Không thể chê rằng cô ấy thiếu ý tứ để “Yếm đào trễ xuống dưới nương long”. Bởi cô gái chỉ nhỡ nằm “quá giấc nồng” nên điều đáng nói ở đây là bậc quân tử “dùng dằng đi chẳng dứt” kia. Nói về phẩm hạnh và tiết tháo, quân tử được xa xưa trân trọng xếp đầu bảng. Đấy là những bậc trượng phu lồng lộng đội trời đạp đất “phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”. Trời có sập vẫn tĩnh tại, ung dung. Vậy mà chỉ một trận gió nồm “hây hẩy” thổi qua cô gái đang ngủ, bỗng động tâm “Đi thì cũng dở ở không xong”. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thuộc phái yếu mà cũng tấm tắc, xao lòng trước chân dung sống động thiếu nữ ngủ ngày kia, hỏi sao các đấng tu mi như Bùi Xuân Phái không lưu lại vẻ đẹp gợi cảm kia dưới hình thức một bức tranh minh họa ?! Nếu cho rằng bà chúa thơ Nôm có phần thiên vị người cùng giới thì hóa ra ta đã bỏ qua kiệt tác của nam văn sĩ trứ danh người Nhật Yasunari Kawabata. Trong kiệt tác “Người đẹp say ngủ” (NXB Hội nhà văn) chẳng phải đại văn hào đã miêu tả chi tiết vẻ đẹp ngời lên như nắng mai của một thiếu nữ đó sao. Đoản văn xao xuyến ấy đây “Đôi môi và hàm răng ló ra giữa cặp môi hé mở ánh lên vẻ thanh xuân. Không hề dùng thứ gì nhân tạo, hơi thở của cô gái phả ra một mùi thơm tho mà chỉ riêng những cô gái trẻ mới có được. Âm vang của biển vọng lại êm ái, tưởng như tiếng nhạc vẳng ra từ thân thể cô gái hòa lẫn với tiếng đập của trái tim cô…”. Quả là một trong những áng văn xứng đáng được nhận giải Nobel văn chương.

Không còn chiếc đũa phù phép của mụ phù thủy hay cái suốt chỉ / xa quay sợi của bà tiên độc ác, nên các cô gái bước ra từ câu chuyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng” tha hồ thức thâu đêm ở các vũ trường, hộp đêm, phòng trà …Họ truyền tai nhau rằng “Đời người có một gang tay” và cái thước đo mơ hồ ấy sẽ còn lại “nửa gang” nếu vô ý ngủ ngày như thiếu nữ nọ. Một bộ phận khác ở trạng thái vật vờ nửa mê nửa tỉnh vì trót tha hóa do thuốc lắc.

Ai cũng rõ giá trị to lớn (tái tạo năng lượng) và vẻ hiền lương của con người trong giấc ngủ, nên các loại thuốc Nam thuốc Bắc tìm ngủ tha hồ lẫn lộn. Đó là cái cớ để các hãng dược phẩm ra sức bào chế và tăng giá vô tội vạ các loại thuốc dỗ giấc ngủ (Séduxel chẳng hạn). Đó cũng là một trong những lí do khiến ai quan tâm đến chất lượng giấc ngủ tìm đến thiền hành hoặc nghe nhạc không lời ?… Đôi khi, để cho ra đời những kiệt tác có ấn chứng say ngủ của người đẹp thì nghệ sĩ phải thao thức, trằn trọc. Và nhờ vậy, nền nghệ thuật nhân loại mới được dịp mở mắt.

Tag: