Duyên Dáng Việt Nam

'Người thổi sáo' - Thổi những giấc mơ hoang đường qua màu sắc và ngôn ngữ

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 16-12-2020 • Lượt xem: 2215
'Người thổi sáo' - Thổi những giấc mơ hoang đường qua màu sắc và ngôn ngữ

Thật bất ngờ khi tôi biết tin nhà thơ, nhà văn, dịch giả Nguyễn Quang Thiều chuẩn bị ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên của anh với cái tên "Người thổi sáo". Tài năng của ông trong thơ, văn xuôi, báo chí đã biểu lộ khá rõ. Thi ca ông còn là người mở đường chặng mới Thơ Việt Nam hiện đại. Mỹ thuật, không quá lời khi ông có những đột phá bùng vỡ với những sắc màu riêng biệt...

Tin và bài liên quan:

Giữa thi pháp Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền

'Vỉa từ' Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thi ca, Kịch nghệ và Chuyển hóa Bản thân

Thi sĩ Trần Vàng Sao: Một người Việt yêu nước mình

Trên DDVN, tôi từng viết về Nguyễn Quang Thiều và thơ như sau: 

"Đổi mới thơ là một khao khát mãnh liệt mà không phải nhà thơ nào cũng đủ ý chí và tài năng để đi tới cùng. Trong thơ Việt Nam Hậu chiến, tôi có so sánh về thi pháp của Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền trên trục tuyến tính, cả hai đều đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong thơ Việt hiện đại.

 Chân dung nhà thơ Mỹ Kevin Bowen - Tranh thi sĩ Nguyễn Quang Thiều 

Xét về thi pháp Thanh Tâm Tuyền đã cách mạng đến mức dùng ngôn ngữ đo chấn động cảm giác và loại bỏ nhịp điệu. Như vậy bài thơ đã trở thành một trung tâm địa chấn mà khi bạn đọc rơi vào cùng rung chuyển một tần số, tần sóng tâm hồn.

Nguyễn Quang Thiều ngược lại, hình thức ngỡ là tự do nhưng dường như thơ vẫn đi trong nhịp điệu, khuôn khổ của truyền thống mặc dù ý tứ, từ ngữ đã tràn bờ dung chứa. Độc giả bị cuốn hút ở chỗ, những bài thơ của ông luôn tuôn trào ào ạt như chuẩn bị, như nung nấu, như sẵn sàng bứt khỏi nhịp ly tâm.

Nhà thơ, sơn dầu trên toan, khổ 70 x 90 - Tranh Nguyễn Quang Thiều

Tuy nhiên, theo tôi, yếu tính hay sức mới mẻ của thơ thực ra không phụ thuộc nhiều lắm ở câu dài hay ngắn mà ở sóng âm dao động! Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn tìm tố chất thi sĩ trong đời sống hiện đại trong khi Thanh Tâm Tuyền lại cố tình phá bỏ luôn nó.

Thành thử hai ông hình thành hai khuynh hướng. Nguyễn Quang Thiều mới mẻ trong nhịp điệu tưởng cũ trong khi Thanh Tâm Tuyền cách mạng về ngôn ngữ.

Hãy đọc tên hai thi phẩm làm “trụ chống” hình thành nên hai trường phái “Nhịp điệu châu thổ mới” và “Liên đêm mặt trời tìm thấy”. Rõ ràng hơn ai hết, các ông chính là những kẻ hiểu chính mình nhất!

Chùm thơ tôi chọn sau đây của Nguyễn Quang Thiều để giới thiệu với bạn đọc DDVN có tên chung “Trong tiếng súng bắn tỉa”. Nhưng trong thơ Việt, ở thời điểm này, tôi nghĩ, ông đang ở một vị trí không ai đủ tầm “bắn tỉa” ông được cả! Chỉ có ông tự bắn vào chính mình mà thôi!... (DDVN ngày 29.10.2019). 

 Tác phẩm "Người thổi sáo"

Năng lượng sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều khi tràn bờ Thi ca đã chạm đến bờ Hội họa. Từ những bức tranh đầu tiên như cuộc dạo chơi sắc màu chính ông cũng không ngờ rồi cuộc đời mình cũng không thoát khỏi ám ảnh của nó. Và ông đã vẽ như một thi sĩ lên đồng với màu sắc. Mỗi bức tranh của ông luôn tạo được sự ngạc nhiên từ người xem. Một thế giới khác của một tâm hồn tài hoa được phát hiện. 

Cuộc bày tranh mang tên “Người thổi sáo” gồm hơn 50 bức tranh sơn dầu, màu ước, pastel. Bức lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết các bức vẽ này được nhà văn Nguyễn Quang Thiều sáng tác trong 3 năm gần đây.

Không giấu được nỗi hân hoan và lo lắng, thi sĩ "Những người đàn bà gánh nước sông" chia sẻ trên facebook cá nhân như hồi hộp trở về bước chân đầu tiên trên cánh đồng màu sắc:

"Tôi bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Lý do tôi vẽ thật đơn giản. Ngày đó một người bạn tôi là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cu Ba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà tôi. Một buổi trưa tôi lấy 1 tuýp màu vàng bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn tôi đi.

Dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận biết vậy đã động viên tôi vẽ. Anh ấy quả là một người đặc biệt giống một nhà thôi miên. Và tôi bị những lời của anh ấy về hội họa cùng với cái màu vàng đầu tiên tôi vẽ lên toan cuốn tôi đi không thể nào cưỡng nổi..."

Không lâu sau cơn bùng nổ vụt hiện sắc màu đó, ông được nhà văn Hoàng Minh Tường “lôi” vào cuộc triển lãm có tên “Nhà văn vẽ’’ cùng các nhà văn, họa sỹ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Và ở triển lãm này đã gây ra một bất ngờ có tính chất "định mệnh" của ông với hội họa. 

Đó là “ma làm”. Nguyễn Quang Thiều viết. Bởi tuy xuất phát chỉ là vui chơi cùng bạn bè văn chương, nhưng kết cục là số tranh treo ở triển lãm lại được bán gần hết. Thật ngạc nhiên khi ông cho bạn đọc trên mạng xã hội biết, số tiền thu được, thi sĩ đã dùng để xây cho bố mẹ một chái nhà nhỏ hai tầng ở quê nhà. Điều mà thơ không bao giờ làm được! Những bài thơ có thể chuyên chở tâm hồn bay lên phía chân trời khát vọng nhưng không thể là mái che chắn hiện thực một mái nhà cụ thể, có sức nặng như một mái tranh. Đó là trớ trêu cũng là phi lý của nghệ thuật.  

Thi sĩ đã viết tiếp sự việc với những dòng ám ảnh người đọc:

“Sau đó tôi không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng mình đã quá tuổi, hơn nữa chẳng còn thời gian để mà tập trung cho chuyện đó”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Tuy nhiên, vào năm 2012 ý định đó của nhà văn bị thay đổi. Một  lần ông Trịnh Văn Sỹ (nhóm Nhân sỹ Hà Đông) mời mấy anh em đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều sững người khi thấy những bức tranh giấy do mình vẽ từ 7 năm trước được đóng khung treo trang trọng. Chuyện đó làm nhà văn xúc động.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể: Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh gọi ông Sỹ đến đưa cho những bức tranh giấy và nói: “Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quí trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.

Nhà thơ Dương Kiều Minh đã lặng lẽ nhặt và đem những bức tranh của nhà văn Nguyễn Quang Thiều về giữ cẩn thận.

 Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Họ thường ngồi uống trà với nhau. Những lúc ấy nhà văn hay lấy giấy ra vẽ rồi vứt đi vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt và mang về giữ cẩn thận.

Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và muốn tôi tặng một bức tranh. Tôi lưỡng lự vì đã bỏ vẽ 7 năm rồi. Nhưng chiều bạn, tôi đi mua một cái toan và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái. Tôi đã vẽ bức “Người thổi sáo”, và bây giờ cũng lấy tên bức tranh này làm tên triển lãm. 

“Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa, triển lãm cá nhân lần đầu tiên của tôi sẽ được khai mạc tại trường đại học Mỹ Thuật ở phố Yết Kiêu sau hơn nửa năm đăng ký. Đây là một sự kiện đặc biệt của tôi giống như tập thơ đầu tiên của tôi được in ra năm 1990”. Đó là tập thơ "Những người đàn bà gánh nước sông". Thi sĩ cách tân cho biết. Và cách so sánh này thật đặc biệt khiến người yêu tranh trông chờ cuộc triển lãm để chia vui cùng nỗi hân hoan với ông. 

Chúc nhà thơ cách tân sẽ thành công với triển lãm "Người thổi sáo" như một lời chào đầu năm mới 2021. 

Sài Gòn, 16.12.2020.

Nguyễn Hữu Hồng Minh