VĂN HÓA

Nguyễn Đình Nguyên: Cảm xúc thăng hoa ‘như bài hát cũ’

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 05-10-2019 • Lượt xem: 4497
Nguyễn Đình Nguyên: Cảm xúc thăng hoa ‘như bài hát cũ’

Trong địa hạt sáng tác trẻ, tôi nghĩ cái tên Nguyễn Đình Nguyên bắt đầu quen thuộc với người nghe với những tình khúc “Yêu em Hà Nội” (ca sĩ Hồng Nhung), “Romance đêm” (Đoan Trang), “Như giấc mơ đầu” (Quang Dũng)… Đặc biệt, Nguyên còn viết cho thiếu nhi khá mát tay. Ví như ca khúc đình đám trên kênh Youtube là “Mẹ ơi tại sao?” (ca sĩ nhí Bảo An) của anh đã vượt ngưỡng 100 triệu lượt xem.

Tin, bài liên quan:

Ca - nhạc sĩ Joyce Jonathan: 'Vẻ đẹp của âm nhạc là lòng từ tâm'

Quốc Bảo, có thực 'một Sài Gòn không ký ức'?

Joseph Huỳnh Văn, thơ là cái đẹp không bạo lực

Nguyễn Đình Nguyên còn nhiều bài khác nữa như “Xe thời gian” (Quách Thành Danh), “Hà Nội anh và em” (Mỹ Lệ), “Khúc bình yên cho anh”, “Cần có anh để yêu” (Như Ý), “Xa biển” (Ngọc Anh). Còn bài “Vui hội trăng rằm” từ khi anh viết xong đến nay đã hơn mười mùa Trung thu được các đài phát thanh, truyền hình, sân khấu khắp cả nước dựng cho các bé thiếu nhi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên

Ngoài giai điệu vui, trẻ trung, lời ca khúc cho trẻ con của Nguyên viết như dành tặng riêng cô gái lớn của mình với các câu hỏi.“Mẹ ơi tại sao con bướm bay cao?/ Mẹ ơi tai sao ba nói thương con?/ Nhớ thương là gì vì sao hỡi mẹ?” (Mẹ ơi tại sao); “Bây giờ là mùa mưa trời lạnh lắm bà ơi/ đôi chân bà yếu lắm bà đừng đi ra vườn/ làm cỏ nhốt gà từng việc ấy để con” (Giúp bà); Đi học về không thấy ba mẹ nói ba đi làm ca đêm/ Con học bài không có ba dạy toán ôn bài thi/ Con biết đêm nay ba không ngủ mưa thật nhiều ba có lạnh không…?/ Con mong sao ông mặt trời mau lên cao ba về với con” (Con gái nhớ ba).

***

Tôi có nhiều kỷ niệm với Nguyễn Đình Nguyên khi vừa ra trường đã viết cộng tác với tạp chí Sóng Nhạc do anh giữ vị trí Thư ký Tòa soạn. Manchette Âm nhạc, thuộc quản lý của Hội âm nhạc TP.HCM cũng là tờ báo quy tụ nhiều ngôi sao, nghệ sĩ thời ấy. Giai đoạn từ 2003 đến 2006, nhớ lại Nguyên kể: “Ở vị trí này tôi phải đảm trách hầu như toàn bộ công việc để một ấn phẩm báo chí hoàn thiện đến tay bạn đọc. Từ khâu tập hợp bài vở, chuẩn bị hình thức và nội dung, sửa morat, theo dõi in ấn và phát hành… Đó vẫn là thời của báo giấy với sự quản lý của nhiều người, nhiều ban, nhiều cấp thật là nan giải… Cá nhân tôi không sao quên được một kỷ niệm “buồn lạ”, khi mà một kỳ tạp chí chuẩn bị bàn giao cho công ty phát hành thì được lệnh của cơ quan chủ quản phải ngừng và triệu tập cuộc họp nội bộ gấp. Trong buổi họp, một nhạc sĩ lão thành phát biểu rằng: “tại sao đưa hình ảnh của tôi lên cùng một trang báo với thông tin Michael Jackson và chuyến lưu diễn Japan” (!?). Oái ăm và không thể hiểu nổi là vậy!".

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên trong một video ca nhạc quay bài hát của mình

Tuy nhiên cũng có kỷ niệm vui. Ví như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng là Thư ký tòa soạn tờ báo này. “Khi về thay vị trí của ông, tôi tiếp nhận, gầy dựng và thay đổi dường như toàn bộ từ nội dung đến hình thức của tạp chí so với những thời kỳ trước. Tôi thỉnh thoảng gặp ông vào những buổi tối ở Hội quán “Những người bạn” trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1…”. Rồi Nguyên tiết lộ một bí mật về Trịnh: “Duy nhất một kỷ niệm “vui lạ” với Trịnh Công Sơn, là ông có để lòng với một cô gái tên Kim Liên, thường gọi là Thu Hồng. Thu Hồng ở cùng nhà trọ với tôi trên đường Trần Huy Liệu, Q.3. Cũng vào mùa Trung thu, năm ấy ông gởi nhiều quà và bánh Trung Thu cho Hồng, nàng lấy quà đó biếu lại cho tôi kèm theo nụ hôn và “Quà Trung thu cho anh sinh viên nghèo nè. Em yêu anh!...”.

***

Nguyên kể, anh mê âm nhạc từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi. “Tôi vẫn đều đặng đến nhà riêng của thầy dạy nhạc trên con hẻm nhỏ dưới chân núi Lớn Vũng Tàu để theo học guitar classic. Mẹ tôi biết điều đó và luôn khuyến khích, cho phép tôi dành nhiều thời gian học nhạc”…

 Suốt thời niên thiếu anh rất ngoan đạo và phụ trách về âm nhạc trong ca đoàn của Nhà thờ nơi gia đình cư ngụ. Cứ thế, âm nhạc dường như là một người bạn đường chung thủy với anh khi vào đại học. Ở môi trường mới anh cũng là một thành viên trong đội văn nghệ của trường. “Tôi viết nhạc nhiều hơn, nhưng vụng về, viết ngẫu hứng và dễ dãi, viết như một cách để giải tỏa năng lượng… Rất nhiều ca khúc được viết ra đến giờ vẫn nằm trong hộc tủ vì những lý do rất bình thường rằng ai sẽ là người hòa âm, phối khí? Ai hát? Mà làm MV để làm gì? Chi phí để thực hiện…? Thật vậy, đến nay tôi chỉ mới đăng ký bản quyền tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả phía Nam trên 40 ca khúc của tất cả các thể loại…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên (thứ ba, trái sang) trong một event âm nhạc thời trang

Đời sống âm nhạc Sài Gòn nói riêng và nhạc trẻ cả nước nói chung hình như có rất nhiều biến động. Nhất là thị hiếu và “gu” của các bạn trẻ... “Âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống thường nhật, nhất là giới trẻ. Không riêng gì ở Sài Gòn, mà hầu như khắp đất nước, giới trẻ hiện nay yêu chuộng thể loại ca khúc được viết mang hơi hướm hiện đại có phần ảnh hưởng từ các dòng nhạc đậm đặc tính “kỹ thuật” và “thời trang” từ các nước trên thế giới, nhất là các nước Bắc Á như Hàn Quốc… Chính vì mang tính thị trường nên nhạc trẻ không được đầu tư bằng trải nghiệm, trăn trở mà dường như được chú trọng đầu tư về phần “nhìn” chứ không phải phần “nghe”. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta gán ghép cho cả một thế hệ sáng tác hiện nay là hời hợt hay đã đánh mất giá trị âm nhạc “thuần Việt”, đâu đó vẫn có những ca khúc viết về thân phận, con người mà khi nghe chúng ta cảm được những “va chạm” tới từng góc nhỏ của cuộc sống hàng ngày như “Khi người lớn cô đơn” của Phạm Hồng Phước chẳng hạn…”

“Tuy vậy, thưởng thức âm nhạc như thế nào là tùy vào sở thích và thẩm âm riêng của mỗi người. Ở góc độ cá nhân người viết nhạc, tôi cố gắng thổi càng nhiều cảm xúc và đưa vào ca khúc của mình những “kỹ thuật” hiện đại hòa lẫn với sự cảm âm của giới trẻ hiện nay, hầu muốn góp phần bé nhỏ của mình trong đời sống âm nhạc thêm lành mạnh và phong phú…”.

***

Trả lời câu hỏi người yêu nhạc vẫn mong đợi một đêm nhạc hay một Live show giới thiệu những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên? Anh cười: “Tôi đã và chưa bao giờ suy nghĩ tới một “đêm” hay một “Live show” nào cho riêng mình, đơn giản vì “Tôi là người viết”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên và vợ

Một album nhạc thiếu nhi nữa sẽ ra đời để tặng cho con gái thứ hai - Nguyễn Gia Lê Vi, của anh khi cô bé lên 6 tuổi. Album thiếu nhi đầu tiên có tên là “Con gái nhớ ba” được viết tặng sinh nhật cho con gái đầu lòng - Nguyễn Đình Gia Văn, khi cô bé được 6 tuổi.

Với Nguyễn Đình Nguyên, âm nhạc như một ly cà phê sữa đá, nó ngọt mà đắng, nó trong vắt mà cũng nâu đen, nó khiến anh nhớ và thèm khi mỗi sáng qua từng góc phố Sài Gòn. “Tôi muốn được nhâm nhi và chiêm nghiệm mọi thứ quanh mình, chậm, hờ hững mà cũng vội vã như những cung bậc âm thanh vội đến và đi theo dòng suy nghĩ, chúng không được giữ lại nếu tôi cứ mê say với dòng chảy cuộc đời mỗi ngày…

Sở thích nào khác ngoài âm nhạc mà anh hài lòng về mình? – “Có nhiều thứ mà tôi say mê quá! Thi ca, văn học, hội họa… những thứ này “cắp trọn” thời gian mỗi ngày của tôi. Tôi hài lòng và yêu những ngày của tôi. Chỉ một điều, đó là hãy biết yêu thương những gì chúng ta đang nắm giữ, dù nhỏ và mong manh…”.

Nhà thơ Du Tử Lê và nhạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên kỷ niệm cùng ca khúc "Như bài hát cũ"

Nguyễn Đình Nguyên tiết lộ cùng DDVN, anh vừa phổ xong một ca khúc từ thơ của thi sĩ Du Tử Lê, có nhan đề “Như bài hát cũ”. Ca khúc dánh dấu kỷ niệm tình bạn vong niên của anh và thi sĩ lừng danh trải dài hơn 20 năm. “Như một bài hát cũ mà không bao giờ cũ vì lúc nào trong trái tim cũng hát lên” - Nguyên nói.

Anh còn thầm thì cho biết cũng đang viết dở một cuốn tiểu thuyết và chuẩn bị in một tập thơ. “Nghệ thuật không bao giờ đủ đối với tôi! Nó là hành trình thôi thúc sâu thẳm trong tim chưa bao giờ dừng lại”. Rất mong sớm được đọc những tác phẩm của anh, một cây bút khiêm tốn, thầm lặng mà tài hoa.