Đò đưa

Quốc Bảo, có thực 'một Sài Gòn không ký ức'?

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 30-07-2019 • Lượt xem: 10523
Quốc Bảo, có thực 'một Sài Gòn không ký ức'?

Cách đây không lâu, trong một dịp nhạc sĩ Quốc Bảo ra mắt sách mới, anh có phát biểu đại ý Sài Gòn đối với anh là “một thành phố không ký ức”. Nhận xét này đã gây nhiều tranh cãi. Tôi không dự buổi đó nên không rõ có đúng ý kiến Quốc Bảo như vậy không? Nhưng thực tâm tôi đã nghĩ hoàn toàn ngược lại.

Tin, bài liên quan:

Sơn Núi, chuyện đời quái dị và những câu thơ huyền thoại

‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’

Nhà văn nhìn từ phía sau lưng

Trần Vũ - phép lạ của văn chương (Kỳ 1)

Sài Gòn là một thành phố đầy ký ức, đầy hoài niệm. Thậm chí là thành phố duy nhất, hội tụ đủ các yếu tố văn hóa, con người, di sản, nỗi đau để nói về những ký ức đã mất. Có những vẻ đẹp đã biến mất nhưng sự thiêng liêng mãi còn. Con người đôi khi chỉ sống bởi những hồi tưởng, những ký ức đẹp.

*
Tôi chợt nhớ lại một ký ức Sài Gòn cùng nhạc sĩ Quốc Bảo. Hình như anh cũng từng viết những ca khúc hay về Sài Gòn và cái đẹp. Những bài hát như “Em về tinh khôi”, “Tóc nâu môi trầm”, “Ngồi hát ca bềnh bồng”, “Chờ em nơi thềm trăng”, “Còn ta với nồng nàn”… Nhưng những tình khúc đó nếu không có ký ức, mắc níu vào những kỷ niệm dịu ngọt, thăng trầm mỗi cá nhân thì nó cũng dễ quên đi vì sự nhạt nhẽo, bóng bẩy, hời hợt hay son phấn của ca từ và giai điệu. Bởi theo tôi, với âm nhạc - ở Sài Gòn, sau những cái bóng lớn của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An… đổ xuống thì gần như đã che khuất, buông trùm hay không cần thêm một cái bóng con con nào nữa.

Ca khúc "Tóc nâu môi trầm" của nhạc sĩ Quốc Bảo đã gắn liền với tên tuổi ca sĩ Mỹ Tâm

Nhiều nhận xét và bản thân tôi cũng thấy Quốc Bảo bao trùm trong giai điệu của Phạm và ca từ của Trịnh không thể thoát ra được. Những phát biểu ngô nghê kiểu: "Anh Sơn đã dừng lại còn tôi vẫn tiếp tục đi tới" hay "Tôi đang ra sức cứu vãn nền âm nhạc Việt Nam" nghe rổn rảng và buồn cười. Bởi thực sự nghệ thuật không cứu ai cả. Nó chỉ là giá đỡ phút chốc của tâm hồn giữa cuộc đời nhọc mỏi. Và người nghệ sĩ luôn đi tới vì những khát vọng của chính mình chứ không phải luôn ngoái đầu, tự đắc xem thử y đã băng qua hay đã bỏ rơi những ai trên từng cột số…

*

Quốc Bảo - Nguyễn Hữu Hồng Minh - Ngô Thái Uyên (từ trái sang) làm phim "Cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật" của Đài truyền hình TP.HCM

Cũng tình cờ tìm thấy tấm hình cũ nhưng khá hay. Trong đó lưu giữ lại một phần tuổi trẻ của chúng tôi. Trong một quán cà phê trên đường Hồ Huấn Nghiệp - Quận 1 trung tâm Sài Gòn. Ba người, tôi, Quốc Bảo và nhà thiết kế Ngô Thái Uyên đang ăn trưa. Tấm hình chụp đã lâu, cuối tháng 12/2006. Chập chờn mờ phai ký ức…

Dạo đó tôi được mời phụ trách, viết một số Kịch bản cho chương trình Talkshow phát sóng hằng tuần “Chúng tôi nói về chúng tôi” của Đài truyền hình TP.HCM. Theo đề nghị của Đài, tôi đã viết một kịch bản có nhan đề "Cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật" ở ba lĩnh vực Âm nhạc, Văn học và Thời trang. Tôi đã mời nhà thiết kế Ngô Thái Uyên nói về cái đẹp trong thời trang, Quốc Bảo nói cái đẹp trong âm nhạc. Và tôi trình bày về cái đẹp trong thi ca, văn chương.

Thực tình, ban đầu với âm nhạc tôi định mời nhạc sĩ Dương Thụ. Nhưng anh đi Nha Trang dự chương trình âm nhạc Duyên Dáng Việt Nam lần đó có hát bài của anh, Dương Thụ nói với tôi, có thể chờ anh về Sài Gòn không? Nhưng talkshow “Tôi và chúng ta” cần quay gấp để phát sóng theo lịch nên tôi quyết định mời Quốc Bảo.

Hai nhạc sĩ Quốc Bảo và Bảo Chấn

Hai tên hẹn nhau lang thang nhiều quán xá. Bảo thích ngồi ở những quán cà phê sang trọng, giữa trung tâm Sài Gòn. Có không gian sáng, đề-co đẹp và thơ mộng. Quốc Bảo phát hiện một ý hay đó là hàng quán cà phê đối với nhiều người Sài Gòn trong đó có anh cũng chính là văn phòng làm việc, nơi giao tiếp gặp gỡ các ca sĩ, nghệ sĩ, các đối tác. Một lần khó quên khi chúng tôi hẹn nhau ở cà phê bên hông nhà hát thành phố. Một quán trầm và tối, sâu hun hút. Câu chuyện lan man, ngẫu hứng nói về âm nhạc, nghệ thuật tình cờ vẫn cho thấy một Quốc Bảo luôn cố gắng có một cái nhìn riêng, dị biệt hoặc khác đi. Với một nghệ sĩ lao động sáng tạo đó là điểm mạnh để không lặp lại mình nhưng với một nhà phê bình đôi lúc lại là méo mó nghề nghiệp, thỏa mãn một cái tôi bệnh hoạn khó chiều chuộng.

Tôi có dịp tìm hiểu về âm nhạc Quốc Bảo thời gian này để viết các phân cảnh, mấy nhận định trong kịch bản. Tôi cũng phân tích kiểu cố gắng "quá mức" lộ rõ trong ca từ của anh. Nó trở nên khụng khiệng, diêm dúa, buồn cười kiểu như "Em ra đi nhan sắc đi/ Thế nên em đừng đi!..." (?!). Cách viết phấn son, bóng bẩy dễ ngộ nhận nhưng rốt cuộc phơi bày một tái tôi thiếu cảm xúc, trơ xoẻn như thế thì rất nhiều!

Dù sao không thể không ghi nhận một Quốc Bảo nhiệt tâm cho âm nhạc Sài Gòn, thế hệ trẻ. Nhưng thế thì hay và riêng chứ đừng ra sức cứu vãn ai cả. Nhất là ra sức cứu vãn nền âm nhạc Việt Nam (!). Vẫn biết đôi khi gắng sức, quá mỏi mệt nhưng hồ như vẫn không ai nhắc tới, ngỡ mình đã bị quên nên giận dỗi kêu lên, la ầm lên! Biết nhé và thôi nhé!

*
Thật khó quên khi "Cái đẹp trong Cuộc sống và Nghệ thuật" đã được dựng trong phim trường cũ kỹ của hãng phim tài liệu nằm khuất sâu trong con hẻm Võ Thị Sáu một ngày mưa gió ướt át. Hình như đó cũng là một trong những phim truyền hình cuối cùng quay tại phim trường này trước khi bị xoá sổ vì cơ sở mục nát không còn phù hợp với những yêu cầu quay, dựng hiện đại! Những nỗi nhớ còn đó. Ký ức đẹp!

Quang Dũng, ca sĩ đã thể hiện thành công "Còn ta với nồng nàn" của Quốc Bảo gây tiếng vang trong lòng người yêu nhạc

Làm việc với Quốc Bảo thấy anh thông minh và luôn cố tạo ra một cái tôi khó gần. Cho tôi cảm giác đôi khi âm nhạc anh muốn được như một Trịnh thứ hai nhưng điều đó là không thể. Bởi Trịnh là tượng đài lớn cho thời đại đã mất với những vấn đề riêng, khúc mắc lớn khó hòa giải của lịch sử. Chỉ có thể xoa dịu hay nương náu để viết chồng lên đó những trang mới. Và sẽ không bao giờ lặp lại phiên bản thứ hai. Sau ông không còn ai có thể mơ được dựng ở vị trí đó nữa. Bởi sự đồ sộ, hào hoa, ngổn ngang. Là nỗi niềm, đầy chất chứa của một Sài Gòn đầy ký ức. Không có ký ức không thể làm nghệ thuật. Phải chăng, từ nỗi bất lực của tham vọng mà Quốc Bảo muốn mơ được xóa trắng một Sài Gòn không còn ký ức chăng?