VĂN HÓA

Nhà thơ Trúc Thông qua đời 'Bờ sông vẫn gió'

Dạ Thảo Phương • 27-12-2021 • Lượt xem: 490
Nhà thơ Trúc Thông qua đời 'Bờ sông vẫn gió'

Nhà thơ Trúc Thông, người vẫn được mệnh danh làm mới thơ - vừa qua đời sáng 26-12 tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với bệnh nặng, hưởng thọ 81 tuổi. DDVN giới thiệu bài viết của nhà thơ Dạ Thảo Phương về tâm hồn thơ đặc biệt nay...

Tin và bài liên quan: 

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Bóng tối cuộc đời phía sau câu thơ 'Nỗi nhớ mùa đông'

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội  

Triển lãm cá nhân họa sĩ Trần Hải Minh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Nguyễn Vũ, tác giả 'Bản Thánh ca buồn' và nỗi buồn người Nghệ sĩ

Gần 30 năm trước, tôi mới ra trường, về tờ Văn Nghệ làm phóng viên và biên tập viên của Văn Nghệ Trẻ. Thuở bấy giờ, tờ báo này còn giữ được danh tiếng “ngôi đền văn chương” của cả nước, một đất nước chưa thoát khỏi nghèo khổ và vẫn nhiều người mê đắm chữ nghĩa. Toà soạn ngày nào cũng đông khách tứ phương, toàn văn nhân nghệ sĩ nổi tiếng. Được một nhà thơ trưởng lão dặn dò, đây là nơi phức tạp, nhiều gió bão, thật giả lẫn lộn, không bước chân ra ngõ cũng gặp thị phi, tôi chủ yếu chỉ lặng lẽ làm công việc của mình chứ rất ít giao du thân thiết. Trúc Thông hay ghé qua toà soạn gửi bài hoặc lấy nhuận bút, ông không gây chú ý như nhiều nhà thơ nổi tiếng khác mà nhã nhặn, lặng lẽ. Giao tiếp giữa tôi và ông không quá một câu chào.

Bỗng một hôm, Trúc Thông gặp tôi nhưng không chào hỏi gì mà nói luôn: “Chú đã đọc “Sự đối thoại của Nước” Dạ Thảo Phương đăng trên Văn Nghệ. Rất có tố chất, sáng tạo và ám ảnh. Hôm nào chú cháu mình gặp nhau nói chuyện nhé. Mang thơ cho chú đọc”. Tôi lịch sự cảm ơn nhưng không để tâm lắm. Thời đó, nếu bạn làm ở tờ Văn Nghệ và có đăng gì đó, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khen mà cả người nói và người nghe đều quên rất nhanh. Ít lâu sau, gặp ở toà soạn, Trúc Thông lại nhắc tôi gửi thơ. Lời nói hôm nào trước cổng toà soạn của ông là chân tình.

Tôi gửi ông một chùm thơ. Ông đọc, và hẹn gặp cà phê. Nhưng trước khi nói chuyện thơ, Trúc Thông hỏi tôi chuyện… tiền:

- Văn Nghệ trả lương cho cháu được bao nhiêu?

- Dạ 300 ngàn kèm phụ cấp ạ.

Trúc Thông cười hiền, ái ngại:

- Đủ sống không cháu?

- Dạ… Cháu không biết ạ… Chắc là đủ ạ.

Tôi không biết thật. Khi đó, là một cô gái trẻ ngờ nghệch và phù phiếm, tôi thường tỏ ra mình sắc sảo, “lõi đời” nhưng thực ra chân không chạm đất, đầu chẳng chạm cành cây thấp nhất. Tôi say mê công việc, say mê đọc, say mê viết, lương tháng có là yên tâm, còn có đủ sống không, tôi làm gì có thời gian nghĩ đến. Mà sống cùng bố mẹ, không biết mớ rau con cá ngoài chợ bao nhiêu tiền, thì tất nhiên bao giờ chẳng “đủ sống”. Trúc Thông bảo:

- Văn Nghệ lương thấp, nhưng cháu có nhiều điều kiện sống trong bầu không gian sáng tạo. Chú, cháu, chúng ta phải học, phải đọc, phải viết, không ngừng nghỉ, Dạ Thảo Phương nhỉ. Cháu đang đọc gì?


Bìa một thi phẩm của thi sĩ Trúc Thông 

Ít lâu sau, chị Bích Ba, biên tập viên của Đài Tiếng nói VN, gọi điện mời tôi sang thử giọng đọc thơ. Thu xong, chị bảo: “Em đọc khi hết câu hay bị cụt, lúc lấy hơi lại rõ quá. Chị bật lại để em nghe, rút kinh nghiệm nhé”. Đúng là, đọc thơ cho hệ thống thu thanh chuyên nghiệp của đài quốc gia nó rất khác với việc đọc thơ qua… điện thoại cho bạn bè nghe, khác rất nhiều ạ. Bao nhiêu cái không chuyên, cái phô nó lộ hết ra và được khuếch đại lên nhiều lần, nghe phát ngượng. Khi tôi đọc lại, thì nghệ sĩ piano cũng phải đệm đàn lại cho tôi, làm tôi khá ngại ngùng. Những tưởng sự nghiệp đọc thơ ở đài của tôi đến đó là tiêu tùng, thì sau đó chị Bích Ba lại gọi điện mời tôi qua đọc tiếp, rồi đọc thường xuyên cho đài. Đọc, rồi nghe lại nhiều lần, tôi dần dần học được kinh nghiệm lấy hơi, ngắt hơi, nhấn chữ. Mãi đến một ngày, chị Bích Ba mới buột miệng bảo: “Đấy, sếp Trúc Thông của chị cứ không thấy em qua đọc là lại nhắc chị mời em”.

Nhiều năm sau này tôi mới hiểu, đó là cách chú Trúc Thông ý nhị giúp tôi kiếm thêm tháng hơn trăm nghìn để phụ thêm vào đồng lương báo văn chương. Những lần chú cháu gặp nhau, chú chưa bao giờ nhắc đến chuyện này, và tôi, một đứa trẻ thiếu kinh nghiệm sống đến vô tâm và vô ơn, cũng chưa bao giờ nói một lời cảm ơn chú về sự quan tâm chân tình, thiết thực ấy. Chúng tôi chỉ nói chuyện… phong cách thơ, là chuyện tôi và chú đều say mê nhưng hầu như chả bao giờ đồng ý với nhau.

Một lần khác, chú mời tôi đi uống cà phê và mang thơ cho chú đọc. Hết giờ nghỉ trưa, tôi xin phép về toà soạn làm việc và gọi tính tiền, chú cười thoải mái, khoát tay hào sảng:

- Dạ Thảo Phương về trước đi, nước thì chú mời cháu chứ đời nào chú để cháu trả tiền.

Tôi ra đến cổng, đang lúi húi mở khoá xe thì thấy chú ra, lúng túng bảo:

- Cháu có mang tiền không, chú mang không đủ trả tiền nước.

Trúc Thông vậy đó, quan tâm thiết thực đến một người làm thơ trẻ mới gặp, nhưng túi mình có bao nhiêu tiền lại không rõ lắm.

Trúc Thông không thật sự quan tâm đến số tiền ông có trong túi, áo quần ông mặc, chiếc xe ông đi, chức vụ ông có và những thứ tương tự ở người khác.

Trúc Thông chỉ có hai mối quan tâm thường trực: Thi Ca và Con Người.

Vì quan tâm đến Thi Ca chứ không phải coi thi ca như một cách xây dựng danh tiếng bản thân, lúc nào ông cũng say mê đọc, trân trọng sự hiện diện của Thi Ca bất cứ nơi đâu chứ không chỉ đắm chìm trong thế giới sáng tác của riêng mình. Ông ghi nhận tài năng của cả những người có phong cách thơ hoàn toàn khác mình, chứ không phải chỉ những người ủng hộ, tung hô mình. Thời kỳ đó, khi những nhà thơ có tinh thần thay đổi mạnh mẽ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh… còn đang gây rất nhiều tranh cãi, nhận về không ít tấn công, kỳ thị, thì tôi thấy Trúc Thông luôn nhắc đến họ với sự trân trọng, khẳng định là họ có thực tài, mặc dù ông và những đổi mới trong thơ ông không thuộc làn sóng ấy. Ngay cả những người viết thế hệ sau nữa, khi đó còn rất rất trẻ, như Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh,…. và cả tôi, cũng được ông hào hứng đọc, hào hứng ghi nhận.

Vì quan tâm đến Con Người, Trúc Thông lúc nào cũng đối đãi mọi người với sự giản dị, chân tình. Ông luôn mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt, niềm đam mê làm khi nói chuyện thơ đôi mắt rực sáng như lên cơn sốt, nhưng mọi hành xử của ông với mọi người lại luôn nhã nhặn, cẩn trọng, hiền từ.

Càng sống, càng gặp, càng lùi giữ một khoảng cách với sự hào nhoáng của danh vọng, tôi mới càng thấm thía sự quý giá của những người như Trúc Thông.

Tài năng, sự thành đạt, nổi tiếng trong mọi lĩnh vực đang được sản xuất hàng loạt, được quảng cáo và khai thác một cách bài bản.

Cùng những icon care, love, like, angry,… những cơn cảm xúc được sản xuất hàng loạt, nhanh chóng phát hành, nhanh chóng mất giá, như tiền tệ của một nền kinh tế lạm phát, trống rỗng.

Người ta đua nhau và đua với chính bản thân để trở thành “người của công chúng”, nhưng lại quên trước hết mình phải là con người của chính mình, của những gì mình thật sự yêu thương.


Chân dung nhà thơ Trúc Thông (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Trúc Thông, thì luôn là của chính ông, và của điều ông quan tâm, yêu đắm đuối cả cuộc đời mình.

Với tôi, như vậy, sự hiện diện của ông trong cuộc sống này thật đẹp, thật thi ca, đẹp và thi ca hơn cả những bài thơ đẹp nhất. Vì nó nguyên bản.

Xin cúi đầu từ biệt ông, một thì sĩ có Tinh Thần Thi Ca, một con người giản dị, chính trực!