VĂN HÓA

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ra mắt hai cuốn sách mới

Hà Thành • 21-10-2023 • Lượt xem: 4549
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ra mắt hai cuốn sách mới

Hai cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến là những câu chuyện kể tiếp về văn hóa, lịch sử - đặc biệt là của Hà Nội. Cũng vẫn với văn phong và bút pháp quen thuộc, nhưng đề cập tới nhiều vấn đề mới, góc nhìn mới, các tác phẩm đã đem lại nhiều điều thú vị đối với độc giả.

Tin bài khác:

Không có sông quá dài - Cẩm nang dành cho những người khởi nghiệp

'Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại' - một bức tranh hiện thực và sống động về đô thị

Nguyễn Ngọc Tiến là cái tên quen thuộc đối với độc giả yêu Hà Nội. Nhiều người biết ông là nhà văn với nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, nhưng ít người biết ông vốn là nhà báo. Sinh ra ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, lớn lên cùng Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm. Say mê văn học và viết lách từ bé, 8 tuổi ông đã có bài đăng trên báo Nhi Đồng; song cuộc đời ông lại không suôn sẻ và có những chỗ ngoặt bất ngờ.

Tốt nghiệp phổ thông, vì một vài lý do "tế nhị", Nguyễn Ngọc Tiến không vào được đại học. Ông nhập ngũ, vào bộ đội, đã từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Sau khi xuất ngũ năm 1982, ông về Thông tấn xã Việt Nam làm... chân phát hành. Đây cũng là thời gian ông dùi mài kinh sử và sau đó thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1985. Tốt nghiệp ngành Lý luận - Biên kịch Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh nhưng rốt cuộc ông lại không theo nghề này. Năm 1988, trong thời gian thực tập ở báo Hà Nội Mới, ông đã lọt vào mắt xanh của ban biên tập và sau đó trở thành phóng viên báo Hà Nội Mới từ năm 1990, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2018.

Sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Tiến là báo - văn song hành. Cùng với vai trò là phóng viên báo chí của một tờ báo rất... Hà Nội, khát vọng văn chương của ông luôn rực cháy. Yêu và hiểu Hà Nội nhiều, nhưng chưa đủ; ông tìm tòi, nghiên cứu nhiều tài liệu để có một hướng đi riêng cho những trang viết về Hà Nội của mình. Không phải văn chương, cũng không phải báo chí, tác phẩm đầu tiên của ông là một khảo cứu về Hà Nội - cuốn “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” ra đời năm 2008. Cuốn sách khảo cứu đầu tiên về Hà Nội của ông cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức thú vị về Hà Nội xưa. “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội” lần lượt ra mắt trong năm 2012, cùng năm đó được trao “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” ở hạng mục “Tác phẩm”. Điều đó đã khẳng định những cống hiến của ông được ghi nhận, đánh giá xứng đáng. Năm 2015, ông cho ra đời cuốn khảo cứu thứ tư: “Đi xuyên Hà Nội”.

Thành công với mảng sách khảo cứu, Nguyễn Ngọc Tiến dấn thân vào địa hạt văn xuôi. Hai cuốn tiểu thuyết “Me Tư Hồng” (2014) và “Mong manh” (2016) lần lượt được xuất bản, đều tái hiện đời sống thị dân Hà Nội nhưng ở hai thời điểm lịch sử khác nhau. Năm 2017, đến lượt tiểu thuyết “Lính Hà” ra đời.

Sách của Nguyễn Ngọc Tiến, dù là khảo cứu hay văn học thì đều là đề tài đất và người Hà Nội, là văn hóa, là lịch sử. Đó là cảm hứng không bao giờ vơi cạn trong ông. Hà Nội trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tiến hiện ra với nhiều góc cạnh khác nhau, từ cũ đến mới, tử gần đến xa, từ riêng đến chung, từ tốt đến xấu... Tất cả được thể hiện bằng lối kể chuyện chân thực, văn phong dung dị, không cầu kỳ câu chữ mà vẫn toát lên nỗi niềm đau đáu xót xa, yêu thương, kỳ vọng...

Và mới đây nhất, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến ra mắt hai cuốn sách mới, đó là "Hà Nội còn một chút này" và "Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn".  Cả hai cuốn sách đều do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Hai cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến mới ra mắt độc giả: "Hà Nội còn một chút này" và “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn”

Cuốn "Hà Nội còn một chút này" tiếp tục kể những câu chuyện nhỏ về Hà Nội như những tác phẩm trước đây của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Nhan đề các bài viết là những câu hỏi mà không ít người thắc mắc về Hà Nội, như: Vì sao nước hồ Gươm xanh? Tên Kẻ Chợ có từ bao giờ? Vì sao trường học lại trồng phượng? Vì sao gọi là Bờ Hồ? Vì sao nhà ở Hà Nội ôm hết vỉa hè?...

Bằng cách trả lời những câu hỏi như thế, cùng rất nhiều những câu hỏi lạ lùng khác, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể cho độc giả về những vỉa tầng văn hóa của thành phố, về những vẻ đẹp riêng có, hấp dẫn của Hà Nội.

Cuốn “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” có tựa đề rất khác so với các tác phẩm trước đây của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến; và cũng mở rộng biên độ nội dung so với những cuốn về Hà Nội trước đó. Cuốn sách tập hợp các bài viết thể hiện quan điểm, suy ngẫm của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Cái cớ là từ một lần tác giả có cơ hội được nghỉ lại trong Hoàng thành Huế và đã chọn nằm nghỉ ngay trên nền điện Càn Thành. Nền điện này xưa kia từng là cấm cung sang trọng và lộng lẫy, dùng làm chỗ nghỉ của các vua nhà Nguyễn, nhưng nay chỉ còn là một nền đất hoang lạnh. Trong bối cảnh và không gian đặc biệt đó, tác giả có cơ hội suy ngẫm về lịch sử, từ đó liên tưởng và suy ngẫm về hiện tại, về thế thái nhân tình.

Qua hai cuốn sách, bạn đọc hình dung rõ nét hơn về văn hóa, lịch sử của đất nước Việt Nam, của một Hà Nội biến chuyển qua từng giai đoạn, từ một thành thị với màu sắc nông thôn trở thành một đô thị hiện đại…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (trái) trong buổi giới thiệu ra mắt hai cuốn sách tại Hội chợ sách Hà Nội lần thứ 8 - 10/2023

Tại buổi ra mắt hai cuốn sách mới trong khuôn khổ Hội chợ sách Hà Nội lần thứ 8 tổ chức ở phố đi bộ Hồ Gươm vào giữa tháng 10/2023, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: Mỗi khi cầm bút viết, nhất là viết về Hà Nội, ông chọn những chuyện độc đáo, khác lạ, ít người biết đến, ít xuất hiện trên mạng xã hội để đem đến độc giả những thông tin mới, hấp dẫn. Hai cuốn sách “Hà Nội còn lại chút này” và “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” cũng vậy. Vẫn là những phố, làng ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm.

Ông cũng tiết lộ thêm: Hà Nội còn nhiều điều thú vị hấp dẫn mà ông sẽ tiếp tục kể trong tác phẩm tiếp theo, có tên là: “Làng làng phố phố Hà Nội”; tác phẩm đang hoàn thiện và sẽ sớm xuất bản thành sách tới độc giả.