Duyên Dáng Việt Nam

Nhìn về sự khác biệt giữa tết Trung Thu Việt - Trung, thêm trân trọng giá trị văn hóa dân tộc

Đan Tâm • 12-10-2020 • Lượt xem: 2910
Nhìn về sự khác biệt giữa tết Trung Thu Việt - Trung, thêm trân trọng giá trị văn hóa dân tộc

“Trung thu là tết đoàn viên”, câu nói gợi lên sự nhung nhớ, xốn xang trong tâm hồn những người con xa quê mỗi dịp trăng tròn. Tuy nhiên, ngày lễ đặc biệt này không chỉ được tổ chức ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… Không ít người thường “đánh đồng” giữa tết Trung Thu của Việt Nam với các quốc gia này, đặc biệt là Trung Quốc. Thực ra, nếu để ý, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt trong ngày lễ tết này của hai đất nước.

Tin, bài liên quan:

Phố lồng đèn Lương Nhữ Học sôi động trước trung thu

13 cách làm đèn lồng Trung Thu tái chế tuyệt đẹp

Khác biệt về nguồn gốc 

Trong những truyền thuyết cổ xưa của Việt Nam, tết Trung thu chính là dịp để những người nông dân bày tỏ lòng thành kính và tạ ơn đến thần Rồng vì đã mang mưa đến cho mùa vụ tốt tươi. Cũng theo nhiều nguồn tài liệu, tết Trung Thu đã chính thức được tổ chức từ đời nhà Lý ở kinh thành Thăng Long với hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Ở Việt Nam, theo thời gian, tết Trung thu dần được xem như một ngày lễ chính dành cho trẻ em, vì vậy những phong tục hay hoạt động diễn ra trong ngày này hầu như đều xoay quanh trẻ em.

Tại Trung Quốc, ngày lễ này lại được cho là ra đời vào thời nhà Thương khoảng thế kỷ 10 TCN . Lễ hội này dần phát triển qua thời nhà Đường rồi chính thức được đặt tên “tết Trung Thu” vào đời nhà Chu và trở thành một phần văn hóa đặc trưng của đát nước này. Thông thường, đây sẽ là dịp hiếm hoi để các chàng trai cô gái được tự do công khai tìm hiểu, hẹn hò dưới thời kì phong kiến hà khắc.

Khác biệt về tín ngưỡng thờ cúng mặt trăng 

Tết Trung Thu chính là ngày mặt trăng tròn nhất trong năm. Đối với người Việt Nam, trăng là một biểu tượng không thể tách rời khỏi đời sống sinh hoạt cũng như mùa màng. Rằm tháng 8 cũng là thời điểm vụ mùa đã kết thúc, người nông dân có thể ngơi tay khỏi các công việc đồng áng để dâng lên tổ tiên các sản vật để tỏ lòng biết ơn và cầu mong về một vụ mùa thật tươi tốt. 

Tuy nhiên, mặt trăng lại đóng một vai trò khá khác trong văn hóa Trung Quốc. Đối với họ thì mặt trăng  mang phần âm, được xem là đại diện cho nữ giới, biểu tượng của sự phồn sinh của người phụ nữ. Vì vậy, tết Trung Thu là dịp để bày tỏ sự tôn trọng và ghi nhận công lao sinh thành vĩ đại của người phụ nữ. 

Khác biệt về đèn lồng, mặt nạ

Khác biệt về đèn lồng cũng là một đặc điểm cực kì dễ nhận ra giữa tết Trung Thu Việt – Trung. Đèn lồng truyền thống của Việt Nam được làm từ tre và giấy gió và thường được tô điểm bởi những hình ảnh, biểu tượng đặc thù của dân tộc như đào, mai, trúc hay chữ thư pháp. Đối với người Trung Quốc, họ thường dùng đèn lồng dạng xếp màu đỏ, ở giữa thắp nến. Hình ảnh chiếc đèn lồng đỏ treo trước mái nhà dường như đã trở thành một biểu tượng đặc trưng trong ngày lễ này ở Trung Quốc.

Nếu chiếc đèn lồng của người Việt Nam là biểu hiện cho sự ấm no, hạnh phúc và tình cảm gia đình thì chúng lại mang biểu tượng cho sự may mắn, bình an và hạnh phúc cũng như khả năng sinh sản đối với văn hóa Trung Quốc. 

Một thứ cũng không thể thiếu trong dịp tết này chính là mặt nạ. Mặt nạ được người Việt sử dụng trong Trung Thu thường là loại mặt nạ làm từ giấy bồi, có màu sắc sặc sỡ, gắn với những nhân vật hay con vật mang nét mũm mĩm, hiền hòa, vui nhộn. Trái ngược với chúng ta, ở Trung Quốc, mặt nạ lại thường là các nhân vật hay con vật oai phong với biểu cảm nghiêm nghị, dữ dằn.

Khác biệt về các hoạt động diễn ra trong ngày lễ 

Vào ngày lễ trung thu, người Việt thường tự tay chế biến các món bánh truyền thống để dâng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn rồi cùng nhau rước đèn, phá cỗ dưới ánh trăng rằm. Trong mâm cỗ đêm rằm Việt Nam, ngoài các loại bánh trái đa dạng, một chú chó làm từ bưởi vô cùng đáng yêu sẽ được đặt ở trung tâm. Nhờ sự sáng tạo cùng bàn tay khéo léo, người Việt đã làm ra một “món ăn không chỉ để ăn” cực kì đặc biệt mà không một nước nào sở hữu.  

Như đã nói, Tết Trung Thu của Trung Quốc là dịp để các nam thanh nữ tú hẹn hò, kết đôi. Vì thế, họ sẽ tổ chức ngày lễ này bằng cách bày tiệc thưởng trăng, đố thơ, thả đèn. Còn người Việt lại lấy trẻ em làm trung tâm nên các hoạt động diễn ra trong đêm Trung Thu thường là các trò chơi dân gian như đi cà khèo, chơi chuyền, nhảy dây, ô ăn quan,...

Tết Trung Thu là một phong tục truyền thống có ý nghĩa vô cùng lớn trong văn hóa dân tộc. Dù là ở đất nước nào, nó cũng là dịp để cả gia đình quay quần tụ họp cũng như bày tỏ lòng tôn kính đến ông bà tổ tiên. Chính vì vậy, ngày tết này cần phải được bảo vệ và gìn giữ cho đến thế hệ mai sau.

Thêm trân trọng giá trị dân tộc…

Xuất phát từ lòng trăn trở đó, vừa qua, DDVN đồng hành cùng với cộng đồng Cấy Nền tổ chức một chương trình Trung Thu ba thế hệ mang tên “TINH THẦN THÁI DƯƠNG TRONG MÙA MINH NGUYÊT” tại vườn Minh Trân. Cộng đồng Cấy nền (Cấy tạo nền tảng) là một hệ sinh thái kết nối và tương hỗ lẫn nhau giữa các thành viên trong các lĩnh vực đa dạng như Nông nghiệp, Du lịch, Giáo dục,... do GS Phan Văn Trường khởi xướng.

Ba thế hệ ở đây chính là ba thế hệ trong một gia đình, trong chính hệ sinh thái Cấy nền: thế hệ thứ nhất là những người lan tỏa tinh thần thái dương, thế hệ thứ hai kết nối giao thương, thế hệ thứ ba là những mầm non sẽ hấp thụ những giá trị sáng tạo và yêu thương từ hai thế hệ trước.

Các em nhỏ đến với chương trình Trung Thu này được khoác lên trang phục truyền thống dân tộc, cùng bố mẹ chơi các trò chơi dân gian

Với mục đích đem đến cho các em nhỏ một mùa Trung Thu theo đúng ý nghĩa của nó bên gia đình, chương trình là nơi hội tụ các quầy hàng thủ công, trò chơi dân gian; các tiết mục kể chuyện mang đầy tính truyền thống. 

Các em còn được cùng bố mẹ thỏa sức sáng tạo trong những gian hàng thủ công

Điều đặc biệt nhất, đây cũng là nơi hội tụ của 8 gian hàng giao thương, hầu như đều chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản, đặc sản của Việt Nam, bao gồm:

Các sản phẩm nông sản Việt Nam luôn cần sự chú tâm và xem trọng hơn từ chính người tiêu dùng nội địa

  • Carobi Mart - gạo lứt sấy dành cho người ăn chay

  • LEKHA Mart - khô tùng hương, tiêu sấy hồng ngoại

  • Nhang sen Liên Tâm - làm từ nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên như bột lá tràm, bạch đàn

  • Công ty cổ phần thực phẩm Cam Ranh - chả cá sạch theo công nghệ Nhật Bản

  • Công ty cổ phần Mộc Thanh Trà - trà đậu đen xanh lòng 

  • Công ty cổ phần Dori - tỏi Lý Sơn, cao tỏi đen, bột tỏi

  • Công ty TNHH Trang trại Việt - chuyên sản xuất nông lâm sản cũng như sản xuất máy móc

  • Công ty TNHH Thực phẩm Trương Gia - rượu vang nếp

Những mặt hàng nông sản này còn mang trong mình một ý nghĩa sâu xa về giá trị dân tộc

Tại sao lại nói đây là điều đặc biệt trong khi mới nghe qua, chúng dường như chẳng hề liên quan đến nhau? Câu trả lời chính là bởi hiện nay – thời đại công nghệ số lên ngôi, những hoạt động truyền thống trong ngày lễ dân gian đều bị quên lãng. Tất cả được thay thế bởi những cỗ máy chạy bằng pin tinh vi, bằng những màn hình đủ các kích cỡ, bằng những món bánh kẹo ngoại nhập đắt đỏ. 

Người tham dự cực kì phấn khởi khi được nếm thử những đặc sản “đóng dấu” Việt Nam

Chính vì vậy, sự xuất hiện của 8 gian hàng giao thương chính là cơ hội hiếm có cho trẻ em được trải nghiệm, cảm nhận những mặt hàng, sản phẩm truyền thống của chính quê hương mình. Để từ đó, vun đắp và bỗi dưỡng cho các em những giá trị sống, giá trị văn hóa quan trọng cũng như thêm yêu, thêm tự hào và trân trọng những gì thuộc về đất nước Việt Nam.

Các em nhỏ được dịp hiểu thêm về đất nước của chính mình

Chắc chắn rằng, sự kiện ý nghĩa này không phải sự kiện duy nhất hay cuối cùng mà DDVN đồng hành. Ngược lại, DDVN chắc chắn sẽ tích cực phối hợp cũng như tổ chức các chương trình bổ ích khác để thúc đẩy nét văn hóa truyền thống ko chỉ trên bài viết mà còn trong cộng đồng. Hy vọng các bạn độc giả sẽ tiếp tục đón chờ, theo dõi hành trình “gieo mầm văn hóa” của chúng tôi.