Cuốn sách Quán Thánh (ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội) cho thấy nhiều bí mật của ngôi đền cũng là quán này.
TS Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, giở trang 10-11 của cuốn sách Quán Thánh. Ở phần mở đầu trang 10 có hình một cây đèn cổ, cạnh con số đánh số trang là hình một quả chuông. Quả chuông đó chính là chiếc chuông ở đền Quán Thánh.
“Có thể thấy hình cái chuông cạnh số trang, ở trên thì có cái hình chân đèn. Hình trang trí này đến từ sách Chân Vũ Quán lục. Bất cứ hình vẽ nào trong cuốn sách cũng đều lấy từ tư liệu Hán Nôm, không phải do chúng tôi sáng tác. Chúng tôi đã lấy đồ họa của người xưa để tinh hóa, và làm trang trí cho cuốn sách này”, TS Tô Lan nói. Bà là người tổ chức bản thảo cuốn Quán Thánh.
Câu chuyện về chiếc chuông ở đền Quán Thánh cũng xuất hiện khi tác giả - nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) kể về cuốn sách. “Khi tôi còn là sinh viên, cụ thủ từ không cho tôi lên gác chuông để ghi hình tư liệu. Sau này, chúng tôi gặp cụ Sơn là con trai cụ thủ từ trước. Tôi kể chuyện ngày xưa bố bác không cho cháu tiếp cận. Cụ vui vẻ cho xem hết, và chúng tôi may mắn quét gọn được tư liệu Hán Nôm ở đó”, ông Dũng nhớ lại.
Tác giả Nguyễn Đức Dũng tại buổi ra mắt sách Quán Thánh
Hành trình tìm tư liệu, nghiên cứu tư liệu kéo dài và ông Dũng đã mất 22 năm để hoàn thành cuốn sách Quán Thánh. Nhiều tác giả trong giới nghiên cứu Hán Nôm cũng giúp sức để cuốn sách của ông đa dạng hơn về tư liệu và cách thể hiện.
Trong cuốn sách, kiến trúc sư yêu di sản Trần Trung Hiếu đã góp vào rất nhiều tư liệu ảnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng cũng giúp rà soát các tư liệu Hán Nôm. Th.S Phạm Vũ Lộc, một người nghiên cứu công nghệ Nano nhưng giỏi Hán Nôm và địa lý, đã quy đổi giúp từ địa danh cổ đến tên gọi bây giờ. “Thường sách Hán Nôm chúng tôi làm 10 phần thì độc giả chỉ tiếp nhận 3 phần. Nhưng với Quán Thánh, nhờ có tư liệu ảnh, độc giả dễ tiếp cận hơn. Đó là tư liệu đối chứng cho thấy cái đẹp của di sản Hán Nôm có thể nhìn thấy trực quan bằng hình ảnh”, ông Nguyễn Đình Hưng nói.
Không chỉ có tư duy mới về thể hiện tư liệu Hán Nôm, thể hiện tư liệu di tích, cuốn sách còn có nhiều câu chuyện lịch sử về Quán Thánh. Một trong những câu chuyện đó là việc sĩ tử từng cầu thi đỗ đạt tại Quán Thánh do trước kia ở đây có thờ Văn Xương Đế quân. Văn Xương Đế quân cũng là vị thánh được thờ tại đền Ngọc Sơn hiện nay.
PGS-TS Trần Trọng Dương (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đánh giá cao bài tổng luận về lịch sử Quán Thánh của ông Dũng. Nó cho thấy lịch sử phát triển đạo giáo ở Thăng Long xưa. Theo đó, Thăng Long trước có nhiều đạo quán, thậm chí còn có Thăng Long tứ quán. Sau đó, do không còn người thực hành (các đạo sĩ) nữa, dần dần đạo quán biến thành chùa. Ở Hoài Đức có Linh Tiên quán về sau thành chùa Linh Tiên. Quán Trấn Vũ sau đó không còn ông đạo sĩ chủ trì nữa thì cũng thay đổi.
PGS-TS Đinh Khắc Thuân, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Hán Nôm, đánh giá rất cao việc biên soạn cuốn sách Quán Thánh. Ông đề xuất: “Nên làm bước hai là bản tiếng Anh, Trung. Tại sao tại các di tích của ta không có cuốn sách nào bán cả? Khách nước ngoài đến hỏi không có”. Theo PGS Thuân, cuốn sách này sẽ bán tốt.
Theo Trinh Nguyễn/thanhnien.vn