Hội họa

Những bước chân an lạc - Những nét mặt an nhiên

Lâm Hạnh • 02-03-2018 • Lượt xem: 14444
Những bước chân an lạc - Những nét mặt an nhiên

Bộ phim tài liệu về thiền sư Thích Nhất Hạnh có tựa Walk with me (tựa tiếng Việt: Bước chân an lạc) vừa được công chiếu tại Việt Nam. Nhạc thiền dịu nhẹ, những bước đi tĩnh lặng, nhịp phim chậm, cảnh phim đẹp trong trẻo khiến cho 88 phút của bộ phim như đưa khán giả hành thiền.

Bộ phim được thực hiện trong 3 năm bằng một hành trình không định trước của những người chọn lối sống không ảo vọng vật chất tại Làng Mai, nơi miền quê nước Pháp. Đoàn phim cứ thế đi theo từng bước chân của sư ông Nhất Hạnh và các tu sĩ ghi lại bằng những khung hình hồn nhiên nhất. Những sớm mai trong trẻo, những bước chân nhẹ tênh và nụ cười an lạc của người tu hành... không ít lần làm rung động người xem. 

Bước chân an lạc không cố bày tỏ những triết lý của nhà Phật mà chỉ dẫn dắt người xem chiêm nghiệm từng khoảnh khắc hạnh phúc của mình. Bộ phim không nêu lý do của những người chọn đến với cửa Phật, không khai thác từng ngõ ngách tâm hồn họ mà rằng họ đã chọn cách ấy và cảm thấy an lạc mỗi ngày. Niềm an lạc không qua lời nói mà chỉ cần qua thước phim miêu tả những bước chân và nụ cười ấy trong những lúc ở tu viện, gặp thiền sinh hay những chuyển đi hoằng pháp cũng đã đủ thuyết phục khán giả. 

Hành trình đi tu của các tu sĩ thú vị như thế nào thì cuộc trở về thăm gia đình của họ thú vị như thế ấy. Một chàng trai xuất gia trở về thăm nhà, bắt gặp cuốn "sổ kế hoạch" khi xưa từng viết. Bản kế hoạch rất rõ ràng, thi vào đại học danh tiếng, năm nào làm 30.000 usd/tháng, năm nào lấy vợ, năm nào sinh con... nhưng rồi anh đã chọn cách đi khác và mỉm cười tự tại với cha mẹ: "Ai đã viết nên những thứ này nhỉ? Nhưng mà bây giờ, con đã có mọi thứ". Một sư cô đến thăm cha ở viện dưỡng lão, nói lời yêu thương và tập cha cách hít thở, hỏi cha hạnh phúc không, cha bảo có, vạy thì hai cha con tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc ấy. Chỉ vậy thôi, khán giả sẽ thấy thái độ của họ đối với con đường mình đã chọn thế nào. 

Một chi tiết rất đáng nhớ của bộ phim, là khi một thiền sinh hỏi vị tu sĩ: các vị nói về sự tĩnh lặng, vậy thì âm thanh có mục đích gì trong cuộc sống? Câu trả lời đại loại: bước qua mọi âm thanh sẽ tìm thấy sự tĩnh lặng, sự tĩnh lặng trong nội tâm mỗi người, khi có được sự tĩnh lặng trong tâm thì sẽ cảm nhận được sâu sắc mọi âm thanh của cuộc sống.

Âm nhạc là một giá trị nữa của bộ phim. Chính âm nhạc đã giúp cho bộ phim trở thành một dòng chảy êm đềm trôi vào lòng người thưởng thức. Không có tiếng kinh, tiếng mõ, chỉ là thiền ca được những nhà tu thể hiện qua các nhạc cụ Tây phương, mỗi lần nhạc nỗi lên là một lần rơi vào cảm động nhẹ nhàng.

Khi tiếng chuông cất lên, nhà tu và thiền sinh dừng tất cả các hoạt động của mình. Đó là khoảnh khắc suy nghĩ và cảm nhận việc mình đang làm. Trong cuộc đời, đã bao lần ta dừng lại để cảm nhận điều mình đang làm, chỉ khi ấy ta mới tập trung trọn vẹn, cảm nhận từng khoảnh khắc của hiện tại. Ấy là thiền.

Vì bộ phim không cố tình triết lý nên khán giả hãy coi phim bằng cách trái tim nhẹ nhàng mà không cần lý giải hay cắt nghĩa điều gì trong ấy. Chỉ cần ngồi đó, thả trôi tâm hồn mình và tận hưởng từng khoảnh khắc mà bộ phim êm đềm đi qua. Tinh thần của bộ phim là thế: hãy cảm nhận sâu sắc từng khoảnh khắc mà bạn đang có, bởi quá khứ thì đã qua và tương lai thì chưa tới. Không có lời cao siêu hay đúng - sai, hay - dở trong bộ phim này mà đơn giản nó nói về sự chọn lựa và khi bạn chọn lựa điều gì thì hãy trọn vẹn với điều ấy. Phần triết lý nhất của bộ phim có lẽ chính là những lời dẫn chuyện trích từ tập Nẻo về của Ý của thiền sư Thích Nhất Hạnh qua giọng đọc tuyệt hay của diễn viên Benedict Cumberbatch. 

Bộ phim Bước chân an lạc (đạo diễn: Max Pugh - Marc J. Francis, soạn nhạc: Germaine Franco) công chiếu từ ngày 2.3 tại tất cả các rạp.