VĂN HÓA

Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Vì sao người Pháp phế truất vua Thành Thái?

DDVN • 12-09-2021 • Lượt xem: 373
Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Vì sao người Pháp phế truất vua Thành Thái?

Khi ông hoàng Bửu Lân (sau là vua Thành Thái) mới 4 tuổi, người cha của ông là ông hoàng Dục Đức lên nối ngôi vua Tự Đức chỉ được ba ngày, chưa kịp làm lễ tấn tôn, là bị bỏ ngục (1883) và qua đời hơn một năm sau đó. 


Vua Duy Tân lúc mới lên ngôi (Ảnh: Tư liệu của Lê Nguyễn)

Từ biến cố này, mẹ con ông luôn sống trong sự phập phồng, lo sợ bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào.


Thượng thư bộ Lễ Ngô Đình Khả, người không ký vào quyết nghị phế truất vua Thành Thái

Người ta truyền miệng với nhau rằng, tháng 1.1889, khi võng lọng bất ngờ đến nhà để rước ông về triều, hai mẹ con ông đã cự tuyệt, song cuối cùng vẫn phải tuân hành mệnh lệnh của triều đình. Làm vua ở tuổi mới lên mười, ông ý thức được sự non trẻ và trách nhiệm lớn lao của mình nên tìm hiểu, học hỏi nhiều điều mới lạ, đặc biệt về ngành cơ khí còn khá mới mẻ đối với người Việt lúc bấy giờ.

Song, cũng từ những gì học hỏi được, ông sớm ý thức cảnh nước mất nhà tan, những đói khổ, bất công mà đồng bào của ông đang gánh chịu. Từ những năm cuối thập niên 1890, với sự hiện diện của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, mọi quyền hạn của triều đình Huế bị tước đoạt gần hết, đặc biệt là quyền hành thu thuế để chi dụng cho triều đình. Khi ấy, nhà vua chỉ còn là một hình nộm, hoạt động chủ yếu là hợp thức hóa ý chí của chính quyền thực dân Pháp và sống dựa vào sự trợ cấp của họ.

Thực trạng trên trở thành cú sốc nặng đối với một ông vua trẻ muốn làm một điều gì đó cho thần dân của mình. Cuối cùng, những bất đắc ý dồn dập đã biến thành nỗi phẫn hận khiến nhà vua có những phản ứng đôi lúc vượt quá sự bình tĩnh cần thiết mà thực dân Pháp và nhiều người gọi là “điên”.

Năm 1907, vua Thành Thái muốn thực hiện chuyến Bắc tuần, nhân tiện ghé lại Thanh Hóa, thăm viếng lăng mộ tổ tiên, cùng đi với ông có các quan đại thần Ngô Đình Khả, Cao Xuân Dục, Lê Trinh. Tất nhiên muốn đi thì phải được Pháp cấp kinh phí và viên Khâm sứ Pháp tại Huế là Levecque đã đưa ra điều kiện trịch thượng là nhà vua phải để cho ông Huỳnh Côn, Thượng thư Bộ Lễ tháp tùng mới được cấp tiền.

Hẳn là chuyến Bắc tuần đó đã khiến nhà vua cảm thấy bi phẫn hơn nữa và người ta kể rằng ít lâu sau khi trở về triều, trong một phút không kiềm chế nổi, vua Thành Thái đã rút súng ra nhắm vào vị quản lĩnh Tôn nhơn phủ là An Thành công Miên Lịch, con út vua Minh Mạng. Chuyện kể không nêu rõ viên đạn có ra khỏi nòng súng không, song điều chắc chắn là hoàng thân Miên Lịch không chết, đến thập niên 1910 còn được thăng từ tước công lên tước vương.

Phát súng là giọt nước làm tràn ly, là cơ hội tốt nhất để thực dân Pháp thực hiện kế hoạch định sẵn từ trước. Theo một kịch bản được soạn thảo sẵn, Khâm sứ Huế Levecque triệu tập các đình thần, tuyên bố nhà vua đang mắc bệnh tâm thần, cần được tịnh dưỡng. Ông bị buộc phải ký vào chiếu nhường ngôi cho con trai là hoàng tử Vĩnh San mới lên 7 tuổi. Việc ép buộc này được hợp thức hóa bằng một quyết nghị chung của cả triều đình, xét thấy nhà vua không còn đủ năng lực để gánh vác việc nước.

Bản văn phế truất vua Thành Thái được hầu hết triều thần ký vào theo yêu cầu của Khâm sứ Levecque, trừ một người, đó là Thượng thư Bộ Lễ kiêm quản lãnh thị vệ Ngô Đình Khả. Chính từ hành động này mà xuất hiện câu truyền tụng trong dân gian: “Bỏ vua không Khả...”, nói lên ý chí của một trung thần không cam tâm nhìn thấy một vì vua bị phế truất vì không được lòng thực dân Pháp.

Cuối cùng thì cụ Ngô Đình Khả đã phải trả giá cho hành động dũng cảm của mình. Chỉ một tháng sau khi hoàng tử Vĩnh San lên ngôi với niên hiệu Duy Tân, Khâm sứ Levecque “hội thương, nói Đình Khả không làm tròn chức trách, cần phải xử trí”. Phủ Phụ chính tâu lên xin cho ông được mang nguyên hàm về quê trí sự (Quảng Bình), được cấp bổng, song về sau Levecque yêu cầu không cấp tiền bổng nữa. (Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên, tr.484 - 485).

Về phần mình, vua Thành Thái trở thành cựu hoàng, bị Pháp đưa đi an trí tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). 9 năm sau (1916), trong cuộc khởi nghĩa bất thành của hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân (theo mật dụ của vua Duy Tân), nhà vua trẻ bị Pháp bắt giữ và bị đưa vào Cap Saint Jacques ngày 5.5.1916. Ngày 10.5.1916, hai cựu hoàng cùng gia quyến bị buộc xuống tàu nhắm hướng Réunion, một hòn đảo thuộc Pháp nằm giữa Ấn Độ Dương.
Và rồi cuộc sống lưu đày của hai cha con cựu hoàng Thành Thái - Duy Tân khởi đầu từ thời điểm này.

Theo Lê Nguyễn/Thanhnien.vn