VĂN HÓA

Những công trình kì vĩ về ứng phó với thiên tai ở Hà Lan

Cẩm Chi • 25-06-2023 • Lượt xem: 1561
Những công trình kì vĩ về ứng phó với thiên tai ở Hà Lan

Hệ thống đê biển khắp đất nước và có thể thấy được từ trên cao nhìn bao quát xuống, hay cây cầu nước kết nối đường bộ, đường thủy… là những công trình thế kỷ của Hà Lan khiến cả thế giới phải nể phục.

Hà Lan được biết đến là đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển. Thống kê cho thấy 2/3 diện tích của quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt, điểm trũng nhất của nước này là -6,76 m so với mực nước biển. Lịch sử 2000 năm của Hà Lan là 2000 năm đấu tranh với biển, với nước. Chính vì nhận thức được là quốc gia ven biển, và những phần đất thấp thường bị ngập nên người Hà Lan đã trở thành chuyên gia đứng đầu thế giới về các biện pháp chống biển.

Đê biển – kì tích chế ngự thiên nhiên

Đất nước Hà Lan có một hệ thống các công trình đê biển, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt hiện đại với hai công trình quan trọng Zuiderzeewerken ở khu vực Tây Bắc, và Delta Works ở khu vực Tây Nam Hà Lan.

Xây một con đê giữa biển, ở cửa vịnh là một công việc cực kỳ tốn công, tốn của…, đặc biệt khi dòng chảy ở khu vực này rất phức tạp. Điều phi thường là riêng việc thi công Zuiderzeewerken được tiến hành vào đầu thế kỷ trước, và chỉ trong khoảng thời gian vẻn vẹn có 6 năm, từ 1927 đến 1933, giúp Hà Lan có thêm 1650 km2 đất thổ cư và canh tác nông nghiệp.

Đê Afsluitdijk được xây thẳng như một chiếc thước kẻ trên mặt biển, với 4 làn xe chạy.

Dự án Delta là một hệ thống đê chắn sóng biển và ngăn lũ được đánh giá là hoàn hảo nhất thế giới. Tổng cộng có 65 đê chắn sóng đúc bê tông khổng lồ cùng 62 cửa van bằng thép di động treo giữa các đê chắn với tổng chiều dài 6,8km. Cửa van lớn nhất nặng tới 480 tấn. Hệ thống này được thiết kế với độ vững chắc đủ để chịu được trận bão lớn với mức độ chỉ xảy ra một lần trong 1000 năm. Khoảng 3000 km đê bao biển và 10000 km đê bao sông và kênh rạch được nâng cao, khép kín các cửa sông trong khu vực.

Công trình Maeslantkering là hàng rào chắn sóng di động, có thể tự động đóng mở trong trường hợp khẩn cấp.

Các công trình này được hoàn thành trong suốt hơn nửa thế kỷ nhằm bảo vệ các khu vực đất đai rộng lớn trong vùng châu thổ trước sự tấn công của nước biển. Đây cũng được ghi nhận là hệ thống phòng hộ duy nhất chống lại sóng biển trên thế giới thuộc loại này. Công trình trị thủy khổng lồ này đã giúp Hà Lan giảm thiểu tối đa tác động của biển Bắc đến hoạt động thuỷ sản và nông nghiệp khu vực các tỉnh phía Bắc.

Hệ thống đê biển ở Hà Lan được nhiều người nhận định là “kỳ tích phi thường”, “độc nhất vô nhị” trong công tác trị thủy của nhân loại. Công trình Zuiderzeewerken được các nhà kiến trúc thế giới bầu chọn là một trong số 10 công trình vĩ đại nhất trên hành tinh (cùng với kim tự tháp ở Ai Cập, kênh đào Panama, đấu trường Colosseum...). Hệ thống Delta được Hội kỹ sư dân sự Mỹ bình chọn là một trong “bảy kỳ quan của thế giới hiện đại” vì quy mô hoành tráng của nó. Từ vũ trụ có thể nhìn thấy các công trình này được tính toán kỹ lưỡng và là một thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại.

Kè chắn bão đông Schelde là công trình lớn nhất trong 13 đập của hệ thống kè và đê chắn phía Tây Nam. 

Để phòng chống thiên tai khắc nghiệt, Chính phủ Hà Lan đã nâng tiêu chuẩn an toàn của các công trình thủy lợi lên mức cao nhất. Tiêu chuẩn an toàn đập ngăn mặn có tần suất “1 vạn năm 1 lần”, tiêu chuẩn an toàn các đê sông có tần suất “1250 năm 1 lần”. Ngoài ra, nhờ công nghệ hiện đại, các chuyên gia Hà Lan đang triển khai những dự án xây dựng hệ thống “đê chắn sóng thông minh” bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu.

Cầu nước Veluwemeer

Cầu nước Veluwemeer được mệnh danh kiến trúc phá vỡ quy luật vật lí thông thường, khi vừa là đường hầm cho 28.000 xe, vừa là đường thủy cho tàu qua lại mỗi ngày. Công trình nối liền phần lục địa của Hà Lan và đảo nhân tạo Flevoland lớn nhất thế giới, do kiến trúc sư Veluwemeer Aqueduct hoàn thành và sử dụng năm 2002.

Không giống như các thiết kế cầu thông thường khác, cầu nước Hà Lan được xây dựng trên hệ thống dẫn nước hiện đại cho phép lưu lượng giao thông liên tục xuyên suốt trên cạn và trên mặt nước. Bên trên là mặt biển khổng lồ cho tàu thuyền qua lại dễ dàng, bên dưới là 2 làn đường sâu xuống 10m dành cho nhiều xe cộ lưu thông mỗi ngày.

Cầu Veluwemeer giúp giao thông đường thủy và ô tô, đi bộ thuận tiện

Ngoài hai luồng giao thông này, cầu còn thiết kế lối đi bộ ở hai bên để cho khách bộ hành thưởng ngoạn. Từ đây, du khách có thể nhìn thấy mặt nước mênh mông, bầu trời bao la thoáng mát và bên dưới là những chiếc xe vẫn tấp nập nối đuôi nhau.

Được xem là một trong những cây cầu nước ngắn nhất thế giới, nhưng Veluwemeer lại nổi tiếng về độ khó không tưởng khi phải lồng ghép 2 hệ thống giao thông trong cùng một cây cầu. Nếu là một đường hầm sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nếu xây cầu đường bộ thì cũng đồng nghĩa với việc phải có một khoản ngân sách lớn hơn, thời gian xây dựng lâu hơn. Thiết kế đột phá này là một lựa chọn giúp tiết kiệm nhiều chi phí thi công, rút ngắn được khoảng cách và phát huy tối đa hiệu quả của cây cầu nước, không làm cản trở giao thông.

Cối xay gió

Ngay từ thế kỷ thứ 10, người Hà Lan đã nghĩ cách trị thuỷ bằng việc đắp đê thì 400 năm sau đó, họ nhận ra tác dụng kỳ diệu của cối xay gió trong cuộc chiến giành lại đất. Từ đó, cối xay gió xuất hiện ở khắp mọi nơi trên đất nước Hà Lan, nhất là tại những khu vực trũng.

Ban đầu, cối xay gió làm bằng đá, sau đó được cải tiến với chất liệu nhẹ hơn như gỗ. Những chiếc cánh quạt cực khỏe, dài hàng chục mét của cối xay gió truyền lực của gió lên bánh guồng lớn bằng gỗ để đổ nước ra sông. Ngoài ra cối xay gió cũng được xây dựng dọc các con kênh để tăng khả năng thoát nước.

Ngày nay, cối xay gió đã không còn đóng vai trò chính trong quy trình thoát nước của Hà Lan. Người ta sử dụng máy bơm dùng nhiên liệu diesel và bơm điện để đẩy nước xuống hạ nguồn. Tuy nhiên, cối xay gió vẫn luôn là niềm tự hào và là biểu tượng được nhiều người nhắc đến của đất nước Hà Lan.