VĂN HÓA

Những làng nghề truyền thống hội tụ tinh hoa gốm Việt

Cẩm Chi • 03-07-2023 • Lượt xem: 1671
Những làng nghề truyền thống hội tụ tinh hoa gốm Việt

Có lịch sử từ 5 đến 10 thế kỷ, những làng gốm như Bát Tràng, Thanh Hà và Bàu Trúc đều là niềm tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, và trở thành điểm đến độc đáo cho du khách khám phá vẻ đẹp tinh hoa của đất Việt.

Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)

Với lịch sử 700 năm, làng gốm Bát Tràng được xem như là một bảo tàng nghệ thuật sống động, chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc của người Hà thành. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng có nguồn gốc từ 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng tại huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Thời kỳ phát triển mạnh nhất của làng gốm Bát Tràng là vào thế kỷ XV – XVIII, lúc này các nước Tây Âu tràn sang châu Á, góp phần làm cho hoạt động giao thương buôn bán ngày càng phát triển.

Gốm Bát Tràng làm từ đất sét trắng, một loại đất sét có độ mịn, dẻo cao, khó tan trong nước và có màu trắng xám. Đất sét sau khi được lấy về phải trải qua quá trình xử lý, pha chế bằng phương pháp truyền thống trong hệ thống bể chứa gồm 4 bể có độ cao khác nhau (bể bánh – bể lọc – bể phơi – bể ủ). Ngoài ra, người nghệ nhân còn phải pha đất sét với cao lanh để đáp ứng được yêu cầu của từng loại đồ gốm.

Để tạo dáng cho sản phẩm người thợ dùng phương pháp thủ công “vuốt ve, be cạnh” trên bàn xoay. Độ sâu, độ rộng, dáng miệng,… điều được đôi bàn tay của người nghệ nhân quyết định. Sản phẩm được phơi sấy thật ráo và sẽ được chuốt lại một lần nữa.

Nghệ thuật sáng tạo của Làng gốm Bát Tràng nằm ở giai đoạn vẽ thủ công các họa tiết lên gốm bằng bút lông như đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu… toát lên một “hồn sắc” riêng. Nghệ nhân sử dụng men tro để tráng trực tiếp hoặc nung sơ rồi tráng lên các sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh. Cuối cùng, sản phẩm được đem vào lò nung bằng củi, than hoặc gas để đốt, tùy vào mỗi loại lò và gốm mà người ta điều chỉnh nhiệt độ đun khác nhau. 

Ngày nay, làng gốm Bát Tràng đã có sự phát triển vượt bậc với các công ty chuyên kinh doanh và hộ gia đình sản xuất gốm sứ. Tại làng gốm sẽ có riêng một sân nặn gốm dành cho các du khách muốn trải nghiệm hoạt động làm gốm tại đây. Đặc biệt, Bảo tàng gốm Bát Tràng (Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt), là điểm đến hấp dẫn nhờ vào phong cách thiết kế đặc sắc, với 7 xoáy ốc khổng lồ liên kết vào nhau. Chất liệu đưa vào sử dụng tại công trình gắn liền với làng gốm như đất nung, ngói Bát Tràng để tôn vinh nên vẻ đẹp làng nghề.

Làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam)

Được hình thành từ thế kỷ XVI, làng gốm Thanh Hà là một trong những làng gốm cổ, lò nung đồ sộ duy nhất ở miền Trung. Sản phẩm của làng được mệnh danh là “thổ sản quốc gia”, dùng để tiến vua.

Tương truyền, các nghệ nhân từ vùng Nam Định, Hải Dương và Thanh Hóa đến Hội An định cư vào đầu thế kỷ 16 và thành lập làng gốm Thanh Hà. Vào năm 17 trở đi, thị trấn Hội An lân cận trở thành một thương cảng phát triển mạnh và thu hút các thương nhân tìm kiếm các sản phẩm đất sét chất lượng tốt đến mua. Sản xuất địa phương đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Theo chân các thương nhân ở Hội An, đồ gốm của Thanh Hà đã có mặt ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Hiện nay, trong làng còn 35 dòng họ sản xuất gốm, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua năm thế kỷ, làng gốm Thanh Hà vẫn lưu giữ được quy trình làm gốm thủ công, sử dụng kỹ thuật trộn đất sét, tạo hình gốm bằng tay và chân không dùng khuôn và nung truyền thống. Nguyên liệu chính được sử dụng trong các sản phẩm gốm Thanh Hà là đất sét nâu lấy từ sông Thu Bồn và những cánh đồng lúa. Công đoạn tạo hình sản phẩm phải có hai người. Một người đứng trên đất bằng một chân, chân còn lại đá bàn xoay, hai tay nhào đất sét. Sau khi người thợ gốm tạo hình cho sản phẩm gốm, họ sẽ đem những sản phẩm này ra phơi nắng. Sau đó, các sản phẩm được nung trong bếp củi truyền thống khoảng 7 – 8 tiếng.

Trải nghiệm thú vị của du khách chính là tham quan công viên đất nung có diện tích lên đến 6.000 m2 - lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là nơi bảo tồn và lưu giữ các sản phẩm gốm làng Thanh Hà, và quảng bá gốm Việt đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, nơi đây còn có các sản phẩm bằng gốm mô phỏng những công trình kiến trúc nổi tiếng như: Nhà Trắng, Tháp nghiêng Pisa, Kim Tự Tháp, Nhà thờ Đức Bà Paris, Chùa Một Cột…

Nếu có dịp đến làng gốm Thanh Hà Hội An vào dịp mùng 10 tháng giêng hàng năm, du khách sẽ được tham dự lễ cúng tổ nghề - dịp người dân tri ân tổ nghề gốm và cầu cho một năm mới bình an, phát triển.

Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)

Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á với các sản phẩm thủ công đất nung mang đậm bản sắc văn hóa Chăm.

Theo dân gian, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po K’long Chank là một người bạn thân, quan cận thần của vua Po K’long Giarai (1151-1205). Chính ông đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Nghề làm gốm trước kia chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Phụ nữ Bàu Trúc lớn lên là đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời “mẹ truyền con nối” đến ngày nay. 

Khác với nhiều làng gốm ở Việt Nam, thì làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm truyền thống xa xưa “làm bằng tay, xoay bằng mông”.  Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất, tay trong thì ép, tay ngoài xoa biến những khối đất thành sản phẩm gốm độc bản. Cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…

Gốm Chăm Bàu Trúc truyền thống có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám. Cứ sau mùa gặt dân làng lại ra cánh đồng làng bên bờ sông Quao để đào đất về làm gốm. Nguyên liệu đất sét đã được pha với 1 phần cát non được lấy từ các con suối trên nguồn chảy về, cát nơi ấy có chứa rất nhiều sa khoáng. Khi nung ở nhiệt độ 600-800 độ, các khoáng chất khác sẽ cháy hết, chỉ còn vàng non dạng sa khoáng bám lại thành gốm.

Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi mang đậm nét văn hóa Chăm Pa, từ tháp Chăm, cho tới tượng các vị thần của tôn giáo Balamon như Brahma, Vinus, Shiva, Apsara. Mặc dù được chế tác thủ công, nhưng tất cả đều mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc, thể hiện sự tự do phóng khoáng.

Một điều đặc biệt ở Bàu Trúc là mỗi hộ gia đình là một xưởng gốm riêng biệt. Với hơn 400 hộ gia đình thì có tới 80% các gia đình đều tham gia làm gốm. Các sản phẩm gốm truyền thống như lu, bếp, nồi… làm ra chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Một số thành phẩm đi tới các làng xa và vươn thị trường tới các vùng phụ cận Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa. Chính vì sự độc đáo và hiếm hoi này, UNESSCO đã đưa “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2022.