Hội họa

Những người đàn bà “mềm như nước mà rắn như đá"

KP • 22-10-2020 • Lượt xem: 9108
Những người đàn bà “mềm như nước mà rắn như đá"

“Những con người tưởng chỉ biết cam chịu nhưng lại chính là người mạnh mẽ xoay chuyển số phận cuộc đời. Những con người luôn đứng mũi chịu sào giữa tâm bão, mềm như nước mà rắn như đá.” Đó là câu rút kết của nhà văn Nguyễn Đông Thức về chân dung những người đàn bà được khắc họa trong 160 trang tản văn, bút ký “Những người đàn bà phi thường” của Đinh Giang.

“Những người đàn bà phi thường” là tập bút ký, tản văn đầu tiên của tác giả Đinh Khắc Quỳnh Giang (Đinh Giang), ra mắt vào ngày 4/10/2020 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP HCM).

Hình ảnh những người đàn bà trong tuổi thơ của Đinh Giang là cảm hứng để cô viết về họ với một tâm thế trân trọng và yêu thương. Những mạ, mệ nội, chị Chanh, mệ Tải, o Thương, cô Lệ Thanh, chị Trà… mang trong mình bóng dáng tần tảo của người phụ nữ Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử, nhưng vẫn tràn đầy những vẻ đẹp của phái yếu trong thời loạn chuyển thời bình.

DinhGiang_1_191020
Đinh Giang hiện là giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Huế

“Những người đàn bà không vĩ đại với thế giới”

Những người đàn bà vĩ đại trong văn Đinh Giang, không phải với thế giới, mà đối với con cái, người thân của họ. Vóc dáng bé nhỏ, khung xương mỏng manh thế mà gồng gánh trên vai cả sự mưu sinh của gia đình. Từ một người đàn bà chỉ biết tề gia nội trợ thì nay đã trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, là chỗ dựa cho chồng con. Mẹ của Đinh Giang xuất hiện trong hình ảnh “buôn bán mánh mung”, tất bật đi sớm về muộn, nhưng vẫn lo cho chồng con đầy đủ bữa ăn no.

Ví như người vợ trong thơ Tế Xương “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng” vậy.

Đọc tác phẩm, ta có thể thấy, hình ảnh “mạ” trong Những người đàn bà phi thường được nhắc đến nhiều hơn tất cả so với những dáng hình người phụ nữ khác. Phải chăng vì vậy, mẹ chính là người có ảnh hưởng sâu sắc đến nếp sống và nếp nghĩ của Đinh Giang nhất. Đinh Giang yêu nhất “Đôi bàn tay rám nắng vì phải đứng ngoài trời suốt ngày, nổi nhiều lằn gân xanh rõ nét…” của mẹ. “Đôi bàn tay ấy vừa có thể kiếm tiền nuôi cả nhà, vừa có thể tỉa hoa cho rau củ, nấu nướng thơm phức cả món chay lẫn món mặn, giữ áo quần, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm.”

Đinh Giang nhớ về hình ảnh người mẹ trong dáng hình: “Vật bất ly thân của bà là một cái giỏ đi chợ bằng nhựa với bốn chân ngắn cũn được lật úp mặt xuống cho đỡ tốn diện tích, lọt trong lòng nó là một cái túi xách cỡ vừa, thường là màu đen, trong đó có chứa những gì tôi không nhớ rõ, nhưng có thể tạo ra cơm”. Tác giả không biết cách mà dòng tiền chảy qua cái giỏ ấy của mẹ có thể mua cho cả nhà một căn nhà rộng rãi, mua cho ba cô một chiếc Honda Dame: “nuôi năm đứa con ăn học và cả cưu mang những cuộc tá túc ngắn dài, chờ cơ hội sắp xếp lại cuộc đời.”

“Mệ nội” của Đinh Giang cũng là một người đàn bà bản lĩnh khác. Bà lo quán xuyến trong ngoài, “vận hành cả nhà bằng niềm tin, bằng nền kinh tế tự cung tự cấp đúng chuẩn thời đại. Bà bán đủ thứ, từ buồng cau, nải chuối trong vườn đến những mẻ bánh thuẫn nướng bằng lò than tỏa hơi hầm hập”. Bà “tự mình xoay sở tất cả tiền nong cúng kỵ phải trái lớn nhỏ liên tu bất tận từ tháng Giêng đến tháng Chạp trong nhà, cũng như duy trì nếp sống nhàn hạ cốt cách kiểu danh gia". “Đôi tay thô sần suốt ngày không rảnh của bà có biệt tài hóa phép tất cả những cây trái tầm thường trong vườn thành món ngon, biến sắn khoai hèn mọn thành những thức ăn gây háo hức cho buổi lỡ, buổi xế".

“Trường học nào thời đó có thể đào tạo ra những người đàn bà đầy đặn như vậy?” Có chăng là trường đời đã tạo nên bản lĩnh của người phụ nữ ấy, giúp chồng, yêu con và lo liệu đủ bề.

Tác giả còn cho thấy bóng dáng của nhiều người đàn bà khác, nhỏ bé, cần lao nhưng lại vượt lên trên tất cả khó khăn chỉ vì một sự cho đi không cần hồi đáp. Đó là người phụ nữ đang trong giai đoạn cuối thai kỳ, mọi ngày còn phải dầm mưa lên chợ buôn bán vì cuộc mưu sinh. Đó là người chị cả trong gia đình làm nông, có một bầy em út nheo nhóc, còn đợi chị gửi thêm chút tiền để ở dưới nhà xoay sở. Đâu đấy còn thấp thoáng hình ảnh người đàn bà trong cơn đau đẻ ở nhà hộ sinh. Có những người phụ nữ như vậy,  “cả đời hiếm khi thấy kỳ kinh vì chưa hết ở cữ thì đã cấn thai lại rồi”. 

Tất cả họ, những người đàn bà “lấy việc phụng sự gia đình chồng làm sự nghiệp”, “một tay chặn hết nhiễu nhương thời cuộc ngoài cửa ngõ, một tay vun vén trong nhà”. Họ âm thầm hy sinh vì hạnh phúc, ấm no của gia đình. Đôi khi, họ chỉ vì một ánh mắt thấu hiểu, chia sẻ của chồng mà cảm thấy ấm lòng hoặc không có ai cảm thông cũng không làm họ thấy tủi, bởi vì họ tự nhận sự hy sinh vốn là bổn phận của mình. 

DinhGiang_2_191020
"Những người đàn bà phi thường" là tác phẩm đầu tay của Đinh Giang

“Lụa không hồ như cô không phấn”

Những người đàn bà ấy dù xông pha ngoài đời kiếm sự mưu sinh cho gia đình, nhưng họ luôn ý thức về phẩm chất, danh giá cá nhân thể hiện qua nếp sống, nếp nghĩ của họ.

“Mạ” và “mệ nội” của Đinh Giang luôn giữ gìn cho bản thân một vẻ bề ngoài dễ nhìn và lịch sự. Mẹ của tác giả cho rằng: “Đàn bà là phải có chút son phấn mới ra đàn bà”, “đàn bà con gái, nhứt là đàn bà đã có chồng con rồi, nếu cứ để cái mặt mộc nhợt nhạt, đầu tóc bù xù là mất lịch sự, như đàn ông ra đường mà mặc may-ô, quần đùi, không khác chi hết.” Theo Đinh Giang, quan niệm này đã được truyền dạy trong nếp nhà bên ngoại từ khi mẹ cô chỉ là cô gái mới lớn. Đến khi nội cô đã “ngồi một chỗ, miệng móm mém nhai trầu”, vẫn còn dặn với theo tụi con cháu là “lụa không hồ như cô không phấn nghe bây.”

Đinh Giang kể: “Hồi đó, dù phải đứng ngoài sân chợ cả ngày, mạ tôi cũng trang điểm rất đàng hoàng. Những ngày hè rát bỏng đến ngộp thở hay ngày mưa lạnh dầm dề móp hết tay chân, bà vẫn cùng một nhóm những người đàn bà khác phấn son lịch sự như vậy.

“Họ tuy là “con buôn” nhưng đa phần đều xuất thân tử tế. Nay thời thế thay đổi nên phải bôn ba chạy chợ chứ phong thái họ vẫn nhẹ nhàng, nhã nhặn như ngày nào. Cái phông văn hóa đầy đặn của họ khó lay chuyển đến nỗi cả một hệ thống mới áp đặt cũng không thể khiến họ mất bình tĩnh.” Phải chăng, cái nếp nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức những người đàn bà ấy,  đến nỗi mệ Tải - một người phụ nữ buôn nước mắm cũng phải diện áo dài cho bằng được, có lẽ bà coi đó là một hình thức giữ thể diện mà mình phải có, không có thì “ốt dột”, ngại lắm. 

Trong cuộc sống lao khổ hằng ngày, những người phụ nữ đó tuy phải vất vả ngược xuôi nhưng không bao giờ toát lên cái vẻ lam lũ mà vốn ra phải có của những con người lao động. Ngược lại, họ vẫn còn giữ cho mình những khao khát đẹp đẽ về một cuộc sống tinh thần đầy đủ, viên mãn. "Mệ nội tôi tuy là đàn bà nhà quê nhưng bà đặc biệt ham thích văn nghệ. [...] Mỗi khi có đoàn cải lương hay kịch nói nào ra Huế biểu diễn là mạ tôi lại ra bến đò nhắn về làng để mệ nội thu xếp lên coi.

Đời sống cần lao khiến cho họ khao khát một cái gì đó mới mẻ, đẹp đẽ của đời sống tinh thần, vượt ra khỏi cái không khí tù túng, tấp nập của cuộc mưu sinh hàng ngày. Cái khoảnh khắc lãng mạn và đắt giá nhất trong tản văn “Những người phụ nữ phi thường” của Đinh Giang có lẽ là khoảnh khắc “mạ” và chú Khanh quành xe lại chỉ để đứng ngắm nhìn cặp đôi hôn nhau trong mưa. Họ đứng ngắm để “hưởng ké chút ngọt ngào, lãng mạn giữa bốn bề tối tăm đói khổ một chặp rồi mới đạp xe đi tiếp.”

DinhGiang_3_191020
Tác giả Đinh Giang tại buổi ra mắt sách "Những người đàn bà phi thường" vào 4/10/2020

Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã từng nhận xét về tập tản văn, bút ký của Đinh Giang: “Chỉ là vài gương mặt thôi, trong một mối quan hệ khá hẹp, không gian và thời gian giới hạn, mà sao đọc cứ thấy bao nhiêu là đàn bà Việt Nam, hàng nghìn năm, đang ở hết trong đây!”. Thế mới biết, Đinh Giang đã tài tình như thế nào trong việc nắm bắt và diễn tả nội tâm, khắc họa chân dung những người đàn bà bình thường nhưng rất đỗi phi thường trong cuộc sống. 

Là người con cố đô, Đinh Giang vốn dĩ là người gắn bó và hiểu sâu sắc cái hồn của vùng đất nuôi dưỡng những o, mạ, mệ nội “mềm như nước mà rắn như đá”. Có thể nói, sự thấu hiểu ấy đã giúp tác giả gửi đến bạn đọc những trang viết rất thực về cuộc sống cũng như cảm xúc của người phụ nữ trong khúc quanh lịch sử đầy biến động năm 1975. Tác giả đã sử dụng lối văn phong bình dị, kể lại những câu chuyện về những người phụ nữ là người thân, người cô đã gặp hay được nghe kể trong câu chuyện của người khác. Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã nói thay tiếng lòng của nhiều đọc giả về sự tinh tế và nhạy cảm của Đinh Giang khi viết về những người đàn bà từng là một phần tuổi thơ của cô: “Chỉ có đàn bà mới có thể viết về đàn bà tinh tế và sâu sắc đến vậy!”.

Mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng ta cùng nhắc nhớ và trân trọng những hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ đã, đang, từng gắn bó, yêu thương và chia sẻ với mỗi người trong cuộc đời.