VĂN HÓA

Những thiên sứ thầm lặng nhưng không ngồi yên

LNM • 26-02-2021 • Lượt xem: 8515
Những thiên sứ thầm lặng nhưng không ngồi yên

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương với những kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc về tâm lý học đường. Không chỉ vậy, ông còn là một người luôn sẵn lòng đồng hành cùng với những áp lực công việc cũng như cuộc sống của nhiều người với mong muốn cùng nắm tay nhau… đi qua hoang mang.

Còn câu chuyện của bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy, một bác sĩ vẫn đang âm thầm hàng ngày với công việc tại Bệnh viện Tâm thần khiến bạn đọc hiểu thêm về những hi sinh thầm lặng của những “thiên sứ ngành y” vẫn cặm cụi chữa bệnh cứu người mỗi ngày.

Chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc DDVN hai câu chuyện đặc biệt của hai nhân vật thú vị này.

TRỞ THÀNH ĐIỂM TỰA CHO NGƯỜI KHÁC LÀ HẠNH PHÚC LỚN LAO

Trẻ em và phụ nữ là những người luôn gắn bó với nhau. Đứa trẻ lớn lên và phát triển thành tựu hay không, cần rất nhiều tâm và sức của người mẹ. Là chuyên gia tâm lý học đường, ông đánh giá như thế nào về quan niệm này?

TS. Lê Nguyên Phương: Tôi không nghĩ đó là một quan niệm mà đó là một sự thật. Không chỉ ôm ấp đứa con trong bào thai 9 tháng 10 ngày, người mẹ trải qua nhiều năm tháng lớn lên và vui buồn cùng con. Trong quá trình đó, chắc chắn người mẹ đã dành nhiều tâm sức của mình quan tâm và hỗ trợ con không chỉ tồn tại, mà còn trưởng thành và thăng tiến về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, và một số trường hợp cả tâm linh. Dĩ nhiên không phải người mẹ nào cũng ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình, kiến thức về sự phát triển trong các lãnh vực khác nhau của trẻ, và phương cách để thực hiện những kỳ vọng đó. Và không ai có thể thực hiện sứ mệnh đó một mình mà không có sự hỗ trợ của những người xung quanh, đầu tiên là người cha của những đứa con, rồi đến thân thích và bạn bè, rồi cả xả hội và dân tộc. Nhưng đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là sự hiện diện của người mẹ trong cuộc đời của mỗi con người.    

COVID-19 đang ảnh hưởng tới phụ nữ văn phòng rất nhiều, vì họ đi làm mà vẫn phải trông con, nhất là những phụ nữ có con học tiểu học, các cháu còn nhỏ, khả năng tự thích nghi tự học tự chơi còn chưa ổn. Ông có lời khuyên nào giúp họ không?

Nếu cho phép tôi có lời khuyên thì lời khuyên của tôi rất đơn giản. Hãy thực tập việc luyện tâm để tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn. Và “không thèm” nghĩ tới những gì mình biết rõ không thay đổi được. Hãy để giải pháp đến và thực sự giải pháp đúng đắn nhất chỉ sẽ đến khi tâm chúng ta bình an. Học cho thật nhiều kỹ năng mà không có một tâm bình an thì cũng giống như học múa bài quyền mà không tập nội công, đi một vài thế đã thở hổn hển. Học cho nhiều kỹ năng dạy con, mà con mới làm gì thì đã nổi giận, đau buồn thì chẳng thể sử dụng được những kỹ năng đó hữu hiệu. Và khi nói đến tâm bình an, đừng tưởng tượng rằng mình lúc nào cũng phải an lạc, miệng mỉm cười, đi đứng từ từ. Tâm bình an là tâm có thể trở về trạng thái thanh thản nhanh chóng khi phiền não chứ không phải tâm chết cứng ở một trạng thái.   

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trong một buổi đào tạo huấn luyện - Ảnh: NVCC

Bản thân là một chuyên gia tâm lý, ông có bao giờ bị những khó khăn, rắc rối về các áp lực đời sống quật ngã?

Bạn bè tôi ở Việt Nam thường cho rằng “dao bén không gọt được chuôi”. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình học Tâm lý học, đặc biệt là Tâm lý trị liệu, mà không áp dụng được hữu hiệu trong đời sống của mình thì thật sự chưa dám gọi là chuyên gia. Trong câu hỏi của bạn có từ “quật ngã,” có lẽ cũng phải định nghĩa nó là gì. Tôi quả thật nhiều lần hoang mang, nhiều lần thất bại, và có thể đôi lần tuyệt vọng. Nhưng may mắn là chưa thấy việc đó là bị “áp lực đời sống quật ngã”, đặc biệt là chưa bao giờ có hành động tự hại tự hủy. Tôi chỉ xem đó là các trạng thái tâm biểu hiện khi thói quen nhận thức và tập quán cảm xúc của chúng ta còn chưa hoàn toàn tự do. Chúng ta thường cho các yếu tố ngoại cảnh là nguyên nhân của khổ đau, nhưng ngoại cảnh nào mà không được truy nhận bởi tập quán nhận thức và cảm xúc của chúng ta phải không? Vì thế từ các phương pháp trị liệu tâm lý đến các việc thực hành tâm linh đều nhấn mạnh khía cạnh thay đổi nhận thức, cảm xúc và hành vi.  Khi chúng ta thay đổi, cuộc đời sẽ nhẹ nhàng hơn.

Bạn đọc DDVN rất mong ông chia sẻ với họ những bí quyết giúp chúng ta trưởng thành hơn, vững vàng hơn trước áp lực cuộc sống?

Bí quyết của tôi nó là một tiến trình của sự chuyển hóa. Tiến trình này bắt đầu bằng việc tự thức [self-awareness] những diễn trình của thân và tâm với ngoại cảnh và sự tương tác của những tiến trình đó với nhau mỗi lúc. Khi ý thức được chúng, chúng ta sẽ có một tri thức chân thực về chính chúng ta, thay vì ảo tưởng huyễn hoặc về chính mình do mình tự tạo hay nhập tâm từ lời phê bình sai lệch của ai đó.  Điều này tôi gọi là tự tri [self-knowledge]. Nhờ đó chúng ta mới có thể tự quyết [self-determination], khả năng quyết định một cách tỉnh thức không bị những mê mờ bởi những khung nhận thức sai lầm, những cảm xúc nóng nổi, và những hành vị tự bại. Sau đó là hai giai đoạn tự chủ [self-governance] và tự lập [self-constitution] để đưa chúng ta đến tâm thức tự do [self-liberation]. Khi thực sự tự do, chúng ta sẽ vững vàng trước những áp lực của cuộc sống.   

Là một chuyên gia tâm lý, hẳn nhiên ông sẽ luôn luôn bận rộn, luôn luôn được nhiều người muốn trở thành điểm tựa cho những khó khăn của họ, nhất là những khó khăn trong tâm hồn. Vậy ông thấy đó là niềm vui được lắng nghe sẻ chia hay là một áp lực? Ông đối diện như thế nào?

Tôi thấy cảm kích chứ không phải là niềm vui lẫn áp lực khi họ chọn mình để chia sẻ những khó khăn từ trong cuộc sống đến trong tâm hồn của họ. Nói chung, nó làm một tâm đồng cảm, vì chính mình cũng thấy hình ảnh và tâm trạng của mình qua câu chuyện của họ. Khi lắng nghe tôi thường để tâm trống và dành trọn vẹn sự chú tâm của mình cho họ. Một tách trà chỉ có thể đón nhận dòng nước từ bình nếu nó còn trống. Một số chuyên viên tham vấn khi mới hành nghề dễ bị nhấn chìm trong tâm trạng tiêu cực vì bị ám ảnh bởi những câu chuyện của thân chủ, từ việc bị bạo hành đến xâm hại.  Thế nhưng, với sự đối diện đồng cảm chứ không phải là đồng hóa, chúng ta sẽ có thể lắng nghe trọn vẹn đau khổ của thân chủ mà không bị phiền não theo, đi vào cảnh giới của họ mà không bị kẹt trong cảnh giới đó. Có thoát ra được tâm trạng khổ đau đó, chúng ta mới hướng dẫn được thân chủ cùng thoát ra.  Và nếu vì thế mà chúng ta trở thành nơi nương tựa cho họ thì quả thật là điều hạnh phúc lớn lao.  

Là một người làm công việc tư vấn tâm lý, và cũng bận rộn với lịch làm việc ở cường độ cao, ông có thể khái quát ngắn gọn để độc giả có thể biết được những dấu hiệu cần phải chú ý của biểu hiện tâm lý bất thường và một số cách điều chỉnh?

À trả lời câu hỏi với đề tài này thì phải viết cả một cuốn sách hay ít nhất là một bài báo riêng đấy. Nói vắn tắt thì như thế này, theo đa số định nghĩa rối loạn tâm lý của Tây, khi nào một biểu hiện tâm lý ảnh hưởng tiêu cực làm gián đoạn đến sinh hoạt hàng ngày của chúng ta thì đó là tâm lý bất thường. Theo đạo học của Đông thì ngày nào còn chưa giác ngộ giải thoát thì ngày đó tâm lý vẫn còn bất thường. Vì thế đừng dùng những thang đo hay khuôn mẫu của xã hội hay văn hóa để tự nhận hay phê bình ai đó là bất thường. Một con người sáng tạo và tự do có thể bị nhiều người lên án là bất thường. Và việc tự điều chỉnh phải bắt đầu bằng việc thông hiểu và chấp nhận là mình đang ở trong trạng thái đó nhưng đồng thời mong muốn giải thoát ra khỏi trạng thái đó. Chúng ta có thể tự điều chỉnh bằng cách thay đổi hành vi đi cùng thay đổi nhận thức, đặc biệt là cách nhìn và đánh giá vấn đề. Dĩ nhiên nếu không tự làm được thì phải nhờ chuyên gia thôi.    

Xin cảm ơn ông! Chúc ông có nhiều niềm vui trong công việc!

Tiến sĩ (TS.) Lê Nguyên Phương tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý Giáo dục và Học đường tại Đại Học California State, Long Beach và Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California. TS. Phương đã có kinh nghiệm trên 18 năm là chuyên gia Tâm lý Học đường tại các học khu lớn ở bang California, đảm nhận việc đánh giá, tham vấn, và can thiệp cho lứa tuổi từ mầm non đến đại học. Ông cũng là Giáo sư giảng dạy chương trình Tâm lý Học đường và Tham vấn Tâm lý tại Đại Học California State, Long Beach và Chapman University. Ngoài ra, TS Phương còn cung cấp dịch vụ tham vấn và điều trị tâm lý theo các liệu pháp tâm lý như Tập trung vào Giải pháp, Nhận thức Hành vi, và đặc biệt Thân nghiệm cho các thân chủ ở mọi lứa tuổi có các rối loạn về cảm xúc và nhân cách.  Vào năm 2011, TS. Phương là người đầu tiên nhận giải Chuyên Gia Thực Hành Tâm Lý Học Đường Quốc Tế Kiệt Xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA).  Ông cũng là chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2014-2019) và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam (CASP-V) vào năm 2009.

 

XEM CẢM NHẬN KHỔ ĐAU CỦA BỆNH NHÂN NHƯ NỖI ĐAU CỦA MÌNH

(ThS. BS CK I. Giang Ngọc Thụy Vy – Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM)

Chưa ai dám phủ nhận sự vất vả của ngành y. Không có ngành này sức khỏe con người không biết sẽ đi về đâu. Thông thường với nghề nghiệp khác, các trí thức bậc cao hiếm khi phải trực tiếp làm công việc chân tay nhưng với nghề y là ngoại lệ. Nhiều người trong quá trình làm việc, thường bị kiệt sức. Nhưng có một thực tế, bệnh nhân hoặc những người ngành khác lại hay nghĩ rằng bác sĩ hay những ai làm trong ngành y tế… đều là siêu nhân, vì họ chữa bệnh được cho người khác thì hẳn nhiên sẽ vượt qua được những khó khăn của bản thân dễ dàng.

Quan niệm đó, chị có đồng tình hay ý kiến gì không? Mong chị chia sẻ những việc mà hàng ngày chị làm tại nơi đang công tác để bạn đọc có thể hình dung và hiểu hơn về những hi sinh thầm lặng của một bác sĩ chuyên khoa về Tâm thần?

Đầu tiên, tôi có thể đồng cảm với quan điểm nhìn bác sĩ hay nhân viên y tế là những siêu nhân vì không hiếm người trong xã hội có cách nhìn nhận như vậy. Tuy vậy, đồng cảm không có nghĩa là đồng thuận vì chúng tôi cũng chỉ là con người đang làm một công việc liên quan chăm sóc sức khỏe cho người khác thôi. Có thể những kiến thức và kinh nghiệm trong nghề giúp chúng tôi có thêm phương cách hỗ trợ cho mình bước đầu nếu mình gặp phải những vấn đề sức khỏe tương tự. Tuy vậy, việc hiểu biết và ứng dụng thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bởi lẽ, công việc hàng ngày là trách nhiệm mà chúng tôi cần thực hiện ngay khi người bệnh tự ý thức tìm đến hoặc người nhà đề nghị đến khám. Còn chúng tôi, với bộn bề công việc lẫn những vai trò, bổn phận khác nhau, không phải ai cũng ưu tiên tìm hiểu vấn đề sức khỏe của mình để được chăm - chữa trước hết. Đặc thù của nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần là không chỉ quan tâm triệu chứng bệnh lý mà còn dành thời gian tìm hiểu những nguồn căn tâm lý - xã hội. Vì vậy, bên cạnh công việc khám-chăm-chữa cho người bệnh, chúng tôi còn dành thời gian lắng nghe để có thể giúp người bệnh và thân nhân cảm thấy mình được thấu hiểu và cởi mở giãi bày. Việc trao đổi chân thành và tin tưởng trong mối quan hệ trị liệu góp phần quan trọng trong đáp ứng cải thiện và hiệu quả điều trị của người bệnh. Vì vậy, ngoài áp lực công việc trong thăm khám lượng lớn người bệnh và chịu trách nhiệm về sức khỏe của họ thì việc thường xuyên tiếp xúc với những vấn đề tiêu cực của người bệnh gặp phải không chỉ do bệnh tật mà còn qua những chia sẻ của họ trong cuộc sống dễ gây ra kiệt sức nghề nghiệp cũng là một trong những rào cản khiến chúng tôi ít để ý đến khó khăn của chính mình.

ThS. BS CK I. Giang Ngọc Thụy Vy- Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Có thể nói lĩnh vực mà chị đang theo đuổi là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp, vì nó gắn liền với tâm lý mà lại là tâm lý của người bệnh. Vậy bí quyết riêng để chị có thể vượt lên những khó khăn hàng ngày là gì? Với những bệnh nhân tâm lý, một chuyên gia như chị, luôn nắm vững những nguyên tắc nào để giúp họ và là điểm tựa an toàn cho họ điều trị?

Thật ra, tôi chẳng có bí quyết gì mà chỉ thường tự nhủ mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp trong nghề khi đủ điều kiện tham gia và theo đuổi công việc mình yêu thích hơn 15 năm qua. Đối với tôi, được làm công việc mình yêu thích mà vẫn có thể sinh sống và chăm sóc bản thân cùng gia đình chính là động lực lớn để tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp.

Nguyên tắc lớn nhất của tôi trong việc chăm sóc người bệnh chính là xem cảm nhận đau khổ của họ như nỗi đau của mình hay người thân của mình mà cư xử với họ bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, dành đủ thời gian và hết lòng chăm chữa cho họ trong khả năng của mình. Kỹ thuật điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần không ít nhưng điều tiên quyết người bệnh tâm lý cần ở một nhà trị liệu chính là trái tim biết rung cảm với nỗi đau và chấp nhận những đặc tính riêng của họ thì mới tạo sự an toàn và tin cậy cho họ trong điều trị. Bên cạnh đó, tôi cần không ngừng học hỏi và thực hành để nâng cao chuyên môn khám-chữa bệnh để chữa trị có phương pháp thực chứng khoa học và luôn đánh giá hiệu quả công việc mình làm. Tôi hay đùa với đồng nghiệp của mình là bác sĩ tâm thần hay nhà trị liệu tâm lý lại càng cần “trái tim nóng và cái đầu lạnh”.

Ngành y chưa bao giờ là một ngành nghề nhàn hạ, người theo đuổi nó hẳn nhiên phải là người có sự dũng cảm, yêu nghề, tận tâm vì bệnh nhân. Vậy những khi stress vì công việc, lửa nghề có vì thế mà nhạt đi?

Như ngọn lửa, trong tình yêu đối với ai đó hay công việc, sau khi bén lên, thì dù bùng phát như thế nào, nếu ta để vậy mà không có thêm bất cứ sự đầu tư, xây dựng hay phát triển thì chắc chắn nó sẽ tàn lụi và tắt ngấm, đặc biệt khi cuộc sống có thêm nhiều áp lực hay căng thẳng khác thì tiến triển này càng nhanh hơn.

Vì vậy, tôi thường phòng bệnh hơn là chữa bệnh bằng cách đều đặn cho mình không gian, thời gian hàng ngày, hàng tuần cho việc chăm sóc đời sống tinh thần và thể chất của mình như tập thể dục, đọc sách, hát hò… Tuy nhiên, đôi khi có những biến cố ngoài dự liệu khiến mình căng thẳng nhiều hơn thì chính là lúc tôi cần ý thức điều đó diễn tiến như thế nào trên chính mình và người xung quanh và ứng dụng tích cực hơn những kiến thức và kinh nghiệm trong ứng phó lành mạnh về mặt tâm lý như gia tăng lòng biết ơn, trân trọng cuộc sống, chọn lựa những suy nghĩ có ích hơn cho sức khỏe của mình hay tìm đến những người mà mình trân quý để chia sẻ. Hơn nữa, cũng như đối với những tình yêu khác, để lửa nghề không tắt thì tôi cũng không ngừng học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề trong công việc cùng các đồng nghiệp của mình. Nhờ đó, những phát hiện mới trong chẩn đoán, can thiệp và phòng ngừa giúp tôi cảm thấy bất ngờ và thú vị, tình yêu nghề vì vậy mà được thêm nung nấu.

Trước sức ép của cuộc sống hiện đại, thêm đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới tất cả mọi mặt của đời sống trên toàn thế giới, vai trò của một bác sĩ tâm thần, thạc sĩ về tâm lý học lâm sàng… cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và công việc của bác sĩ như chị. Chị vượt qua chính mình bằng cách nào và chu toàn đời sống cá nhân như thế nào?

Thật sự, thời điểm đầu dịch xuất hiện, bản thân tôi không tránh khỏi những lo lắng và hoang mang vì mình vốn sinh ra trong thời kỳ hòa bình, những khó khăn về dịch bệnh hay đói nghèo, chiến tranh thì chỉ có trong câu chuyện kể của ông bà và cha mẹ. Tuy vậy, vốn sống và nghề nghiệp lần nữa giúp tôi xử lý khủng hoảng này từng bước trong sự nhẹ nhàng và bình tâm. Tôi đón nhận cảm xúc lo lắng ban đầu như một phản ứng tâm lý hiển nhiên và chấp nhận nó. Việc chấp nhận cảm xúc không đồng nghĩa với việc phó mặc cuộc sống hay số phận mà chính là để mình hiểu sức khỏe quan trọng như thế nào và dịch bệnh chính là một mối nguy cơ quan trọng đến nó. Để từng bước ứng phó tốt với giai đoạn dịch bệnh này, tôi càng chú trọng đảm bảo lối sống điều độ và tích cực cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên cập nhật những phương cách ứng phó và phòng chống dịch bệnh của cơ quan mình làm việc cũng như những kênh thông tin sức khỏe chính thống khác để thực hiện cho bản thân và gia đình lẫn trong công việc. Tôi chọn cách ứng phó không quá cực đoan trong thời gian này mà trong cuộc sống cá nhân và gia đình, tôi cân bằng việc quan tâm, có nhận thức và tạo thói quen phòng chống dịch bệnh một cách khoa học và đúng đắn cùng việc tăng cường lối sống tích cực, điều độ.

Hiện nay, rất nhiều phụ nữ nói riêng bị áp lực: Công việc, con cái, gia đình… Nhiều người rơi vào stress, thậm chí trầm cảm, rối loạn lo âu… là một bác sĩ về tâm lý, chị có thể trao gửi gì với bạn đọc của Duyên Dáng Việt Nam không ạ?

Cuộc sống hiện nay, nếu nói về áp lực thì theo tôi, nam giới hay phụ nữ đều có thể gặp phải, chỉ là nguồn cơn ảnh hưởng chính gây ra sự căng thẳng thì mỗi người sẽ khác nhau. Là phụ nữ cũng như làm việc với khá nhiều thân chủ, bệnh nhân cũng là phụ nữ, tôi nhận thấy phụ nữ Việt Nam dễ bị áp lực từ gia đình và con cái nhiều hơn. Có lẽ, đã từ rất lâu, phụ nữ được đóng sẵn con dấu trong tiềm thức của mình về vai trò và trách nhiệm rất quan trọng trong chăm sóc con cái và những người khác trong gia đình. Vì vậy, nếu hiện nay có thêm yêu cầu đi làm việc để khẳng định bản thân hay vì mưu sinh, hỗ trợ tài chính thì lại càng căng thẳng. Tuy vậy, tôi xin chia sẻ điều cốt lõi chính là cách chúng ta nhận thức về vấn đề. Dù là ai, một khi là người trưởng thành, chúng ta có quyền suy nghĩ và chọn lựa những điều chúng ta làm cho chính mình và người khác. Điều giúp chúng ta có thể “cực” nhưng không “khổ” chính là ta tìm thấy ý nghĩa, niềm vui khi ta thực hiện những điều đó, đặc biệt nếu chúng xuất phát từ tình yêu thương ta dành cho gia đình hay công việc của mình. Và đôi khi, nếu cảm thấy mệt mỏi do quá sức, ta cần nhận biết và yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác để giảm tải việc, có thêm thời gian cho bản thân để sạc thêm nguồn năng lượng yêu thương cho chính mình rồi lan tỏa cho người khác hay làm tốt công việc đang làm. Ngoài ra, mong những người đàn ông bên cạnh (là ông, là cha, chú hay chồng, con trai…) hiểu rằng một khi người phụ nữ cảm nhận được yêu thương và trân trọng thì họ sẽ có thêm sức mạnh và năng lượng để trao gửi lại cho người xung quanh mình càng nhiều điều tích cực hơn.

Có thể nói về những thiệt thòi đặc trưng của nghề này không ạ?

Mỗi nghề nghiệp đều có những điều hay riêng kèm những giới hạn riêng nên tôi nghĩ nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng vậy. Ngoài những đặc tính khó khăn của bác sĩ, nhân viên y tế nói chung thì nghề này đòi hỏi chúng tôi thường phải hạn chế bộc lộ quá nhiều về cá nhân mình. Cá nhân tôi, trong công việc cũng như được đào tạo, tôi cần lưu ý sự nhạy cảm của người trong giai đoạn mắc bệnh thường sẽ bị ảnh hưởng bởi thể hiện bên ngoài của người điều trị cho họ như cách ăn mặc, đi đứng, cư xử, lời nói… đều cần sự bình tĩnh và thực hiện trong sự tỉnh táo. Đôi lúc, người bệnh vì những vấn đề cảm xúc hay hành vi mà phản ứng bất ngờ nên chúng tôi cần cẩn trọng khi làm việc. Bên cạnh đó, chúng tôi không thể thoải mái bộc lộ bản thân mình và gia đình trên các trang mạng xã hội như các đồng nghiệp ngành khác để đảm bảo người bệnh không có thêm sự so sánh tiêu cực hay căng thẳng. Ngoài ra, nhận thức về sức khỏe tâm thần dù đã được nâng cao hơn nhưng vẫn chưa hết những kỳ thị từ xã hội nên khi gặp gỡ người bệnh, dù trong tiến trình điều trị hay đã điều trị thì tùy vào thái độ của người bệnh mà chúng tôi chọn chào họ nếu họ chủ động chào mình hay xem như không biết nhau nếu họ thấy mà ngó lơ mình. Bên cạnh đó, điều cũng hay gặp do vấn đề này là người bệnh cũng có lúc lần đầu đến khám không chấp nhận mình bệnh mà thể hiện chống đối, ngó lơ, thiếu hợp tác với bác sĩ chứ không tôn trọng và tuân thủ như với ngành nghề khác.

Tuy vậy, khi bước vào nghề này, qua quá trình làm việc và rèn luyện, tôi xác định rõ đó cũng là những thiệt thòi hay hạn chế của người bệnh. Vì thế, nếu muốn gắn bó và theo đuổi nghề nghiệp này, tôi cần chấp nhận vì hiểu thấu khó khăn của người bệnh cũng như kiên trì trong việc từng bước giúp xã hội gia tăng nhận thức phù hợp về sức khỏe tâm thần lẫn vai trò của phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý tâm thần.

Xin cảm ơn chị! Chúc chị có nhiều sức khỏe để theo đuổi công việc hiện tại của mình!