Quizshow dạng giải trí đã và đang là “món ăn” được khán giả yêu thích, bởi mang đến cảm giác đây là sân chơi chung của mọi người, chứ không phải là sân chơi phô diễn tài năng của riêng một nhóm người chơi.
Bên cạnh những gameshow thi kiến thức dạng “trí tuệ” như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú thì các gameshow hỏi đáp “bình dân” vẫn được nhiều người yêu thích, vì tính giải trí cao, và phổ quát được cả kiến thức đời sống một cách hữu ích.
Vui là chính
Thời gian qua, đã có rất nhiều gameshow hỏi đáp (quizshow) đậm yếu tố giải trí như Chọn ai đây, 5 giây thành triệu phú (HTV7), Chọn đâu cho đúng, Tỷ lệ may mắn, Úm ba la ra chữ gì?, 100 triệu 1 phút, 5 vòng vàng kỳ ảo (VTV3)… Tuy nhiên, sự nở rộ gần đây của những quizshow không chỉ thuần giải trí mà còn cả những kiến thức vui, bổ ích - chẳng hạn Nhanh như chớp, một gameshow hỏi nhanh đáp gọn với những câu hỏi mẹo vui là chính - lại được người xem yêu thích.
Các quizshow hiện nay phủ sóng màn ảnh nhỏ các ngày trong tuần
Tuy chung hình thức là thi hỏi - đáp, nhưng mỗi gameshow có định dạng khác nhau, tạo ra sự phong phú, khó trùng lắp. Chọn ai đây lấy ý tưởng từ trò chơi ca rô quen thuộc, Úm ba la ra chữ gì? đoán đáp án dựa trên các từ được gợi ý. Ở Tỷ lệ may mắn xuất hiện thêm vai trò của hai thành viên gọi là Người dẫn đường và Kẻ gây rối, để người chơi chọn có nghe theo họ tư vấn không, trước khi chốt đáp án. 5 giây thành triệu phú cũng có ban tư vấn, kèm theo việc sử dụng ba quyền trợ giúp: Đổi đáp án, Đổi câu hỏi và Vượt qua câu hỏi. Chọn đâu cho đúng gây hồi hộp vì trả lời sai sẽ bị két sắt mô hình đè. Ở 5 vòng vàng kỳ ảo, người chơi phải vận dụng kiến thức, sự hiểu biết, sự nhanh nhạy và phán đoán dựa trên tình hình thực tế ngay tại hiện trường để đưa ra câu trả lời.
Trong các gameshow này, những màn giao lưu, tương tác của người chơi là nghệ sĩ chiếm thời lượng nhiều hơn cả phần nội dung các câu hỏi - đáp. Các màn pha trò, “chặt chém” nhau của nghệ sĩ không chỉ được dùng để giữ chân khán giả, mà còn trở thành nội dung quảng bá trước mỗi số phát sóng. Những câu hỏi trong chương trình phần lớn cũng nhẹ nhàng, chỉ là những kiến thức, hiểu biết cơ bản, phổ biến về mọi mặt trong đời sống. Để trả lời được, người chơi chỉ cần có kinh nghiệm sống, biết nắm bắt thông tin thời sự, thậm chí bắt “trend”. Chẳng hạn có những câu đố vui, vô thưởng vô phạt kiểu “kết phim The Avengers, nhóm siêu nhân làm gì (Chọn ai đây), tìm mặt dây chuyền của nghệ sĩ Tấn Beo (5 vòng vàng kỳ ảo)…”.
Nỗ lực làm mới
So với loại hình chương trình truyền hình cũng được nhiều người yêu thích là truyền hình thực tế, thì các gameshow dạng quizshow có tuổi đời lâu hơn. Từ những năm 1990-2000, khán giả đã biết đến SV 96, Chung sức, Rồng vàng, Vui để học.
Gameshow Úm ba la ra chữ gì?
Không chỉ đã cũ trong mắt khán giả, mà so với truyền hình thực tế vốn có thể khai thác mâu thuẫn từ người chơi với người chơi, người chơi với giám khảo, phát ngôn gây sốc… để đẩy lên thành cao trào thu hút người xem, thì một chương trình chỉ ghi hình trong trường quay như quizshow rất khó tìm ra các yếu tố hấp dẫn để khai thác. Không có gì để kéo người xem cũng đồng nghĩa chương trình khó tìm được nhà tài trợ.
Chia sẻ về những khó khăn và nỗ lực thay đổi để thích ứng với nhu cầu khán giả hiện nay, anh Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc BeeComm (đơn vị sản xuất Chọn đâu cho đúng, Tỷ lệ may mắn, Úm ba la ra chữ gì?) - cho biết: “Quizshow xuất hiện đã lâu nhưng vẫn tồn tại và nở rộ, là vì loại hình này dễ sản xuất, không tốn nhiều chi phí, mọi khán giả đều có thể xem và tương tác. Tuy nhiên, qua mỗi giai đoạn phát triển, quizshow buộc phải có thay đổi để phù hợp với thời đại, nhu cầu của khán giả.
Hiện nay, vai trò truyền bá kiến thức thông qua quizshow không còn được xem là yếu tố quan trọng nhất nữa, vì mọi kiến thức đều đã có trên internet, cho nên các quizshow thêm vào yếu tố giải trí nhiều hơn để thu hút khán giả. Chẳng hạn chương trình đưa ra năm đáp án, nhưng chỉ có ba đáp án đúng cho một câu hỏi, để tạo sự hồi hộp, kịch tính và khác biệt với dạng chỉ có một đáp án đúng. Các câu hỏi đậm yếu tố thư giãn, thiên về thông tin đời sống, thay vì cung cấp kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nào đó. Điều này giúp người chơi là văn nghệ sĩ bớt áp lực khi tham gia, và mở rộng đối tượng người chơi đến những người bình thường, để người xem không có cảm giác nhàm chán.
Điều lo nhất khi sản xuất quizshow là tìm MC. Nghệ sĩ trẻ, hoạt ngôn không thiếu, nhưng để cầm trịch được chương trình, MC cần có sự chững chạc, vui vẻ, kiến thức rộng, biết cách xử lý tình huống. Tìm được người hội tụ các yếu tố này không dễ”.
Quizshow dạng giải trí đã và đang là “món ăn” được khán giả yêu thích, bởi mang đến cảm giác đây là sân chơi chung của mọi người, chứ không phải là sân chơi phô diễn tài năng của riêng một nhóm người chơi.Cho dù không thể nâng cao kiến thức chuyên sâu theo từng lĩnh vực, nhưng cách thức mà các quizshow hiện nay đang làm ít nhiều cũng cung cấp những thông tin hữu ích cho nhiều người.
Vừa giải trí, vừa cung cấp một lượng thông tin, kiến thức nhất định cũng được xem là thành công của các quizshow hiện nay. Bởi nhìn nhận ở góc độ phổ quát, một gameshow mà không thể khiến người xem có thể tiếp thu kiến thức từ nội dung vì quá khô khan, mô phạm, thì chương trình cũng xem như thất bại.
Theo Hương Nhu/Phunuonline.com