VĂN HÓA

Nơi để thong dong với... Trịnh Công Sơn

Lê Trọng Phương • 02-04-2020 • Lượt xem: 2082
Nơi để thong dong với... Trịnh Công Sơn

Triển lãm thực tế ảo "Lời thiên thu gọi" giới thiệu 32 bức tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua cây cọ tài hoa là họa sĩ Lê Sa Long lần đầu tiên diễn ra trên Duyên Dáng Việt Nam vào ngày 1/4, kỷ niệm 19 năm ngày Trịnh mất đã gây được sự chú ý với người thưởng thức. Nhà nghiên cứu Lê Trọng Phương từ Đại học Bonn (Đức) vừa gửi đến Ban biên tập bài viết suy nghĩ về nhạc Trịnh khi xem triển lãm độc đáo này...

Tin, bài liên quan:

Triển lãm thực tế ảo: Lời thiên thu gọi thu hút nhiều người xem dẫu không cần phải gặp nhau

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cầu vồng của thơ

Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng

Nhạc, ca từ Trịnh Công Sơn, và chính bản thân ông ở cương vị nghệ sĩ, đi vào lòng người một cách tự nhiên, và sẽ mãi có một chỗ như thế trong tâm trí mọi người, bất kể họ tiếp cận nhạc Trịnh từ góc cạnh nào.

Trịnh Công Sơn, trong những tác phẩm để đời, thường nói tới “cõi tạm”. Cõi này là một khái niệm phổ biến, vâng, thế nhưng chưa hẳn là ông nói tới nơi chốn nào đó của mình.

Cuộc đời thực, với mọi hỉ nộ ái ố, qua ca từ cũng đã được “uyển hoá”, cả trong những ca khúc về đau thương, buồn khổ.

Có lần Trịnh Công Sơn nhắc tới "không gian đã được đóng kín lại cho một cõi riêng tư...".

   Triển lãm "Lời thiên thu gọi" của họa sĩ Lê Sa Long là triển lãm công nghệ thực tế ảo lần đầu tiên diễn ra trên DDVN gây chú ý với công chúng thưởng thức. Triển lãm kéo dài đến ngày 30/4/2020.

Ông không tự xác định mình ở đâu trong thế giới đó, cũng không để người thưởng ngoạn xác định mình. Có thể nói, ông ở một nơi nào đó giữa chừng, và có khi chính ông cũng không muốn khẳng định gì trong chiều hướng này.

Vì không muốn hay vì chưa định hình được? Cũng vì thế mà luôn còn những diễn giải về Trịnh Công Sơn? 

Nghe nhạc và ca từ Trịnh Công Sơn, thích, cảm, ngẫm, đắm mình trong những câu như thơ, những lời như tâm sự, những ý tưởng như triết lý cô đọng. Chắc chắn rằng ai cũng tự thấy mình đang làm một trong những việc này khi nghe Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh - Thư tình gửi một người (Tranh họa sĩ Lê Sa Long)

Có người tìm thấy trong đó những gì mình muốn cho mình song không được, không có được.

Có người tuy đã có được gì đó nhưng nhận ra còn nhiều cái khác đáng để tâm vào, dẫn dụ thả hồn vào, cất bước đi theo.

Có người muốn khoác lên một vẻ, sắc thái khác, ý nghĩa thấy ra trong ca từ cho những gì đã có, muốn thăng hoa điều đã trải.

Có người muốn có cái khác, dù chỉ trong ý tưởng, liên tưởng, thay thế những gì mình đang có. 

Ở “nơi để thong dong” đâu đó giữa chừng này, người thích những bài hát của Trịnh Công Sơn khó mà tự nhận dạng, nhận diện mình được. Có lẽ đây là nguồn cảm hứng không phân biệt ai với ai, người tiếp cận từ đâu, người diễn đạt tiếp thế nào, không khiến người ta phải nhìn lại nhân thân, mà hướng tầm nhìn vào đâu đó giữa chừng. 

Nhà nghiên cứu Lê Trọng Phương, Đại học  Bonn (Đức)

-----------

(*) Chú thích: Tựa từ ý câu 

“Thong dong sẽ có nơi này
Bạn bè bốn phía có rày có mai.” 
Trịnh Công Sơn, 1998 

Nhân xem triển lãm "Lời thiên thu gọi" của họa sĩ Lê Sa Long trên gallery ảo Duyên Dáng Việt Nam.

Để theo dõi triển lãm, quý đọc giả bấm vào : Tại đây .

Ngày 1 tháng 4 năm 2020

Lê Trọng Phương